Bỏ tiền tỷ hầu đồng: Sự linh ứng hay buôn thần, bán thánh?


Hầu đồng chứa đựng một di sản về văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn... vô cùng lớn lao. Tuy nhiên, ngày nay, nghi lễ này đang bị biến tướng, trở thành trò mê tín dị đoan, buôn thần, bán thánh đến mức đáng báo động.

buon-than-ban-thanh

Từ cô giáo thành cô đồng

Thông thường, những dịp cuối năm hay đầu năm, hoạt động hầu đồng tại các đền, chùa, phủ... rất sôi nổi. Các đền như đền Quan (Bắc Ninh), đền Bảo Hà (Lào Cai), Thác Bờ (Hoà Bình), đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương)... nhộn nhịp các con nhang đệ tử theo hầu để lễ tạ sau một năm rủng rỉnh tài lộc.

Chị N.T.Mai (Đông Anh, Hà Nội), trước kia nức tiếng trong vùng là một giáo viên dạy giỏi môn xã hội, khéo léo trong giao tiếp, những năm gần đây chị lại nổi tiếng hơn với vai trò là một cô đồng. Tìm gặp chị, tôi khá bất ngờ, chị không chỉ đẹp mà là người rất hiểu văn hóa. Chị kể rằng, từ nhiều năm nay, chị bị bệnh tật triền miên, thường xuyên phải đến bệnh viện nhưng cứ khỏi được vài ngày lại ốm. Mẹ chị đi xem bói về nói rằng, chị có “căn số” cao và đang bị “cơ đày”. Thầy bói khuyên chị nên tìm một quan thầy dẫn dắt ra hầu đồng thì mới khỏi bệnh tật được.

Mới đầu, chị không tin, nhưng đầu xuân cách đây vài năm, chị đi lễ đền, gặp một bà trong “bản hội” bây giờ giới thiệu về hầu đồng, hầu bóng có thể chữa được bệnh. Chị cũng thử đi xem thế nào. Sau một năm, sức khỏe ổn định hơn, chị xin nghỉ hẳn giảng dạy ở nhà, dành thời gian để tụ họp cùng “bản hội”.

Gần đây, thầy khấn rằng, chị Mai vẫn chăm chỉ đi theo hầu đồng thì ấn định địa điểm linh thiêng phù hợp với “căn” của chị nằm tại ngôi đền ở thôn Thanh Sơn, phường Vũ Ninh, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Sau khi nghe “thầy” phán, chị tất tả về Bắc Ninh đặt trước cho nhà đền 2 triệu đồng và bồi dưỡng cho các ông bà trông nom đền vài trăm nghìn đồng để tiện bề giúp đỡ chị. Rồi chị mất cả tuần đi đặt dàn cung văn, chọn lựa nhạc trống, người hát cho canh hầu. Cả công việc mua hàng mã: Hình nộm người, voi, thuyền, nhà... chị cũng tự mình đi về Đông Hồ, Bắc Ninh địa phương nổi tiếng về làm đồ mã đẹp để đặt hàng.

Đến buổi hầu đồng, PV không khỏi choáng ngợp khi thấy những lễ vật mang theo để dâng cúng được chở đầy 2 xe ô tô 24 chỗ. Suốt 3 tiếng đồng hồ, thầy cúng làm các nghi lễ khấn bái, cầu xin thánh thần. Đến trưa, các mâm cỗ phục vụ bữa trưa được thanh đồng đặt từ trước lần lượt được bê vào. Buổi hôm đó, có hơn 60 người đi cùng, tiền ăn nghỉ từ sáng sớm đến chiều tối có đến hơn chục triệu đồng.

Hàng trăm triệu đồng để “phục vụ thánh”

Sau một vài giá đồng “dẫn đường”, chị Mai cũng được cho lên điện “hầu thánh”.  Bốn tứ trụ lại thoăn thoắt thay áo, trang điểm, vấn đầu tóc cho chị. Giọng hát văn vẫn réo rắt, lúc chán chường, não nề, khi ưu tư, phiền muộn. Màn tung tiền lộc là sôi động nhất. Từ già trẻ, lớn bé đều ào lên, xô đẩy để cố lấy được lộc mang về.  Mọi người nói rằng, tán lộc nhiều thì được thánh ban lại cho nhiều lộc nên các thanh đồng không bao giờ tiếc tiền.

Cứ hết mỗi giá đồng lại có một trận mưa lộc gồm tiền và bánh kẹo. Bình thường, nhà nào có điều kiện ở mức trung bình thì chỉ phát lộc tờ tiền mệnh giá 2, 5, 10, 20 cao thì 50.000 đồng. Nhưng buổi hầu lần này là buổi lớn, cô đều phát lộc tiền loại 20.000 đồng trở lên. Tiền vung ra làm ai cũng lóa mắt vì toàn thấy 100.000 đồng, thậm chí thỉnh thoảng hứng lên, cô lại vung tay ném xấp 500.000 đồng ra. Tiền trao tay cho những người bạn cùng đi hầu thì chỉ có loại 500.000 đồng. Nhận lộc từ cô ban, ai nấy đều sì sụp lễ tạ.

