Đốt vàng mã có đúng với giáo lý Phật giáo

2549

Cứ mỗi mùa tết đến xuân về, theo tập quán, những con phố chuyên bán vàng mã ở Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM lại tấp nập. Nhưng với đa số người Việt thường “thờ Phật trong tâm”, ngày rằm mùng một đi lễ chùa, việc đốt vàng mã đúng hay sai?

Đối với nhiều người, việc mua vàng mã về cúng và hóa trong các ngày rằm, mùng một, giỗ chạp…là việc không thể thiếu. Nhà giàu thì đặt nhà lầu, xe hơi, đồ dùng cao cấp để “gửi” cho người âm. Nhà nghèo thì cũng phải bộ quần áo, khay trà, hộp nữ trang, tiền vàng đô la “Ngân hàng địa phủ” gửi cho người thân ở dưới cho “trần sao âm vậy”. Đó là chưa kể những người nào bị “phán” năm nay hạn to sao nặng còn mua cả hình nhân thế mạng, xe, ngựa, võng…để hóa giải vận xui cho mình. Đáng nói là nhiều người mang những thứ vàng mã đó vào đốt nơi cửa thiền. Nhiều người lầm tưởng hóa vàng là một phần của giáo lý Phật giáo, nhưng thực chất vàng mã và hình nhân thế mạng xuất phát từ tập tục khi vua chết, các cung phi mỹ nữ của vua cũng phải tuẫn tiết theo và đưa hết vàng bạc, châu báu của nhà vua đem chôn tại Trung Hoa cổ xưa. Sau thấy dã man quá thì người ta làm bằng gỗ, gỗ tốn kém quá thì làm bằng giấy. Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - cho biết: Đó là quan niệm dân gian chứ trong toàn bộ kinh Phật không có điều răn nào khuyên đốt vàng mã. Ta ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc trước đây. Phật tử đến chùa nghe giảng thì đã được các quý Thầy giảng rằng không nên đốt vàng mã, giảm bớt việc ác và làm nhiều việc thiện thì mới được phúc chứ không phải đốt nhiều vàng mã là được phúc. Đốt nhiều vừa ảnh hưởng kinh tế, vừa ô nhiễm môi trường
Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn - Phó ban thường trực Ban Văn hóa trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong Kinh Phật hoàn toàn không nhắc đến việc đốt vàng mã. Bởi vậy, hầu hết các vị Tăng Ni khi giảng pháp đều lưu ý Phật tử không nên hóa vàng mã nhiều: Chuyện vàng mã không bao giờ có trong Phật giáo, nếu là Phật tử thì không nên đốt vàng mã nhiều, vừa ô nhiễm môi trường, vừa lãng phí, không lợi ích gì cả. Có những người tôi thấy đốt quá nhiều, nên hạn chế lại. Báo hiếu cho ông bà cha mẹ, cho gia đình, cho Tổ quốc thì nên làm các việc thiện, cứu người, giúp người, vì khi mình làm được thì cái công đức đó rất nhiều, không những cho mình mà cho tất cả mọi người. Và nếu xây dựng Tổ quốc thì đó cũng là một việc làm rất thiết thực
Hòa thượng Thích Giác Toàn - Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam - phân tích: Nói mà theo đạo Phật chính thống thì đúng là không nên rồi. Nhưng mà trong dân gian không cho họ đốt họ không chịu. Phật giáo đúng chánh pháp thì tụng kinh cầu nguyện cho người đã mất thôi. Đối với người thân đã mất bên kia thế giới vô hình thì mình có cái tâm cầu nguyện đó là tốt nhất, giống như lòng tốt mình dành cho nhau là cái tình thiêng quý giá nhất.
Bản chất của việc đốt vàng mã không phải là xấu, không phải mê tín, nhưng nếu đốt mà không hiểu thì vô tình người Việt đang mắc phải 6 tội lỗi, trong đó lớn nhất là tội làm mất đi tính dân tộc, lừa gạt chính mình và làm tổn thương lòng từ bi: Chính tín đạo Phật là không có đốt vàng mã, mà cũng không vong linh nào mặc quần áo vàng mã cả. Kinh Phật dạy muốn cho vong linh nhà mình không bị đói khát, khổ sở thì phải làm phước cho họ như là cúng dường, bố thí. Đối với thế giới tâm linh họ cần ở phước báu, khi phước báu có đủ thì tự nhiên họ đầy đủ. Chứ không phải là mấy đồ vàng mã.

Thu Thùy - Vanhoaphatgiaovietnam.net