Giác Ngộ là gì?


Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây tranh cãi. Bởi vậy, khi tìm trong sách hoặc search trên mạng, quí vị sẽ không tìm thấy câu trả lời thật rõ ràng và thật thỏa mãn cho mình. Ngược lại các câu trả lời luôn luôn rất khác nhau, rất mơ hồ và …rất bế tắc!

medium_oex1367299855

 

Giác Ngộ là gì?

Đây là câu hỏi và đề tài thật phức tạp luôn gây tranh cãi. Bởi vậy, khi tìm trong sách hoặc search trên mạng, quí vị sẽ không tìm thấy câu trả lời thật rõ ràng và thật thỏa mãn cho mình. Ngược lại các câu trả lời luôn luôn rất khác nhau, rất mơ hồ và …rất bế tắc! Nói theo kiểu Thiền Tông Trung Quốc là “không thể giải bày” (bất khả ngôn thuyết).
Chữ “giác ngộ”, tiếng Pali và Sanskrit đều là “Bodhi”. Tiếng Anh là “enlightenment” hay “awakening”[1]. Khi sử dụng tiếng Anh nên gọi là “Buddhist enlightenment” hay “Buddhist awakening” để rõ nghĩa và phân biệt giác ngộ của Đạo Phật với các loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác.
Nếu hỏi giác ngộ là gì? Nên biết rằng giữa các tôn giáo, giáo phái có nguồn gốc từ triết học Bà La Môn hoặc các tông phái của Đạo Phật phát triển và giáo pháp của Đạo Phật nguyên thủy đều có những quan điểm và cách giải thích hoàn toàn khác nhau. Như vậy, Giác Ngộ chỉ là một từ chung chung, mang những nội dung khác biệt. Cùng nói đến một từ “giác ngộ”, nhưng nếu tìm hiểu cặn kẽ thì rõ ràng cách hiểu về giác ngộ của từng tôn giáo, pháp môn có khác biệt nhau rất nhiều.  Phải nắm vững một điều rằng: Từ những quan điểm triết học khác nhau đã dẫn đến những phương pháp tu tập khác nhau và kết quả là những nội dung giác ngộ không giống nhau.

  1. Có nhiều loại giác ngộ
  2. Giác ngộ của các tôn giáo thần khải (Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo)

Giác ngộ của các tôn giáo thần khải (Do Thái, Thiên Chúa, Hồi giáo) là do sự ban ơn (blessing), ban phúc của đấng Thượng Đế, để một người tỏ ngộ, nhận ra Đấng Thượng Đế và đạt được thiên đàng sau khi chết. Thiên đàng này là duy nhất, do Chúa dựng lên và do chúa ngự trị. Trong các thánh đường Hồi giáo (mosque), người ta thấy cảnh giới thiên đàng được vẽ trên các bức vách mô tả cảnh hoan lạc vui sướng, tương tự như khái niệm các cõi trời của dục giới. Sự  giác ngộ trong các tôn giáo thần khải được cho là xảy ra trong khi mặc khải (revelation). Ví dụ: Đấng Christ mặc khải trong sa mạc. Đấng Mohamed mặc khải trên núi Sinai.

  1. Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái, đa số thuộc Bà La Môn giáo)

