Đối tượng thờ phụng trong một số ngôi chùa Việt Nam tại Lào
ĐỐI TƯỢNG THỜ PHỤNG TRONG MỘT SỐ
NGÔI CHÙA VIỆT NAM TẠI LÀO
Tóm tắt:
Đối tượng thờ phụng trong hệ thống tượng thờ ở chùa Việt ở miền Bắc thường diễn tả lịch sử Đức Phật Thích Ca. Chủ yếu theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, ngoài ra cũng có dáng dấp của Phật giáo tiểu thừa đại diện cho Phật giáo miền Nam, lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thể hiện thể hiện qua các pho tượng bài trí từ thấp đến cao trên Phật điện tại mỗi ngôi chùa Việt. Cùng như vậy, hệ thống tượng Phật trong chùa Việt tại Lào cũng mang những ảnh hưởng của của những ngôi chùa ở Việt Nam, nó mang sắc thái của cả Bắc Tông và Nam Tông, mang những bóng dáng của các tông phái, ngoài ra còn có sự pha trộn giữa tượng Phật của Lào cũng có dáng dấp được bài trí trong chùa Việt nơi đây. Bài viết mang tính chất giới thiệu hệ thống tượng Phật trong chùa Việt tại Lào, sự thể hiện giao thoa của hai nền Phật giáo cũng như sự gìn giữ những nét văn hóa tâm linh của bà con Việt kiều nơi đây.
Từ khóa: Tượng Phật, Hệ thống tượng Phật, chùa Việt tại Lào, gìn giữ bản sắc văn hóa tâm linh.
- Đặt vấn đề
Lào là quốc gia láng giềng thân thiện, có mối quan hệ truyền thống đặc biệt lâu đời với Việt Nam. Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Lào trong công cuộc phát triển đất nước và luôn làm hết mình để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, nhất là sau tuyên bố của Kuala Lumpur về việc hình thành cộng đồng ASEAN 2015 và tầm nhìn đến 2025[1]. Hai nước có nhiều điểm tương đồng về địa lý - văn hóa - lịch sử: Núi liền núi, sông liền sông là đặc trưng tự nhiên cơ bản của các quốc gia có chung đường biên giới, mà chúng ta thường dùng cụm từ láng giềng để chỉ những mối quan hệ bang giao giữa hai nhà nước ấy
Cũng giống như Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, Lào thuộc nước đa tộc người, đa văn hóa. Hiện nay, ở Lào có nhiều tộc người khác nhau và được xếp thành ba nhóm chính: Lào Lùm, Lào Thơng, Lào Sủng. Trong đó, Lào Lùm là nhóm tộc người chủ thể ở Lào, chiếm khoảng 65% dân số cả nước[2]. Phật giáo Lào thuộc phái Nguyên Thủy và chia làm hai nhánh: Mahanicay (của tầng lớp bình dân), Thammayút (của tầng lớp trên). Về nội dung giáo lý, hai nhánh này không có sự khác nhau, chúng ta chỉ có thể nhận dạng sự khác biệt giữa hai nhánh thông qua cách thức đi khất thực của các nhà sư. Khi đi khất thực, sư Mahanicay sẽ đeo bát còn sư Thammayút thì cầm bát. Khi nhận sự cúng dường của Phật tử, thì sư Mahanicay tự cầm, còn sư Thammayút thì sai chú tiểu đi theo mình cầm hộ, vì cho vật đó không được trong sạch...
Ở Việt Nam, Phật giáo được chia thành hai hệ phái lớn: Nam tông và Bắc tông. Bàn về tượng thờ trong các ngôi chùa Việt, cũng như chùa Việt tại Lào hoặc chùa Lào thì tượng thờ luôn là những đánh giá và so sánh về cách bài trí tượng Phật trong các chùa cũng ảnh hưởng từ người trụ trì chùa đó tới cách bố trí tượng thờ trong chùa đó.
Trong các ngôi chùa Việt ở miền Bắc thường diễn tả lịch sử Đức Phật Thích Ca. Đây là điều khác biệt giữa ngôi chùa Việt ở Bắc Bộ với ngôi chùa Khmer ở Nam Bộ. Trong các ngôi chùa Khmer, theo truyền thống của Phật giáo Nam tông, lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thường được thể hiện qua các bức tranh vẽ trên tường và trên trần ngôi chính điện. Đó là những sự kiện liên quan đến Phật Tổ từ khi giáng sinh, trưởng thành, lập gia đình, xuất gia tu hành, đắc đạo, truyền giáo,… cho đến khi nhập Niết Bàn.
