Cõi Tịnh ở nơi nào?


15-12 (nhằm 17-11 ÂL), những người con Phật có thêm một dịp để hướng về Bụt - nhân vía Đức Phật Bổn tôn Ami Đà. Đặc biệt, với hành giả tu tập Pháp môn Niệm Phật - sẽ càng tha thiết, chí thành hơn - để tưởng nhớ đến vị Giáo chủ cõi Tây phương Cực lạc, nơi mà mình hằng nguyện sinh về.


Thật có một cõi Cực lạc? Đương nhiên! Bởi Đức Bụt đã nói, chắc chắn lời Ngài là chân thật. Hành giả nguyện về cõi Cực lạc là nguyện sanh về nơi thanh tịnh, để tiếp tục tiến tu đến quả vị Bụt (hoàn toàn giác ngộ) - chứ không phải để hưởng sự sung sướng, không chỉ để "không già, không chết" mà thôi.

Tôi dùng chữ nguyện mà không phải là cầu, bởi trong từ đó có sự xác quyết con đường đi và điểm đến mà hành giả phải là người từng bước đi tới chứ không lệ thuộc vào sự cứu vớt, nâng đỡ.

Thực ra, muốn tiếp xúc được với Đức Phật, với cõi lành, cõi tịnh thì mỗi người phải tự nỗ lực (có phát nguyện) chuyển hóa tham-sân-si, để tâm thanh tịnh, rỗng rang thì mới có thể thấy, nghe, cảm nhận được sự có mặt của mười phương chư Bụt, Thánh chúng.

Khi vào trong một căn phòng tĩnh lặng, một âm thanh dù nhỏ nhiệm đến mức bé tẹo teo ta cũng có thể nghe thấy và ngược lại, giữa chỗ ồn ào, náo nhiệt thì ta nghe quá trời thanh âm tạp nhạp, khó phân biệt. Cũng vậy, lòng ta thật sự im lặng thì sự hiện hữu của Bụt, của Thánh chúng, của cõi tịnh mới biểu hiện được trong sự nhận diện của mình.

Đức Bụt có ở mười phương, thường trụ khắp nơi nhưng ta không thấy vì ta bận thấy những thứ khác, hữu tướng xung quanh, ta không hướng sự quan tâm tới Ngài nên Ngài có đó mà mình không cảm nhận được. Do vậy, Tịnh độ ngay đây, bây giờ - như là tiếng chuông giúp mình liền trở lại, lắng lòng thanh tịnh để thấy được Bụt, được Thánh chúng không có xa xôi mà rất gần gụi: ngay trong hơi thở có chánh niệm, tỉnh thức!

Vâng, có một cõi tịnh ở cách ta hàng hà sa số cõi nước, nhưng bên cạnh đó cũng có một cõi tịnh ngay trong lòng ta khi chúng ta lấy mắt thương nhìn cuộc đời. Để rồi, một sớm mai nào đó, thay vì nhìn người ta tranh đấu và mình nổi sân si thì ta sẽ thấy người ta chia sẻ với nhau bằng những món quà cứu đói, bằng lời nói xây dựng, bằng sự chân thành an ủi... Khi đó, ta sẽ thấy những tia sáng tình thương rọi từ cõi tịnh của người này tới người kia, tiếp dẫn và chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau của người đang đau, đang khổ ấy - khiến cả hai đều an vui một cách nhiệm mầu.

Và, ta ngộ ra, Đức Bụt Ami Đà xây dựng cõi tịnh bằng tình thương, muốn cứu chúng sinh đau khổ nơi cõi Ta-bà này, thì ta học Ngài - cũng nên vận dụng tình thương để sẻ chia với nhau, đến với những nỗi khổ của con người và muôn loại cũng như môi trường sống để đem cõi tịnh có mặt ngay hiện tiền. Đó chính là chúng ta đang "theo gót chân Bụt", xây dựng tịnh độ nhơn gian, làm cho những tia sáng tình thương phát quang trong mình và soi chiếu vào người để họ cũng được thắp sáng ngọn đèn thương yêu, hiểu biết ấy.

Thực ra, trong mỗi người ai cũng có ngọn đèn ấy cả mà, chỉ cần nhận ra và thắp lên thì sẽ sáng...

Lưu Đình Long