Luận về không gian văn hóa Việt qua hình ảnh ngôi chùa
Thiết nghĩ - tự cổ chí kim, không luận đông tây, loài người nòi giống có khác nhau thế nào, cho dù có bôn ba rong ruổi danh lợi vật chất đến đâu, người ta cũng cần có nơi cho lòng mình yên nghỉ, quy hướng. Đó là gọi là sức sống của sự trở về nội tâm.
Nội tâm và ngoại vật hay tinh thần và vật chất, là hai mặt của đời sống bổ túc hổ tương - vật không rời tâm, tâm không cách vật. Có thể tạm dùng câu "Đối cảnh sanh tình" để minh thị. Hay sắc tức không, tâm vật nhất như.
Đối cảnh nào và sanh tình gì để thăng hoa, để thành ra văn hóa có bản sắc? Nương vào đâu để thấy lòng lắng đọng, cảm nghe thiêng liêng niềm dâng hiến cao cả?
Xã hội ta đang sống là cộng đồng hay tập thể làm nên từ cá thể, mà ta như từng tế bào của một cơ thể. Gia đình là đơn vị làm nên thành tố cộng đồng xã hội loài người. Rồi, từ không gian cộng đồng xã hội, sau mỗi trú ẩn riêng tư, bé nhỏ của ngôi nhà mình - như giới hạn, như lẻ loi - thì đâu là nơi ta tìm thấy cái chung? Cái không gian biểu thị cho sự thiêng liêng của cộng đồng, của tập thể để gắn bó?
Nhìn về cha ông từ thửa lập quốc, ngoài lâu đài cung điện Đế đô tập quyền, biểu thị uy hùng của chốn Cửu trùng, xây dựng nguy nga và kiên cố; ta thấy các bậc Đế vương ý thức về vấn đề làm sao tụ được linh khí, trấn giữ long mạch cho quốc gia trường tồn, vững nghiệp đế vương thật rõ. Nên, dựng chùa - đúc tượng - độ Tăng, yểm trợ Phật Pháp là làm cho hạo khí non sông được hiển uy, hưng vượng.
Lại nói đến nghệ thuật - nghệ thuật ở mức độ đơn giản, là phác họa thuần túy, diễn tả lại những gì có mặt trong sinh hoạt đời sống của con người. Bằng tranh vẽ, hay điêu khắc hoặc chạm trổ và nghệ thuật đúc đồng - tạc tượng,… Nhưng vượt lên tất cả là đòi hỏi nghệ thuật biểu đạt, nét thần tình, làm bộc toát mãnh lực nội tâm mà khát khao luôn muốn vươn đến đỉnh cao Tâm linh.
Đỉnh cao không phải độ cao được đo bằng thước đo vật lý nào cả. Đó là sức mạnh tinh thần toát lên từ tâm thức người nghệ sĩ. Tài ba đó mang sức sống tâm linh, không phải là phô diễn thú vui nhục dục, trò đùa tiêu khiển. Sự dâng hiến làm bảo vật vô giá, nhà nghệ sĩ muốn là của chung muôn đời sau, phải được phô diễn nơi linh thiêng, họ đặt hết tâm huyết mình vào đó; Nơi trầm tư sâu lắng nhất đọng lại từ hồn thiêng muôn thủa của con người cộng đồng.
Giờ đi qua vấn đề thiện - ác, hai mặt của con người, của đời sống xã hội: Hướng thượng và hướng hạ. Cái nhìn nhà nho: "Nhân chi sơ, tánh bản thiện". Vậy đó mà trong quá trình sống ta thành ra là ai, chính do: "Tánh tương cận, tập tương viễn". Xét ở tự thân con người, có đủ tính nhục dục, đam mê dung dưỡng sự thấp hèn nhất, nhưng cũng chứa đựng khả năng hướng thượng phi phàm trong đó. Điều kiện và hoàn cảnh của môi trường giáo dục cho ta hun đúc sự thiện lành, vị tha, sức mạnh hướng đến Chân - Thiện - Mỹ.
