Kinh nghiệm hoằng pháp


Bài giảng tại Học viện Phật giáo TP. HCM, ngày 24-9-2017

GN - Tôi đã trải qua ít nhất là 60 năm làm công tác hoằng pháp và trước nữa tôi đã có duyên làm thị giả các Hòa thượng, từ Hòa thượng Pháp chủ sáng lập Giáo hội Tăng-già Nam Việt cho đến Hòa thượng Thiện Hoa. Vì vậy, việc hoằng pháp tôi đã thực hiện trong thời gian rất dài và Tăng Ni ngày nay kế thừa truyền thống Phật giáo Việt Nam.

DSC_4579_680083623.jpg
Đức Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng trong lễ cung rước từ chùa Quán Sứ
sang Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô chứng minh lễ khai mạc Đại hội VIII - Ảnh: Đăng Huy

Truyền thống Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo Ấn Độ, Campuchia, Thái  Lan, Trung Quốc… và sau này, các thầy cô giáo thọ đã đi học các nước lại chịu ảnh hưởng truyền thống Phật giáo các nước khác và về Việt Nam hòa nhập với Phật giáo nước nhà. Từ đó, chúng ta có tổng quan về Phật giáo, tức có cái nhìn rộng, nhưng không nên đánh mất truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Thật vậy, Phật giáo các nước khác không giống truyền thống Phật giáo Việt Nam, vì Phật giáo Việt Nam mang tính cách đạo pháp và dân tộc. Trong khi các nước theo Phật giáo Nam truyền chỉ thuần Phật giáo. Vì vậy, theo Phật giáo Nam tông, người ta mặc áo theo kiểu từ thời Phật đến nay không thay đổi, từ hình thức cho đến sự tu hành hoàn toàn không thay đổi.

Nếu chúng ta theo truyền thống đó thì nói rằng Phật dạy chúng Tăng nương pháp để sống và pháp tu là Tứ Thánh đế, thu hẹp lại là Thiền Tứ niệm xứ. Người bạn của tôi theo Nam truyền Phật giáo xác định ông không bao giờ rời pháp Tứ niệm xứ, vì họ quan niệm rằng rời pháp này thì không còn là đạo Phật. Và họ cũng không dám rời y ca-sa, vì rời y là mất pháp, mất tư cách thầy tu thì phải thọ lại. Điển hình như các Hòa thượng Campuchia không mặc y vì sợ bị Pôn Pốt giết, cho nên sau đó, họ phải nhờ các sư của Phật giáo Việt Nam sang truyền y bát lại. Đó là truyền thống Phật giáo Nguyên thủy phải giữ kỹ như vậy.

Năm 1963, tôi sống chung trong tù với Hòa thượng Lâm Em. Các Hòa thượng Bắc tông bị bắt mặc đồ tù, nhưng Hòa thượng Lâm Em nhất định không thay y và ngài ôm chặt áo tu, vì coi như mất y là mất mạng; đó là truyền thống Phật giáo Nam tông.

Nhưng Phật giáo Việt Nam theo tinh thần Đại thừa, nên có cách nhìn và suy nghĩ của chúng ta khác. Có thể khẳng định rằng Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với dân tộc Việt Nam, không thể tách rời. Vì vậy, Phật giáo Việt Nam tồn tại đến ngày nay cũng chính vì nhờ gắn liền với dân tộc.

Thật vậy, dù Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam coi Phật giáo là của Việt Nam, nên Phật giáo Việt Nam khác với Phật giáo Campuchia và Phật giáo các nước khác.

Với sự gắn liền mật thiết với dân tộc, nên Phật giáo đã tồn tại theo dòng thịnh suy của lịch sử dân tộc Việt Nam. Và từ điểm đặc biệt này, chúng ta có cái nhìn khác về Phật giáo các nước, nhưng dù các nước có sinh hoạt khác, chúng ta vẫn có được cái nhìn đồng nhau, nghĩa là chúng ta hòa hợp được với Phật giáo các nước.

Các anh em sẽ thấy trong cái khác nhau, chúng ta vẫn tìm được cái chung để sinh hoạt thân thiện với họ. Cái chung là gì và cái riêng là gì.

Thí dụ Phật giáo Việt Nam khác Phật giáo Thái Lan, nhưng nếu cắt bỏ phần Thái Lan thì còn cái chung là Phật giáo (Trí tuệ). Nhận thức đúng đắn như vậy, không nên cố chấp để chúng ta tồn tại cùng các pháp lữ trên khắp năm châu.

