Học cách đổ ra những thứ dơ bẩn trong tâm mình
Nếu như trong cuộc đời, một người luôn dung nạp đầy những thứ Xấu thì làm sao có thể cho thêm những điều Tốt đẹp vào được? Chúng ta cần phải tu dưỡng bản thân, đổ ra những thứ dơ bẩn trong tâm mình thì mới có chỗ chứa đựng những điều tốt đẹp được.
Trong buổi họp phụ huynh cuối năm, thầy giáo viết 4 đề toán đơn giản trên bảng, đơn giản đến nỗi học sinh tiểu học cũng làm được… và tự tay lần lượt viết đáp án như sau:
2 + 2 = 4
4 + 4 = 8
8 + 8 = 16
9 + 9 = 20
Các bậc phụ huynh vừa thấy đáp án cuối cùng đều nhao nhao cả lên: “Thầy đã tính sai một câu rồi.”
Thầy giáo quay người lại, chậm rãi nói rằng: “Đúng vậy, mọi người đều đã nhìn thấy rất rõ, câu cuối này đã bị tính sai. Nhưng tôi đã giải Đúng 3 đề toán đầu tiên, tại sao lại không có ai khen tôi vậy, mà chỉ nhìn thấy 1 đề toán mà tôi đã tính Sai ?”.
Các bậc phụ huynh nghe vậy đều ngẩn cả người, cả căn phòng bỗng chốc im lặng như tờ.
“Kính thưa các phụ huynh, khi giáo dục con trẻ, Điều Hay không nằm ở việc chúng ta đã phát hiện ra bao nhiêu chỗ sai của trẻ, mà nằm ở việc chúng ta đã dành bao nhiêu lời khen ngợi, động viên mỗi khi các em đã làm đúng”, thầy giáo chầm chậm cất tiếng.
Hằng ngày bạn cho đứa trẻ kẹo. Rồi đến một ngày bạn không cho nó, chắc chắn rằng nó sẽ kêu khóc căm ghét bạn nếu không đòi được kẹo. Nó Không hề nhớ tất cả những lần bạn cho kẹo nó mà chỉ nhớ lần bạn Không Cho kẹo.
Đó là bài học trả giá cho sự không dạy dỗ con cái biết nhận ra và ghi nhớ những Điều Tốt của người khác.
Thực ra, con người ta chính là như vậy. Dù bạn có đối tốt với họ cả trăm lần nhưng họ lại nhớ mãi một lần không thuận lòng, tất cả những việc tốt đẹp bạn đã làm đều có thể bị quên lãng, chẳng có ý nghĩa gì. Đây là chính mặt trái trong Nhân Tính của con người:
100 – 1 = 0.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta theo thói quen lại dễ dàng nhận ra và chấp trước vào lỗi lầm của người khác. Tại sao ta thường không nghĩ nhiều đến điểm tốt của họ, trong khi thường thì nó nhiều hơn điểm xấu nhiều lần. Và tại sao ta không nhớ những gì họ làm đúng mà chỉ nhớ lần họ làm sai, cho dù ta biết rằng mỗi người đều không hoàn hảo. Như hai bàn tay không giống nhau cho dù nó được sinh ra từ một cơ thể?
Khi trong mắt ta họ chỉ có sai lầm và xấu xí, thì tâm hồn ta liệu còn chỗ để những điều tốt đẹp ngự trị, như lòng bao dung, vị tha (nghĩ cho người khác hay vì nghĩ cho mình), thông cảm, sẻ chia..? Thực sự rồi bạn sẽ hiểu rằng, một chút sai lầm hay xấu xí nhỏ nhoi ấy không đáng để chúng ta mất đi bản tính Thiện trong mình.
Vậy nên, hãy trân quý những điều tốt ở người khác, ghi nhớ điểm tốt của họ thay vì chỉ chăm căm nhìn vào điều xấu ít ỏi mà họ có (cũng như bạn có), hay chỉ nhớ về sai lầm của họ, đừng vô ý làm tổn thương họ chỉ vì những việc nhỏ nhặt. Bao dung với sai lầm của người khác, cho họ cơ hội thay đổi, lấy tâm tha thứ mình mà tha thứ cho người thì hết thảy những gì bên nên có đều sẽ có.
