Bài trừ mê tín, dị đoan theo khuyến giáo của Đức Đệ nhất Pháp chủ GHPGVN


      Hiện nay, mê tín, dị đoan là một tệ nạn xã hội có điều kiện, cơ hội, môi trường phát tán nhanh trong dân gian, có thể xem là một hiện tượng tiêu cực, nếu không muốn nói là làm nhức nhối con tim. Cố Đại lão Hòa thượng THÍCH ĐỨC NHUẬN (1897 - 1993), Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng ân cần dặn tín đồ Phật giáo phải tìm cách ngăn chặn và bài trừ mê tín, dị đoan.
Thông điệp của Hòa thượng Pháp chủ ấn ký ngày 01/5/1993 gửi Tăng ni, Phật tử toàn quốc nhân dịp Lễ Phật Đản, Phật lịch 2537, có đoạn viết: “Ngày nay, đất nước ổn định, phát triển, Phật giáo ta lại có cơ duyên hoằng truyền Phật pháp làm cho giáo lý của Đức Phật được tỏa sáng trong nhân gian, bài trừ mê        

      Mê tín dị đoan, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc cho quê hương xứ sở”([1]).
Tệ nạn xã hội này tràn lan sẽ trở thành một hiểm họa cho đất nước Việt Nam đang ra sức cổ xúy cho văn hóa du lịch tâm linh, mời gọi du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch và nghiên cứu những di tích văn hóa đa dạng và phong phú khắp cả 3 miền. Luận bàn về mê tín, dị đoan theo lời căn dặn ân cần của Đệ nhất Pháp chủ cũng còn là dịp tốt, duyên lành để tưởng niệm và tưởng nhớ những lời dạy quý báu vì ân đức lớn lao của Ngài.
  1. Nội hàm của mê tín, dị đoan
      Lẽ tất nhiên không thể nào nói tiêu diệt, xóa sạch mê tín, dị đoan, mà phải nói bài trừ, nghĩa là tìm mọi cách giảm thiểu đến mức tối đa nạn mê tín. Vì “Tứ đổ tường” là một “Apana” của loài người, thời thịnh vẫn có tệ nạn nhưng mức độ rất ít: “cái chánh” đã lấn át trừ khử “cái tà” lan tỏa, phát triển.
      1.1. Mê tín, dị đoan: là hai danh từ đều ám chỉ điều quái lạ, xấu xa. Mê tín (迷 信) là tin điều nhảm, đến nỗi lạc vào mê lộ. Mê tín là nhắm mắt tin mù. Dị đoan (异 端) là những điều tín ngưỡng lạ lùng, kỳ quái. Dị còn viết là 異 có nghĩa là khác lạ. Đoan (端) là đầu mối, mầm mối, ngay thẳng.
Hợp hai danh từ nói trên lại thành “tứ tự thành ngữ” có nghĩa là điều tín ngưỡng lạ lùng, hoàn toàn trái xoáy với chánh tín của giáo lý nhà Phật.
     1.2. Tín ngưỡng: Tín là tín, ngưỡng (仰) là kính mến. Ai cũng có niềm tin, triết gia có niềm tin, thậm chí người học triết (chưa là Phật tử) vẫn có niềm tin (la foie philosofique). Duy trong tín ngưỡng dân gian còn nhiều điều cần được sàng lọc và tinh chọn ra nét đặc sắc hoặc tinh hoa. Điều này dễ dàng bắt gặp mỗi khi đọc những mẩu truyện truyền kỳ mang sắc màu truyền thuyết và thần thoại trong chính sử lẫn trong Phật sử.
Phật tử tin rằng có Phật ở trên đầu, như Giáo sư Cao Huy Thuần đã nói nhiều lần trong các bài viết, bài diễn thuyết tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán - Huế trong mùa Phật đản năm 2013, Phật lịch 2557. Mỗi người, mỗi chúng sinh đều có Phật tính.
Phật giáo là đạo từ bi và trí tuệ. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Đức tin là nguồn của đạo, là mẹ của công đức, nuôi dưỡng mọi pháp lành”.
