Đạo làm trụ trì theo Thiền lâm bảo huấn


GN - Trụ trì là người ở tại một cơ sở Phật giáo (chùa, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất v.v...), đại diện cho Giáo hội nắm giữ trú xứ đó, có trách nhiệm quản lý cơ sở vật chất, lãnh đạo đồ chúng xuất gia và tại gia, phát huy đạo Phật và làm cho Phật pháp được thường trụ ở đời.

Ý nghĩa trụ trì nằm trong câu “Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng”, nghĩa là ở nhà của đấng Pháp Vương (Phật), giữ gìn tạng Pháp của Phật, hay “An trụ ư thế nhi bảo trì Pháp giả”, ở yên nơi đời mà gìn giữ Phật pháp.


Ý nghĩa trụ trì nằm trong câu "Trụ Pháp Vương gia, trì Như Lai tạng"

Vai trò của vị trụ trì hết sức quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn vong của Phật pháp. Vì trụ trì là người trực tiếp hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tu học, làm cho mọi người trong trú xứ của mình sống theo đạo đức, đúng với Chánh pháp, được lợi lạc an vui trong Chánh pháp. Trách nhiệm của trụ trì là kế thừa sự nghiệp tiếp dẫn hậu lai, hoằng dương Phật pháp, lợi lạc chúng sinh.

Bản thân vị trụ trì phải là người có đạo đức, phạm hạnh. Vị trụ trì phải có đầy đủ tư cách đạo đức, có oai nghi tế hạnh trong lời nói và việc làm mới xứng đáng là người thừa hành Phật sự, lãnh đạo tinh thần cho Tăng Ni, Phật tử. Hòa thượng Viễn Công nói: “Trụ trì có ba đức tính cần thiết là: Nhân, Minh, Dũng. Nhân là thực hành đạo đức, phát triển việc giáo hóa, an trên hòa dưới, làm đẹp lòng kẻ đến người đi. Minh là giữ lễ nghĩa, biết an nguy, xét hiểu hiền ngu, phân minh phải trái. Dũng là phải quả cảm với công việc, trừ kẻ gian, bỏ kẻ nịnh… Trụ trì có ba đức tính ấy thì tòng lâm hưng thịnh; thiếu một thì suy, thiếu hai thì nguy, thiếu tất cả thì cái đạo trụ trì tất hỏng” (Thiền lâm bảo huấn).

Nhân ở đây là thực hành đạo đức, trong mọi hành động, cử chỉ, lời nói đều đúng với Chánh pháp, tuân thủ theo Pháp và Luật (giáo lý và giới luật) của Phật, phát triển việc giáo hóa làm lợi ích chúng sinh. Thực hành đạo đức cũng chính là phương pháp giáo hóa tích cực, vì ngoài khẩu giáo ra thì thân giáo là điều hết sức thiết yếu. Luôn quan tâm đến việc phát triển giáo hóa bằng cách thường xuyên thuyết giảng và tu tập đúng với Chánh pháp.

Trong sinh hoạt tổ chức, vị trụ trì phải an định kẻ dưới người trên, sống và làm việc trên tinh thần đoàn kết thuận hòa, làm vui lòng người đi kẻ đến (chư Tăng và thập phương bá tánh) nhưng không xa rời Pháp và Luật. Minh có nghĩa là sáng suốt, biết xử sự khéo léo, giữ gìn lễ nghĩa trong cách đối nhân xử thế, biết nhận xét người trí kẻ ngu để dùng người, để giáo hóa, biết phân biệt thị phi phải trái để xử trí vấn đề, biết sự an nguy, lẽ thịnh suy để tùy nghi giáo hóa. 

Vị trụ trì phải có Dũng, phải quả cảm với công việc, mạnh dạn phát huy tinh thần Chánh pháp, loại bỏ triệt để tà pháp (những điều huyễn hoặc, mê tín dị đoan, vì danh vọng, địa vị, lợi lộc mà có những việc làm không đúng Pháp và Luật), trừ kẻ gian, bỏ kẻ nịnh, không vì lợi ích cá nhân mà dung túng những kẻ bất chính trong hàng ngũ Tăng-già làm băng hoại Phật pháp, cũng không vì lợi ích cá nhân mà tự mình làm những việc phi pháp.    

