Con sông quê



Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo miền đất võ. Như bao làng quê khác, quê tôi cũng có giếng nước, lũy tre, dòng sông, bến đò... Sông quê uốn mình qua bao thác ghềnh rồi hiền hòa ôm lấy ngôi làng tôi nhỏ bé. Có thể con sông ấy không mênh mông như Nhị Hà, không nặng màu phù sa như Cửu Long, cũng không hùng vĩ như con sông Đà trong tác phẩm cùng tên của Nguyễn Tuân. Nhưng với tôi, dòng nước ấy là nơi cất giấu bao nhiêu ký ức của thời xa xưa. Ngược thời gian trở về với tuổi thơ, những năm tháng quây quần, gắn bó với làng, với con sông quê. Chiều hè, nắng nhỏ giọt cuối cùng lên chóp núi, đám trẻ con chúng tôi thi nhau ùa ra sông tắm… làn nước trong veo, mát rượi làm tươi mát tâm hồn trẻ thơ. Chúng tôi thích thú đùa nghịch, la hét, reo hò… làm inh ỏi cả một khúc sông.

Có những ngày nắng to, tôi cùng đám bạn trong xóm rủ nhau trốn ngủ chạy ra sông tắm. Thế rồi có những cuộc chơi trốn tìm bí hiểm ở hai bờ sông cây cối tốt tươi, hay nghịch ngợm trèo qua triền sông hái quả rồi đua nhau nhảy xuống sông xem ai lặn giỏi hơn… Những buổi trưa vắng vẻ, sông trôi êm đềm ru nhẹ con thuyền ngủ gục trên bến, thuyền lá thẫn thờ, lác đác trên sông. Tôi hay ngồi nhìn những tia nắng lấp lánh phản chiếu muôn màu trên mặt nước rồi hình dung nên một dải Ngân hà tráng lệ trên sông. Tuổi thơ trôi qua có thế thôi mà khiến con người ta phải luyến tiếc, đôi lúc ngập ngừng: “Cho tôi xin… một vé đi tuổi thơ!”. Con sông quê tôi êm đềm chảy qua bốn xã nối nhau dọc hai bên bờ. Chính vì thế nó trở thành “người” trung gian của làng tôi với làng bên. Những cuộc giao chiến của bọn trẻ con chúng tôi diễn ra giữa hai phe “bên bồi” và “bên lở”, bao lần không phân được thắng bại. Và rồi “chiến sự” chưa tàn, “thế cuộc” chưa phân thì bao mối lương duyên lại âm thầm được kết nối. Những chiếc thuyền hoa lần lượt nối đuôi nhau mà xuôi dòng. Chúng tôi gọi đó là sự diệu kì của tạo hóa! Trái ngược với những ngày hè hiền hòa êm dịu, sau những cơn mưa mùa dai dẳng, sông trở nên hung dữ với những cơn lũ tràn về. Lũ cuốn trôi nhà cửa, cuốn trôi hoa màu cây cỏ. Những con nước đục ngầu mang theo bao nỗi lo âu của bà con thôn xóm. Những đêm thao thức trằn trọc của bà, của mẹ mỗi lần ễnh ương buông tiếng thở than não nùng. Tất cả như điểm màu cho những ký ức của những đứa trẻ sống dọc đôi bờ sông như tôi. Mùa mưa, khi chiếc cầu tre đan bị lũ cuốn trôi đi, phương tiện qua sông duy nhất chỉ có con đò. Ông lái hiền từ ngày đêm không quản khó nhọc đưa hết chuyến này đến lượt khách khác sang bờ bên kia.

Chúng tôi đi học luôn được ông ưu tiên cho qua trước. Ông vốn tốt bụng nên lâu lâu lại có đứa “quỵt” tiền đò. Lúc ấy, ông chỉ cốc nhẹ lên đầu, cười hiền lành và bảo: “Mới bé tí mà ranh”. Ngày mùa đông, cái lạnh giữa lòng sông nước như cắt da cắt thịt vậy mà ông lái đò vẫn kiên trì đưa đón khách. Ông không quản nề hà khó nhọc, dù một người hai người ông vẫn chèo đò qua hết bến sông. Một ngày, chiếc cầu xi-măng được bắc qua thay cho chiếc cầu tre chông chênh mỗi mùa lũ. Từ đó, làng quê tôi cũng thay da đổi thịt, tươi tỉnh hẳn ra, nhộn nhịp, tấp nập người xuôi kẻ ngược. Thế rồi vô tình một ngày hình bóng ông lái đò nhạt dần rồi khuất hẳn trong tâm trí mọi người. Chiếc thuyền bây giờ chỉ là nơi ông lái tìm thú vui cho cuộc đời gắn bó với sông nước của mình. Và sau đó, khúc sông mất hẳn bóng ông đò, con thuyền nhỏ bơ vơ trên bến vắng. Một đời người đi qua trên dòng sông, rồi bao lớp người cứ thế đi qua… hết lượt này… đến lượt khác. Sông vẫn vậy, vẫn êm đềm trôi. Hờ hững, chứng kiến những đổi thay của quê hương, của con người. Ai đó từng nói với tôi rằng: Đời người là một dòng sông, có những nơi nó đi qua nhẹ nhàng trôi chảy nhưng cũng có những khúc quanh co, thác ghềnh. Có lẽ tôi chưa đi “qua nửa đời người,” thế nhưng mỗi lần xa quê, mỗi khi gặp khó khăn tôi lại muốn trở về “úp mặt vào sông quê… con sông ngọt ngào như tình mẹ, dìu con đi qua chớp bể mưa nguồn”. Về quê, về với dòng sông, ngửa mặt đón cơn gió mang theo hơi nước tinh khiết mát rượi, tôi thấy hồn mình như được thanh lọc hẳn đi, không phải bận lòng với những trắc trở, xa cuộc sống bon chen tấp nập chốn thị thành. Nơi con sông quê hương, tuổi thơ tôi hiện về nguyên vẹn những tinh khôi của lứa tuổi cắp sách đến trường, những tình cảm đầy xúc động thân thuộc về những đứa bạn nối áo nối quần từ nhỏ. Nơi đây, tôi tìm trong tiềm thức những hình ảnh thân quen. Bóng mẹ in dài sau ngọn đèn chập chờn mùa lũ, tiếng bà vẫy nón gọi đò những buổi chợ trưa. Xa xa, thấp thoáng con đò quen thuộc, chủ nhân nó đang loay hoay buông từng cuộn lưới nhỏ trên sông vắng. Tôi lại lên đường tha phương mang theo những dấu yêu về dòng sông lượn quanh làng quê cưu mang tôi! Sông quê vẫn cứ êm đềm trôi… đi…! „


Thanh Nhi