     1.3. Cứu cánh biện minh cho phương tiện:
Cửa chùa rộng mở. Tham quan chùa cổ ở xứ Thuận Hóa, du khách ngưỡng trông lên cửa phụ tả hữu có đề bằng chữ Hán: “Phương tiện môn” (芳 便 門), người Pháp dịch là “ressources; moyens commodes, expéditifs”. Thiền sư Nguyễn Du đã viết: “Khi chè chén, khi thuốc thang/ Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh”. Và truyện Phan Trần nói rõ hơn bằng câu 6 chữ: “Cửa từ phương tiện đâu bằng” ([2]). Cứu cánh sẽ biện minh cho phương tiện. Tùy duyên mà ứng xử bằng lối minh triết “Dĩ bất biến ứng vạn biến”. Đường vào đạo Phật bằng trăm ngàn vạn nẻo, nhẹ nhàng và thanh thoát.
Chúng tôi tâm đắc với lời phân tích của Võ Đình Cường, tác giả sách Ánh Đạo Vàng: “Sách Thuyền Uyển Tập Anh do nhiều thiền sư lỗi lạc thời Bắc thuộc, thời Lý - Trần và về sau nữa đã khéo dùng phương tiện như thuật phong thủy, sấm vĩ, cầu mưa chốn hạn, trị bệnh để đưa quần chúng vào đạo. Người đọc phải dùng trí tuệ để nhận thức. Nếu xem cách làm ấy là phương tiện, chỉ có giá trị biểu trưng, thì không có gì là mê tín”.
Vì sao? Câu trả lời rất đơn giản, rất minh triết: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Phật giáo là đạo trí tuệ. Đất trời, non nước thật huyền nhiệm. Vua Thiệu Trị đã từng đặt tên cho Kinh đô Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế với nhiều danh lam thắng tích là đất Thần Kinh. Lấy sở học thâm hậu về truyền thuyết và thần thoại mới lý giải nổi, nếu chỉ đọc phớt là hiểu theo những con chữ thì tự mình sa vào mê lộ, không hơn không kém mà thôi.
  1. Ngăn chặn hủ tục, phát huy thuần phong mỹ tục
     2.1. Giáo lý nhà Phật phân địch rạch ròi giữa chính tín và mê tín, vì mê tín, dị đoan như ma đưa lối, quỷ đưa đường dẫn người ta sa chân vào mê lộ. Đạo Phật rất tôn trọng thực tiễn, không ly thế gian pháp.
Hủ tục trong nhân gian vẫn còn nhiều. Điển hình như tục tảo hôn, đốt vàng mã một cách vô tội vạ, cầu đồng bóng, mù quáng tin ngày tận thế đơn thuần theo ngữ nghĩa của con chữ nhảy múa, uống tàn nhang nước lã, chữa bệnh bằng lối ma thuật như hành hạ và tra tấn bệnh nhân, hối lộ Phật Thánh, hô hoán và thồi phồng “nhà ngoại cảm”. Dân gian đã từng lên án: “Đi với Phật mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”.
Xem chừng tư tưởng “sính ngoại”, lối sống “phô trương” kể cả phơi bày thân xác lộ liễu may thay đã kịp thời ngăn chặn nhưng nhược điểm là không thường xuyên có đánh trống rồi sớm bỏ dùi. Trách nhiệm còn chung chung theo lối “cha chung chẳng ai khóc”. Thời mở cửa, nhiều gió lành nhưng cũng có nhiều gió chướng. Xa hoa, mua bằng cấp, rửa tiền, quảng cáo bịp bợm, nhậu nhẹt triền miên thâu đêm,... là những tệ nạn đầy tội lỗi phá rối nếp sống thanh bình, an lạc. Đó là “hủ tục tân thời”, đầy lạc hậu mà khoe là tiên tiến.
     2.2. Thuần phong mỹ tục của người Việt và các tộc người anh em chung một nhà Việt Nam còn nhiều, nhưng chưa phát huy hết tác dụng lâu dài và có chiều sâu. Cần kiệm là một điển hình. “Tùy gia phong kiệm” còn gìn giữ được ở các làng quê có truyền thống trong nghi lễ mà người cầm chịch là những cao niên quắc thước, lịch lãm trường đời. Lễ giỗ chạp, kể cả việc lo phần mộ và cúng tế những oan hồn uổng tử ở các làng quê như thể hiện lòng nhân ái. Nếu không có người sành sỏi, vững vàng, có bản lĩnh và đầy uy tín hướng dẫn, chỉ đạo thì dễ sa vào việc xa hoa, lãng phí, thậm chí là hủ tục của nạn hương ẩm theo lối chè chén, đánh bạc lấy xâu.
