Mỗi ngày bạn nên cố gắng làm sạch cỏ dại trong tâm mình


Chúng ta phải biết thu thúc lục căn (sáu giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.) Chúng ta nhìn ngó quá nhiều, nghe quá nhiều cần tự hạn chế mình lại. Xem TV, đọc sách báo… những công việc đó chỉ làm nếu bạn thấy nó là cần thiết, còn không hãy cố gắng giảm bớt đi. Cách kiếm sống, nuôi mạng trong sạch là rất quan trọng, hãy quan tâm đến những nhu cầu của mình một cách hợp lý.


 
Một người bạn, cũng là thiền sinh, kể với tôi rằng trước khi tập thiền, anh ấy thường sử dụng máy photocopy của cơ quan vào việc riêng, nhưng từ khi tập thiền và biết cách nhận biết tâm mình thì anh nhận ra rằng mỗi khi làm như vậy anh đều cảm thấy có lỗi như là mình đang có một hành động trộm cắp vậy.

Mặc dù chẳng ai nói gì cả, nhưng chiếc máy đó là để dùng chung cho công việc của công ty, nên từ đó anh không sử dụng máy đó vào việc riêng nữa. Nếu có người khác sử dụng thì cũng chẳng sao, đó là việc của họ, kệ họ thôi, nhưng với bạn thì khác, bạn là người đang tu dưỡng các phẩm chất tâm linh của mình và đang làm cho mình trở nên xứng đáng với niềm hạnh phúc và bình an đích thực, xứng đáng với trí tuệ và giải thoát chân chánh.

Hãy cố gắng làm cho cuộc sống của mình trở nên càng giản dị càng tốt, giản dị từ trong cái ăn, cái mặc, trong tất cả mọi việc. Bất cứ việc gì bạn làm, bất cứ đồ vật gì bạn sở hữu, chúng đều đòi hỏi thời gian và sức lực của bạn, và có thể gây ra nhiều xáo trộn, bất an cho bản thân bạn nữa.

Khi bạn đi mua hàng ở siêu thị mà xem, tâm bạn sẽ như thế nào?

Sống trong một căn phòng trống, thì không có một cái gì gây xáo trộn cho bạn được cả. Nếu bạn muốn tiến bộ trong thiền tập, hãy cố gắng sống một cuộc sống đơn giản nhất đến mức có thể.

Mỗi ngày hãy cố gắng nhìn thật sâu vào trong tâm mình, cố gắng làm sạch cỏ dại, bởi vì cỏ dại vẫn thường xuyên thâm nhập tâm ta hàng ngày hàng giờ. Chúng sẽ ăn sâu bén rễ nếu bạn để chúng ở lâu, rễ chúng càng ngày càng chắc và sẽ rất khó nhổ bỏ, nhưng nếu bạn tẩy sạch mầm sống của chúng trước khi chúng kịp lan rộng thì điều đó vô cùng ích lợi.

Thiền Sư U JOTIKA
(Trích BẢN ĐỒ HÀNH TRÌNH TÂM LINH)