Cảm ứng Bồ-tát Quán Thế Âm
Nói đến Bồ-tát Quán Thế Âm, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến một vị Bồ-tát quán sát cuộc đời, xem xét thế sự, lắng nghe tiếng khổ của chúng sanh để tùy duyên cứu độ. Hình ảnh Bồ-tát thường trực trong tâm trí mỗi chúng ta. Do đó, hầu hết Phật tử chúng ta tin rằng, trong cảnh khổ, niệm danh hiệu Bồ-tát thì Ngài sẽ hiện thân cứu giúp.
Gặp khi hoạn nạn hay lâm bệnh nặng gần kề sinh tử, bạn có niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm, cầu nguyện Ngài cứu giúp không? Riêng tôi, đã từng gặp nguy nan như thế và cũng đã cầu nguyện Ngài cứu giúp. Mầu nhiệm thay, lúc nằm trên bàn mổ hình ảnh Bồ-tát hiện rõ trong tâm trí tôi như tiếp thêm nội lực giúp tôi đủ dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi và rất may ca mổ đã thành công.
Đứng trên phương diện nhân quả và nghiệp báo, tới giờ phút đó, người lâm trọng bệnh làm sao cầu nguyện Ngài mà có thể thay đổi được? Thực tế thì có người cầu nguyện có kết quả nhưng cũng có người lại không. Bồ-tát tùy duyên cứu độ? Đây là vấn đề khó lý giải, xin dành câu trả lời cho những bậc minh sư thông tuệ.
Riêng tôi, khi cầu nguyện hết lòng với Bồ-tát bằng đức tin mãnh liệt, tôi thấy mình có đủ dũng cảm và niềm tin khi lên bàn mổ. Và sau khi ca mổ thành công thì niềm tin của tôi đối với Ngài càng sâu sắc hơn.
Tôi chợt nhớ lại câu chuyện trong cuốn Hành trình về phương Đông của Baird T. Spalding (1857-1953) như sau: “Bác sĩ Bandyo, cựu giám đốc Bệnh viện Calcutta (Ấn Độ), một giáo sư đại học có tiếng về khoa giải phẫu. Ông đã có một đề cử giải Nobel về y học. Có một cô bé chừng 13, 14 tuổi mắc chứng bệnh lạ, hội đồng y khoa gồm nhiều bác sĩ danh tiếng đến chữa trị cho cô bé đều bó tay. Bác sĩ Bandyo tuyệt vọng ngồi bên cạnh chờ cô bé trút hơi thở cuối cùng. Bất chợt trong giây phút đó, bác sĩ Bandyo ý thức một sự kiện lạ lùng bên cạnh giường cô bé, khắp phòng bỗng rực rỡ một màu sắc chói sáng, một người phụ nữ hiện ra ngay bên cạnh giường cô bé. Thân thể Ngài chói sáng hào quang như dòng nước lấp lánh dưới ánh mặt trời. Trong giây phút đó, bác sĩ Bandyo bỗng nhận ra Ngài là Mẹ của thế gian. Ông quỳ sụp xuống đất dù cuộc đời ông chưa biết cầu nguyện là gì. Bác sĩ Bandyo cầu xin với tất cả lòng thành kính xin Mẹ cứu chữa cho bệnh nhân. Mầu nhiệm thay, bệnh cô bé được lành. Ngày hôm sau, cả bệnh viện xôn xao rằng bác sĩ Bandyo đã chữa lành cho cô bé. Đồng nghiệp xúm lại trách ông đã tìm ra cách chữa nhưng đã giấu kỹ, chờ mọi người bó tay rồi mới trổ tài. Trường Y yêu cầu bác sĩ Bandyo công bố phương pháp chữa trị. Nhưng ông đã cương quyết nói hết sự thật về sự có mặt cứu giúp của Mẹ. Hội đồng y khoa không tin và bác sĩ Bandyo đã chấp nhận từ chức, lui về ẩn cư tại một làng nhỏ gần Rishikesh để săn sóc sức khỏe cho dân nghèo tại đây. Sau biến cố này, ông đã thay đổi tất cả...”.
Câu chuyện kể của Giáo sư Baird T. Spalding trong Hành trình về phương Đông chưa biết thực hư thế nào? Nhưng chúng ta có thể tin là cô bé ấy đã được cứu độ. Đó là điều làm cho những người con Phật thường niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm có thêm đức tin sâu sắc vào sự cứu độ của Ngài.
Bồ-tát Quán Thế Âm có nhân duyên cảm ứng đặc biệt với chúng sanh ở cõi Ta-bà. Có rất nhiều trường hợp Bồ-tát đã gia hộ và cứu giúp. Nhưng tại sao vẫn có không ít người cầu nguyện Ngài mà chưa được cảm ứng?
Do chúng ta chưa thành tâm, chúng ta có quá nhiều vọng tưởng. Niệm danh hiệu Ngài nhưng tâm chạy theo ngoại cảnh và khởi đủ loại niệm bất tịnh. Cần niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm với tất cả tâm thành, và nhất là để đạt được chánh niệm. Khi chánh niệm, chúng ta nhận thức được rằng: “Ngày nay nhờ Phật/ Biết sự lỗi lầm/ Thành tâm sám hối/ Thề tránh điều dữ/ Nguyện làm việc lành...”(Kinh Sám hối).
Lê Đàn