Riêng tôi, khi nhận trách nhiệm Giáo hội giao phó làm công tác quan hệ quốc tế, tôi đại diện Phật giáo Việt Nam tham dự và quan hệ với Phật giáo các nước, nhận thấy tuy màu áo khác nhau, nhưng tinh thần chúng ta là chấp nhận sự khác biệt, đó là điều quan trọng nhất.

Chúng ta có đa dạng là hình thức khác, đa phương là tập quán khác. Vì vậy, ở Việt  Nam thì phải sinh hoạt như vậy, nhưng ở Thái Lan thì phải khác, ở Nhật phải khác; nhưng vẫn có điểm chung là Phật giáo. Sở dĩ hình thức có khác, vì địa phương khác, dân tộc khác, suy nghĩ khác, nên phải theo cái khác này Phật giáo mới tồn tại được. Cho nên, Phật giáo cộng với Việt Nam phải khác với Phật giáo cộng với Nhật Bản.

Như tôi đeo pháp y Nhật. Họ sử dụng pháp y này để thích hợp với dân tộc Nhật, vì họ theo Phật giáo và khẳng định rằng họ là Phật giáo Đại thừa, nên họ chỉ giữ hình thức nào mang tính tiêu biểu mà thôi.

Từ y của Nhật so với y của Trung Quốc, y của Việt Nam khác. Khác này là gì?

Phật giáo từ gốc Ấn Độ, nhưng truyền qua các nước Bắc tông như Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, các nước này đều có nền văn minh riêng của họ. Vì vậy, họ giữ Phật giáo và cộng với văn hóa của họ.

Áo này tôi đang mặc, đầu tiên là từ Phật giáo Nam tông có cái củng và cái kích, nhưng đưa qua Nhật Bản, cái củng và cái kích kết hợp lại với nhau thì phần dưới y này cũng giống cái củng nhưng được xếp thành 8 cánh tiêu biểu cho Bát Chánh đạo, mà tu sĩ lấy pháp Bát Chánh đạo  làm chính, không lấy Tứ niệm xứ làm chính như Nguyên thủy.

Đối với Tăng Ni chúng ta, ra làm đạo không được rời Bát Chánh đạo và từ Bát Chánh đạo phát triển lên, lấy thành thật làm chính, không chấp nhận lừa đảo, gian dối là xây dựng nền tảng căn bản của đạo Phật, của dân tộc Việt Nam.

Từ Bát Chánh đạo phát triển, chúng ta có tầm nhìn rộng, tức có chánh định, mới sống trong chánh định. Thấy sự vật bằng mắt khác với thấy bằng tâm, bằng chánh định. Và từ chánh định tiến xa thêm, Đại thừa gọi là Tam muội và Đà-la-ni, tức thầy tu không trụ định không phải Phật giáo. Và có định mới có huệ là Đà-la-ni.

Kết hợp định và huệ là chính, chúng ta lấy cốt lõi này của đạo Phật để tu hình thức nào cũng được. Định của người tu là định trong kinh Nguyên thủy và định trong kinh Đại thừa.

Nếu anh em thấy trong định theo lập trường Tứ niệm xứ là quán thân bất tịnh, quán thọ thì khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã, thì thực tập pháp quán này có công năng diệt dục. Cũng là thân người, nhưng phàm phu thấy đẹp, xấu. Nhưng Nguyên thủy nhìn một người thấy từ đầu đến chân đều hoàn toàn bất tịnh, là quán con người trong định theo Tứ niệm xứ. Thấy họ hôi dơ, xấu xí, chín cửa của thân người tuôn ra toàn đồ bất tịnh, tất cả lỗ chân lông cũng thải ra thứ bất tịnh, con người đều toát ra mùi  hôi…; quán như vậy để chúng ta nhàm chán thân mình và thân người, đưa đến chỗ thoát ly ngũ ấm thân hay ngũ ấm ma và ghét bỏ nó. Các thiền sư đều tu quán như vậy.

Tôi thuở nhỏ cũng tu pháp này và tu thuần pháp quán này, chúng ta thoát được ngũ ấm thân là đến bờ mé của Niết-bàn, chứng được quả Ly sanh hỷ lạc, tức tách rời được thân vật chất này, chúng ta có đời sống tâm linh, bước một chân vào đường đạo.

Nhưng người tu Đại thừa không nương Tứ niệm xứ nữa. Chúng ta nương theo ánh quang của Đức Phật để vào thiền định, tức chúng ta bắt đầu nhìn đời, thấy theo cái thấy của Đức Phật.