Trong các ngôi chùa Việt ở Miền Bắc, chủ yếu theo truyền thống Phật giáo Đại thừa, lịch sử Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại được thể hiện thể hiện qua các pho tượng bài trí từ thấp đến cao trên Phật điện. Cụ thể, tầng thấp nhất, thường là lớp tượng thứ năm từ trên xuống, là pho tượng Cửu Long. Tượng này mô tả về sự kiện khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni vừa giáng sinh, có chín con rồng phun nước xuống cho Ngài tắm, rồi Ngài đi bảy bước, mỗi bước chân nở một hoa sen, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn”Trên trời, dưới đất, chỉ có ta là tôn quý hơn cả"[3].
Trong khuôn khổ bài viết giới thiệu về chùa Việt tại Lào, chúng tôi chỉ giới hạn 06 ngôi chùa Việt tiêu biểu tại Lào bao gồm các ngôi chùa đại diện cho vùng Nam Lào, Bắc Lào và Trung Lào cụ thể dưới đây:
TT |
Tên chùa |
Hệ phái, Tông phái |
Vùng miền |
Trụ trì hiện nay |
1 |
Chùa Phật Tích Vientiane (Bắc Trung Lào) |
Tào động |
Miền Bắc |
TT. Thích Minh Quang |
2 |
Chùa Bàng Long (Bắc Trung Lào) |
Tào động |
Miền Bắc + Miền Nam |
TT. Thích Thọ Lạc |
3 |
Chùa Phật Tích Luang Prabang (Bắc Lào) |
Theravada + Tào động |
Phật giáo Lào + Miền Bắc |
HT. Thích Thái Phùng |
4 |
Chùa Bảo Quang (Nam Trung Lào) |
Lâm tế Liễu Quán |
Miền Trung |
ĐĐ. Thích Thiện Chơn |
5 |
Tịnh Xá Ngọc Tâm (Bắc Trung Lào) |
Khất Sĩ
|
Miền Nam |
ĐĐ Thích Giác Thiện |
6 |
Chùa Pháp Hoa ( Nam Trung Lào). |
Lâm Tế Gia Phổ |
Miền Nam |
ĐĐ Thích Thiện Đức |
- Đối tượng thờ phụng trong một số ngôi chùa Việt tiêu biểu tại Lào.
Hiện tại chùa Việt tại Lào hiện có 13 ngôi chùa và một tịnh xá. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa, nơi bảo tồn các giá trị văn hóa Việt, gắn kết cộng đồng người Việt với nhau. Những ngôi chùa cũng có sự tiếp biến văn hóa, mang phong cách của kiến trúc của Lào nên cũng góp phần xây dựng văn hóa Việt – Lào, thúc đẩy tình hữa nghị giữa hai nước.
Để tìm hiểu những đối tượng thờ phụng trong một số ngôi chùa Việt tiêu biểu tại Lào mà chúng tôi đã đặt chân thì tôi mạnh dạn đưa ra một số ngôi chùa Việt tại Lào có sự ảnh hưởng lớn nhất mang đậm phong cách của các ngôi chùa tại Việt Nam bao gồm những chùa sau.
2.1. Chùa Phật Tích – Vientiane
Nằm ngay trên con đường rộng lớn Noong bon, chùa Phật Tích hơn 50 năm tuổi mới được tu sửa và khánh thành cuối năm 2010. Đặt cạnh những ngôi chùa tháp Lào đồ sộ, rộng lớn, chùa Phật Tích chỉ là một nét chấm nhỏ giữa lòng Vientiane thế nhưng mỗi người đều cảm thấy niềm tự hào khi ngắm nhìn dấu ấn công trình tâm linh Việt đang hiện hữu nơi đây.
