Lành thay chiếc áo cà sa, nguy thay người mặc chẳng là sa môn



Thuở nọ có hai vị thượng thủ, mỗi vị hướng dẫn 500 Tỳ kheo đảnh lễ tạm biệt Ðức Thế Tôn và lên đường đi từ Kỳ Viên đến Vương Xá. Dân chúng thành Vương Xá, theo phong tục, tập trung thành từng nhóm cúng dường lễ vật cho các Sa môn dọc hai bên đường. Một hôm, Trưởng lão Xá Lợi Phất (Sàriputta) ngỏ lời tán thán công đức của các thí chủ như sau:

Này các đạo hữu, người nào bố thí mà không hướng dẫn người khác bố thí, người ấy đời sau được an lạc phú quý mà không được quần chúng hậu thuẫn; người nào hướng dẫn người khác bố thí mà chính mình không bố thí, người ấy đời sau được quần chúng hậu thuẫn mà không được an lạc phú quý; còn ai không hề bố thí và cũng không muốn người khác bố thí, người ấy đời sau phải chịu khốn khổ cơ hàn. Tuy nhiên, ai hoan hỷ bố thí và khuyến khích người khác bố thí, người ấy vô lượng vô biên kiếp sau sẽ được an lạc phú quý và quần chúng hậu thuẫn.

Bấy giờ có một hiền giả tự nghĩ:

Lời thuyết giáo của Trưởng lão Xá Lợi Phất thật là thậm thâm vi diệu. Ta cần phải tích lũy công đức sao cho được hai thành tựu này.

Ông cung thỉnh Trưởng lão Xá Lợi Phất ngày mai đến nhà ông thọ trai.

Trưởng lão nói:

Ðạo hữu muốn mời bao nhiêu sư?

– Nhưng, bạch Trưởng lão, hiện nay trong Tăng đoàn có bao nhiêu Sa môn?

– Có một ngàn, thưa đạo hữu.

– Thế thì hay quá! Xin Trưởng lão mời tất cả quý sư ngày mai đến nhà con thọ trai.

Trưởng lão Xá Lợi Phất hoan hỷ chấp thuận.

Sau đó, vị đạo hữu đi khắp phố phường khuyến khích dân chúng cúng dường và được mọi người hưởng ứng: người thì cúng mè cúng gạo, kẻ thì dâng sữa dâng đường, thôi thì đủ thứ.

Bấy giờ có một gia chủ cung kính dâng lên một tấm vải may áo cà sa lộng lẫy, trị giá hàng trăm quan tiền, nói:

Nếu lễ vật cúng dường chưa đủ thì bán tấm vải này để đắp vô cho đủ; còn nếu đủ rồi thì ngài dâng nó cho sư nào tùy ý.

Lễ vật cúng dường đã đầy đủ, duy chỉ thiếu một điều, vị đạo hữu thưa:

Kính bạch quý Thượng tọa và Ðại đức, tấm vải may áo cà sa này do một thí chủ cúng dường với mục đích bán nó để lấy tiền mua lễ vật cho đủ, nhưng nay lễ vật đủ rồi, vậy thỉnh ý quý thầy dâng vải cho ai?

Số thì đệ nghị Trưởng lão Xá Lợi Phất, số thì bảo Xá Lợi Phất thường vân du đây đó theo vụ mùa; chỉ có Ðề Bà Ðạt Ða (Devadatta) là thường trú, lúc nào cũng sẵn sàng như cái bình nước trên bàn, chúng ta nên dâng tấm cà sa đó cho Ðề Bà Ðạt Ða.
Sau một hồi thảo luận, cuối cùng đa số biểu quyết dâng tấm vải sang trọng đó cho Ðề Bà Ðạt Ða.

Lòng lâng lâng sung sướng, Ðề Bà Ðạt Ða cắt tấm vải ra làm hai phần, một phần làm y, một phần làm hậu, khâu kết rất thời trang, đem nhuộm và lấy làm hãnh diện mỗi khi mặc chúng ra ngoài. Tăng chúng thấy vậy nói:

Y hậu đó mà để cho Ðề Bà Ðạt Ða mặc thì chả hợp tí nào, Trưởng lão Xá Lợi Phất thì phải hơn.

Bấy giờ có một Sa môn từ Vương Xá đến Xá Vệ hầu thăm Ðức Thế Tôn và thiền môn pháp lữ. Sau khi đảnh lễ và bày tỏ niềm vui mừng gặp lại Bổn Sư và đại chúng, sư được Ðức Thế Tôn hỏi thăm tình hình tu tập và cách hướng dẫn Tăng đoàn của hai vị thượng thủ ở đó. Sư cứ thật tình thuật lại sự kiện dâng y và được Ðức Thế Tôn dạy rằng:

Này các thầy Tỳ kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ðề Bà Ðạt Ða mặc áo cà sa không phù hợp. Trong tiền kiếp thầy ấy cũng đã làm như vậy. Các thầy muốn nghe tích truyện này không?

