Mượn tiếng ca để chuyển tải ý Đạo


Âm nhạc đối với tôi là một chất liệu không thể thiếu trong cuộc sống. Tôi đến với âm nhạc như là một định mệnh mà tạo hóa đã sẵn dành.  

Từ khi còn là một đứa trẻ, lúc nào tôi cũng ê a hát, dù tôi hát không hay nhưng được cái nhiệt tình.  Hình như là tôi biết hát trước khi biết nói! Cho đến khi mẹ tôi sinh các em tôi, những ngày mẹ đi bán ở chợ hay những lúc mẹ vắng nhà, thì tôi là người thay mẹ để hát ru cho các em tôi ngủ. Đến khi tôi lớn, vì quá mê hát tôi phải trốn nhà đi học hát cho bằng được. Với những đồng lương làm việc ít ỏi của mình lúc đó, tôi đã dành một ít để chi phí cho việc học hát. Bấy giờ, tôi chỉ nghĩ đi học hát để hát cho vui thôi, chứ cũng không suy nghĩ gì nhiều. Thật tình thì ba mẹ tôi cũng không thích tôi đi hát. Nhiều đêm tôi đã trốn ba mẹ, có khi ba mẹ không cho  đi cửa trước, thì tôi trốn cửa sau. Tôi cũng không hiểu tại sao nữa, chỉ biết rằng ca hát là niềm đam mê của mình thôi. Dù tôi buồn  cách mấy đi nữa, chỉ cần cất tiếng hát lên, tôi đều quên đi hết và cảm nhận một niềm vui khó tả. Tôi đã vượt qua nhiều khó khăn để mỗi đêm được đứng trên sân khấu, dưới ánh đèn màu mà hát. Có những lúc phải xin người ta để được hát, hoặc có đêm  ngồi đợi đến khuya cũng vẫn không được hát.  Nhiều đêm hát không được một đồng thù lao nào, hoặc đôi lúc chỉ được một khoản  rất  ít ỏi.

Với sự nổ lực học hỏi, tôi cũng đạt được một số giải thưởng trong các cuộc thi văn nghệ tại Phan Thiết – Bình Thuận quê hương tôi. Cho đến khi xuất gia, tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ không hát nữa, nhưng hình như định mệnh đã buột chặt tôi  với âm nhạc. Tôi nhớ những lúc nghĩ giải lao ở lớp Sơ cấp Phật học Gò Vấp, các huynh đệ hay yêu cầu tôi hát. Khi đó tôi chỉ nghĩ mình hát cho huynh đệ nghe để giảm bớt căng thẳng sau giờ học. Nhưng mọi người càng nghe thì càng thích,  và có người khen giọng ca của tôi.  Thế là, mỗi khi chùa của các huynh đệ có lễ hội, họ mời tôi đến hát góp vui. Tôi cũng đã suy nghĩ nhiều về việc này. Có nên chăng? Cuối cùng tôi đã đi đến quyết định: thay vì hồi xưa tôi hát những bài nhạc đời yêu đương sầu khổ, thì bây giờ tôi cũng hát những ca khúc mang âm hưởng Phật giáo để xoa dịu nỗi buồn,  và làm tăng đạo tâm cho mọi người khi đến học Phật.

Năm 2005, tôi bắt đầu đi thu âm lại giọng ca của mình, đơn giản chỉ để nghe cho vui thôi. Sau đó, tôi tặng cho một số người làm quà. Họ nghe và khen hay. Thế là mọi người “yêu thích” giọng hát của tôi hồi nào chẳng biết. Cho đến năm 2006, tôi đoạt Huy chương vàng tiếng hát sinh viên trường đại học Tôn Đức Thắng, tôi mới thật sự hoạt động ca nhạc một cách tự tin hơn, vì thấy mình cũng có “thực lực”.

Những năm gần đây, đạo tràng tu học và sinh hoạt ngày càng nhiều ở các tỉnh thành. Nhu cầu học Phật lan rộng cùng với sự phát triển của các lễ hội, thì âm nhạc đóng vai trò không nhỏ. Sau những giờ phút tu học, mọi người thường muốn thưởng thức những ca khúc Phật giáo. Phải nói rằng, nhờ sự ra đời và phát triển của Câu lạc bộ Hoằng Pháp Trẻ mà tiếng hát của tôi có điều kiện “được bay xa đến với mọi người”. Sự  dấn thân không nghi ngại trên mọi nẽo đường giúp tiếng hát của tôi đến với nhiều  đạo tràng vùng sâu vùng xa. Có thể nói, tôi “đi hát còn nhiều hơn đi giảng dạy”. Lúc đầu tôi không vừa lòng, nhưng sao đó suy nghĩ, mỗi người có một cái “nghiệp” khác nhau, nên “đành phải chấp nhận hơn là phản kháng”.

Giữa lúc thị trường âm nhạc Việt Nam đang bảo hòa, thì ca khúc Phật giáo xuất hiện đã tạo nên một luồng gió mới. Nhiều ca khúc thị trường làm cho con người xao động, thì ca khúc Phật giáo với ca từ và giai điệu mượt mà, êm đềm, tạo cho người nghe một sự an lành. Với khối lượng lễ hội, các đạo tràng tu học cùng sinh hoạt thì nhạc Phật giáo ngày càng nhiều thì việc tu sĩ hát như tôi là một chuyện rất bình thường. Theo tôi nghĩ, người tu sĩ không chỉ có lời kinh tiếng mõ, mà trong những lễ hội hay sinh hoạt ở các trường Phật học, đôi lúc cũng phải biết hát một vài bài nhạc Phật giáo đễ cho khỏi khô khan.