Chùa Phật Tích tọa lạc trên mảnh đất rộng 2500 m2, từ thời Pháp thuộc – nơi đây là nghĩa trang, một số người dân Lào và kiều bào đã lập một cái Am để thờ các vong linh, sau đó trong quá trình người Pháp xây dựng và quy hoạch thủ đô Viên Chăn, nghĩa trang cũ đã được di dời. Năm 1957, sư Diệu Thiện từ Việt Nam sang và cụ đã tôn tạo cái Am thành nơi thờ Phật và đặt tên là “Phật Tích linh ứng tự” cũng là để vừa có nơi tu hành, vừa phục vụ tín ngưỡng cho bà con kiều bào sống ở các khu vực lân cận. Ngày 19/11/2010, ngôi chùa hoàn thành đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội, 450 năm thành lập Thủ đô Viêng Chăn. Ngày 23/10/2003, sư bà Thích Nữ Diệu Thiện mất, cũng trong năm đó Đại đức Thích Minh Quang vừa từ Đức về, thời điểm đó ngôi chùa đã xuống cấp trầm trọng, nhưng phần vì do sư bà vừa mất, phần cũng thiếu kinh phí thực hiện nên mãi đến năm 2008, Đại đức mới quyết định khởi công xây dựng chùa.[4]
Từ ngoài vào ta thấy có hai pho tượng hộ pháp, đi qua cổng ta nhìn thấy bộ bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh rồi tiếp đến tòa tháp 7 tầng. Vào đến gian Chính điện được bố trí ở tầng 2 ngôi tòa tháp được bài trí tượng thờ ở như sau:
Lớp thứ 1: Tượng Tam thế Phật; Lớp thứ 2, Tượng Phật Lào trong tư thế ngồi, giống tượng Phật chính ở chùa Lào, Tượng Phật Lào trong tư thế đứng; Lớp thứ 3: Tượng A Di Đà trong tư thế ngồi; Lớp thứ 4: Bộ ba tượng Tây phương Tam Thánh trong tư thế đứng; Lớp thứ 5: Bộ 7 tượng Dược Sư trong tư thế ngồi; Lớp thứ 6: Phật Thích Ca sơ sinh; Lớp thứ 7: Tượng tứ Bồ-tát được bố trí ở lớp thứ 4 thứ; Lớp thứ 8: Hai bên mỗi bên có 9 tượng A La hán. Cách bài trí tượng Phật trong các ngôi chùa miền Bắc (để đối chiếu so sánh): Lớp thứ 1: Tượng Tam thế Phật; Lớp thứ 2: là bộ Di Đà Tam Tôn; Lớp thứ 3: Bộ Hoa Nghiêm Tam Thánh; Lớp thứ 4: Tượng Di; Lớp thứ 5:Tượng Cửu Long; Lớp thứ 6: Tượng Tứ Thiên Vương; Lớp thứ 7: Tượng tứ Bồ-tát; Lớp thứ 8: Tượng Kim Cương bát bộ.
Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống thờ phụng của chùa chùa Phật Tích Vientiane tại Lào tuy mang khuynh hướng Tào Động miền Bắc nhưng vẫn có sự giao thoa, có sự xen kẽ cả tượng Phật Lào trong hệ thống thờ cúng của chùa Việt tại đây. Ở đây có một điều đặc biệt là tại nhà Tổ có có thờ Phật Bà nghìn tay nghìn mắt đặt ở lớp thứ nhất. Lớp thứ 2 được đặt tượng của Phật tổ Đạt Ma, Hòa Thượng Thích Thanh Tứ bằng tượng sáp cùng hai tượng Phật hai bên; lớp thứ 3 hai bên là Bồ tát ngồi tòa sen, ở giữa có một vị Bồ Tát Quan Âm đứng đó là một nét đặc biệt trong hệ thống chùa Việt tại Lào.
2.2. Chùa Bàng Long - Vientiane
Chùa Bàng Long được khánh thành vào năm 1933 – 1945 tại thủ đô Vientiane Lào. Chùa được hai Kiều bào là Trịnh Văn Phú và Đỗ Đình Tảo đứng lên xin phép xây dựng dưới dự chứng minh của Hòa thượng Tố Liên ở chùa Quán Sứ, Hà Nội. Với mục đích phục vụ tín ngưỡng tâm linh, người Việt tại thủ đô Vientiane đã cung thỉnh Đại đức Thích Đại Bái và Thích Đại Hải về trụ trì đời thứ nhất để hoằng dương Phật Pháp,... Năm 1969 thì Hòa thượng Thích Trung Quán trụ trì đời thứ tư để tiếp tục hoằng dương Phật pháp. Năm 1978 Hòa thượng Thích Trung Quán rời Vientiane để sang Pháp, bàn giao lại cho Ni sư là Đàm Ngọc và Đàm Quy trông nom từ đó đến năm 2014. Năm 2016, Thượng tọa Thích Thọ Lạc lãnh nhiệm chức vụ Trụ trì chùa Bàng Long để thay mặt GHPGVN tại Lào điều hành và định hướng hoạt động tín ngưỡng tại đây[5].
