Nợ trần người trả kẻ vay


Ai trong đời cũng ít nhất vài lần mang nợ. Người thì nợ tiền, người thì nợ tình, người thì nợ ân nghĩa… Khi nói đến ‘nợ’ người ta liên tưởng ngay rằng do có hành động ‘vay’, dẫn đến việc mang nợ.

Ai trong đời cũng ít nhất vài lần mang nợ. Người thì nợ tiền, người thì nợ tình, người thì nợ ân nghĩa…Khi nói đến ‘nợ’ người ta liên tưởng ngay rằng do có hành động ‘vay’, dẫn đến việc mang nợ. Chẳng hạn chúng ta mượn tiền bạc của bạn bè trong lúc khó khăn hoặc chúng ta vay vốn ngân hàng để làm ăn.  Nhưng có những món nợ tự nhiên đến chứ ‘con nợ’ không chủ động vay. Những món nợ này là những món nợ khó trả nhất và có lẽ nhiều khi không bao giờ trả được và nhiều lúc không có cơ hội để trả. Đó chính là nợ ân, nợ nghĩa.

Giữa đường phố ngập mưa và kẹt xe, ta đang hì hục với chiếc xe chết máy, chợt có ai đó giúp ta dẫn bộ chiếc xe qua đoạn đường ngập nước và nổ máy xe cho ta. Cảm giác biết ơn và mang ơn hiện hữu trong lòng. Ta đã nợ một người! Món nợ mà ta không chủ động vay và vô cùng  khó trả.


Ta đang lâm trong cảnh hàn vi khốn quẩn, bạn bè cũng chẳng khá giả gì cho lắm, vả lại ‘tiền đến bạn đi’, mấy ai dám mở  miệng vay tiền của bạn bè! Rồi bổng nhiên bạn đến mang theo một số tiền đủ cho mình xoay xở khổ cảnh tạm thời. Bạn tặng chứ không cho vay và ta không mở miệng vay tiền nhưng món nợ ta mang tưởng chừng to hơn quả núi. Đó là nợ ân nghĩa...v.v và v.v… có vô số trường hợp mà ta ngẫu nhiên trở thành ‘con nợ’ như thế. Ai trong đời, cho dù chưa hề lâm vào những cảnh ‘nợ’ tương tự, nhưng chắc chắn cũng thấm thía và đồng một tâm trạng như người trong cuộc. Nhưng đó là những món nợ có thể gọi là đẹp, để lại trong lòng ‘con nợ’ những ấn tượng và những niềm thương và ‘chủ nợ’ không hề ấp ủ tâm ‘đòi’ lại món nợ ân nghĩa mà họ đã hào phóng mang đến cho ‘con nợ’. Nhưng cuộc đời còn có món nợ khác khó trả mà dễ vay, đó là nợ tình.

Những chuyện ‘trả’, ‘vay’ đời thường như thế này quá quen thuộc với Loan, người con gái tỉnh lẻ, đang ở độ tuổi xuân xanh nhưng đầu óc thì già nua và kinh nghiệm sống quá ư dồi dào, đủ để cho nó bươn chải nơi xứ Sài thành này mà ‘không sợ bị người ta hiếp đáp’-nó nói. Để có được trái tim chai lì và đấu óc đá sỏi như hiện nay, Loan đã phải trải qua không dưới mười năm ‘tôi luyện’ trong môi trường ‘vay trả trả vay’ các loại nợ. Là con gái nhà quê, gia đình cũng không khá giả gì nhưng nó được ba mẹ cho ăn học đàng hoàng; thế nhưng nó không phải là đứa con gái ‘ngoan’ như những cô thôn nữ khác. Loan sớm vướng vào món nợ tình khi đang là nữ sinh lớp 10 mà cho đến nay, mối tình đó đã tạo thành một món nợ dễ vay nhưng khó trả.

Trai lớn lấy vợ gái lớn gã chồng là chuyện đương nhiên. Chỉ có nhà tu và những người bị ‘ế’ hoặc (rất ít) người thề nguyền một điều gì mới không lập gia đình. Không may mắn cho Loan khi Phụng, người Loan yêu lại thuộc một trong ba trường hợp trên. Chuyện tình của Loan sẽ không là ‘khối nợ’ nếu người yêu của Loan là người ‘bình thường’ như bao người khác. Cuộc trốn tìm ‘nợ’ duyên của đôi bạn thật cảm động! Tội nghiệp cho Loan cứ lần  theo hành trình của ‘chủ nợ’ Phụng. Mà cũng tại Loan, ai biểu tự dưng lại tự động ‘vay’ cho mình một món nợ mà không cần biết Phụng có ‘cho vay’ hay không. Phụng theo đuổi lý tưởng mà mình tôn thờ nên không muốn dính vào nợ tình. Nhiều lần anh than thở ‘đã mang lấy nghiệp vào thân’ nên ‘đừng nên trách lẫn trời gần trời xa’ mà chỉ biết ‘trả nợ’ bằng cách xa rời ‘con nợ’ và không dám ‘cho vay’ món nợ trần. Thế nhưng Phụng càng trốn trấn ẩn náu thì Loan càng tìm kiếm và chủ động vay, vay một khói nợ trần trong vô vọng. Thương thay! Người ta đã không muốn cho vay mà Loan cứ cố vay cho được, để rồi bị nó hành hạ, tra tấn. Chính vì vậy mà Loan không đến được với bất kỳ một người đàn ông nào khác dù họ rất thương yêu Loan.  Và cho đến nay, đã mưới mấy trăm trôi qua nhưng Loan vẫn nuôi hy vọng rằng một ngày nào đó Loan sẽ được Phụng đáp trả lại tình cảm chân thành của mình. Đã quá lứa tuổi cập kê và đã qua luôn tuổi lập gia đình, Loan đã tham dự không biết bao nhiêu đám cưới của bạn bè và người thân. Mỗi lần dự đám cưới, Loan đều nhìn đăm chiêu vào bức tranh đôi chim loan phượng trang hoàng trong nhà của cô dâu chú rể. Cảm giác lẻ loi lại tràn về trong Loan.

Thỉnh thoảng rảnh rổi hoặc lúc buồn chán Loan vẫn đi chùa lễ Phật và cầu nguyện. Mọi khúc mắc và nỗi buồn trong lòng Loan đều ‘trút’ hết cho Đức Phật và sư bà trụ trì nghe! Loan cũng thấy nhẹ nhõm phần nào vì còn có người nghe cô trút bầu tâm sự; nhưng tượng Phật trong chùa thì vẫn an nhiên bất động trong tư thế tọa thiền còn sư bà cũng chỉ buột miệng thốt ra: “  A Di Đà Phật! Nợ trần kẻ trả người vay”.

Giã từ cố đô