Làm gì với cơn giận?
Mấy ngày nay thành phố cổ Kandy (Sri Lanka) đang bị bủa vây bởi bầu không khí đầy giận hờn, thiếu bao dung và nhiều hoảng sợ. Sự việc xảy ra từ một cuộc tranh chấp ẩu đả giữa tài xế xe tải vốn là Phật tử và một nhóm người Hồi giáo vùng Digana làm người tài xế này thiệt mạng.
Sự việc đáng ra được cảnh sát giải quyết như một trường hợp phạm tội cá nhân nhưng cuối cùng sự vụ đẩy lên thành xung đột tôn giáo giữa hai nhóm cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo. Nhóm người nhà của nạn nhân và Phật tử Sinhala cho rằng người Hồi giáo đã cố tình nhắm vào tấn công người Phật tử một cách thô bạo nên họ đã kéo nhau đi tuần hành, đập phá và đốt nhà, quán xá của những người nghi phạm liên quan tới cái chết của người tài xế xe tải kia.
Mỉm cười với cơn giận - Ảnh minh họa
Sự việc ngày một trở nên nghiêm trọng khi hai bên bắt đầu công kích, xô xát và tổn thương nhau bằng lời lẽ và hành động.
Cảnh sát phải ban bố trình trạng giới nghiêm (Curfew) từ thành phố Kandy cho tới Digana nhằm ngăn ngừa những cuộc tuần hành, bạo động.
Mọi người sống trong lo lắng, sợ hãi và nghi ngờ, năng lượng an lành của hiểu và thương trở nên thiếu vắng và cạn kiệt dù là từ phía cộng đồng Phật tử vốn đã quen với phương thức thực hành từ bi của Đức Phật.
Trong tình trạng này, tôi đã thiền hành từng bước thật cẩn trọng và ngồi yên để cầu nguyện và gửi năng lượng hiểu và thương của mình về cả hai nhóm phe phái tôn giáo đang tranh chấp.
Ngồi yên và quán chiếu tôi thấy thương cho cả hai nhóm người đang nghi kị và chứa nhiều kỳ thị hận thù này. Họ chỉ là nạn nhân của sự phân biệt, kỳ thị và giận hờn. Họ không thể chấp nhận được sự khác biệt của nhau, không thể nhìn người kia như người anh em của mình và không thể sống trên cùng nhau một cách hoàn thuận với thương yêu và thông cảm.
Cũng vậy, khi ta bị ai đó làm tổn thương, nếu không kiểm soát được cơn giận của mình, ta sẽ nói năng, hành xử trả đũa lại để người kia phải đau khổ hơn những gì họ đã gây ra cho ta. Người kia bị tổn thương sẽ tiếp tục công kích trở lại và thế là khoảng cách ngày một xa, giận hờn ngày một lớn khó có thể hàn gắn lại, trái tim của chúng ta mang đầy thương tích và khổ đau, thù hận.
Ahiṃsā, (Pāli là avihiṃsā) nghĩa là bất bạo động, không gây tổn hại đến muôn loài, đây một giáo lý then chốt của đạo đức tôn giáo Ấn Độ trong đó có Phật giáo.
Cơn giận dữ giống như cơn bão lửa, nó đi đến nơi nào là thiêu trụi tất cả đến đó, chỉ để lại hoang tàn, khổ đau và tuyệt vọng. Giận hờn là một loại năng lượng có tính cách phá hoại và hủy diệt rất lớn, nếu không biết cách đối mặt và chuyển hóa, giận hờn sẽ khiến ta đánh mất tất cả, để lại những vết thương và mang theo nỗi ân hận suốt đời. Vì thế mà trong đạo Phật ta vẫn thường hay được nhắc rằng: “Một ngọn lửa sân đốt cháy cả rừng công đức” để cảnh tỉnh người tu giữ gìn đạo hạnh khi nóng giận.
Khi nóng giận ta nên làm gì? Có nhiều cách để điều phục cơn giận mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta như quán niệm hơi thở, quán cảm thọ, phát triển lòng từ từ bi, thay thế cảm thọ, suy nghĩ tích cực về đối phương, thực tập vô ngã tướng,... Tuy nhiên khi có cơn giận ấp đến, hãy cố gắng im lặng và thực hành bất bạo động - ahiṃsā.
Im lặng không phải là giận hờn, bỏ mặt, im lặng là một kiểu hành động chánh niệm có khả năng làm suy giảm cơn giận và chuyến hóa cơn giận một cách tích cực.
Trong im lặng, chúng ta có nhiều thời gian để làm giảm cường độ cơn giận và có thì giờ để nhìn lại, có cơ hội để để hiểu và thương! Một khi năng lượng của hiểu và thương có mặt, cơn giận từ trạng thái nóng bức, hủy diệt sẽ được kiểm soát và chuyển hướng thành năng lượng tươi mát, bảo hộ và thương yêu. Vì thế mà im lặng trong cơn giận còn được gọi là im lặng hùng tráng (noble silence).
Hãy tưởng tượng, trong cơn bão lửa vẫn còn mầm xanh vẫn an nhiên mỉm cười bình thản, không hoảng sợ, hình ảnh đó chẳng phải thật đẹp, thật hùng tráng đó sao?
Bằng thái độ im lặng, bất bạo động và để cho lòng xót thương lên tiếng, dung mạo mới của tình thương sẽ được hiển hiện xinh đẹp rạng ngời!