Hệ thống tượng Phật tại chùa Bàng Long - Vientieane[6]
- Tượng Phật Thích chính giữa trong tư thế ngồi, được thể hiện sự giao thoa giữa phong cách tượng Phật Việt Nam và Tượng Phật Lào;
- Hai tượng Phật ở hai bên cùng trong tư thế ngồi, thể hiện sự giao thoa giữa phong cách tượng Phật Việt Nam và Tượng Phật Lào;
- Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm trong tư thế ngồi, tay cầm bình cam lồ;
- Tượng Bồ Tát Địa Tạng trong tư thế ngồi, tay cầm tích trượng;
- Tượng Bồ Tát Phổ Hiền trong tư thế ngồi trên tượng voi trắng, tay cầm hoa sen;
- Tượng Bồ Tát Văn Thù trong tư thế ngồi trên tượng kỳ lân, tay cầm ngọc như ý;
- Bàn thờ ba cấp bài trí ba tượng Phật lào ở cấp 1, tượng Phật A DI Đà ở cấp 2 và bát hương ở cấp 3 theo đường dọc;
8.Bục để cho vị chủ lễ ngồi tụng kinh, ở giữa là kệ để kinh và hai bên là chuông, mõ;
9 Bàn thờ Bồ tát Chuẩn Đề.
Phật điện hay chính điện giữ vị trí trung tâm của ngôi chùa Việt ở Lào. Phật giáo Việt nam ở Lào tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc của Phật giáo Đại thừa nên Phật điện chùa Việt ở Lào không chỉ có tượng đức Phật Thích Ca mà còn có nhiều tượng bồ tát và tượng các thiên thần Phật giáo khác nhau.
Nhìn chung chùa Bàng Long ở Vientiane là ngôi chùa mang phong cách Tào Động của miền Bắc và miền Nam nhưng cách bài trí ở đây có một sự khác biệt so với chùa Phật Tích ở Vientiane là ở đây bài trí tượng thờ theo hình dọc chứ không phải hình ngang. Theo tài liệu của PGS. TS Nguyễn Lệ Chi mô tả “trong chùa Bàng Long, tượng Quan Âm Chuẩn Đề được bày ngay ở nhà bái đường, vị trí giữa hai pho tượng hộ pháp. Pho tượng này khá cao lớn, được đặt trên một giá cao khiến cho cả pho tương cao gần bằng trần nhà. Mặc dù chùa Bàng Long là chùa nhiều tượng Phật so với chùa Việt tại Lào nhưng so với chùa ở Việt Nam thì chùa Bàng Long vẫn là chùa nghèo nàn về tượng Phật"[7]. Nhưng hiện nay thì không còn mà chỉ còn bố trí ban thờ Bồ tát Chuẩn Đề ở lớp cuối cùng trong hệ thống tượng Phật.
2.3. Chùa Phật Tích – Luang Phrabang
HT.Thích Thái Phùng – nguyên Phó ban trị sự Liên minh Phật giáo TP. Luang Parbang, Trụ trì Phật Tích, chùa Phật Tích là một ngôi chùa cổ có lịch sử trên 600 năm với lối kiến trúc Phật giáo Lào. Từ thuở sơ khai, chùa thuộc Phật giáo Lào và do chư Tăng người Lào kiến tạo nên trải qua nhiều năm chùa không có người tiếp nối chăm lo hoạt động Phật sự. Đến năm 1959, Hòa thượng Trung Quán từ Việt Nam đi du hóa đến đây thấy cảnh chùa hoang sơ, tín đồ Phật tử người Việt không có nơi trang nghiêm tu tập, Hòa thượng đã phát tâm kiến tạo lại và đặt tên chùa là Phật tích. Đến năm 1962 Hòa thượng Trung Quán giao lại cho Sư Thái Phùng tiếp quản Trụ trì cho đến ngày hôm nay.
* Sơ đồ bài trí tượng thờ ở Phật điện chùa Phật Tích Luang Prabang[8]
- Tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi, phong cách Phật giáo miền nam;
- 02 pho tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi, phong cách Phật giáo nam Tông;
- Tượng Phật Thích Ca trong tư thế ngồi, phong cách Phật giáo miền Bắc;
- Tượng A Di Đà trong tư thế ngồi;
- Tượng Phật Lào trong tư thế ngồi, phong cách Phật giáo ở chùa Lào;
- Tượng Phật Lào trong tư thế đứng;
- Bộ ba tượng Tây phương Tam Thánh trong tư thế đứng (giống Tam thế Phật của chùa Việt);
- Bộ bảy tượng Dược Sư trong tư thế ngồi;
- Bục để cho vị chủ lễ và quý sư ngồi tụng kinh, ở giữa là kệ để kinh và hai bên là chuông, mõ;
- Bộ 9 tượng A La Hán
Một điểm khác biệt nữa tại chùa Phật Tích ở Luang Prabang có sự khác biệt là tượng Thích Ca Sơ Sinh được thay bằng tượng Thích Ca Cửu Long. Tại đây người ta còn xây hẳn một pho tượng Phật nằm rất lớn đặt trong vi hản. Pho tượng này được xây bằng gạch và xi măng, tượng Phật này cũng có điểm khác so với tượng Phật nằm của Lào, ngoài ra nhà tổ ở đây được xây tách riêng khỏi gian chính điện. Các nhà tổ của chùa Việt trong nước thường có tượng vị sư Bồ Đề Đạt Ma đặt thờ trong gian này, bên cạnh các vị sư tổ của chùa thì trong chùa Việt tại Lào, người ta không làm tượng vi sư này để thờ mà tại gian trang trọng nhất của nhà tổ, người ta vẽ hình nhà sư với mặt đen, tóc xoăn, râu quai nón, mũi cao. Nhà sư đang trên đường du hành, vai mang hành lý là một cây gậy có đeo một chiếc giày, áo cà sa kín hết người, chỉ hở đôi cánh tay trần vững chãi đang vung vẩy nhịp nhàng, trên đầu ông là vô số những đám mây nhiều màu sắc bay lượn và nét mặt lộ vể vui tươi…[9].