Giác ngộ của Ấn Giáo (gồm nhiều tông phái, đa số thuộc Bà La Môn giáo) thường được tin là sự  câu thông (connection) và nhận biết các cõi trời. Sự câu thông này được thực hiện bằng các kĩ thuật thiền định, yoga hoặc thậm chí bằng sức mạnh của đức tin. Theo triết học  Bà La Môn, khi giác ngộ, bản ngã cá nhân (Atman) không còn thu thúc trong cơ thể trần gian mà mở rộng đến những cõi to lớn hơn, cao siêu hơn, tùy theo mức độ tu chứng. Cuối cùng là sự “trở thành một” với Đại ngã (Bhraman). Các đạo sư Ấn Độ nổi tiếng như Vivekananda, Krishnamurti, Osho, Thakar Sing, v.v… thường ca ngợi về sự trở thành một với thượng đế. Sự giác ngộ trong Ấn giáo thường được diễn tả bởi cụm từ “Một là tất cả, tất cả là một” (One is all and all is one), hoặc “câu thông với thượng đế”. Trên thực tế, theo các triết gia Ấn Độ đương đại, chưa có một tôn giáo nào của Ấn giáo đã thực hiện được sự trở thành một với Brahman. Một số giáo phái của Ấn Độ giáo lấy Brahma (Đại Phạm Thiên), một vị thần trong sắc giới, làm hình tượng để thờ phụng. Một số giáo phái thờ phụng các vị thần Vishnu và Shiva. Còn lại rất nhiều thờ các vị thần khác theo các huyền thoại.
Truyền thống Vedanta [2] thường đề cập đến tha lực, lực gia trì trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Vedanta luôn nhấn mạnh đến sự cần thiết của minh sư còn sống (living teacher). Minh sư hay Guru của giáo phái San Mat (Sihkism) được tin là có thể truyền năng lực tâm để khai tâm (initiate) cho đệ tử [3]. Mật tông của Phật giáo phát triển có các nghi thức quán đảnh. Hiện nay có rất nhiều giáo phái mới phát sinh. Rất nhiều guru, tổ sư, minh sư  nói về giác ngộ. Tuy nhiên các loại giác ngộ đó không có cùng bản chất với sự giác ngộ của sa môn Gautama tại Bodhgaya. Đại Giác Ngộ của Đức Phật là kì tích duy nhất và khác biệt hoàn toàn với mọi loại giác ngộ của các giáo phái hay tôn giáo khác. Tôi không hề phủ nhận giá trị của những loại giác ngộ khác (của các tôn giáo hay giáo phái khác). Các con đường tu tập khác nhau dẫn đến các loại giác ngộ, tức các đẳng cấp tâm linh khác nhau. Tám vạn bốn ngàn pháp môn tại Ấn Độ đều có giác ngộ dựa trên các loại kĩ thuật tu tập thiền định khác nhau. Chỉ riêng có Đức Phật, sau khi đã giác ngộ bằng thiền định đã không thỏa mãn với loại giác ngộ như vậy, ngài đã tìm ra và thực hiện được một giác ngộ hoàn toàn khác biệt dựa trên các Tuệ giải thoát. Các loại giác ngộ đều có giá trị riêng và có vai trò nhất định của nó trong tiến hóa của loài người. Điều muốn nhấn mạnh ở đây là sự phân biệt minh bạch giữa các loại Giác ngộ khác nhau. Một số rất đông người đã chọn con đường tu tập của các giáo phái Bà La Môn vì nhầm rằng đó là Đạo Phật. Ví dụ, một guru San Mat ( Ching Hai) lại tự nhận mình là một vị Phật (Buddha). Vị này dạy phương pháp tu tập theo truyền thống San Mat (thuộc Sikhism) bằng những khái niệm và ngôn ngữ quen thuộc của Đạo Phật để mọi người tin rằng đây là giáo pháp của Đức Phật đã từng giảng dạy. Như vậy là không chân thật và không công bằng! Tại sao đã gọi là “minh sư” lại không đủ can đảm để cho tín đồ biết rõ sự thật về nguồn gốc giáo phái của mình? Tại sao vị minh sư đó lại không dám trình bày so sánh về những cứu cánh giải thoát khác nhau, để những người “sơ cơ” chưa kịp hiểu biết, có thể chọn lựa con đường mình muốn chọn.
