LÂM TỲ NI, NƠI ĐỨC THẾ TÔN ĐẢN SINH


Sau khi được các nhà khảo cổ xác nhận các chứng tích lịch sử như cột trụ đá và phiến đá của vua A Dục đào được dưới nền đền thờ Hoàng hậu Maya, năm 1997, cơ quan UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận Lâm Tỳ Ni  là di sản văn hóa của nhân loại.

 

Lâm Tỳ Ni (Lumbini) nằm trên một ngọn đồi thấp dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn, cách kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa (nay là Kapilavastu, Nepal ) khoảng 25 cây số về hướng Đông, cách biên giới Ấn - Nepal 36 cây số và cách thủ đô Nepal Kathmandu 320 cây số. Nơi đây đã có một thời gian lâu dài bị lãng quên, mãi đến ngày 1 tháng 12 năm 1896, tức là khoảng 2500 năm sau, hai nhà khảo cổ người Đức Alois A. Fuhrer và Khadga Samsher đã khai quật và phát hiện tại nơi đây một trụ đá có ghi khắc sắc lệnh của vua A Dục (Asoka). Qua đó, giới khảo cổ xác nhận đây là Thánh địa, nơi đản sanh Đức Thích Tôn. Trụ đá được các nhà khảo cổ dựng lại ngay trên nền nguyên thuỷ, và công tác khai quật, trùng tu và bảo trì Lâm Tỳ Ni bắt đầu từ đấy.

Giờ đây, du khách đến thăm Lâm Tì Ni có thể chiêm bái cột trụ đá có độ cao khoảng từ 5 đến 6 mét, đường kính khoảng nửa mét, trên thân trụ có khắc 5 hàng cổ ngữ Brahmi .Đây là một phát hiện di tích có giá trị lịch sử sớm nhất còn lại đến ngày nay và đoạn văn khắc trên trụ đá có thể được xem là “bản khai sanh” của Thái tử Tất Đạt Đa, là một bằng chứng “sống” về sự kiện nhân vật có thật của lịch sử.

Cột trụ đá

Bên cạnh cột trụ đá lịch sử này là đền thờ Hoàng hậu Maya (Mahadevi temple).  Ngôi đền được xây dựng theo lối kiến trúc khá đặc biệt, không giống như bất cứ ngôi đền nào chúng ta từng thấy. Gọi là đền nhưng thực ra chỉ là bốn bức tường sơn mầu trắng bao quanh khu vực khảo cổ, rất đơn giản, cốt để che mưa, che nắng bảo vệ cho khu vực khai quật tránh bị hư hại theo thời gian. Bên trong đền là những nền gạch xưa cũ đã được khai quật, những vết tích cổ xưa như phiến đá có in dấu của một bàn chân nhỏ do vua A Dục khắc in, được xác định là vị trí lúc Đức Phật đản sinh, được bảo tồn trong lồng kính chống đạn.

Đền thờ Hoàng Hậu Maya và hồ nước .

Về hướng nam của ngôi đền, cách không xa cột trụ đá, là một hồ tắm. Theo “Phật quốc truyện” của Ngài Pháp Hiển đến Ấn độ khoảng thế kỷ thứ V SCN chép như sau: “Phu nhân nghỉ chân tại vườn Lâm Tỳ Ni, tắm trong một hồ nước trong xanh và mát. Sau khi tắm gội xong bà đi dạo trong vườn khoảng hai mươi bước chân, tay vin vào nhánh cây Vô ưu quay về hướng đông và hạ sanh Thái tử.” Cạnh hồ tắm là cây bồ đề mà trước đây là cây Vô ưu.

Bên cạnh cây Bồ đề, hồ nước và đền thờ Hoàng hậu Maya là một dãy nền móng gạch đỏ nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, đó là di tích Tu viện Lâm Tỳ Ni. Di tích được xác nhận có bề dày lịch sử từ khoảng thế kỷ thứ 3 hoặc thế kỷ thứ 4 trước tây lịch.

Khu vực Lâm Tỳ Ni đã qua nhiều lần qui hoạch, xây dựng và bảo vệ của chính quyền Nepal, cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc và các tổ chức Phật giáo quốc tế. Lâm Tỳ Ni ngày nay rất rộng, nhiều quốc gia Á Châu đã xây chùa ở đây, thể hiện  nét văn hóa Phật giáo nước mình, trong đó có : chùa Việt Nam, Tây Tạng, Miến Điện, Butan, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Hoa.

 

 

Đạo Phật là đạo giác ngộ, là đạo đến để thấy, thấy để tin, tin để tu hành! Tu hành để giác ngộ giải thoát. Phật đản sanh hôm nay chính là Phật đản sinh trong lòng khi chúng ta cất tiếng kinh cầu, sống theo lời Phật dạy, từng bước nở đóa hoa sen, từ miền đất tâm an lạc.

Tác giả  Tâm Diệu

(Theo Thư viện Hoa sen )