Nếu chúng ta tu chứng quả vị A-la-hán, chúng ta bắt đầu thấy theo Phật là thấy theo lý Bát-nhã nghĩa là thấy không. Nhưng không theo Nguyên thủy là thân bất tịnh, thọ thì khổ, tâm vô thường và pháp vô ngã. Còn không của Bát-nhã theo Phật thì khác, là thấy bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, gọi là thấy sự vật đúng như thật; như vậy tịnh và bất tịnh là một.

Thấy thế nào thành tịnh và thấy thế nào thành bất tịnh, thì mới thấy từ ngũ ấm thân biến thành ngũ phần Pháp thân là chuyển hóa theo Phật giáo Đại thừa, ma thành Phật.

Bấy giờ, nói ngũ ấm sanh thân tức Pháp thân, vì ngũ ấm cũng là nó mà Pháp thân cũng là nó, ma cũng là nó. Đó là điểm quan trọng của cái nhìn theo Đại thừa.

Thấy theo kinh Bát-nhã, mở đầu tu cho huệ phát sinh được thì chúng ta thấy chư pháp thật tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Nhưng qua kinh Pháp hoa, thật tướng đổi thành mười như thị: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.

Như vậy, từ Bát-nhã chân không qua Pháp hoa trở thành Diệu hữu là thấy trong Thiền định theo Pháp hoa. Vì Bát-nhã là ly tướng, chỉ còn định và huệ đối với thầy tu. Và như vậy, Bồ-tát ở định và huệ tùy duyên giáo hóa chúng sanh.

Thầy tu chúng ta cốt lõi lấy định và huệ làm chuẩn, không căn cứ vào hình thức, nhưng căn cứ vào nội dung tu chứng, có định hay không và định gì đây. Nếu là diệt tận định thì rớt qua ngoại đạo. Hay là Thủ lăng nghiêm định, hoặc Pháp hoa Tam muội. Các thầy chứng đắc định khác nhau. Thật vậy, thực tế cho thấy các vị lập giáo khai tông có định khác nhau.

Bát-nhã lấy Bát bất là chính, nhưng qua Pháp hoa có cái nhìn khác mà kinh diễn tả là thấy thật tướng các pháp qua ánh quang của Đức Phật. Trong kinh Pháp hoa, từ lông trắng giữa chân mày của Đức Thế Tôn phóng ra ánh sáng chiếu suốt đến 18.000 thế giới ở phương Đông. Ánh sáng này tiêu biểu cho trí tuệ Phật.

Vì vậy, chúng ta tu, tập nhìn thấy theo tuệ giác Phật là kinh nói thấy theo ánh quang Phật có 18.000 thế giới tiêu biểu cho sáu căn, sáu  trần và sáu thức. Căn, trần và thức này nhìn qua lăng kính 10 như thị theo Pháp hoa và qua 10 cảnh giới là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, A-tu-la, Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật. Đó là cái thấy thật tướng các pháp, thấy từ địa ngục A-tỳ đến Trời Sắc cứu cánh, thấy rõ hình thức sự vật của thế gian: như thị tướng, như thị tánh... Chúng ta thấy rõ tất cả đều nằm trong 10 như thị. Hay nói cách khác, thấy nhân nào mà có quả này, nhưng quả có mà báo chưa tới thì chúng ta cũng biết đúng như thật.

Ngài Trí Giả quán sát 10 như thị và phát hiện “Nhứt niệm tam thiên”, nghĩa là trong một niệm tâm bung ra có 3.000 thế giới, gọi là Thu lai tại nhứt vi trần. Tán tác Phổ châu sa giới.

Như vậy, nhìn theo Đại thừa thấy từ địa ngục A-tỳ đến Trời Sắc cứu cánh, nghĩa là thấy người sung sướng nhất cho đến người khổ đau nhất là thấy theo Phật. Kinh Pháp hoa gọi đó là Phật tri kiến.

Phật khai tri kiến là tập cho chúng ta thấy theo Phật. Ban đầu, chúng ta chưa thấy, thí dụ như tôi chưa là Phật, nhưng mượn cái kính của Phật đeo vô, thấy được người nào đang ở địa ngục A-tỳ, người nào đang ở Trời Sắc cứu cánh.