     Nền nếp làng quê xưa được nông dân duy trì, tiếp nối. Đầu năm đi lễ đền, chùa, đình, nhà thờ họ, rồi thăm viếng gia đình người thân nội ngoại, thông gia, bằng hữu. Quên đi những gì chưa vừa lòng nhau trong năm cũ để thân chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc và an lạc.
Người xưa rất quan tâm đến tình cảnh gieo neo, đơn độc, thiếu thốn tình cảm và vật chất của những người kém may mắn. Làng xóm, tôn môn trong tộc thuộc nội ngoại mở lòng cưu mang những người bị bệnh tật, kẻ giúp công, người giúp của, người an ủi làm ấm lòng kẻ xấu số phải gánh chịu thiệt thòi, thua thiệt.
     Ở nông thôn ngày nay vẫn còn nhiều người tự nguyện làm công việc “Ăn cơm nhà, vác tù hàng tổng”. Những Phật tử đi làm từ thiện, theo tinh thần tự nguyện, nhà nào thiếu ăn, bệnh tật là được phát hiện sớm hơn cả: “Một miếng khi đói, bằng một gói khi no”. Ngày xưa có phần ruộng đất dành để cung cấp lương thực cho người nghèo khó, cực khổ, lại có phần ruộng đất dành cấp để hỗ trợ cho học trò nghèo, học trò khó mà hiếu học.
Còn nhiều mỹ tục kể ra không hết. Tất cả chì vì: “Thân cô, nhưng thế không cô/ Liều thân xuống đó chỗ mô cũng có hàng”. Làm đẹp việc làng tức làm tốt việc nước. Làng đi liền, gắn kết với nước với một cách hữu cơ và bền chặt trong thời chiến cũng như trong thời bình. Dân chủ và công bằng xuất hiện ở làng quê trong việc bầu cử, đầu tiên bầu Hội đồng Hương chính.
     Gắn liền với chủ trương độc lập dân tộc, sẵn sàng đối phó với giặc ngoại xâm lược, làng quê là làng chiến đấu. Trong kháng chiến chống quân thù, người nông dân vai súng vai cày. Thời chiến, phụ nữ đảm trách việc cày bừa, đạp nước là lao động nặng. Sách lược này đã phát xuất dưới đời Hậu Lê, quân đội triều đình được thay phiên nhau: nửa năm ở quân ngũ, nửa năm lui về quê làm ruộng.
Toàn quyền Pháp Pasquier cho rằng, quân đội Việt Nam thời xưa có nét đặc sắc nổi trội hơn quân đội của các nước khác trên thế giới. Việt Nam có cách bảo vệ làng nước mang sắc thái riêng, xuất phát từ tinh thần bất khuất, và lòng yêu nước nồng nàn. Đó là một trong những lý do khiến quân xâm lược xưa nay thua trận. Đây lại là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt.
    Nhà sử học Will Durant, trong tác phẩm Lịch sử văn minh Ấn Độ, đã từng nghiên cứu xã hội Phương Đông và đúc rút thành câu nói bất hủ: “Văn minh nảy mầm từ căn chòi của nông dân và khai hoa giữa lòng đô thị”.
  1. Hoằng dương giáo lý của Đức Phật tỏa sáng trong nhân gian
   Đạo Phật là đạo từ bi, là đạo hòa bình. Thế giới ngày nay đã khẳng định như một chân lý, không phải mất công bàn cãi nữa. Đạo Phật là đạo của người bình dân, còn là đạo của người trí thức. Những đặc trưng ấy khiến cho đạo Phật trường tồn đi liền, gắn kết với dân tộc.
