Âm thanh của một bàn tay



Trong những năm gần đây, các nhà sử học mỹ thuật đã rất quan tâm đến Bạch Ẩn Huệ Hạc (Hakuin Ekaku, 1686-1769). Ngày nay, những bức tranh vẽ bằng bút lông và nghệ thuật thư họa của vị thiền sư lỗi lạc này được đánh giá cao về sự tươi tắn và sức lay động của chúng. Nhưng ngay cả không nói đến nghệ thuật hội họa thì tác động của Bạch Ẩn đến Thiền tông Nhật Bản cũng là không thể tính đếm được. Ngài đã cải cách phái Thiền Lâm Tế. Những sáng tác bằng văn bản của ngài thuộc về những tác phẩm văn chương truyền cảm nhất trong nền văn học Nhật Bản. Ngài là người nêu ra công án thiền nổi tiếng, “Âm thanh của một bàn tay là gì?”.
Con quỷ sống trong hang Khi lên tám tuổi, Bạch Ẩn được nghe một bài pháp đầy sự đe dọa về những nỗi thống khổ ở địa ngục. Cậu bé hoảng hốt trở nên bị ám ảnh bởi địa ngục và cách tránh được nỗi khổ địa ngục. Vào tuổi 13, Bạch Ẩn quyết định trở thành một tu sĩ. Mới 15 tuổi, ngài được truyền giới bởi một vị Tăng thuộc dòng Thiền Lâm Tế. Với tư cách một tu sĩ trẻ, ngài trở thành một hành giả du phương đi từ chùa này đến chùa khác để được tham học với nhiều vị thầy khác nhau. Năm 1707, ngài trở về Tùng Âm tự, ngôi chùa gần núi Phú Sĩ nơi ngài xuống tóc.
Mùa đông năm ấy, đỉnh Phú Sĩ phun lửa mạnh mẽ và các cơn địa chấn vùi lấp Tiếp Dẫn tự với những tảng đá lớn. Các vị Tăng khác vội vã rời chùa, riêng một mình Bạch Ẩn tiếp tục ở lại thiền đường ngồi thiền. Ngài tự nhủ là nếu mình đạt được sự giác ngộ thì chư Phật sẽ bảo vệ ngài. Bạch Ẩn đã ngồi hàng giờ, hoàn toàn chú tâm vào thiền định trong lúc thiền đường rung lên chung quanh ngài. Năm sau, ngài du hành ngược lên phía Bắc, đến một ngôi chùa khác là Anh Nham tự (Eigan-ji) ở tỉnh Echigo. Trong vòng hai tuần lễ liên tục, ngài tọa thiền suốt đêm. Thế rồi một buổi sáng, ngay vào lúc bình minh, ngài nghe một tiếng chuông chùa vẳng lại. Bạch Ẩn cảm thấy âm thanh mơ hồ ấy chấn động khắp người như một tiếng sét khiến ngài trải nghiệm được một sự chứng ngộ. Theo chính lời Bạch Ẩn kể lại, sự chứng ngộ ấy làm tràn ngập trong lòng ngài một niềm tự hào. Ngài biết chắc rằng suốt ba trăm năm qua, chưa một ai trải nghiệm được sự chứng ngộ như vậy. Ngài tìm đến một vị giáo thọ được kính trọng thuộc dòng Lâm Tế là Thiền sư Chánh Thọ Lậu Tận (Shoju Rojin) để trình với vị này điều mình vừa chứng nghiệm. Nhưng ngài Chánh Thọ nhìn thấy sự kiêu mạn của Bạch Ẩn và đã không ấn chứng điều chứng nghiệm của Bạch Ẩn, thay vào đó, lại buộc Bạch Ẩn phải tiếp tục chịu những cuộc huấn luyện khắc nghiệt nhất, suốt thời gian đó cứ gọi Bạch Ẩn là “con quỷ sống trong hang”. Lần lần, nhận thức của Bạch Ẩn chín muồi đến một sự chứng ngộ sâu sắc sơn.
Bạch Ẩn, vị trụ trì Bạch Ẩn trở thành người trụ trì Tùng Âm tự vào năm ngài được 33 tuổi. Ngôi chùa cổ lúc ấy đã bị bỏ hoang, đang trong tình trạng đổ nát; đồ tự khí nếu không bị mất cắp thì cũng đã đem đi cầm cố. Ban đầu, ngài sống ở đấy một mình; lần lần các tu sĩ và cư sĩ tìm đến để được nghe ngài giáo huấn. Ngài cũng giảng dạy cho những người trẻ tuổi ở địa phương về nghệ thuật thư họa. Chính là tại Tùng Âm tự mà ngài, bấy giờ đã 42 tuổi, chứng nghiệm sự giác ngộ tối hậu của mình. Theo chính lời ngài thuật lại thì trong lúc đang tụng kinh Pháp Hoa, ngài đã nghe một tiếng dế gáy trong vườn. Bất thình lình, tất cả những ngờ vực còn sót lại của ngài chợt sáng tỏ khiến ngài bật khóc. Về cuối đời, ngài trở thành trụ trì chùa Long Trạch (Ryutaku-ji), ngày nay là một tu viện được ngưỡng mộ ở tỉnh Shizukoa.