- Chùa Bảo Quang
Là một ngôi chùa thuộc dòng phái Lâm tế Liễu Quán do Đại đức Thích Thiện Nhơn trụ trì. Chùa Diệu Giác và chùa Bảo Quang thường được gọi chung là Bảo Quang liên tự Diệu Giác được cộng đồng người Việt di cư đến Lào xây dựng từ năm 1932, với lối kiến trúc cổ kính và tỉnh lặng của Phật giáo miền Trung. Chánh điện đươc dựng với phong cách bình dị, thoáng đãng và trang nghiêm. Cột mái sử dụng sơn mài và được điêu khắc hình long lân quy phụng. Sân chùa thoáng mát có cây xây bao bọc cùng tượng Bồ tát Quan Âm. Hậu tổ nằm ở gian sau nơi đặt tượng Tổ Đạt Ma, bàn thờ chư tiền bối hữu công Phật giáo VN và các đời trụ trì chùa.
Ở tầng cao nhất của ban thờ Phật cũng giống ở chùa Việt là ba vị Tam Thế Phật để chỉ các vị Phật của Quá khứ, Hiện tại và Tương lai. Lớp dưới gồm 3 pho Hoa Nghiêm Tam Thánh: giữa là 03 tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là Bồ tát văn Thù và Phổ Hiền. Nhìn chung cách bài trí tượng Phật trong chùa bảo Quang cũng đơn giản theo phong cách Phật giáo miền trung.
Lớp 1 là Ban thờ Chư Tổ, ảnh các vị Tổ; Lớp 2 được bài trí là bộ Tam Thế Phật (bao gồm: giữa là Phật Thích Ca bên phải Phật A Di Đà, bên trái là Phật Di Lặc), song song bộ Tam Thế Phật thì bên phải sẽ là Quan Âm Bồ Tát, bên trái Địa Tạng Vương Bồ Tát; lớp thứ 3 ở giữa là Phật Thích Ca, bên phải có tượng Xá Lợi Phật và tượng Ca Diếp; lớp thứ tư cũng có 3 vị Phật, ở Giữa là Phật mẫu Chuẩn Đề, bên phải là Phật Phổ Hiền Bồ Tát, bên trái là Phật Văn Thù Bồ Tát. Song song 2 bên lớp thứ tư có các vị A La Hán được bố trí hai bên sát tường. và cuối cùng là Hương án, hai bên hương án là tượng Thập Điện Diêm Vương. Sau đó là sảnh Tiền đường, bên phải là Hộ Pháp Di Đà và bên trái là Già lam Hộ Pháp (Quan Thánh). Sau cùng 2 bên là trống và chuông, ở giữa là cửa ra vào[10].
Như vậy so với so đồ bài trí tượng Phật Miền Trung ở Việt Nam với ngôi chùa Bảo Quang ở Nam Trung Lào về cơ bản vẫn bài trí theo cách của Phật điện miền Trung ở Việt Nam nhưng có phần đơn giản hơn rất nhiều so với chùa ở Việt Nam. Chùa Bảo Quang với lối kiến trúc cổ kính và tĩnh lặng của Phật giáo miền Trung. Chánh điện đươc dựng với phong cách bình dị, thoáng đãng và trang nghiêm. Chánh điện ở đây bài trí đơn giản: lớp 1 của ban thờ Phật cũng giống ở chùa Việt là ba vị Tam Thế Phật thì bên phải Địa Tạng Vương, bên trái Quan Âm Bồ Tát (đây là điểm khác biệt thấy rõ so với chùa Việt ở miền trung); Lớp 2 gồm 3 pho Hoa Nghiêm Tam Thánh: giữa là 03 tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền rồi đến lư hương còn lại không có trang trí như chùa ở Việt Nam. Có một điều đặc biệt là một số nến bày có đặc trưng của phong cách chùa Lào, đó cũng là sự dung hòa cho 2 nền văn hóa tín ngưỡng Việt – Lào, một sự hòa nhập văn hóa bản địa nhưng không mất đi cốt lõi dân tộc. Cột mái sử dụng sơn mài và được điêu khắc hình long lân quy phụng. Sân chùa thoáng mát có cây xây bao bọc cùng tượng Bồ tát Quan Âm. Hậu tổ nằm ở gian sau nơi đặt tượng Tổ Đạt Ma, bàn thờ chư tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam và các đời trụ trì chùa.