Cái ác mang trong nó sức tàn phá, sự hủy diệt đến tận cùng, đưa con người về ngang cầm thú. Từ riêng lẻ của cá thể, nếu tách bạch của bản ngã thành ốc đảo tự tôn hay tự ti, rồi phấn đấu bằng sức hút bất nhân, sự vụ lợi mà không kể trắng đen,… sẽ làm gia tăng hận thù, mang nặng sự tự kỷ thấp hèn. Vậy nên, con người phải có nội tâm, mang trái tim hòa cùng nhịp thở tương sinh với vạn loài trong Vũ trụ. Nghệ thuật phụng sự cái Chân - cái Thiện - cái Mỹ mới đích thực vì con người thăng hoa. Thâm cung bí sử, pháo đài thành quách, không phải là linh điểm thông thiên, thấu tụ được năng lượng khí thiêng sông núi.
Nghĩ rằng - từ ngàn xưa, Tổ tiên ta chiêm nghiệm chắt lọc và đạt đến nếp nghĩ, nếp sống chuẩn mực, làm thành gốc rễ văn hóa cho muôn đời sau. Dù xã hội có phát triển thế nào thì những chuẩn mực đó không bao giờ thay đổi và đánh mất giá trị nhân sinh thiết thực; đóng góp vào bình ổn xã hội bằng đạo đức và tâm linh có bao giờ là thừa đối với con người.
Xét năm khía cạnh trình bày trên, ta thấy ngôi chùa đáp ứng được những nhu yếu thiết thực kia của đời sống con người và xã hội, tạo ra đạo đức, văn hóa và tâm linh.
Ngôi chùa là ngôi nhà tập thể mang sức chứa cộng đồng
Sau bao bon chen, tranh giành hơn thua, theo danh vọng, lợi lộc mệt mỏi; con người tìm đến ngôi chùa thanh tịnh và yên lắng, nghe lòng nhẹ nhõm của một sự yên nghỉ nhiệm mầu. Cái thanh khiết của kiếp người ý nghĩa, tẩy bớt bao vẩn đục kiếp sống vì mưu sinh mà vướng phải. Lắng nghe lòng mình sâu hơn và trung thực với chính mình.
Ta thấy đời sống ý nghĩa mà không cần đến danh vọng và quyền lực hay loại trừ ai cả, ta nghe nghĩa sống tương giao diệu vợi mà bình dị, hạnh phúc, mộc mạc và chân thành. Trở về nội tâm ta mang trong mình sức mạnh để cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng, mà không bị rối loạn của ê chề chán nản chi phối, quật ngã ta. Ta vững tin để đi về đích điểm của ý chí hướng thượng.
Trong không gian sinh hoạt của cộng đồng loài người nói chung - ở đây ta nói đến không gian sinh hoạt văn hóa Việt: Ngôi chùa là ngôi nhà chung. Nơi đó ai cũng tìm thấy thân phận mình được tôn trọng. Ở đó họ còn tìm thấy sự bền bỉ của kiếp sống qua sự tiếp nối của hình ảnh cộng đồng: "Mái chùa che chở hồn dân tộc. Nếp sống muôn đời của tổ tông". Ngôi chùa mang sức cống hiến cho toàn dân không phân biệt kỳ thị giàu nghèo hay sang hèn. Ai cũng tìm thấy giá trị của mình trong giáo lý Đạo Bụt có mặt nơi không gian ngôi chùa.
Vì vậy mà ngôi chùa muôn đời là nơi trú ẩn an toàn bền bỉ cho kiếp sống vốn mong manh bé nhỏ của con người. Ngôi chùa là ngôi nhà tập thể mang sức chứa cộng đồng, hòa đồng và bình đẳng nhất. Cộng đồng ngôi chùa mà lịch sử khẳng định, chưa bao giờ là nơi tụ hội có tính phe đảng, thanh toán, loại trừ hay tiêu diệt để nhân danh cá thể độc quyền nào. Không gian này mới mang trong tự thân sự thiêng liêng của giá trị phụng sự vì con người.