Con người giống như một chiếc cốc, chứa quá nhiều thứ xấu thì sao có chỗ cho những điều tốt đẹp ?
Mẹ tôi đã nhiều tuổi lắm rồi, lại ở một mình vì thế tôi liền mua cho mẹ một chiếc điện thoại di động. Chiếc điện thoại dùng cho người già, thực sự vô cùng đơn giản, mở ra là có thể nhận cuộc gọi, còn khi gọi đi thì chỉ cần bấm số và bấm phím gọi là đã kết nối được ngay.
Tôi thầm nghĩ: “Chiếc điện thoại này đơn giản đến mức không có gì là đơn giản hơn, chắc chắn mẹ sẽ dùng được!” Vậy mà thật không ngờ, cứ sau năm phút hướng dẫn, mẹ tôi lại hỏi lại tôi một vấn đề giống hệt nhau. Hỏi tới hỏi lui cùng một vấn đề, tính ra mẹ đã hỏi tôi đến bảy, tám lần liền. Cuối cùng vẫn là không nhớ nổi ! Tôi bắt đầu cảm thấy có chút phiền toái, cáu giận và cho rằng: “Đúng là người già !”
Nhưng, ngẫm lại những người trẻ chúng ta, có khi đọc một quyển sách đến hàng trăm lần nhưng có một câu nào đó, lại vẫn không nhớ nổi. Có phải là do tuổi đã già mà không thể tiếp nhận được không ?
Kỳ thực, cuộc đời con người cũng giống như một chiếc ly đang được rót nước vào. Trải qua năm tháng, nước sẽ chậm rãi nhỏ xuống và làm đầy, lúc ấy nếu muốn thêm nước vào thì cũng là một việc khó khăn.
Có một câu chuyện bên nhà Phật, kể như thế này:
Xưa có một hòa thượng trẻ tuổi đến bái kiến vị hòa thượng trụ trì và hỏi: “Sư phụ! Vì sao mà con luôn cảm thấy mấy năm gần đây, con rất khó tiến bộ, khó tiếp nhận những điều mới, khó có thể đột phá?”
Hòa thượng cười và nói: “Để ta mời con một chén nước đi !”
Vừa nói dứt lời, hòa thượng đưa tay cầm chiếc ấm trên bàn rồi rót nước vào chiếc chén mời hòa thượng trẻ tuổi. Nước rất nhanh đầy chén, nhưng vị hòa thượng không dừng tay mà vẫn tiếp tục rót.
Hòa thượng trẻ tuổi nghĩ rằng sư phụ lơ đễnh nên vội vàng nhắc nhở ông: “Sư phụ! Nước trong chén đã đầy tràn rồi kìa!”
Hòa thượng ý vị thâm sâu, nói với đồ đệ của mình: “Rót tiếp một chút đi! Nói không chừng còn có thể đầy thêm được một chút nữa !”
Hòa thượng trẻ tuổi kia cười và nói: “Chén đã đầy rồi, thầy có rót thế nào cũng không thêm vào được đâu!”
Vị hòa thượng thở dài: “Con nói rất có đạo lý ! Kỳ thực, không chỉ có nước là như thế đâu, đời người chẳng phải cũng giống như thế sao ?”
Đệ tử nghe xong trong lòng chấn động, nói: “Đúng vậy! Đời người cũng có đạo lý ấy. Trong lòng nếu cất chứa quá nhiều điều gì đó thì sẽ không còn chỗ để cất chứa những thứ khác nữa.”
Vì vậy, nếu như trong cuộc đời, một người luôn dung nạp đầy những thứ Xấu thì làm sao có thể cho thêm những điều Tốt đẹp vào được? Chúng ta cần phải tu dưỡng bản thân, đổ ra những thứ dơ bẩn trong tâm mình thì mới có chỗ chứa đựng những điều tốt đẹp được. Mỗi ngày đổ ra một chút xấu, thêm vào một chút tốt đẹp thì cuối cùng bạn sẽ trở thành một người thực sự tốt đẹp!
Mai Trà