Báo hiếu theo kinh Vu lan


Lễ Vu lan, ngày lễ truyền thống của Phật giáo thẳm sâu hài hòa vào sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ bao đời. Lễ này đã trở thành nếp nghĩ thân quen trong dân gian ta qua câu nói: “Tháng 7 ngày rằm xá tội vong nhân”.
 
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu xem tinh thần quý trọng ơn nghĩa và đền đáp ơn nghĩa được thể hiện vào ngày lễ Vu lan phát xuất từ đâu. Và Tăng Ni, Phật tử chúng ta nên tổ chức lễ Vu lan như thế nào cho đúng pháp Phật dạy.

Vu lan nói đủ là Vu lan bồn, có nghĩa là cứu đảo huyền. Vu lan phát xuất từ kinh Vu lan bồn (Ullumpana Sutra) do Đôn Hoàng Bồ-tát Trúc Pháp Hộ (Dharmaraksa) dịch năm 265, đời Võ Đế, nhà Tây Tấn, Trung Quốc.

Để tổ chức lễ cầu nguyện và cúng dường trong ngày lễ Vu lan cho đúng pháp, chúng ta cần xem lại kinh Vu lan bồn. Nội dung kinh Vu lan bồn kể lại câu chuyện ngài Mục Kiền Liên đắc Lục thông, dùng huệ nhãn quán sát thấy mẹ bị đọa vào loài ngạ quỷ. Ngài mang cơm dâng cho mẹ, nhưng bà không ăn được, vì bà vừa mở miệng, lửa từ miệng tràn ra. Mục Kiền Liên cầu xin Phật cứu. 

 Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên rằng ông không thể một mình cứu mẹ, dù có thần thông hạng nhất. Phải nhờ mười phương Tăng cầu nguyện, vì đức chúng như hải, hợp thời thanh tịnh trong ngày Tự tứ, mới cứu được: “… Muốn cho cứu được mạng người, phải nhờ thần lực của mười phương Tăng… Bèn kêu Mục Thị đến gần, truyền trao diệu pháp ân cần thiết thi. Rằm tháng 7 là ngày Tự tứ, mười phương Tăng đều dự lễ này. Phải toan sắm sửa chớ chầy, thức ăn trăm món, trái cây năm màu…”

Sau đó, Đức Phật giải thích lý do cúng dường vào ngày Tự tứ: “… Vì ngày ấy Thánh Tăng đều đủ, dầu ở đâu cũng tụ hội về. Như người Thiền định sơn khê, tránh điều phiền não, chăm về Thiền na. Hoặc người đặng bốn tòa đạo quả, công tu hành nguyện thỏa Vô sanh. Hoặc người thọ hạ kinh hành, chẳng ham quyền quý, ẩn danh lâm tòng. Hoặc người đặng Lục thông tấn phát, và những hàng Duyên-giác, Thanh-văn. Hoặc chư Bồ-tát mười phương, hiện hình làm sãi ở gần chúng sanh…”.

Qua đoạn văn kinh trên, Đức Phật giới thiệu cho chúng ta thấy hàng Thánh Tăng là những vị A-la-hán, Bích-chi-Phật, Bồ-tát. Các ngài đang trụ Thiền định ở núi rừng, hoặc đang kinh hành suy tư lời Phật dạy, hay đang giáo hóa chúng sanh. Các ngài không hiện diện trong hàng Tăng chúng đang an cư kiết hạ với Đức Phật. Vì vậy, Đức Phật mới bảo Mục Kiền Liên chờ đến ngày Tự tứ để có đủ các vị chư tôn đức này. Khi đại chúng đầy đủ đạo đức, phạm hạnh thanh tịnh, mới cầu nguyện có kết quả.

Các vị Thánh Tăng nói trên tiêu biểu cho đệ tử Phật thuộc hàng kiểu mẫu trên cuộc đời. Tuy nhiên, dù là Thanh-văn, Duyên-giác hay Bồ-tát, hàng Tam thừa tứ quả này đều có chung một đặc điểm về đức hạnh là “Đều trì giới rất thanh rất tịnh, đạo đức dày chánh định chơn tâm. Tất cả các bậc Thánh phàm, đồng lòng thọ lãnh bát cơm lục hòa”.

Như vậy, mẫu người xuất gia mà Đức Phật đưa ra, có khả năng làm việc cầu nguyện phải là những bậc mô phạm, thanh tịnh, giải thoát. Vì người nhiễm ô tội lỗi, giới đức không trọn vẹn, không thể thuyết phục được người trên nhân gian, huống chi nói đến việc họ đủ tư cách thay mặt cho người tín chủ, để cúng dường, liên hệ với chư Phật ở thế giới tâm linh.