Bạch Ẩn, bậc giáo thọ Dòng Thiền Lâm Tế ở Nhật Bản đã chịu sự suy đồi ở thế kỷ 14, nhưng đã được Bạch Ẩn làm sống lại. Ngài đã gây ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả những vị thiền sư Lâm Tế sau ngài đến nỗi dòng Thiền Lâm Tế Nhật Bản ngày nay có thể được gọi là dòng Thiền Bạch Ẩn. Như các vị thiền sư tiền bối, ngài nhấn mạnh đến việc tọa thiền là hoạt động thực hành quan trọng nhất. Ngài dạy rằng ba việc thiết yếu cho việc tọa thiền là thâm tín, đại nghi và đại ngộ. Ngài đã hệ thống hóa việc tham quán các công án thiền, sắp xếp những “tắc” công án truyền thống theo một thứ tự từ dễ đến khó.
Một bàn tay Bạch Ẩn khai tâm cho một tân thiền sinh, bảo vị này quán một công án mà chính ngài sáng tác, “Âm thanh (hay tiếng nói) của một bàn tay là gì?”. Thường được diễn giải sai lạc là tiếng vỗ của một bàn tay, “một bàn tay” của Bạch Ẩn có lẽ là công án thiền nổi tiếng nhất, ngay cả những người chẳng có một ý niệm gì về thiền hay về công án cũng có thể đã từng nghe nói đến. Ngài đã viết về một bàn tay và Bồ-tát Quán Âm. “Quán Âm có nghĩa là quán sát một âm thanh. Đó là âm thanh của một bàn tay. Nếu hiểu được điều đó, ta sẽ giác ngộ. Khi mắt ta có thể nghe, toàn thể thế giới là Quán Âm”. Ngài cũng nói, “Khi ta tự nghe tiếng nói của Một Bàn Tay, bất kỳ điều gì ta đang làm, cho dù đó là đang thưởng thức một chén cháo hay một ngụm trà, tất cả những điều đó được ta thực hiện trong trạng thái định của cuộc sống với một người có Phật tính. Bạch Ẩn, nhà nghệ sĩ Với Bạch Ẩn, nghệ thuật là một phương tiện để giảng pháp. Theo một vị học giả chuyên về Bạch Ẩn, Giáo sư Katsuhiro Yoshizawa tại Hoa Viên Đại học đường (Hanazono University) thuộc Viện Đại học Kyoto, Nhật Bản, thì có lẽ ngài đã sáng tác cả hàng chục ngàn tác phẩm hội họa và thư họa trong suốt cuộc đời. Giáo sư Yoshizawa nói, “Trong vai trò một nghệ sĩ, mối quan tâm chủ yếu của Bạch Ẩn vẫn luôn luôn là biểu thị cái Tâm và giáo pháp”. Nhưng tâm và pháp là điều vượt ngoài cõi giới của hình thể và diện mạo. Làm sao ta có thể biểu thị chúng một cách trực tiếp? Bạch Ẩn sử dụng mực và sơn theo nhiều phương cách để thể hiện vạn pháp trong cuộc đời, nhưng tác phẩm của ngài tất cả đều nổi bật vì tính tươi mới và tự do. Ngài phá vỡ mọi quy ước của thời đại để phát triển phong cách riêng của mình. Những nhát cọ mạnh mẽ và thanh thoát, như được minh họa bởi nhiều bức chân dung của Tổ Bồ-đề-đạt-ma do ngài vẽ, đã tới được chỗ biểu thị cho ý niệm đại chúng của nghệ thuật thiền. Ngài vẽ những con người bình thường – những người lính, những nàng kỹ nữ thượng lưu, những nông dân, những kẻ ăn xin, những nhà sư. Ngài đã biến những vật dụng tầm thường như cái môi để múc hay những chiếc cưa tay thành những chủ đề của họa phẩm. Lạc khoản đi theo với những bức tranh của ngài đôi khi được lấy từ những lời hát và những câu ca dao bình dân, kể cả những câu khẩu hiệu quảng cáo, chứ không chỉ trong văn học thiền. Điều đó cũng là một sự vượt ra khỏi truyền thống của nghệ thuật thiền trong thời đại ấy. Giáo sư Yoshizawa chỉ ra rằng Bạch Ẩn đã vẽ dải băng xoắn một chiều Mobius cả thế kỷ trước khi cái hình thái dải băng xoắn một chiều ấy được cho rằng do August Mobius1 phát hiện. Ngài cũng đã vẽ những bức tranh lồng trong những bức tranh, ở đó chủ đề trong bức tranh của ngài liên quan đến một bức tranh hay một bức thủ quyển khác. Giáo sư Yoshizawa cho rằng, “Thực sự, Bạch Ẩn đã sáng tác với những phong cách biểu thị tương tự như những phong cách được phát minh vào hai thế kỷ sau bởi các họa sĩ như Rene Magrite2 và Maurits Escher”3. Bạch Ẩn, một tác gia “Từ đại dương của sự không nỗ lực, hãy khiến lòng từ vô nhân của ngươi tỏa sáng” - Thơ Bạch Ẩn. Bạch Ẩn viết thư, làm thơ, soạn ca khúc, viết tiểu luận và soạn những bài pháp thoại, chỉ một số rất ít những tác phẩm của ngài đã được dịch ra tiếng Anh. Trong số những tác phẩm đó, có lẽ nổi tiếng nhất là Bài ca Tọa Thiền hay còn được dịch là Để Ca Ngợi việc Tọa Thiền. Dưới đây chỉ là một phần của “bài ca” ấy, theo bản dịch tiếng Anh của Norman Waddell4:Không vướng víu và tự do là bầu trời của Định Sáng rực là ánh trăng tròn của Tuệ Giác. Thật vậy, có gì đang bỏ lỡ không? Niết-bàn ở ngay đây, trước mắt chúng ta. Chính nơi này là Liên [hoa] địa Chính thân này, Phật [thân].
