Chỉ có ta gội rửa cho ta
Đây là nguyên lý sống do đức Phật chứng ngộ mà nói ra, không phải do suy luận vu vơ, huyền hoặc. Ngài chỉ cho con người biết cách làm chủ bản thân đem lại giá trị bình đẵng cho con người, bằng cách mình làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Con người có quyền làm chủ chính mình, nên hư, thành bại, phải quấy, tốt xấu đều do con người tạo lấy, không một đấng nào có quyền ban phước, giáng họa. Đó là chân lý nhiệm mầu của đời sống con người.
Người nào thích trác táng ăn chơi sa đọa để rồi giam mình trong ngục tù tội lỗi, làm khổ mình, hại người thì cuối cùng phải nằm bên bờ vực thẳm.
Còn nếu chúng ta tập thói quen tốt giúp người, cứu vật hướng đến chân thiện mỹ, làm người có nhân cách, sống có đạo đức, luôn vì lợi ích chung, không vì lợi ích riêng tư thì an nhiên, tự tại trên bờ giác ngộ vậy.
Giác ngộ hay vực thẳm là do hành động của mỗi người tạo nên qua thân, miệng, ý. Khi chưa biết tu như lúc khai hoang làm rẫy thấy rắn thì ta tìm cách đập chết, nay biết tu rồi thấy rắn thì tránh không đập mà tìm cách gieo duyên hóa độ cho nó. Đó là từ vực thẳm chuyển thành giác ngộ. Vì vậy, nhân quả có thể thay đổi được, qua cách chuyển nhân, thân không làm ác mà hay làm thiện.
Hoặc giả lúc ta chưa biết tu, miệng hay nói lời hung dữ ác độc, cay nghiệt làm cho người oán giận thù hằn, phiền não khổ đau. Nay ta biết tu rồi, ý thức được đó là lời nói làm tổn hại đến người, ta thường hay nói lời hòa nhã, chân thật, dịu dàng dễ nghe… Đó là ta biết chuyển nhân xấu từ miệng thành thiện ích.
Như vậy, nhân quả khác với số phận là có thể thay đổi được. Nhờ đó, con người có thể chuyển xấu thành tốt, chuyển họa thành phúc, chuyển mê thành ngộ. Thực hành được những điều đó chính là người khéo biết tu vậy.
Còn nói số phận con người là cố định, không thể thay đổi được thì người giàu sẽ ỷ lại, họ sẽ hưởng thụ ăn chơi sa đọa đến khi phước hết, họa đến làm sao trở tay cho kịp, đành bó tay ngồi than phân trách phận, oán trời, trách đất, đổ thừa tại bị thì là... Còn người nghèo thì lại nghĩ rằng, dù có siêng năng, tinh cần cũng mất công vô ích cho nên chẳng cần phấn đấu vươn lên làm mới lại chính mình, cuối cùng nghèo lại càng nghèo thêm.
Vì vậy, việc hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, giúp cho con người có thêm ý chí nghị lực, giàu lòng can đảm, không bi quan, yểm thế, không oán than hay đổ thừa số phận khi gặp bế tắc, dù gặp nhiều khó khăn, chướng ngại nhưng ta vẫn luôn vui vẻ vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
Người không tin vào nhân quả thường có thái độ yếu đuối thấp hèn, luôn sống trong lo lắng, sợ hãi, bất an. Họ hay tin vào những khả năng siêu hình, hoặc tha lực, mang tư tưởng cầu nguyện, van xin, sống ỷ lại vào người khác dễ dẫn đến mê tín, dị đoan, không tin sâu nhân quả, do đó không nhìn thấy được lẽ thật nên luôn sống trong đau khổ lầm mê.
Còn ai hiểu và tin sâu nhân quả thì sẽ sống một đời bình yên hạnh phúc trong trạng thái an lành, tự tại, luôn sống có trách nhiệm đối với mọi hành vi xuất phát từ thân, miệng, ý của chính mình. Người đã tin sâu nhân quả thì biết rõ ràng làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau là một quy luật tất yếu, là lẽ đương nhiên. Ai có lòng tin sâu như vậy, thì sẽ sống không ỷ lại, không cầu cạnh, van xin, không chạy trốn trách nhiệm, dám làm dám chịu không đổ thừa cho ai.
Đây là tinh thần tích cực chỉ có trong đạo Phật luôn giáo dục người Phật tử ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình đối với mọi hành động của bản thân, luôn yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau theo phương châm “tốt đạo đẹp đời”.
