Câu chuyện tỷ phú cận kề cái chết và bài học từ Đức Phật: Đừng để đến lúc mất đi mới nhận ra ta cần gì
Trong cuộc sống, sự tham lam là một liều thuốc độc và dục vọng là con dao hai lưỡi. Con người ta vốn đi tìm kiếm hạnh phúc mà đâu có ngờ, chỉ cần học được 3 điều thì sự thanh thản luôn ở quanh ta. Đó là nghỉ ngơi, cho đi và buông bỏ...
Có một tỷ phú sống trong căn biệt thư xa hoa nhưng phát hiện ra mình mắc bệnh hiểm nghèo. Tới lúc cái chết cận kề, ông mới chợt nhận ra rằng tất cả danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói. Ông tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên và hy vọng, tìm thấy tia sáng cuối con đường.
Sau khi bắt mạch, danh y nói: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo".
Về nhà, vị tỷ phú lấy đơn thuốc đầu tiên ra và đọc: “Hãy đến một bãi biển và nằm đó khoảng 30 phút, làm liên tục như vậy 21 ngày". Mặc dù thấy khó hiểu nhưng ông vẫn quyết định ra bờ biển, lang thang một vòng rồi ngả lưng nằm trên bãi cát. Bất chợt một cảm giác nhẹ nhàng và khoan khoái vô cùng bao trọn lấy cơ thể ông.
Trước đây, vì công việc bận rộn nên ông không có cơ hội nghỉ ngơi. Nay ông có thể tĩnh tâm lại để lắng nghe tiếng gió thổi vi vu, tiếng sóng biển rì rào hòa lẫn với tiếng kêu thánh thót của đàn hải âu gọi bầy… Trái tim bỗng thổn thức, chưa bao giờ ông có được cảm giác thoải mái như bây giờ.
Ngày thứ 22, ông mở đơn thuốc thứ hai, trong đó viết: “Hãy tìm 5 con cá hoặc tôm rồi thả chúng xuống biển, liên tục như vậy trong 21 ngày”. Trong lòng ông một lần nữa đầy rẫy những băn khoăn nhưng vẫn cặm cụi đi mua tôm cá rồi thả chúng ra biển. Ngắm nhìn từng con vật bé nhỏ được trở về với biển khơi, trong lòng ông không nén nổi nỗi xúc động.
Ngày thứ 43, ông đọc đơn thuốc cuối cùng: “Tìm một cành cây và viết những điều khiến ông cảm thấy không hài lòng lên bãi cát”. Nhưng khi ông vừa viết xong, thủy triều lại cuốn tất cả xuống biển. Ông lại viết, sóng lại cuốn đi, lại viết, lại cuốn đi, rồi lại viết, và lại cuốn đi… Ông bật khóc nức nở vì chợt hiểu ra tất cả.
Khi về nhà ông cảm thấy toàn thân nhẹ nhàng, tinh thần chưa bao giờ thoải mái và tự tại đến thế, thậm chí ông cũng không còn sợ cái chết nữa.
Thì ra con người ta chỉ cần học được 3 điều thì sẽ vui vẻ hạnh phúc:
Thứ nhất: Nghỉ ngơi
Thứ hai: Cho đi
Thứ ba: Buông bỏ...
Sống trong cuộc đời đừng chỉ biết tiền và tiền
Kodo Sawaki (1880-1965) - một trong những vị thiền sư phái Tào Động (Nhật Bản) có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX - từng nói: Hạnh phúc và bất hạnh của con người không chỉ tùy thuộc vào tiền. Nếu con số trong tài khoản tín dụng của bạn là thước đo lường hạnh phúc, thì sự việc sẽ đơn giản xiết bao.
Đừng quá tiêu cực khi bạn bắt đầu nói là bạn cần tiền để sống. Trong thế giới này, bạn có thể hoàn toàn sống tốt mà không cần đến sổ tiết kiệm.
Một số người nghĩ rằng họ quan trọng bởi vì họ có tiền. Người khác thì cho mình quan trọng vì đã đạt được giác ngộ (satori). Nhưng cho dù bạn thổi phồng tấm da thịt này bao nhiêu, bạn cũng không thể biến mình thành gì cả, ngoài việc trở thành ma.
Những gì không thuộc về bạn chiếm đầy vũ trụ. Khi nào những suy tưởng của cá nhân bạn chấm dứt, thì Phật pháp có mặt.
Con người có quá nhiều tham, ái, sân si
Thiền sư Thích Nhất Hạnh cũng răn dạy rằng, hạnh phúc phụ thuộc vào thái độ tinh thần của mình chứ không phải điều kiện bên ngoài. Con người có thể dễ dàng sống hạnh phúc trong khoảnh khắc hiện tại bằng cách nhớ, mình đã có nhiều hơn đủ để được hạnh phúc.
Hạnh phúc chính là con đường bạn đang bước đi, với từng hơi thở. Con người có quá nhiều tham, ái, sân, si. Chúng ta đau khổ bởi chúng ta không biết cách xử lí vấn đề của mình. Thiền định giúp mọi người xử lí đau khổ. Lòng từ bi và sự hiểu biết là điều cần thiết để chữa lành mọi khổ đau trên thế giới này.
Bạn cần biết nghỉ ngơi, cho đi, buông bỏ
Trong cuộc sống, sự tham lam là một liều thuốc độc và dục vọng là con dao hai lưỡi; có một cuộc sống ổn định rồi vẫn muốn theo đuổi sự thoải mái; có cuộc sống thoải mái rồi lại muốn hưởng thụ những vật chất xa hoa…
Nếu dục vọng không có điểm dừng thì con người vĩnh viễn không bao giờ cảm thấy đủ, không bao giờ cảm thấy thỏa mãn, và cũng không bao giờ tìm kiếm được niềm vui.
Hãy trân trọng những gì bạn đang có, bạn sẽ thấy rằng bản thân mình là người giàu có, hạnh phúc nhất trên cõi đời này.
Theo Trí thức trẻ/Tổng hợp