Trải dài các triều đại, từ buổi đầu lập quốc, ngôi chùa đối với các bậc vua chúa là nơi hội tụ khí thiêng, là niềm tri ân của xã tắc trước anh linh hào khí hùng thiêng, đối với các bậc tiên hiền - thánh nhân của non sông. Họ muốn non sông được sáng mãi "sánh cùng nhật nguyệt", ông cha ta gửi vào đó ước muốn trường cửu của hồn thiêng anh linh dân tộc, ngõ hầu tăng thêm sức mạnh cho cơ nghiệp tiền nhân vững bền muôn thửa.
Chùa là nơi tụ hội tinh hoa của nghệ thuật chạm trổ điêu khắc và kiến trúc. Nghệ thuật tạc tượng đã đạt đến đỉnh cao qua hệ thống tượng pháp. Chùa không phải là lăng tẩm hay cung thất của bậc quân vương đầy quyền uy mà sao có thể để lại làm thành di sản vô giá cho dân tộc đến thế? Ta phải nói do sự thu hút, tạo cảm hứng phụng sự của ngôi chùa đối với tổ tiên ta lớn lao vô cùng. Cả một nền nghệ thuật trải dài, mang nặng yếu tố tôn giáo Đạo Bụt. Khi Chân - Thiện - Mỹ được đề cao chúng ta mới tạo được di sản vô giá.
Không có ngôi chùa thì cái Thiện không được đề cao và phát triển
Cuối cùng, bao quát tất cả là hai phạm trù Thiện - Ác. Phải nói một cách minh nhiên rằng: Không có ngôi chùa thì cái Thiện không được đề cao và phát triển, nó đương nhiên làm xã hội tuột dốc, đi về hủy diệt. Nếu không có môi trường sống Thiện, đề cao về giáo dục nhân quả, ở hiền gặp lành, về những giá trị đạo đức tâm linh, đến khi lớn, khi có danh vọng uy quyền sẽ đi về lệch hướng nên không quan tâm đến giá trị cộng sinh, tương tồn. Lịch sử phát triển xã hội và đất nước là một minh chứng.
Không có không gian đằm thắm yên lắng của ngôi chùa trong lòng người Việt, xóm làng dễ đánh mất yếu tính văn hóa. Xã hội mất thực lực đạo đức để phát triển. Mỗi con người lớn lên phải được xây dựng từ trong sâu thẳm ý niệm về lòng tôn kính, niềm biết ơn và giá trị tình thương, hiếu tâm đối với cha mẹ. Đi trên bờ cỏ của ruộng lúa xanh mơn mởn, con trâu không được dẫn dắt sẽ dễ dàng xâm phạm vào lúa tốt mà bỏ quên cỏ non.
Xét rằng, ngôi chùa là ngôi nhà chung vinh danh cái Thiện, mở mang văn hóa tâm linh cho con người trau dồi đạo đức; dung chứa năng lượng lành, khí thiêng dân tộc, duy trì giá trị truyền thống, bản sắc người Việt ngàn đời. Từ xa xưa người Việt đã tìm thấy mọi giá trị, ý nghĩa sống xuyên qua không gian ngôi chùa. Để làm nên nét đẹp: Uống nước nhớ nguồn - Ăn hiền ở lành - Lá lành đùm lá rách - Bầu ơi thương lấy bí cùng - Gà chung một mẹ chớ hoài đá nhau,…
Đạo lý đó là tuệ giác đúc rút những gì tinh hoa nhất để gìn giữ giống nòi Việt trước mọi sự xâm lăng văn hóa. Là ý chí để dân Việt nương vào nhau vươn mình, độc lập không nô dịch văn hóa phi Việt tính. Tự nghĩ, mỗi cá thể thật bé nhỏ và ngắn ngủi. Nếu chỉ biết mình no đủ mà tách rời ra khỏi giá trị truyền thống của cộng đồng dân tộc, nếp sống tiên tổ, ta trở nên thấp thỏm và vô nghĩa. Nhưng nếu biết góp mình chung vào dòng sống Việt tộc, làm nên nét văn hóa, ta như giọt nước hòa vào dòng sông, mang sức mạnh đi về vô tận.
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp