Ăn xin không phải là một nghề!
Là người đã từ rất lâu, bé tý, nhói lòng trước hành khất, tôi không ngơi nghĩ về những phận đời bất hạnh và coi ăn xin thực là bi kịch xã hội: bi kịch cá nhân và bi kịch xã hội trong cung cách giải quyết các vấn đề nhân đạo, thái độ đối với tha nhân.
Những năm 1980 khi xuống Cà Mau, khi ấy còn là thị xã, tôi sốc nặng khi chứng kiến trong đêm tối người ăn xin lăn lóc la liệt trên cầu mới và cảnh sát sử dụng dùi cui để giữ trật tự. Từ quê xuống tỉnh lỵ dự cuộc thi thuyết trình, lần đầu tôi thấy người ăn xin đông và thảm vậy. Sau một đêm trằn trọc chỗ lạ, hôm sau, bài thuyết trình của tôi gần như đổi hẳn so với chuẩn bị từ đầu: tôi nói về những người ăn xin, người nghèo bần cùng hóa và trách nhiệm xã hội. Đấy là một điểm nhấn đau nhói khó quên trong ký ức. Sau này có nhiều dịp đi xa hơn, thấy nhiều hơn, "bức tranh” ăn mày khủng khiếp hơn tôi nghĩ nhiều. Những năm còn bao cấp, người ăn xin ở hai bến phà Cần Thơ và Mỹ Thuận khủng khiếp, và Sài Gòn... suy nghĩ nhiều hơn, đau hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ăn xin là một vấn đề xã hội xuất hiện và đồng hành với nhân loại. Ở quốc gia lân cận chúng ta, ăn xin thời cổ đại thành một “nghề” và đông đảo, có cả hình thức tập hợp như hiệp hội ngày nay hay hơn, gọi là cái bang. Tổ chức này uy hiếp an ninh xã hội và nhà nước, thành thế lực đáng kể.
Ở góc độ cá nhân tôi không bao giờ coi ăn xin là một nghề dù nhìn dưới bất kỳ góc độ nào, đấy là – như đã nói- bi kịch cá nhân và xã hội cần giải quyết. Ăn xin có ở mọi quốc gia, vào đường cùng người ta cầu mong lòng thương xót của cộng đồng, chìa tay xin tiền mọi người, bỏ qua hết cảm xúc tâm lý phải có về xấu hổ, nhân phẩm, danh dự...
Một lần ở sân bay quốc tế X tôi lần đầu thấy một cô gái đứng nghiêm chỉnh ở ga – chỗ nhận hành lý- với tấm biển treo trước ngực. Sao tôi được giải thích cô ấy đứng đấy với tấm biển xin được giúp đỡ. Và cũng nghe nói ở các quốc gia giàu có, người ăn xin ở nơi công cộng theo qui định với biển ghi hoàn cảnh xin trợ giúp, ăn xin có vẻ văn minh song vẫn là...ăn xin.
Càng ngày người ta bàn nhiều về sự lạm dụng lòng tốt và ăn xin thành một vấn đề nhức nhối mang tính tội phạm khi có tổ chức, gây tàn tật cố ý, bắt cóc trẻ con, người già khống chế để buộc ăn xin và cống nộp. Một lần tôi nghe lời xót xa chân thành của một người Sài Gòn lâu năm, theo đó người ăn xin ngụy trang rất đông và thực sự không đáng thương xót. Dì kể những người ăn xin có tiền tỉ, hết “làm việc” ăn mặc đàng hoàng rong chơi hưởng thú không khác đại gia! Tôi suy nghĩ nhiều hơn...
Nhưng chỉ khi ở cạnh một người ăn xin tôi mới hiểu góc khuất của vấn đề và điều chỉnh tình cảm vốn có của mình: một người ăn xin sáng sáng “đi làm” như công chức và chiều về, ngồi đếm tiền như quản lý kế toán sổ sách! Bà ta, sau một ngày ngồi ngửa tay nhún mình xin lòng thương xót của thiên hạ, về nhà mới cho thấy hết bản chất xấu của mình. Đồng tiền ăn xin mà có, bà mua hàng và hạch sách người bán từng chút một đến khó tin. Chưa hết, gạo phải ăn loại ngon nhất, nếu con đi mua lỡ loại 2 phải đi…đổi lại! Tất cả sinh hoạt phải sang trọng cứ như bù lại sự hạ mình để có tiền. Gạo xin mà có, bà chất đống và gọi người đến bán công khai... Kể không hết, tôi bị sốc ở ngưỡng cao nhất và ngộ ra: thì ra ăn xin là vậy.
Người ta không nghĩ những đồng bạc đồng loại cần lao mà có, nhường cơm xẻ áo, cần chắt chiu và khi có số nào đấy tối thiểu cần tính kế mần ăn chi đấy để tự mình nuôi sống bản thân. Với người phụ nữ hàng xóm của tôi ăn xin thành nghề nhàn hạ và thu nhập cao và bà ta không nghĩ ngày phải “giải nghệ”! Ăn xin loại này rõ ràng không nên xót thương. Chưa hết, thay vì thấm thía lòng nhân thiên hạ, bà ta mỗi khi có dịp cay cú cuộc đời và chửi rủa hành xử rất tàn nhẫn ngay với gia đình con cháu mình.