Mặt trước chùa có đặt một bức tượng Phật Di Lặc bằng đá, trước tượng Phật đặt một lư hương cũng bằng đá. Hai bên tả, hữu là hai hộ pháp nhỏ để bảo vệ chùa, ngoài ra còn tượng Quan Âm và miếu Thổ Thần cũng được thờ ngoài sân. Tất cả những bài trí cũng như kiến trúc của chùa Bảo Quang mang đậm tính chất chùa Việt tại miền Trung Việt nam.
Ban thờ vong của đa số chùa Việt tại lào đều có một cải tiến là họ thay vì dùng ảnh to để dặt trước mỗi bát hương tại chùa Việt Nam thì ở đây họ cho rửa những bức ảnh nhỏ cỡ 4x6 rồi cho dán lên một bức khung gỗ có gắn đèn led sáng, tạo nên không gian ấm cúng chứ không bị lạnh lẽo như chùa ban thờ vong tại chùa Việt Nam. Đây cũng làm một nét đổi mới trong chùa Việt tại Lào.
- Tịnh Xá Ngọc Tâm - Vientiane
Tịnh xá Ngọc Tâm với diện tích hơn 7.000m2 tọa lạc tại vùng ngoại ô thủ đô Viêng Chăn, sư Giác Thiện trụ trì năm nay đã ngoài 80 tuổi. Tịnh xá đang trong giai đoạn trùng tu theo kiến trúc hình bát giác của hệ phái Khất Sĩ Việt Nam.
Nhìn từ ngoài vào ngôi chánh điện tịnh xá Khất Sĩ có hình bát giác tượng trưng cho Bát Chánh Đạo, gồm : Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Nóc dưới của ngôi tịnh xá có 8 mái, nóc trên 4 mái, phía trên đặt búp sen, trên cùng là ngọn đèn chơn lý với ý nghĩa: “Đuốc tuệ rạng ngời soi vạn nẻo/ Sen từ thơm ngát tỏa muôn phương”. Bên trong chánh điện, có 4 trụ chống đỡ tượng trưng cho tứ chúng là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di với ý nghĩa 4 chúng đồng tu mới nâng đỡ ngôi nhà Phật pháp.
Chính giữa chánh điện bố trí tượng đức Bổn Sư trên bảo tháp 3 cấp mang ý nghĩa giải thích lộ trình giác ngộ của đức Từ Phụ. Bên ngoài có khung gỗ cùng hình tháp 13 tầng bao chính xung quanh tượng trưng cho 13 bước tiến hóa của chúng sanh từ: Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, Atula, Người, Trời, Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán, Bích chi, Bồ Tát, Như Lai. Có thể nói rằng mô hình kiến trúc của Hệ phái Khất Sĩ thể hiện sự lý viên dung của đạo Phật. Muốn tiến hóa trên con đường tự giác, giác tha đến giác hạnh viên mãn, 4 chúng đệ tử Phật giáo cần phải tấn tu Tam Vô Lậu học (giới, định, huệ) thông qua Bát Chánh Đạo để đạt tới mục tiêu tối hậu là giác ngộ, giải thoát tự thân và chúng sanh.
Tháp 7 tầng trong có tro cốt của các vị trụ trì đời trước và Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được xây trên một ngọn núi giả, hai bên có đôi rồng chầu trước mặt là dòng nước nhân tạo thành suối. Có thể đây cũng là một hình thức phong thủy chăng?
- Chùa Pháp Hoa - Xa Vẳn Na Kẹt
Ngôi chùa Pháp Hoa ở miền Nam Trung Lào có diện tích gần 1500m2, được thành lập từ 1986. Lúc đầu chùa là ngôi miếu nhỏ, sau này được chư Tăng từ Việt Nam qua hoằng pháp và mở rộng trở thành một ngôi chùa cho cộng đồng người Việt tại đây có nơi sinh hoạt văn hóa và tín ngưỡng. Được biết, tại huyện Seno có 70 gia đình là người Việt kiều.