Vài giai thoại về Bạch Ẩn Thế à? Một cô gái chưa chồng sống gần ngôi chùa của Bạch Ẩn được phát hiện là đang mang thai. Cha mẹ của cô gái giận dữ đòi hỏi cô gái cho biết bố của đứa bé trong bụng là ai. Vì muốn bảo vệ người yêu của mình, cô gái tố giác Bạch Ẩn – lúc ấy đã là một ông sư già – dụ dỗ mình. Khi đứa trẻ ra đời, cha mẹ cô gái đối mặt với Bạch Ẩn. Họ đòi hỏi ngài phải nuôi đứa trẻ vì ngài là bố nó. Bạch Ẩn chỉ nói, “Thế à?”. Tuy vậy, ngài vẫn nuôi đứa bé vài tháng. Thế rồi sau đó cô gái lầm lỡ ấy lại thú nhận với cha mẹ mình rằng bố đứa trẻ là một anh trai làng. Cha mẹ của cô gái lại đến chùa gặp Bạch Ẩn xin đứa bé về. Bạch Ẩn giao đứa bé cho họ và chỉ nói, “Thế à?”. Cánh cửa địa ngục Nobushige là một đại hiệp sĩ đến tìm Bạch Ẩn và hỏi, “Thực sự có thiên đàng và địa ngục không?”. Bạch Ẩn hỏi, “Anh là ai?”, Nobushige trả lời, “Tôi là một hiệp sĩ”. Bạch Ẩn cười nhạo, “Anh ấy à? Anh phục vụ cho vị tướng quân nào? Trông anh cứ như một thằng ăn mày”. Anh chàng Nobushige bắt đầu rút kiếm ra, ngay lúc ấy Bạch Ẩn nói, “Này, cửa địa ngục đang mở ra đấy”. Nobushige hiểu được vấn đề, cắm gươm vào vỏ, cúi xuống lạy. “Bây giờ thì đang mở ra cửa thiên đường”, Bạch Ẩn nói.
„
Chú thích:
1. August Ferdinand Möbius (1790–1868) nhà toán học và lý thuyết thiên văn người Đức, nổi tiếng với việc phát hiện dải Mobius, một mặt phẳng hai chiều không thể định hướng với chỉ một mặt khi được nhúng vào không gian Euclide ba chiều.
2. Rene Magrite (1898-1967), họa sĩ siêu thực người Bỉ, nổi tiếng với những hình ảnh tinh tế và gợi suy nghĩ; chuyên thể hiện những hình ảnh đồ họa và những dụng cụ trong đời sống thường ngày, đem lại cho chúng những ý nghĩa mới.
3. Maurits Escher (1898-1972), họa sĩ đồ họa người Hà Lan, nổi tiếng với các loại tranh khắc gỗ, tranh in thạch bản và tranh in khắc trên bề mặt kim loại có tính cách khơi gợi cảm hứng toán học. Chúng thể hiện những công trình xây dựng không thể thực hiện, việc thăm dò chiều vô tận, các công trình kiến trúc và thiết kế những hình trang trí trên mặt phẳng hai chiều sử dụng sự lặp lại các đường nét kỷ hà không chồng lấp và không có khoảng cách.
4. Norman Waddell là giáo sư về Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học đường Otani, Viện Đại học Kyoto, Nhật Bản; dịch thuật nhiều tác phẩm của Bạch Ẩn.


BARBARA ÓBRIEN
TRẦN KHIẾT BÁCH dịch