Còn nếu ai sống mà chấp nhận số phận đã an bài thì khó lòng mà vươn lên làm mới lại chính mình. Như bản thân chúng tôi nếu không có ý chí và nghị lực làm lại cuộc đời, thì tôi đã rũ xương trong lao tù nghiện ngập vì số phận đã an bài. Nếu ta không biết tự mình đứng lên sau khi vấp ngã, nếu không có Phật pháp soi đường chỉ lối, nếu không có Thầy Tổ dang tay tế độ, nếu không có bà mẹ tốt nâng đỡ cưu mang… thì ngày nay tôi đâu có cơ hội để chia sẻ cùng chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút trải nghiệm trong cuộc đời. Đạo Phật là một tôn giáo có chất liệu rất thực tế trong đời sống con người. Đạo Phật có mặt trong cuộc đời là để phục vụ cho lợi ích nhân loại và muôn loài. Đạo Phật luôn nêu cao tinh thần nhân quả và khả năng giác ngộ của con người.
Tất cà mọi hiện tượng, sự vật trên thế gian này, nếu đem ra khảo sát thật kỹ, chúng ta sẽ thấy không một sự vật nào thoát ra ngoài lý nhân quả. “Thấy quả biết nhân, thấy nhân biết quả” là tinh thần thực tiễn rất khoa học, không mơ hồ, không ảo tưởng. Một số khảo cứu của các nhà khoa học đã chứng minh cho lời Phật dạy là chân lý.
Một trong những giáo lý thiết thực nhất đức Phật đã dạy và hướng dẫn cho hàng đệ tử của Ngài, đó là thuyết nhân quả nghiệp báo. Nhân quả là giáo lý nền tảng của đạo Phật và nó đã thấm nhuần trong nhân loại và đã ăn sâu vào tâm huyết của mọi người.
Đạo Phật được truyền vào Việt Nam đã trên hai ngàn năm nay, nếu ai không hiểu thấu lý nhân quả và áp dụng trong đời sống hằng ngày thì thật là một thiệt thòi to lớn không gì bằng.
Điểm nổi bật nhất của đạo Phật là đạo làm người hay nói cách khác đạo Phật là đạo của con người. Người ta thường nói, đạo Phật là đạo của tình thương, là đạo của tỉnh thức, vì giáo lý đạo Phật luôn giúp cho con người giải quyết được mọi sự nên hư, tốt xấu, thành bại trong cuộc đời là do mình tạo lấy, nhờ vậy ta biết sống tốt hơn để đạt được an vui hạnh phúc.
Hiểu và ứng dụng lý nhân quả vào trong đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ tự tin nơi chính mình, không ỷ lại vào một đấng quyền năng nào có thể ban phước, giáng họa cho con người. Trong đời sống này, khổ hay vui là do mình tạo lấy mà thôi. Chính con người là thượng đế tối cao của con người. Con người có quyền quyết định mọi vấn dề trong cuộc sống và có quyền làm chủ mọi hành động từ thân, miệng, ý. Và trong khuôn khổ nhất định, người làm lành được hưởng phước, người làm ác phải chịu khổ đau, ta không thể đổ thừa cho ai cả.
Chính vì vậy đạo Phật rất chú trọng đến vấn đề nhân quả nghiệp báo, nó là một nguyên lý giúp cho con người ý thức và chịu trách nhiệm về những hành vi tạo tác của mình trong đời sống hiện tại. Người tu theo đạo Phật, chúng ta cần phải hiểu thấu lý nhân quả một cách tường tận, lấy đó làm kim chỉ nam, làm phương châm tu hành ngay tại đây và bây giờ để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau, thành an vui hạnh phúc.
Giáo lý nhà Phật từ thấp tới cao, từ đạo làm người cho đến đạo hiền Thánh đều dựa trên nền tảng của nhân quả, vì vậy trong cuộc sống của chúng ta ai không thấu hiểu lý nhân quả thì sự tu hành của mình khó mà đạt được kết quả tốt đẹp.
Chúng tôi chân thành bộc bạch đôi lời, xin được kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống, kính mong những ai muốn làm người tốt hãy cùng chúng tôi vượt cạn lên bờ. Tuy rằng, “vượt cạn lên bờ được mấy ai” nhưng khi ta quyết là được, muốn là thành, không có gì không thể làm được
Thích Đạt Ma Phổ Giác