Chạy đến bao giờ thì dừng


Chúng ta luôn tìm và bằng mọi cách để được tự do, được ngày mỗi an vui hơn, nhưng thiết nghĩ chúng ta đang ngày càng làm bó hẹp lại tự do của chính mình. Phải chăng ta đang đi giữa thời đại mà mọi thứ dần được chỉn chu vi diệu của cái gọi là hiện đại hóa, những trang thiết bị, công cụ thay thế con người và rồi cả những trò chơi ảo từ những trang mạng và mới đây là Pokémon Go.
 

Nhiều cảnh báo đã được đặt ra với trò chơi Pokémon Go

Thay vì có máy móc hiện đại thì con người được thảnh thơi và tự tại hơn nhiều, đằng này có rất nhiều người bị vướng víu, bận bịu với nó. Mà thông dụng nhất hiện nay là cái “alo” xịn. Các nhà sản xuất luôn tìm cách sáng tạo độc-đặc để câu khách, nhằm thỏa mãn thị hiếu khách hàng và cũng là cách móc túi tiền của khách một cách nghệ thuật và nhẹ nhàng nhất. Hầu như ở đâu, lúc nào, bao giờ mình cũng luôn bên cái điện thoại xịn đó. Nó như là một thứ bảo bối không thể không có trong người.

Hôm qua tôi đi ngang Công viên Tao Đàn, lấy làm ngạc nhiên vì có rất nhiều nhóm bạn trẻ ngồi có, đứng có, tựa lưng nhau có… Họ từ băng ghế đá cho đến ngồi bệt trên thảm cỏ, trên vỉa hè và cùng nhau dán mắt vào những chiếc điện thoại xinh xắn thông minh, vì có trò chơi mới mang tên game Pokémon Go. Cái mà mọi người cho là trò chơi tương tác để đi bắt ảnh hình ảo giác kia là trò chơi mới lạ, gây nhiều hứng thú so với những trò chơi đã và đang sử dụng đến buồn chán lại bắt đầu gây ra thêm tác hại mới từ an toàn giao thông đường bộ. Vì ai cũng ít nhìn ngắm cảnh quan, chỉ mắt dán điện thoại, cười và nói cùng điện thoại, làm cái gì cũng bày tỏ với điện thoại.

Điện thoại giờ được xem như một “động vật bậc cao”, có trí tuệ - như loài người; nhưng thực ra người ta đang tương tác với một vật vô tri - sản phẩm của con người - ảo giác đó đang đánh lừa cảm giác. Tôi thầm hỏi, chẳng lẽ chúng ta không còn gì để nói, để cười và thở với nhau trong một đời sống thật chan hòa ư?!

Ồ, nếu vậy thì loài người đang bơ vơ và cô độc quá chăng?! Mình chạy cùng sáng tạo, kiệt cùng với sáng tạo để đem lại mong cầu hưởng thụ, nhưng rồi chính những vật dụng ấy đã ngày thêm siết sợi xích kẹp chặt mình lại. Tôi đã thấy hai người bạn rủ nhau ra quán bờ sông để cà-phê nói chuyện phiếm, nhưng thử để ý cả buổi họ chỉ ngước mắt nhìn nhau có hai lần. Đó là lúc gặp nhau bắt tay cười nói và gọi thức uống, lần sau cùng là lần gọi nhân viên quán nước tính tiền rồi cả hai nhoẻn miệng cười chào từ biệt, lại bỏ ngỏ câu hẹn nhau cà-phê lần sau nhé!

Suốt buổi họ không phải trầm ngâm vì ngắm con nước lớn - ròng, vì sự biến đổi của mây trời, của nắng, của gió, của dòng người qua lại trên phố, của tin tức thời sự qua những trang báo… Mà họ đang lướt mạng chat Facebook, Zalo, chạy đuổi cùng Pokémon… Họ quên mất người đối diện. Họ quên mất cuộc hẹn giữa họ sáng nay bên bờ sông có việc cần nói. Thế rồi sau cả buổi cà-phê mà vô ngôn ấy, họ ra về lại để một dãy dài dằng dặc trên khung chat nội dung cần trao đổi. Ngộ, thiệt là ngộ!