Trong khi an cư kiết hạ, chư Tăng thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức, nỗ lực tu học. Nhờ gạn lọc, dẹp bỏ tham sân phiền não, tình cảm trong sáng và sống đúng giới luật, họ được giải thoát, an định, trí tuệ sáng suốt. Suốt ba tháng an cư, ngày ngày trầm mình trong giáo lý, suy tư lời Phật dạy, đạo đức và trí tuệ của đại chúng thăng hoa, tích tụ lần đến cao độ trong ngày Tự tứ. Bấy giờ, các bậc Thánh Tăng và phàm Tăng kết hợp với nhau rất thanh tịnh, cùng hướng tâm về người quá cố đang đau khổ, tạo thành lực dụng tiếp dẫn họ trở về trạng thái an lành.


Ngoài ra, để việc cúng dường lễ Vu lan thành tựu, chẳng những chư Tăng giới đức trang nghiêm thanh tịnh, mà hàng Phật tử cúng dường cũng phải hết lòng thành khẩn cầu nguyện: “Lễ cứu tế chí thành sắp đặt, ngõ cúng dường chư Phật, chư Tăng”.

Bằng tất cả tâm chí thành, Phật tử dâng lễ vật cúng dường, cầu nguyện. Tuy nhiên, điều cần lưu ý, đối với chư Tăng còn mang thân ngũ uẩn bình thường, việc thọ nhận cúng dường là điều tất yếu. Nhưng đối với chư Phật, hay Hiền Thánh Tăng không cần vật chất nuôi dưỡng, các ngài đang sống trong Thiền định, an trú trong thế giới tâm linh. Lúc ấy, tâm chí thành trong sạch của Phật tử dâng lên cúng dường trở thành quan trọng.

 

Cổ nhân có nói rằng Phật dụng lòng, không dụng thực, hoặc Phật dụng hiền lương, mạc dụng tiền tài hành ác nghiệp. Nghĩa là Đức Phật không cần ăn, không dùng tiền. Ngài chỉ dùng tâm hiền lương, chân thật của chúng ta. Nếu người làm những việc tội lỗi và dùng đồng tiền tội lỗi ấy dâng cho Phật chẳng khác gì phỉ báng Phật.

Không những tâm của người cúng thanh tịnh, mà phẩm vật cúng dường cũng phải thanh tịnh, không cần phải tốn kém, rườm rà. Tiền của phát xuất từ những việc làm bất chánh, trộm cướp, lường gạt… chỉ là những thứ ô uế, chẳng bao giờ các bậc Hiền Thánh và chư Phật để tâm đến, huống gì thọ nhận chúng.

Muốn cầu nguyện, cúng dường, bản thân của người cúng cần có một đời sống lương thiện, đạo đức đúng theo lời Phật dạy cho hàng Phật tử tại gia. Nếu không hội đủ ba điều kiện nói trên, việc cầu nguyện, cúng dường trong ngày Vu lan báo hiếu chẳng những vô ích, còn tạo thêm tội lỗi.

Tóm lại, thực hiện trọn vẹn sâu sắc tinh thần kinh Vu lan bồn, cần kết hợp đạo hạnh thanh tịnh, giải thoát của chư Tăng với lòng chí thành của người cúng dường, cùng với phẩm vật dâng cúng thanh tịnh, vào lúc hợp thời thanh tịnh của ngày Tự tứ.

Được như vậy, sẽ mang lại kết quả thật lợi lạc như Phật dạy rằng: “Người nào có sắm ra vật thực, đặng cúng dường Tự tứ Tăng thời, hiện tiền quyến thuộc của người, bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn. Tam đồ khổ chắc rằng ra khỏi, cảnh thanh bình hưởng thọ tự nhiên. Như còn cha mẹ hiện tiền, nhờ đó cũng được bá niên thọ trường. Như cha mẹ bảy đời quá vãng, sẽ thác sanh về cõi Thiên cung, người thời tuấn tú hình dung, hào quang chiếu sáng khắp cùng châu thân”.

Chúng tôi mong rằng trong mùa Vu lan báo hiếu, Tăng Ni, Phật tử nên thiết lễ Vu lan đúng như pháp Phật dạy, để không phụ thâm ân giáo dưỡng của Đức Từ Tôn.

 

HT.Thích Trí Quảng