Hay thay, bạch Thế Tôn!

– Vậy thì hãy lắng nghe, này các thầy Tỳ kheo.

Ngày xưa, khi Bra-ma-đát-ta (Brahmadatta) trị vì tại thành Ba La Nại, có một thợ săn chuyên sinh sống bằng nghề săn giết voi, lấy ngà, móng và những thứ có giá trị đem bán. Bấy giờ trong rừng có một đàn voi đông đến hàng ngàn con; mỗi khi ra vào đồng cỏ, chúng đều cung kính đảnh lễ chư vị Ðộc Giác.

Một hôm, nhìn thấy cung cách lễ bái của đàn voi, gã thợ săn suy nghĩ:

Ta khó có thể hạ sát được đàn voi này. Nhưng mỗi khi ra vào chúng đều đảnh lễ chư vị Ðộc Giác. Ðiều gì đã làm chúng cung kính như thế?

Sau đó gã tìm hiểu và đi đến kết luận rằng chỉ vì chiếc áo cà sa. Thế là gã tìm cách đoạt cho được chiếc y quý hiếm kia.

Gã đi đến hồ nước và lén đánh cắp chiếc áo cà sa để trên bờ của một tôn giả đang tắm. Hắn đến ngồi bên vệ đường, nơi đàn voi thường qua lại với ngọn giáo ác nghiệt trong tay và chiếc cà sa hiền thiện trùm đầu. Ðàn voi nhìn thấy, tưởng hắn là Ðức Phật, bèn sụp hai chân trước đảnh lễ rồi tiếp tục đi qua; đến con cuối cùng, hắn phóng một giáo vào yết hầu, con voi ngã lăn ra chết. Chờ một lát cho đàn voi đi khuất, hắn tung cà sa đứng lên, cắt lấy ngà và các thứ có giá trị, đoạn chôn xác voi rồi mang thành tích lên đường.

Sau đó có một Ðức Phật vị lai tái sinh thành một con voi chúa, gọi là tượng vương, cai quản đàn voi đông đúc đó. Bấy giờ gã thợ săn chuyên nghiệp kia cũng dùng thủ thuật như xưa để giết voi kiếm lời. Voi chúa thấy dòng tộc mình mỗi ngày một giảm, bèn đâm ra nghi ngờ:
Phật tổ trong áo cà saPhật tổ trong áo cà sa

Gã mang áo cà sa ngồi bên vệ đường hẳn là nguyên nhân gây ra sự tổn thất này, hắn đang âm mưu gì đó!

Voi chúa dùng kế, để cho đàn voi đi trước, tượng vương đi sau cùng và quan sát cẩn thận. Khi đàn voi lần lượt đảnh lễ như thường lệ và đi qua, thấy voi chúa tiến đến gần, gã thợ săn liền kéo tấm cà sa ra khỏi đầu và phóng ngay một giáo. Voi chúa trờ lui, tránh được ngọn giáo oan nghiệt, và nói:

À, đúng rồi! Ðích thị là tên sát hại đàn voi của ta rồi!

Nói xong, voi chúa phóng tới, vung vòi chộp lấy gã thợ săn, nhưng hắn liền nhảy đại vào một bụi cây, co rúm người lại. Voi chúa thét lên:

Ta sẽ phong tỏa bụi cây này, tóm cho được tên thợ săn quỷ quyệt kia và ném hắn xuống đất cho tan xác tan hồn.

Gã thợ săn sợ quá, vội cầm áo cà sa đưa lên; và khi nhìn thấy pháp y, voi chúa liền nghĩ:

Nếu ta xúc phạm người này tức là xúc phạm đến hằng hà sa số chư Phật và chư vị A la hán.

Ðành phải ẩn nhẫn, voi chúa hỏi:

Chính ngươi đã giết hại nhiều bà con huynh đệ của ta phải không?

– Vâng, thưa ngài!

– Tại sao ngươi làm một việc tàn ác quá vậy! Ngươi khoác áo cà sa, một loại pháp y chỉ dành cho những ai đã đoạn trừ tham dục. Còn ngươi, chẳng hợp tí nào! Ngươi đã phạm phải một tội ác khủng khiếp. Ngươi không xứng đáng mặc chiếc áo giải thoát đó.

Dừng lại trong giây lát, Ðức Thế Tôn mỉm cười nói:

Này các thầy Tỳ kheo, người thợ săn đó là Ðề Bà Ðạt Ða, còn voi chúa kia chính là ta vậy.

Ngài đọc kệ:

Ai mặc áo cà sa,
Tâm chưa sạch uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng mặc cà sa.

Ai tẩy trừ uế trược,
Giới luật khéo nghiêm trì,
Tự chế, sống chân thực,
Xứng đáng mặc pháp y.
(PC. 9, 10)