Bạn và tôi vọng ngoại quá nhiều. Mình thích nói về người khác, việc khác, đề tài nóng bỏng mang tính ghê sợ, dễ gây tò mò thính chúng. Dần dần mình càng xa mình. Tôi đã hỏi một bạn trẻ và một bạn trung niên như vầy: Nếu giả như trong một ngày, hai ngày, ba ngày cho tới một tuần, hai tuần, ba tuần… bạn không sử dụng điện thoại thông minh, không nói chuyện trên mạng mà là hành xử việc thật, người thật với nhau trong mọi hoàn cảnh thì bạn có chấp nhận và có khó chịu chăng? Cả hai đều trố mắt nhìn tôi và lắc đầu không chấp nhận được điều đó. Bạn trẻ ấy nói, giả như bị cướp mất cái điện thoại thông minh ấy thì cũng ráng cày hoặc tìm cách nào đó có lại nó để mà còn chơi, còn có bạn bè để được like, để được nắm bắt thông tin nhóm bạn chứ!

Thì ra người ta vẫn thích những lời chia sẻ và cảm khái với nhau qua ảo giác, đông bạn trên mạng. Như vậy họ chạy cả ngày để trả lời câu hỏi này, cật vấn chuyện kia, buồn chuyện nọ, hả hê với người này. Toàn là thị phi và điên đảo, không một phút giây nào chúng ta tự do trong an yên thật sự, ngay cả giờ nghỉ trưa, ngủ giữa khuya cũng phải buộc lòng trả lời một tin chat, một chia sẻ trên trang mạng…

Nếu thử thực tập hướng nội, chúng ta thấy vi diệu biết chừng nào. Tại sao mình không xét lại cơ thể này để cảm ơn những chi phần trong đó đã đồng thanh hiệp lực lại nuôi sống thân mạng này. Có bao giờ chúng ta im lặng nghe nhịp tim mình đập, để rồi cảm ơn trái tim đã một đời không nề hà, không lơ là nghỉ ngơi để nuôi mạng sống này. Có khi nào chúng ta cảm ơn phổi, gan, thận, dạ dày, xương, da, mắt tai, mũi, lưỡi, tay, chân,… này chăng?!

Bạn thử cảm ơn những chi phần đó đi rồi sẽ thấy điều thần kỳ xuất hiện. Những bộ phận ấy âm thầm làm việc cho bạn mà bạn chưa hẳn lo toan, chăm sóc, giúp đỡ chúng bớt căng thẳng, vơi mỏi mệt cả. Có khi nào mình nghe lại hơi thở của chính mình để biết được hơi thở ngắn, hơi thở dài, hơi thở an nhiên, hơi thở mệt mỏi, hơi thở trong lành… Chắc là chưa vậy!

Vì chưa, nên chúng ta nhọc mệt với những ảo giác của điện thoại mang bao trò chơi gây tính tò mò để mình mải mê trong mộng, nó không đem lại một tình cảm mới mẻ nào hoặc một điều kỳ diệu giữa muôn hoa sắc thắm giữa nhân quần. Một lời cảm ơn - xin lỗi, một ánh nhìn quan tâm nhau, một nhịp thở đón ban mai trong lành với giọt sương rụng trong nắng mai hay sóng sánh nhịp nước của buổi chiều hôm đã dần mất trong tâm tưởng ta rồi chăng…

Đừng đổ thừa thời đại công nghiệp, đừng đổ lỗi cho công việc và bận bịu không có thời gian nhiều. Chúng ta giàu có thời gian hay nghèo nàn thời gian đều do sự sắp xếp và biết nâng niu giọt thời gian đang trôi qua liếm mòn dần mạng sống này mà nếu sống thờ ơ, sống mộng mị thì cái sống ấy đáng buồn biết bao!

Trần Huy Minh Phương