Để thu hút tín đồ, có vị minh sư San Mat này đã cố ý lập lờ đánh tráo khái niệm “khai ngộ” và “giác ngộ”. Khi ngài nói “tức khắc khai ngộ, hiện đời giải thoát” thì đừng nên tin rằng bạn sẽ giác ngộ ngay tức khắc trong lúc này. Cẩn thận, vì sau đó ngài sẽ lại nói: “Khai ngộ rồi sẽ… tu tiếp đến khi giác ngộ”. Chiêu thức này cũng là cái trick, giống hệt khi Thiền Tông Trung Quốc nói “Đốn Ngộ” rồi sau đó sẽ “Tiệm tu”. Ở đây, vì phải trả lời câu hỏi “Giác ngộ là gì ? cho nên bất đắc dĩ phải đề cập tới những khái niệm lập lờ như “đốn ngộ’ và “khai ngộ” vốn xa lạ với kinh điển nguyên thủy. Đối với nhiều giáo phái, có khi chỉ với một vài trải nghiệm tâm linh không đáng kể trong các kĩ thật thiền định, đã được gọi là giác ngộ! Ví dụ, các tín đồ San Mat khi trải nghiệm được ánh sáng thì coi như đã thành công trong thiền định vì họ tin rằng ánh sáng là bản thể của thế giới và là “Phật tánh”. Có khi chỉ với vài ảo giác như nghe âm thanh lạ hay nhìn thấy những cảnh giới lạ v.v…họ cũng nhận là thành quả của tu tập thiền định.
Osho, guru nổi tiếng đương đại, từng tuyên bố không thuộc trường phái nào, cũng định nghĩa giác ngộ bằng ánh sáng bên trong. Đoạn dưới đây trích từ tác phẩm “Osho tự truyện”:
” Giác ngộ không gì ngoài bạn trở thành ánh sáng, bản thể của bạn trở thành ánh sáng.
Có lẽ bạn nhận thức qua là các nhà vật lý học thường cho rằng nếu bất cứ những gì vận chuyển với tốc độ ánh sáng, nó trở thành ánh sáng, bản thể nội tại của bạn trở thành ánh sáng… bởi vì tốc độ quá lớn đến mức sự ma sát đó tạo ra lửa. Vật đó bốc lửa, chỉ còn ánh sáng mà thôi. Vật thể biến mất, chỉ còn phần lại phần phi vật chất.
Giác ngộ là kinh nghiệm của sự bùng nổ ánh sáng trong bạn.
Có lẽ sở cầu được giác ngộ của bạn chuyển động với tốc độ ánh sáng như một mũi tên, nên chính sở cầu đó, chính sự khao khát đó trở thành ngọn lửa, sự bùng nổ của ánh sáng. Không ai trở nên giác ngộ, chỉ có sự giác ngộ. Chỉ có mặt trời mãnh liệt ngời lên trong bạn. (Upan41)
Tôi đã gặp hàng trăm nhà thần bí giải thích giác ngộ như có hàng nghìn mặt trời bừng sáng trong bạn. Đó là sự diễn đạt qua ngôn từ của các nhà thần bí, trong mọi ngôn ngữ, tại nhiều quốc gia khác nhau, với nhiều chủng tộc khác nhau.(Transm22)
“Giác ngộ đơn thuần là kinh nghiệm tâm thức của bạn không bị nhiễm ô bởi vọng tưởng, cảm giác, tình cảm. Khi tâm thức hoàn toàn trống rỗng, nó là một kinh nghiệm bùng nổ, sự bùng nổ nguyên tử. Toàn bộ tuệ giác của bạn tràn trề ánh sáng không nguồn gốc, không nguyên nhân. Và một khi nó diễn tiến, nó tồn tại, không bao giờ rời bạn dù chỉ một sát na; ngay cả khi bạn say ngủ, ánh sáng đó vẫn chói lọi bên trong. Và sau khoảnh khắc đó, bạn có thể thấy biết vạn pháp một cách vô cùng khác lạ. Sau thể nghiệm đó, không còn câu hỏi gì nữa trong bạn (Last113)…” [4]