Tôi chưa bao giờ nhận mình là một ca sĩ mà luôn tự nhủ mình chỉ là một “tu sĩ hát” mà thôi. Nhưng dù là một “tu sĩ hát” thì cũng  phải có một chút ít chuyên môn, biết một chút về thanh nhạc, nhạc lý và phải thật sự hát hết mình thì mới không gượng gạo trước đám đông. Có nghĩa là phải thể hiện nghiêm túc và “chuyên nghiệp” thì mới thuyết phục người nghe. Làm sao khi mình xuất hiện giữa sân khấu luôn giữ được phong cách của một người tu, và cũng có một chút “nghệ sĩ tính” để vừa không gò bó vừa giữ được chất “tu sĩ” của mình.

Để chuẩn bị cho một ca khúc hay một tiết mục nào đó trước mọi người, tôi phải chuẩn bị rất nhiều về tâm lý cho đến hòa âm phối khí, và các xử lý ca khúc sao cho hay, cho lạ. Sự thành công cho một ca khúc dựa trên nhiều tiêu chí như: sức khỏe, tâm lý cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Có những ngày tôi hát đến 20 bài ở một đạo tràng mà Phật tử vẫn thích nghe. Tôi không sợ mọi người khen hay chê, chỉ cần mọi người muốn ngồ nghe, thì tôi sẽ hát cho đến khi nào không hát được nữa!

Phải nói rằng hát nhạc Phật giáo rất khó, đòi hỏi sự am hiểu về giáo lý và sự cảm thụ âm nhạc tốt. Nhạc Phật giáo rất khó cảm, đòi hỏi phải có nhiều thời gian mới hiểu và cảm được. Với người tu sĩ, khi trình bày một ca khúc Phật giáo hay, sẽ có tính thuyết phục hơn một ca sĩ không hiểu về giáo lý của nhà Phật. Có hai vấn đề nan giải là, những ca sĩ có chuyên môn về nghệ thuật lại không hiểu về giáo lý, còn tu sĩ hiểu về giáo lý lại không có chuyên môn về âm nhạc, nên khi một ca khúc được hát lên đã gây nên một sự hời hợt trong ca từ đối với người ca sĩ, và không có kỹ thuật thanh nhạc đối với tu sĩ. Mà ca sĩ muốn biết giáo lý để hiểu ca từ trong ca khúc Phật giáo, thì đòi hỏi phải có thời gian tìm hiểu và học pháp, còn tu sĩ muốn hát cho hay, cần phải quan tâm đến việc học thanh nhạc. Thanh nhạc không phải học ngày một, ngày hai, mà phải là thời gian dài. Trong thanh nhạc có những kỹ thuật và cách xử lý của một ca khúc làm sao cho hay, để người nghe chấp nhận, đây là một vấn đề thú vị. Rất may tôi được học thanh nhạc khi chưa xuất gia nên việc hát đối với tôi không khó lắm.

Tuy nhiên, hát hay là một chuyện, mà bản lĩnh sân khấu lại là một chuyện khác. Nếu mình vừa hát hay, vừa làm chủ được sân khấu, thì chắc chắn sẽ được mọi người hoan nghênh, đó là thành quả của lao động nghệ thuật. Trong các lĩnh vực nghệ thuật của Phật giáo, âm nhạc cũng thường được nhắc đến qua các kinh điển, cụ thể là hình ảnh được chư thiên cúng dường lúc Phật còn tại thế. Tuy nhiên, đối với giới luật của người xuất gia, thì không được “ca vũ xướng kỹ”. Nhưng “âm nhạc không có tội” mà điều đáng nói ở đây là hát với nội dung gì. Nếu tôi hát những lời kinh được trích dẫn từ trong kinh hay những lời ca ngợi Tam Bảo, thì đó cũng là một cách tán thán, hay ca ngợi những điều tốt đẹp của Phật pháp, điều đó cũng nên làm lắm chứ! Do đó, khi hát, ca từ và giai điệu của bài hát Phật giáo mới là chính, còn phần tôi – người hát, chỉ “mượn tiếng ca để chuyển tải ý đạo” làm cho mọi người hiểu và yêu Phật pháp hơn mà thôi.

Có thể thấy bây giờ một đêm văn nghệ của Phật giáo có sức cuốn hút quần chúng rất lớn, không những có sự tham gia của các ca sĩ chuyên nghệp mà còn có quý thầy cô trẻ yêu âm nhạc nữa, chẳng phải riêng tôi. Bên cạnh đó các gia đình Phật tử cũng đóng vai trò quan trọng và đặc biệt thành phần tham dự đa dạng hơn, không chỉ Phật tử lớn tuổi nghe, mà còn cả thanh thiếu niên đều rất thích thú. Miễn biên tập và tổ chức tốt, thì chắc chắn chương trình sẽ thu hát được quần chúng. Đừng xem văn nghệ trong Phật giáo là một chương trình phụ, theo tôi, đã không làm thì thôi, còn làm thì phải đến nơi đến chốn.

Khi tu sĩ hát cũng là một nét đẹp của Phật giáo trong thời hiện đại, mà đó cũng là một cách “hội nhập” với mọi người. Âm nhạc là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với cuộc sống và rất cần thiết đối với những Tăng Ni sinh trẻ muốn dấn thân trên đường hoằng pháp hiện nay. Tôi cũng chỉ là một Tăng sinh trẻ, với tình yêu Phật pháp và yêu âm nhạc, mong muốn đóng góp một phần công sức của mình vào âm nhạc Phật giáo dù là rất nhỏ nhoi.

Pháp Như