Cứ thế, đến giá thứ 20, lúc đó đã gần 22h, đồ lễ mới được phát hết. Bạn bè đi hầu cùng chị Mai ai cũng được lộc gần chục triệu đồng sau buổi hầu. Những người được "cô" ban lộc nhiều nhất thường là cung văn. Tiếp đến là tứ trụ, là người trực tiếp được cô sai khiến bưng bê đồ lễ, hầu rượu, thay áo mão khi tiếp sang giá mới. Lộc thánh cho mọi người mang về chia ra được 60 túi, mỗi túi trị giá 3 triệu đồng. Ai cũng hài lòng, hỉ hả sau buổi hầu đồng. Một người trong đoàn nói với tôi, mỗi giá đồng chị Mai đi, trung bình từ 200-300 triệu đồng.

Chị Mai chia sẻ với tôi, hiện nay mọi người đi hầu đồng rất nhiều. Từ giới văn nghệ sỹ, giới tính thứ 3 và cả doanh nhân thành đạt hay người buôn bán cũng hầu đồng. Họ hàng nhà chị có đến 3 người em họ khác ở Thạch Thất (Hà Nội) cũng thường xuyên phải đi hầu đồng do quá “nặng căn”. Một cô em của tôi năm nay mới 27 tuổi, là một cựu sinh viên của một trường đại học lớn, ra trường mãi không xin được việc, đi xem bói, “thầy” phán, cần đi hầu đồng xin lộc thánh mới xin được việc. Hai năm theo hầu, đến nay, em tôi đã có việc ổn định và có mức thu nhập khá. Cứ một năm đôi lần, nó phải đi lễ tạ ơn. Chị Mai còn kể thêm rằng: “Tôi còn thấy nhiều gia đình do làm ăn không gặp, họ rủ nhau góp chung tiền hoặc đi vay tiền để mua một đêm hầu giải hạn...”.

Đại đức Thích Minh Thông, trụ trì chùa Hoàng Xá: Nhiều người phải đi vay nặng lãi để hầu đồng

Lên đồng được bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ Mẫu (chúa Liễu Hạnh), hoặc thờ Thánh (Đức thánh Trần). Theo tôi, nhân tố tác động mạnh nhất đến hoạt động lên đồng đó chính là niềm tin của con người vào thần thánh và khả năng tiếp xúc giữa con người với thần linh. Ngoài ra, những yếu tố mang tính kích thích tại buổi hầu đồng như tiếng trống, tiếng kèn, âm nhạc, lời ca và sự cuồng nhiệt của các con nhang cũng tạo nên trạng thái biến đổi ý thức của người hầu đồng. Một giá đồng thực sự, hoàn toàn là sinh hoạt văn hoá mang hình thức tâm linh chứ không mang màu sắc "dị đoan".

Song, đáng tiếc là khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nét văn hóa này đang bị lạm dụng, biến đổi thành hình thức mê tín dị đoan, thậm chí là cuồng  tín. Những người hầu đồng ngày nay thường mượn khẩu thần linh để phán xét, hù dọa, quở trách con nhang, đệ tử khiến họ lo sợ. Nhiều người khi bị ốm đau, bệnh tật, làm ăn lụn bại thường đi xem bói và khi “thầy” bói phán rằng: Bị cô hành, “căn đồng số lính”, Mẫu hành, thánh trách phạt... phải đi lễ, phải trình đồng mở phủ, phải hầu đồng, thậm chí có “thầy” bói còn phán rằng, nếu đến ngày này, tháng kia mà không trình đồng mở phủ thì sẽ bị chết.

Tôi từng chứng kiến nhiều người “sống dở, chết dở” chỉ vì nghe lời “thầy” bói mà đi vay nặng lãi để theo hầu đồng. Chính những sự biến tướng này đã làm mất đi nét văn hóa của hầu đồng, làm mất đi sự thanh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng, hầu thánh ngày càng bị biến tướng và lãng phí. Có không ít lễ hầu đồng chi số tiền lên đến nửa tỷ đồng. Còn trung bình một lễ hầu đồng tại các đền, chùa, phủ ngày nay khoảng 200 - 300 triệu đồng, lễ thấp nhất hiện nay cũng phải 70 triệu đồng. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra 50 triệu, 70 triệu đồng mua hàng mã làm lễ, để đốt hầu thánh. Nhưng bảo họ bỏ ra 5.000, 10.000 đồng giúp người nghèo thì họ lại thấy tiếc.

Theo quan điểm Phật giáo, tôi cho rằng, đã là thần thánh, đã là Mẫu thì không bao giờ hù dọa, quở mắng, trách phạt “người trần” mà chỉ ban phúc lành, che chở cho nhân gian. Và, hoạt động lên đồng chính thống không bao giờ mang màu sắc mê tín, dị đoan. Chắc chắn sẽ không có thánh thần nào nhập vào “người trần, mắt thịt” rồi phán phải làm cái này, cái kia thì mới thôi đày.

Đi lễ, hầu đồng cũng phải có tri thức, trí tuệ. Không phải, cứ nhìn thấy Phật là lạy, thấy Mẫu là vái, thấy vua chúa là cầu xin... Phải hiểu, thánh thần là ai, Mẫu là ai, hầu đồng là gì, chứ không phải cứ sì sụp khấn vái, đi hầu Mẫu thường xuyên, đốt nhiều hàng mã, vung tay nhiều tiền để mua đồ cúng bái mới thể hiện sự thành tâm. Phật ở trong tâm của mỗi người, biết nghĩ, sống tốt, biết yêu thương và đùm bọc lẫn nhau mới thật sự là thành tâm và mới sống yên ổn được.