  3.1. Khuyến giáo của Đệ nhất Pháp chủ:
  Dưới tiêu đề khiêm tốn “Vài lời để lại”, Đệ nhất Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã viết tại chùa Hồng Phúc (Hòe Nhai) Hà Nội, Phật lịch 2531, ngày Canh Thìn 15/2 năm Đinh Mão (1987)([3]) rõ sáng như sau:
    “Pháp môn tu trì có hàng 8 vạn 4 nghìn, như Pháp môn “Phản văn tự tính” (nghe cái tính nghe của mình) ... Pháp môn nào cũng chỉ là tịnh từ hiện nghiệp lưu thức mới xong. Riêng Pháp môn Tịnh độ cũng là Pháp môn Thượng thừa tin thực sâu, hành thực đúng, nguyện thực thiết, cầu vãng sinh Cực Lạc rất tiệp kính, cũng là Pháp môn viên dung đủ: Ngũ đình tâm, Tứ niệm xứ, Thất giác chí, Bát chính đạo, Vô ngã vị tha... Nếu không tu theo Pháp môn này thời phải tu theo “Hàng Bá” (行 伯) lần lượt như sau:
10 ngôi thập tín
10 ngôi thập trụ
10 ngôi thập hành
10 ngôi thập hồi hướng
10 ngôi thập địa cho chí Đẳng giác, mới thành Diệu giác
      Nói chung, tất cả đều là phương tiện, cũng như “do chỉ kiến nguyệt” để minh tâm kiến tính([4]).
Những bậc Tăng già sinh trưởng thời khoa cử truyền thống Hán học đều là những bậc tinh thông Tam giáo (Phật - Nho - Đạo) một cách rốt ráo và lại đồng bộ trong 3 cung cách Lập đức - Lập công - Lập ngôn([5]). Về thế học, quý ngài đạt đến mức uyên áo, đĩnh đạc, tạo thành nhân cách kẻ sĩ hoặc sĩ phu. Nét nổi trội hơn các nhà Nho là tu chứng nghiêm cẩn, oai nghi. Quý ngài là bậc hương đống thạch trụ ở chốn Thiền môn, chống đỡ ngôi nhà Giáo hội vượt qua phong ba bão táp. Đệ nhất Pháp chủ Hòa thượng Thích Đức Nhuận là người chứng của hai thế kỷ, cuối thế kỉ XIX và gần suốt thế kỉ XX với nhiều biến động lịch sử. Nhân tài là nguyên khí của nhà nước, Tăng tài là sứ giả của Như Lai.
     3.2. Vấn đề đào tạo Tăng tài
     Đệ nhất Pháp chủ Thích Đức Nhuận là nhà giáo dục Phật giáo thời cận đại và hiện đại. Suốt đời Ngài, sự nghiệp lớn lao và vẻ vang nhất là việc mở trường Phật học từ Đồng Đắc là đất khởi nghiệp cho đến các trú xứ khác như Đại Hữu, Quảng Bá... Đặc biệt nhất, tiêu biểu nhất, oai phong nhất là lời đề nghị trước khi Ngài nhận ngôi vị Pháp chủ là mở trường Phật học trên 3 miền Bắc Trung Nam([6]). Ở giữa thời đầy khó khăn, đề nghị ấy được ghi vào Nghị quyết Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo Việt Nam lần thứ nhất năm 1981. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng tán thành và hứa thực hiện. Rồi cuối năm ấy, đề nghị của Đệ nhất Pháp chủ đã trở thành hiện thực.
    Tu mà không học là tu mù, học mà không tu thì chỉ là cái túi đầy sách. Châm ngôn ấy là lời khuyến cáo cho tầng lớp tu sĩ trẻ và các giới Phật tử trong quần chúng nỗ lực học Phật. 30 năm qua, khắp các tỉnh thành lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế đã thành lập các Học viện Phật giáo. Ngoài ra, ở 30 tỉnh thành khác đã thành lập trường Cơ bản Phật học tiền thân của Trường Trung cấp Phật học([7]).
    Đào tạo Tăng tài trẻ có thực tu, thực học để góp phần truyền thừa Phật pháp trong dân gian, ngăn chặn và bài trừ mê tín, dị đoan. Chữa căn bệnh xã hội đầy nhức nhối này việc trước tiên là phải có nhân sự tốt, có năng lực, dám nghĩ, dám làm theo chỉ giáo của những bậc thượng thừa trong Giáo hội Phật giáo tại từng địa phương./.