Nói cho dễ hiểu, chúng ta cùng ngồi chung nơi giảng đường này, nhưng suy nghĩ và tâm thức của mỗi người hoàn toàn khác nhau, người thấy vui, người thấy mệt mỏi, người thấy lo lắng… Điều quan trọng trên bước đường tu, chúng ta có tâm an lạc kỳ diệu khi thâm nhập được con đường Phật đi. Riêng tôi, cảm thấy hoàn toàn bình an trong nhà Phật, dù bên ngoài là cảnh dầu sôi lửa bỏng; cho nên có người nói rằng tôi chết tới nơi mà không sợ. Sợ cũng chết thì sợ làm chi. Người thấy chết tới nơi là thấy theo nghiệp của họ. Nhưng mang cặp kính Phật vô thì thấy khác là thấy rõ địa ngục A-tỳ đến Trời Sắc cứu cánh, thấy 3.000 thế giới theo Trí Giả đại sư. Và nếu bỏ cặp kính Pháp hoa xuống, mang kính của Hoa nghiêm vô sẽ thấy khác nữa. Lúc trước, chúng ta mang kính Tiểu thừa thì cũng thấy khác.

Tôi tụng kinh Hoa nghiêm nhiều, từ đó, tôi thấy rõ mọi việc theo lăng kính Hoa nghiêm.

Nguyên thủy nói Phật chứng Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh, thành Phật. Nhìn bề ngoài, Phật giống mọi người, nhưng nhìn bề trong, Phật không giống ai, nên phát hiện bên trong Phật có Tam minh, Thập lực, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng… Và khi chúng ta thấy khác rồi, bắt đầu triển khai cái nhìn.

Khi Phật vào thiền định, tâm lắng yên, Ngài nhìn sự vật, chứng được Túc mạng, biết đời trước và nhiều đời trước của Ngài. Các thầy cũng nên tập vào định, để thấy đời trước của mình. Riêng tôi cũng tập pháp này.

Tuy nhiên, Phật dạy, muốn biết đời trước, hãy nhìn cái quả hiện tại của mình. Quả của các anh em hiện có là Sa-môn thì chắc chắn đời trước các anh em đã trồng căn lành, nay mới làm người xuất gia tu hành.

Phật nói Kiều Phạm Ba Đề cứ nhơi nhơi cái miệng không ngừng vì đời trước ông từng làm trâu, nên sanh làm người, miệng vẫn nhơi nhơi.

Vì vậy, nhìn cuộc sống hiện tại giàu sang, nghèo khổ, đẹp xấu, thông minh, hay ám độn thì sẽ biết được tiền kiếp của mình. Như Hòa thượng Trí Tịnh chưa tu, nhưng Tổ Vạn Linh đã nói rằng ngài là Hòa thượng đời trước. Người có phong độ, nhưng chưa tu, tư cách Hòa thượng, phong độ Hòa thượng đã có. Trong khi người tu 50 năm nhưng phong cách Hòa thượng chưa có. Còn người mới tu như thầy Minh Phát lúc còn là Sa-di, tôi đã thấy vị này là Hòa thượng, tức nhìn theo Hoa nghiêm, tôi thấy như vậy, vì phong cách của Hòa thượng đời trước, phước báo của Hòa thượng đời trước vẫn hiện rõ trong kiếp hiện tại.

Còn là Sa-di, thầy đã được các Phật tử rất quý trọng hơn các vị Thượng tọa khác, nên họ cúng dường thầy Minh Phát. Và thầy này dùng tiền đó cúng cho chúng Tăng. Trong khi một số người tu có gì vẫn muốn giữ làm của riêng, thậm chí muốn lấy của người khác.

Vì vậy, tất cả chúng ta hiện thân trên cuộc đời này đều khác nhau, nhưng nếu nhìn thật tướng sẽ thấy được ai là Phật, ai là Bồ-tát, là La-hán hiện lại.

Thấy túc mạng là thấy đời trước. Điển hình như Đức Phật ngồi yên thấy được nhiều kiếp trước của Ngài và điều này được Ngài nói đến trong kinh Bản sanh, Ngài nói rõ nhiều đời trước của Ngài như vầy, dẫn đến đời này Ngài như vầy… Phật cho biết đời trước, Kiều Trần Như đã chặt tay, móc mắt Phật khi ông là Ca Lợi vương, còn Phật là Sằn Đề tiên nhân và Phật đã hứa rằng khi nào Ngài thành tựu quả vị Vô thượng Bồ-đề, Ngài sẽ đến độ ông trước nhất..