Từ năm 2001, trong một lần du hóa nơi đất Lào, ĐĐ.Thích Thiện Đức ghé thăm chùa Pháp Hoa. Cũng kể từ đó, tín đồ Phật tử nơi đây có sự quý mến và mong Đại đức ở lại tiếp quản Trụ trì để hướng Phật tử nơi đây tu học theo đúng chánh pháp. Sau 18 năm trụ trì, Đại đức Thiện Đức cho trùng tu lại chùa Pháp Hoa được trang nghiêm như hiện nay.
Đi từ ngoài vào bên tay trái chùa có ba gian thờ ở giữa là Bồ tát Quán Thế Âm tay bắt ấn và tay cầm lọ cam lồ được đắp trên mọt bức tường, hai bên là hai bình hoa lớn cũng được đắp nổi có hoa sen, bên phải là gian thờ Quan Công và bên trái là gian thờ Mẫu đây ngôi miếu cũ tại chùa Pháp Hoa được xây dựng lại.
Bước vào chính điện là một không gian rộng gian thờ chính điện lớp 1 là Phật A Di Đà; lớp thứ 2 bài trí tượng Phật Thích Ca Sơ Sinh, thường thì hay được bài trí ở tầng thấp nhất, là lớp tượng thứ năm từ trên xuống, là pho tượng Cửu Long. Nhưng ở đây tượng Thích Ca sơ Sinh lại được bày ở lớp thứ 2 rồi mới đên lớp thứ 3 là Thất Phật Dược Sư và lớp cuối cùng mới là Ngoài cùng là Bồ Tát Quán Thế Âm[11].
Không gian chính điện được bài trí giống chính điện Phật chùa Miền Nam được bố trí ở tầng 1, hệ thống tượng được bài trí đơn giản hơn rất nhiều so với chùa Việt ở Miền Nam. Sự khác nhau ở đây là không có bài trí Phật Nhập Niết Bàn, 02 vị Bồ tát, đứng dưới là Phật Mẫu Chuẩn Đề; Bên trái có hai vị Hộ pháp đứng có Thiên Thủ Thiên Nhã Thập Nhất Diện Quan Thế Âm Bồ tát.
Còn đối với Sơ đồ bố trí tượng Phật trong chính điện của Chùa Miền Nam thường có 2 tầng như sau:
- Tầng 1: Thường bao giờ lớp 1 cũng là Phật A Di Đà, Lớp 2 gồm ba pho tượng: Phật Thích Ca Đản Sinh đứng giữa, bên phải là Mục Kiền Liên Bồ Tát, bên trái là Địa Tạng Vương Bồ Tát, ba vị này đứng một hàng thuộc lớp tượng thứ 2; Lớp thứ 3 là Thất Phật Dược sư; Lớp thứ 4 là Phật Nhập Niết Bàn; dưới là bàn kệ kinh, hai bên có chuông và mõ; dưới không gian chửa vào chính điện bên phải có cây đèn Dược sư sau đến 02 vị Bồ tát, đứng dưới là Phật Mẫu Chuẩn Đề; Bên trái có hai vị Hộ pháp đứng có Thiên Thủ Thiên Nhã Thập Nhất Diện Quan Thế Âm Bồ tát. (đây là sơ đồ bố trí tầng 1 của gian chính điện theo Phật giáo Miền Nam). Ngoài ra Chùa Việt ở Miền Nam còn có tầng 2 hệ thống tượng thờ ;
- Tầng 2; lớp 1 thờ Tổ Thiền sư; Lớp 2 Tổ Bồ Đề Đạt Ma; lớp 3 Phật Thích Ca lớn ở giữa, bên phải là Quan Âm Bồ Tát, bên trái là Địa Tạng Vương Bồ Tát; lớp 4 ở giữa Phật A Di Đà, bên phải Đại Thế Chí Bồ Tát bên trái Quan Âm Bồ Tát, đưới là bàn để kinh kệ, chuông mõ, bên phải là trống, bên trái là Đại Hồng Chung; lớp cuối cùng bên phải là Tiêu Diện Đại Sĩ, bên trái là Hộ Pháp Di Dà cạn là Đại Pháp Cổ.
- Kết luận
Trên đây là những bức tranh mô tả tượng thờ tại các chùa Việt tại Lào, phần nào nói lên niềm tin và hoạt động của đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Việt tại Lào. Đồng thời, có thể thấy rằng Phật giáo Việt Nam du nhập vào đất nước Lào khá muộn so với quá trình dư cư của người Việt, nhất là Phật giáo Bắc tông. Đến những năm đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện chùa Việt tại Lào, đánh dấu sự hiện diện của Phật giáo Bắc tông tại nơi được coi là Quốc giáo của Phật giáo Nam tông.
