Con người chân thật nơi chính mình


GN - Mục đích của Thiền tông không gì khác hơn là nhận rõ và sống được với tâm chân thật nơi chính mình.

Tâm không bao giờ xa rời mình nhưng vì chúng ta chỉ lo chạy theo những vọng tưởng điên đảo hay cái dụng của tâm, từ đó sinh ra phiền não. Chính nhờ có tâm nên mới nhìn thấy, nghe, ngửi, nếm... rồi khởi lên phân biệt chấp trước người này đẹp, người kia xấu, bài hát này hay, bài thơ kia dở,… Từ đó tiếp tục sản sinh ra vô số những vọng tưởng điên đảo thương, ghét, vui, buồn… Như vậy, điên đảo bắt nguồn từ tư tưởng, nếu không có tư tưởng thì không có điên đảo và tu thiền cốt để nhận rõ bản chất thật của điên đảo và chấm dứt nó.


Mục đích của Thiền tông không gì khác hơn là nhận rõ và sống được với tâm chân thật nơi chính mình

Hòa thượng Thạch Đầu từng gạn hỏi ngài Bảo Thông - Đại Điên: Cái gì là tâm ngươi? Sư thưa: Chính cái nói năng đó! Bị Thạch Đầu đuổi ra. Hơn một tuần sư lại đến hỏi: Trước đó đã chẳng phải, vậy trừ ngoài cái này, gì là tâm? Thạch Đầu bảo: Trừ bỏ nhướng mày chớp mắt, đem tâm lại. Sư thưa: Không tâm có thể đem lại. Thạch Đầu bảo: Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Không tâm trọn đồng chê bai. Ngay câu nói ấy, sư Bảo Thông đại ngộ.

Rõ ràng trong câu chuyện này, không phủ nhận có tâm, có tâm tức có bản tâm nhưng rõ ràng chúng ta thường quên đi bản tâm của chính mình mà chạy theo những vọng tưởng điên đảo. 

Theo kinh A-hàm, Đức Phật dạy trong tâm chúng ta có mười tên giặc (dụ cho mười triền cái, mười kiết sử) ăn cướp gia bảo của nhà mình mang đi nhưng thật chất chúng cũng là người trong nhà. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tâm khởi phân biệt thành sáu thức. Sáu thức làm nội ứng để sáu trần có thể tác động đến chúng ta. Ví dụ như chúng ta không có tâm ưa thích âm nhạc, rượu chè,… thì cảnh bên ngoài có đến mình vẫn dửng dưng, nhạc có hay, rượu có ngon, tâm mình vẫn bất động.

Để trở về với bản tâm thanh tịnh, chúng ta cần khéo chuyển thức thành trí nhờ sự tỉnh giác, thấy vọng tưởng là phải buông bỏ. Nhưng con người vốn đầy đủ tham, sân, si không phải dễ dàng buông bỏ được những thứ xưa nay mình coi trọng, buông hết đi thì mình còn gì? Chuyển hóa tham, sân, si thành giới, định, tuệ là điều không thể thiếu trong việc tu hành.

Hàng ngày, chúng ta đã quen với việc chạy đua với vô thường để được sống còn nhưng không ngờ rằng chính những cuộc đua ấy mà chúng ta đã đánh mất đi tất cả. Chúng ta chỉ có thể tồn tại, sống được với chính mình khi biết dừng lại những vọng tưởng lăng xăng. Sống được với chính mình là ngay nơi thực tại sống với bản tâm chân thật này.

Lục tổ nói: “Đạo là phải trôi chảy cớ sao lại ngưng trệ? Tâm chẳng trụ nơi pháp thì đạo liền trôi chảy, còn nếu tâm trụ pháp gọi là tự trói”. Đạo thì luôn trôi chảy chứ không lúc nào ngưng trệ, nhưng mình trụ thì nó liền tự trói, tay mình nắm ở đâu thì tự mình trói vào đó, chỉ đơn giản ngay khi tâm vô trụ thì ngay nơi đó liền tự giải thoát, giải thoát ngay nơi sáu căn này thì sáu căn chuyển thành sáu thần thông.

Tổ Lâm Tế giải thích sáu thần thông: “Sáu thần thông của Phật là vào sắc không bị sắc làm mê hoặc, vào âm thanh không bị âm thanh mê hoặc, vào thế giới của mùi hương không bị mùi hương làm mê hoặc, cho đến vào thế giới pháp trần không bị pháp trần mê hoặc, do đó thông suốt sáu loại sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, đều là tướng Không, không thể cột trói vị đạo nhân không nương tựa này; tuy là mang thân ngũ ấm mà chính là địa hành thần thông”. Tức là khi thấy nghe hiểu biết mà không bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm mê hoặc, không có lầm lẫn, không trụ vào trong đó, thì ngay nơi đó là vị đạo nhân chân thật không có tựa, không có trụ, đó là Bát-nhã chân thật; được vậy thì ngay nơi cái thân này là địa hành thần thông, tức là thần thông diệu dụng, mọi thấy nghe hiểu biết đều là diệu dụng.

Thiền chân thật không phải là những gì cao xa vượt ngoài tầm tay của người mà chính là cái gần gũi ngay trong cuộc sống hàng ngày, trong mỗi người đang sống đây, chỉ khéo tỉnh giác là nhận ra con người thật nơi chính mình.

Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông dạy: “Các nhân giả! Ngày tháng dễ trôi qua, mạng người không chờ đợi, sao cam ăn cháo, ăn cơm mà không rõ việc bát, việc muỗng?”.
 
Hãy tập buông bỏ, dẹp hết mọi vọng tưởng lăng xăng và nhận ra bản tâm thanh tịnh vốn sẵn có nơi chính mình để thấy Đức Phật luôn hiện hữu nơi mỗi chúng ta!