Làm trụ trì phải đủ ba đức tính đó thì tòng lâm mới hưng thịnh, Phật pháp mới xương minh, nếu thiếu ba đức tính đó thì mất cái đạo trụ trì, không làm được lợi ích gì cho Phật pháp mà trái lại làm băng hoại Phật pháp.

Về hai điều Minh và Dũng, Hòa thượng Viễn Công còn dạy thêm: “Người trí, kẻ ngu; người hiền, kẻ bất tiếu (không sợ chê cười, chẳng biết hổ thẹn), như nước với lửa không thể cùng chung một đồ đựng được, như lạnh và nóng không thể cùng một mùa được. Người hiền trí thì thật thà, mềm dẻo, ngay thẳng, phúc hậu, họ mưu làm những việc đạo đức, nhân nghĩa, họ nói ra lời gì, làm việc gì họ chỉ sợ không hợp với nhân tình, chẳng thông với lý của sự vật. Ngược lại, những kẻ bất tiếu thì gian hiểm dối nịnh, cậy mình khoe tài, ham danh trục lợi, chẳng đoái hoài tới ai. Cho nên chốn tòng lâm được người hiền trí tu theo đạo đức, dựng lập kỷ cương thì nơi này trở thành nơi truyền bá Chánh pháp. Nếu không may gặp kẻ bất tiếu xen lẫn vào thì họ quấy phá mọi người, làm loạn chúng Tăng, khiến cho trong ngoài không yên, dù có đại trí lễ pháp cũng không thể đem dùng được. Người trí kẻ ngu, người hiền kẻ bất tiếu hơn kém là như thế nên cần phải lựa chọn cẩn thận”(Thiền lâm bảo huấn).

Muốn tòng lâm hưng thịnh thì phải dùng người hiền trí, vì họ là những người lấy nhân nghĩa đạo đức làm đầu, họ làm việc hợp với nhân tình, đạo lý. Còn những kẻ ngu, bất tiếu thì thiện ác bất phân, gian ngoa xảo trá, chỉ biết mưu lợi cho riêng mình mà không nghĩ đến đạo đức, không nghĩ đến việc làm lợi ích cho chúng sinh. Đối với những hạng người này cần phải mạnh dạn trừ bỏ, không nên tin dùng, không nên dung túng trong hàng ngũ Phật giáo, cũng như nước với lửa không thể cùng chung một đồ đựng được, như lạnh với nóng không thể cùng một mùa. Phải có Dũng mới có thể vứt bỏ lợi ích riêng tư, phải có Minh mới không bị lợi danh mê hoặc, không bị lời dua nịnh, gian trá làm mù quáng, si mê.

Ngài còn dạy: “Trụ trì ở ngôi trên nên đem lòng khiêm cung để tiếp người dưới. Những người giữ chức sự ở dưới phải tận tình để phụng sự người trên. Trên dưới đã hòa thì đạo trụ trì thông suốt. Nếu trụ trì ở ngôi trên kiêu căng, tự tôn tự đại, kẻ chấp sự ở dưới thì lười biếng, khinh lờn, khiến cho tình người trên kẻ dưới không thông thì đạo trụ trì bế tắc. Bậc cổ đức trụ trì, các ngài khi nhàn rỗi vô sự, thường cùng những người theo học thân mật bàn bạc mọi vấn đề. Vì vậy mà một câu một lời của các ngài đều được chép vào truyện ký để ngày nay lấy đó mà cân nhắc. Sở dĩ có việc ấy là muốn cho tình trên dưới được thông suốt và đạo không bị ngăn che, lại hiểu biết tài năng, tính tình của những người theo học nên hay không để trong sự tiến thoái đều thích hợp, được như thế thì tự nhiên trên dưới đều hòa kính, gần xa đều quy phục, tòng lâm nhờ đó mà được hưng thịnh” (Thiền lâm bảo huấn).