Lê Quang Thái

Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế

[1]. “Thông điệp của Hòa thượng Pháp chủ gửi Tăng ni, Phật tử toàn quốc nhân dịp Lễ Phật đản Phật lịch 2537”, trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam (2010), Kỷ yếu Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng  (1897 - 1993), Nxb. Phương Đông, tr.15.
[2]. Hán - Việt thành ngữ (Lexique d’expressions Sino-Annamites usuelles), Nxb. Lê Văn Tân, Hà Nội, 1933, tr. 238. Nhà bác học Albert Einstein đã viết ở sách CONCEPTIONS SCIENTIFIQUES, MORALES ET SOCIALES, Nxb. Flamarion, Paris tr. 25 rằng: "La science sans religion est boiteuse, la religion sans la science est aveugle". Tạm dịch: Khoa học mà không tôn giáo thì hời hợt. Tôn giáo không khoa học thì mù quáng.
[3]. Ngày Canh Thìn 15/2 năm Đinh Mão, tức là ngày 14/3/1987, Phật lịch 2531. Từ Hội nghị Đại biểu Thống nhất Phật giáo (1981) cho đến Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ 3 (1992), Ngài luôn luôn được Tăng ni, Phật tử cả nước tín nhiệm, suy tôn đảm nhiệm ngôi vị Pháp chủ cho đến ngày thị tịch 11 tháng 11 năm Quý Dậu (ngày 23/12/1993), Phật lịch 2537.
 Ngài nhận lãnh Tổ đình Hồng Phúc, chốn tổ Thiền phái Tào Động. Chùa Hồng Phúc (còn gọi là chùa Hòe Nhai, Hà Nội) là nơi trú xứ của Ngài, giữ chức Trú trì.
[4]. Ngài là một trong những vị cao tăng thạc đức của thể kỉ XX của Phật giáo Việt Nam. "Vài lời để lại" thật thâm sâu và thâm hậu. Lời di huấn của Ngài để lại cho đạo, cho đời, sáng mãi theo thời gian. Đó là một bài học lịch sử vô giá. Đọc đi đọc lại nhiều lần, lần nào cũng tìm ra nét mới, nét tinh anh để làm tủ lương của tứ chúng Phật tử, kể cả những nhà nghiên cứu Phật học có tầm cỡ lớn. 97 tuổi đời, 77  hạ lạp, ở ngôi Pháp chủ 3 nhiệm kỳ (nhiệm kỳ 3 : 1 năm). Tùy duyên, cái quan địch luận.
[5]. Trường Chùa: dạy chữ Hán không chỉ cho Tăng ni mà cho quần chúng có nhu cầu từ thời cổ đại. Sau năm Kỷ Mùi, khoa thi Hội và thi Đình cuối cùng cáo chung, việc dạy chữ Nho trong nhà chùa vẫn liên tục, không bị ngắt khoảng, ngắt đứt như ngoài dân gian.
[6]. Năm 1981, Trường Cao cấp Phật giáo Hà Nội được thành lập. Hai năm sau, Trường Cao cấp Phật học Thành phố Hồ Chí Minh hình thành. Cả 2 trường đều cung thỉnh Hòa thượng Thích Minh Châu giữ chức Hiệu trưởng. Năm 1992, cải đổi tên gọi thành Học viện Phật giáo.
[7]. Học viện Phật giáo tại Huế hình thành năm 1997, Học viện Phật giáo Nam tông Khmer thành lập tại Cần Thơ năm 2007. Theo thống kê:
- Học viện: có 4 trường đã đào tạo được 4.825 Tăng ni tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 2.000 Tăng ni sinh. Hệ đào tạo từ xa có 400 học viên đăng ký theo học.
- Cao đẳng Phật học: có 8 lớp, đào tạo 1506 Tăng ni tốt nghiệp, đang đào tạo khoảng 700 Tăng ni sinh.
- Trung cấp Phật học: có 31 trường đã đào tạo 7.315 Tăng ni tốt nghiệp, đang đào tạo 2611 Tăng ni sinh
- Sơ cấp Phật học: có khoảng 50 lớp và gần 1.500 Tăng ni sinh đang theo học.