Cách chuyển hóa hoài nghi thành động lực tu tập
Vào thời xa xưa, có những bậc thầy phi thường và đệ tử chí thành chỉ nhờ thực hành với niềm tin không chuyển hướng, một lời dạy duy nhất mà chứng đắc giải thoát. Ngay cả trong thời đại bây giờ, nếu chúng ta nhất tâm thực hành một phương pháp do bậc Thầy chỉ dạy và làm việc với nó một cách trực tiếp miên mật, thì cũng sẽ có hy vọng giác ngộ.
Câu chuyện về người nông dân Medhini
Medhini là một nông dân ở thành Hoa Thị. Tình cờ một hôm ông đang cày bừa trên cánh đồng thì gặp bậc Thượng sư của mình. Thượng sư trao truyền giáo pháp cho ông, nhưng vì cuộc sống bận rộn khiến ông không thể thực hành thiền định như tâm nguyện. Medhini bèn tìm đến Thầy bày tỏ chướng ngại. Bậc Thầy nói:
Ý thức là cái cày
Cảm thọ là bò kéo
Cánh đồng là nhân duyên
Gieo hạt giống trí tuệ
Thu hoạch vui thanh tịnh.
Medhini lĩnh hội được ý Thầy, bèn quay về tu tập, sau 12 năm thì chứng đắc giác ngộ.
Chướng ngại hoài nghi
Trong xã hội hiện đại, được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin, tâm chúng ta thường dao động và hoang mang vì hoài nghi. Hoài nghi là một chướng ngại cho sự thành tựu giác ngộ hơn cả tham lam chấp thủ. Xã hội chúng ta đề cao sự khôn khéo thay vì trí tuệ, và ca tụng những khía cạnh nông cạn, và ít lợi ích nhất của trí thông minh.
Chúng ta đã trở nên quá tinh khôn đến nỗi ta xem chính hoài nghi là chân lý, và sự hoài nghi - mà chỉ là nỗ lực vô vọng của bản ngã để tự vệ - lại được thần thánh hóa xem như mục tiêu của sự hiểu biết. Hình thức hoài nghi nhỏ nhen thấp kém này là chúa tể thảm hại của luân hồi sinh tử được phụng sự bởi những “chuyên gia”chuyên dạy cho ta không phải thứ hoài nghi rộng mở mà Đức Phật xác nhận là cần thiết để trải nghiệm sự tu tập, mà là một hình thái hoài nghi phá hoại không chừa lại cho ta một điều gì để tin vào, không có gì để hy vọng, và không có gì để sống theo.
Nền giáo dục hiện đại vô hình chung đã dạy chúng ta trong sự tôn vinh hoài nghi, trong đó muốn được xem là thông minh thì chúng ta phải hoài nghi tất cả mọi sự.
Chuyển hóa hoài nghi thành cảm hứng tu tập
Đức Phật có dạy một hoài nghi khác, đó là “khi phân tích vàng, nung nó lên, cắt, cọ xát để thử tính chất nó có thực sự là vàng ròng hay không”. Để có được thứ hoài nghi thực sự sẽ đưa ta đến chân lý ấy, quả thực chúng ta không đủ tri kiến, can đảm, và cũng không được dạy để làm việc ấy. Chúng ta đã được huấn luyện để quen cái thói mâu thuẫn vẫn thường xuyên tước đoạt khỏi mọi sự cởi mở để đón nhận bất cứ một sự thật nào khoáng đạt và cao quý hơn.
Chân lý rộng lớn của giáo pháp được truyền lại cho chúng ta ngày nay, quả không phải là một cái gì mà thế giới hiện nay có thể bác bỏ được. Thay vì nghi ngờ những giáo lý ấy, tại sao ta không nghi ngờ chính chúng ta: Sự vô minh, sự hợm hĩnh tự cho mình đã hiểu biết tất cả mọi sự, thói chấp thủ và tránh né của chúng ta, lòng say mê đối với những cái gọi là giải thích thực tại, những giải thích không giống chút nào với trí tuệ bao la mà những bậc thầy tu chứng dạy cho chúng ta biết?
Loại hoài nghi cao cả ấy giục chúng ta tiến lên, gợi cảm hứng cho chúng ta, thử thách chúng ta, làm cho chúng ta càng ngày càng trở nên chân thực, tiếp thêm năng lực cho chúng ta, và kéo chúng ta lại gần chân lý. Khi gần những bậc Thầy, bạn có thể hỏi đi hỏi lại những vấn đề mà bạn cần giải đáp. Đôi khi bạn không nhận được những giải đáp rõ ràng, song bạn không nên nghi ngờ bậc Thầy, hay nghi ngờ giáo pháp. Có thể do bạn chưa đủ trình độ tâm linh, hoặc khả năng nghe (văn tuệ) của mình chưa đủ để hiểu trọn vẹn.
Thật ra, hoài nghi không phải là một căn bệnh, mà chỉ là một triệu chứng của sự thiếu Tri kiến, thiếu nhận thức chân thật về tự tính tâm. Khi có Tri kiến, thì không thể nào nghi ngờ gì nữa, vì khi ấy chúng ta sẽ nhìn thực tại với chính con mắt của thực tại. Nhưng khi chúng ta chưa đạt giác ngộ, thì đương nhiên phải còn hoài nghi, vì nghi là hoạt động căn bản của tâm chưa giác ngộ. Và cách duy nhất để xử lý những hoài nghi là không đàn áp chúng cũng không say mê theo chúng.