Người xưa rất chú trọng phép tắc, lễ nghi, sự đối đãi giữa người trên kẻ dưới cũng trong khuôn khổ đó. Người làm trụ trì ở ngôi trên phải khiêm cung, tức là phải biết nhún mình, không có thái độ kiêu căng tự phụ, đối với người dưới phải thành tín, tôn trọng, hòa nhã, nhất mực giữ lễ của người trên. Làm trụ trì mà không giữ phép tắc lễ nghi, cư xử, hành sự ngang nhiên, tùy tiện, không đúng giáo pháp và giới luật, không hợp tình hợp lý thì người dưới không tôn trọng kính nể, không nghe theo lời dạy bảo, không tuân hành những việc trụ trì đề ra.

Trụ trì cũng phải biết hòa mình với chúng Tăng để làm Phật sự, không nên phân ngôi cao thấp để chấp nê trong việc làm, đó là biện pháp đắc nhân tâm cần phải biết. Vị trụ trì nên cùng chúng Tăng thảo luận các vấn đề có liên quan đến Phật pháp để mở mang sở học, sở tu, bàn bạc về những sinh hoạt tại trú xứ, để có sự hòa hợp thống nhất về ý kiến, trên dưới thông hiểu nhau, cũng là để biết tâm tư tình cảm, ý nguyện của mọi người để dễ dàng ứng xử với nhau cho thích hợp, đồng thời giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình tu học.

Làm trụ trì điều hành mọi việc tự viện, trong thì đối đãi với Tăng chúng xuất gia, ngoài đối đãi với cư sĩ Phật tử, quan hệ với xã hội, đảm trách nhiều công việc nặng nề; muốn cho mọi việc thông suốt cần phải có tài ứng biến, và đặc biệt là sự tu thân lập đức phải vững vàng. Hòa thượng Pháp Diễn nói: “Thời nay có những người hành đạo ở chốn tòng lâm không được người đời kính tin là vì phạm hạnh không thanh bạch, con người không xứng đáng. Hoặc giả họ chỉ cầu lợi dưỡng cùng tiếng khen, khoe khoang bề ngoài, thích trang sức hoa mỹ, bị hàng thức giả chê cười. Vì những lẽ ấy nên chỗ quan yếu vi diệu của đạo bị che lấp, tuy tạm có đạo đức nhưng cũng bị người đời ngờ vực mà chẳng tin theo” (Thiền lâm bảo huấn).

Ngày xưa, chư vị Tổ đức tu hành thanh bạch, cuộc sống tu hành đạm bạc, lặng lẽ mà danh tiếng lẫy lừng. Các ngài không phô trương thanh thế nhưng tài đức tự nhiên lan xa, ai cũng biết cũng hay và muốn quy tụ về. Còn người đời sau phần nhiều chỉ chú trọng hư danh, thích phô trương hình thức bên ngoài, say mê danh lợi, không lo trau giồi đời sống đạo đức, bản thân không đoan chánh, hành xử ra ngoài Chánh pháp, cho nên không được mọi người tin tưởng kính trọng, dù Phật pháp có vi diệu, đạo có rộng sâu thì người đời cũng không có niềm tin để hướng về. Cũng như mặt trời, mặt trăng bị mây đen che phủ, Chánh pháp bị những hành vi phi pháp làm hoen ố lu mờ.

Vì vậy điều quan trọng thiết yếu là trụ trì phải có tư cách tốt, sống đời sống đạo đức, phạm hạnh, xứng đáng là tấm gương cho người khác. Vị trụ trì là người thừa hành Phật sự, là sứ giả của Như Lai, dĩ nhiên cần phải có cốt cách của một vị Phật tương lai, có đức hạnh trang nghiêm để người đời trọng vọng, kính ngưỡng, như thế mới có thể làm bậc mô phạm ở đời, mới có thể giáo hóa chúng sinh, đảm đương sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp.

Tổ đức có dạy: “Lo chư Tăng không có tài đức, không lo chi không có chùa chiền. Có chùa mà không có Tăng Ni tài đức là công đức chết, là ruộng phước khô cằn. Có Tăng Ni trụ trì mà không đủ tài đức ắt làm Phật pháp lu mờ, bị đình trệ, bị người chê bai…” Vì thế mà người xưa thường nói: “Tạo tự thì dễ, tạo Tăng mới thật sự khó”.