Thật vậy, khi các thầy sang Ấn Độ học nhận thấy điều lạ là tại sao Phật thành đạo ở Bồ Đề Đạo Tràng, ngày xưa gọi là thành Dà Gia ở cạnh thôn Ưu Lầu Tần Loa. Phật đã nhận bát sữa của Su Già Ta và đắc đạo ở Dà Gia, nhưng Ngài đã đi bộ đến Lộc Uyển cách đó mấy trăm cây số, xa hơn từ đây ra Huế. Tại sao Phật không đến độ ba ông Ca Diếp mà Ngài phải đi xa như vậy để độ năm anh em Kiều Trần Như trước. Thấy như vậy là thấy theo Phật, tức thấy nhân duyên đúng lúc mới độ. Và Phật độ xong năm anh em Kiều Trần Như, Ngài mới quay lại độ ba anh em Ca Diếp. Người ở gần mà Phật không độ, phải đi xa rồi quay lại độ. Phật đã làm như vậy, thì ta nhìn theo ánh quang của Phật để ta bắt đầu quan sát, vì Phật thành đạo, Ngài đã vẽ bản đồ cho chúng ta đi theo con đường này.

Phật thành Phật, nên Ngài thấy rõ nhiều đời trước cho đến cùng tột, ý này trong kinh Hoa nghiêm gọi là Phật gặp Phật Đại Uẩn. Đại uẩn là gốc của ngũ uẩn sanh ra, vì sự vật phát xuất từ ngũ uẩn, không có ngũ uẩn thì không có thế giới và không có thế giới thì không có con người.

Đức Phật bắt đầu thấy ngược lại, đầu tiên Phật chứng là biến ngũ uẩn thân thành Pháp thân. Trong khi theo Nguyên thủy thì ngũ uẩn là ngũ uẩn, ngũ ấm là ngũ ấm, nên tu xả bỏ ngũ uẩn.

Nhưng Đại thừa thấy ngũ uẩn là Pháp thân, nên nói bỏ sanh thân mà tìm Phật là tìm lông rùa sừng thỏ. Kinh Viên giác gọi là bất ly thế gian giác.

Phật chứng đắc và chuyển biến năm phần sanh thân thành năm phần Pháp thân là trở về cái gốc. Vì vậy, tu theo Hoa nghiêm, trở về nguồn diễn tả là Phật Thích Ca thấy Phật Đại Uẩn.

Từ ngũ uẩn sanh ra thế giới, kinh Thủ lăng nghiêm gọi là “Không sanh đại giác trung”. Hiểu rõ lý này sẽ thấy cái không của đạo Phật quan trọng nhất. Phật nói Ngài không thủ chấp bất cứ thứ gì, nhưng chúng ta thấy Phật giàu nhất, khi cần thì Ngài có đủ, nhưng không cần thì không có gì.

Vì vậy, các Tỳ-kheo phải đi con đường của Phật là xả chấp, phải nhận ra cái không. Ở bên kia cái không, của báu rất nhiều, nhưng không ai lấy được. Tụng kinh Pháp hoa, Phổ Hiền Bồ-tát dạy rằng cái gì chết đem theo được thì giữ, cái gì không mang theo được thì bỏ, cái gì người ta tranh giành muốn lấy thì mình cũng bỏ.

Theo Phật, đầu tiên chứng ngũ uẩn giai không, nhưng từ cái không này trở thành có gọi là Diệu hữu chân không. Tuy nhiên, cái có Diệu hữu này của chúng ta không ai lấy được. Còn vật chất thì người lấy được, nhưng sở đắc tu chứng của chúng ta không ai lấy được.

 Thật vậy, mới là chư Thiên mà đi đâu, lâu đài theo đó hiện hữu, không phải xây dựng cực khổ. Lục tổ Huệ Năng chứng đắc pháp này, Ngài nói: “Bản lai vô nhất vật”. Nếu mình chấp vô câu này mà tưởng là không có gì, nên Ngài nói thêm: “Hữu hoa hữu nguyệt hữu lầu đài”.

Tại sao Tổ buông, không có gì, nhưng Ngài lại có đủ, nghĩa là tất cả các pháp của Ngài giảng dạy đã được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Dòng Thiền Tào Động cho đến Thiền Lâm Tế cũng đều phát xuất từ sở đắc, sở chứng của Tổ. Nếu chỉ lo xây dựng vật chất, nhưng không ngộ pháp, vật chất sẽ dễ dàng mất hết.

Mong rằng trên con đường Phật đạo, các anh em suy nghĩ chín chắn về cốt lõi Đại thừa, để công việc hoằng pháp, truyền đạo được nhẹ nhàng, tự tại. Tới đâu tùy duyên làm đạo, xong việc thì đi, không vướng bận trong lòng và thành tựu đúng pháp như vậy sẽ làm được nhiều hơn, gặt hái kết quả tốt đẹp thực sự cho mình và cho nhiều người.