Người Việt dù đi đâu thì luôn có một nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng truyền thống của mình. Do Phật giáo Nam tông của người Lào không tương đồng với nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người Việt ở Lào, nên một số bộ phận người Việt ở Lào đã cùng nhau góp phần xây dựng chàu, tạc tượng Phật theo văn hóa Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu tâm linh cho bộ phận người Việt đang sinh sống tại đây[12].
Tất cả những nét văn hóa Phật giáo được xây dựng theo mô hình chùa Việt vẫn mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã có từ ngàn đời. Nhưng để không bị lạc lõng thì văn hóa Phật giáo Việt Nam và văn hóa Phật giáo Lào đều có sự tiếp biến để cùng thực hành tín ngưỡng và phát triển, nhưng bên cạnh đó Phật giáo cùng các hệ phái, Tông phái như: Tào Động, Lâm Tế Liễu Quán, Lâm Tế Gia Phổ, Khất Sỹ luôn được thể hiện trong cách bài trí tượng thờ trong các ngôi chùa Việt tại Lào luôn giữ được đặc trưng của các ngôi chùa Việt hội tụ đủ cả ba miền: Bắc – Trung – Nam được tái hiện trong các ngôi chùa Việt tại Lào.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Lệ Chi chủ biên (2009), Nghệ thuật Ân Độ giáo và Phật giáo ở Lào, Nxb. Thế giới, Hà Nội
- Nguyễn Đại Đồng (2017), "Chùa Bàng Long: Ngôi chùa của Việt kiều ở thủ đô Vientiane", Nguyệt san Văn hóa.
- Lê Tâm Đắc (2012), "Góp bàn thêm về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở Miền Bắc", Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo, số 2.
- 4. Đỗ Duy Hưng (2019), Những hình ảnh thực tế trong chuyến công tác tại Lào
- Nguyễn Văn Thoàn chủ biên (2019), Văn hóa Phật giáo trong đời sống của người Việt ở Lào, Nxb. Văn hóa – Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh
- Thiền Phong, Về kiến trúc chùa kết hợp Việt-Lào tại ngôi chùa Phật Tích, www.baoxaydung.com.vn/.../chua-viet-tren-dat-ban-lao.html;
- Hệ thống tượng Phật trong chùa Việt miền Bắc, https://phongthuytamnguyen.com › tin-tuc › 69-he-thong-tuong-p.
- Tìm Hiểu Về Đạo Phật Khất Sĩ Ở Việt Nam
- Giác Ngộ online, 07/09/2019 14:20 (GMT+7).
- Chùa Việt, Thăm chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane, thứ năm ngày 05/9/2016, 17h44’: GMT: +7
ThS. Đỗ Duy Hưng
Viện nghiên cứu Tôn giáo, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam
[1] Nguyễn Văn Thoàn (2019), Văn hóa Phật Giáo trong đòi sống của người Việt ở Lào, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, TP. Hồ Chí Minh, tr.11.
[2] Trần Quang Thuận, (2015), Phật giáo trong dòng lịch sử văn hóa Lào. Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.33.
[3] Lê Tâm Đắc, "Góp bàn thêm về đối tượng thờ phụng trong các ngôi chùa Việt ở Miền Bắc", Tạp chí nghiên cứu Tôn giáo, số 2 – 2012, tr.42.
[4] Chùa Việt, Thăm chùa Phật Tích ở thủ đô Vientiane, thứ năm ngày 05/9/2016, 17h44’: GMT: +7
[5] Thông tin do Thượng Tọa Thích Thọ Lạc. Duy Hưng ghi, ngày 01/9/2019 tại thủ đô Vientieane, Lào
[6] Nguyễn Văn Thoàn (2019), Sđd, tr.276
[7] Nguyễn Lệ Chi (2009), Nghệ thuật Ấn Độ và Phật giáo Lào, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.209
[8] Nguyễn Văn Thoàn (2019), Sđd, tr.275
[9] Nguyễn Lệ Chi (2009), Sđd, tr.211-212
[10] Cúng dường.vn, Sơ đồ tượng chùa, 23.03.2017: GMT+7.
[11] Lê Tâm Đắc, Sđd, tr 42.
[12] Nguyễn Văn Thoàn (2019), Văn hóa Phật Giáo trong đời sống của người Việt ở Lào, NXB Văn hóa – Văn nghệ, tr.238, 240.