Rồi một ngày khi tôi đang nằm nghỉ, bỗng nghe ngoài hẻm trước nhà tiếng chân người ăn xin hàng xóm, bà gặp cụ già cọm bán chuối chiên và bà ta rủ rê: “Sao không đi ăn xin, lòng vòng ở chợ này, nhiều tiền lắm!” Tôi lắng nghe và xao lòng, tiếng bà cụ bán chuối chiên: “Tôi không làm được, người quen người ta nghĩ gì?” Ngày bán được mấy miếng chuối chiên, những bà cụ kiên quyết không ăn xin. Quý biết bao nhiêu! Và tôi bỗng nhận ra người hàng xóm mình cón có thể tổ chức ăn xin, một chuyện có tính pháp luật.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Rồi khi đã có ý quan sát, tôi ngày càng thấy nhiều hơn những băng nhóm ăn xin chuyên nghiệp. Tự sát thương và tạo cảnh khổ nhục kế để moi tiền thiên hạ. Những màn bò lăn lết giữa trời nắng máu me đầy mình thường ngày ngay ở quê. Còn gì nữa, mới hôm qua tôi đọc trên mạng một người đàn ông với chân dị dạng khác thường đã đi nhiều nước để hành nghề ăn xin và đến Việt Nam lại... làm ăn được!
Nếu coi ăn xin là vấn đề xã hội cần can dự giải quyết bởi nhà nước và cộng đồng thì cụm từ “phục hồi nhân phẩm” thường dùng ngày mới giải phóng ở miền Nam cần xem xét lại nghiêm túc nhất. Cách đặt vấn đề đúng, một bộ phận đáng kể người ăn xin có vấn đề nhân phẩm, lệch lạc về tâm lý trong trong nhận thức giá trị sống. Cho dù các trung tâm phục hồi nhân phẩm ngày ấy có thể hiệu quả không cao nhưng - như đã nói - về chữ nghĩa tôi thấy hay.
Ngoài ăn xin, người ta xếp những đối tượng mại dâm cũng cần phục hồi nhân phẩm. Không khó để thấy và đồng tình rằng thay vì xã hội cho tiền để duy trì một cái “nghề” chệch chuẩn, cần tập trung hay không tập trung phục hồi nhân phẩm họ một cách bài bản, khoa học và có đầu tư, tập hợp các chuyên gia giỏi về tâm lý, giáo dục, tội phạm học... trong môi trường tốt, có giáo dục lao động, bồi dưỡng văn hóa, phục hồi tâm lý hòa nhập cùng những liệu pháp y khoa với những người có vấn đề tâm lý.
Ăn xin không bao giờ mất hẳn, nó đồng hành cùng nhân loại, và ở đây không có ý nói đến những người nhất thời cơ nhỡ cùng đường ăn xin để sinh tồn, họ cần và luôn cần được mở lòng giúp đỡ. Tôi vẫn chép câu này vào sổ tay để suy ngẫm: Ăn mày là ai, ăn mày là ta, đói cơm rách áo hóa ra ăn mày... để nhìn tha nhân với cái nhìn nhân văn, chân xác và răn mình. Nhưng dạng ăn xin như người phụ nữ hàng xóm của tôi thì đương nhiên không thuộc đối tượng cần thương xót, bà ấy cần phục hồi nhân phẩm để không bán danh dự lấy tiền lẻ và nuôi thân bằng hy sinh giá trị sống con người.
Đọc và học Kiều - Đoạn trường tân thanh, người giảng người nghe đều xót xa thông cảm và thậm chí trân trọng nhân cách Kiều vì hoàn cảnh mà bán thân và trong bùn sen vẫn ngát hương. Người bàn về chữ trinh và cho rằng cô kiều trinh trắng hơn hết. Ở đây không có chỗ cho cụm từ phục hồi nhân phẩm. Cô Kiều luôn luôn đoái về những giá trị cao đẹp và không giờ phút nào coi mại dâm là nghề. Tôi kính trọng nhân vật văn học này.
Cũng như mại dâm, ăn xin không bao giờ được coi là một cái nghề đường hoàng hội những điều kiện cần để định nghĩa về nghề, cho dù gần đây Quốc hội Việt Nam đã có bàn nghiêm túc đường hướng hợp thức hóa nghề mại dâm như một số quốc gia. Đấy là phạm vi bài viết khác.
Còn ở đây, thêm một lần nữa, tôi muốn chia sẻ xúc cảm của mình sau khi đọc thông tin về anh chàng giò to bất thường tên Benjamin Holst qua nhiều nước để ăn xin và dừng ở Việt Nam. Và tôi viết những dòng này khi người phụ nữ “hành nghề ăn xin” cạnh nhà đang chuyên nghiệp đếm tiền sau một ngày “làm việc”!
Bức xúc nhiều...
Nguyễn Thành Công