Năm căn, năm lực



Năm căn có tác dụng hàng phục phiền não, dẫn nhập và làm tăng thượng trên con đường Thánh; có khả năng làm sinh khởi tất cả các pháp thiện.

Đại thừa nghĩa chương, quyển 16, còn thuyết minh rõ ý nghĩa của năm căn như sau: “Năm căn có sức mạnh xuất sinh Thánh đạo xuất thế, còn có khả năng đối trị các phiền não như bất tín, giải đãi, phóng dật, trạo cử, vô minh”.

Câu xá luận, quyển 25, cho rằng, năm căn có tính chất nhân quả rất mật thiết. Nhờ có lòng tin nên mới tinh tấn tu hành, do tinh tấn tu hành nên có thể duy trì được chánh niệm, có chánh niệm thì có định, có định thì tuệ phát sinh.

Theo Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết, quyển 7 thì, người tu hành tuy hạt mầm thiện pháp đã phát, nhưng còn nhỏ, và gốc rễ chưa sinh, cho nên phải tu năm pháp này để khiến cho các thiện căn sinh trưởng, do đó năm pháp này đều được gọi là căn.

Kinh luận ghi nhận có tất cả 22 căn, nhưng trong Tạp A-hàm chỉ trình bày 8 căn vô lậu, đó là Căn vị tri đương tri, Căn tri, Căn vô tri (còn gọi là Căn cụ tri), căn Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ.

Kinh ghi: “Có ba căn: Căn vị tri đương tri, Căn tri, Căn vô tri”. Căn vị tri đương tri có nghĩa là căn chưa biết sẽ biết, căn này xuất hiện ở địa vị Kiến đạo. Căn tri là căn đã biết, xuất hiện ở địa vị Tu đạo. Căn vô tri là căn đã biết trọn vẹn (cụ tri), xuất hiện ở địa vị Vô học.

Năm căn được Đức Phật định nghĩa như sau:

- Tín căn là khởi tín tâm thanh tịnh, căn bản bền chắc đối với Như Lai mà các Sa-môn, Bà-la-môn khác, chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, cùng thế gian khác không thể làm cản trở, phá hoại tâm ấy.

- Tấn căn là nỗ lực đoạn trừ các pháp ác bất thiện đã sinh; ngăn ngừa các pháp ác bất thiện chưa sinh, khiến không sinh; các pháp thiện chưa sinh, khiến cho sinh; các pháp thiện đã sinh, khiến cho an trú không mất.

- Niệm căn là sống quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh trí, điều phục tham ưu thế gian; sống quán ngoại thân, nội ngoại thân; và thọ, tâm, pháp trên pháp cũng nói như vậy.

- Định căn là ly dục, ly pháp ác bất thiện, có giác có quán, có hỷ lạc do viễn ly sinh, cho đến, chứng và an trú Tứ thiền.

- Tuệ căn là biết như thật về Khổ Thánh đế, biết như thật về Khổ tập Thánh đế, Khổ diệt Thánh đế, Khổ diệt đạo tích Thánh đế.

Như vậy, nội dung của “Căn Tín là bốn Bất hoại tịnh. Căn Tấn là bốn Chánh đoạn (tứ Chánh cần). Căn Niệm là bốn Niệm xứ. Căn Định là bốn Thiền. Căn Tuệ là bốn Thánh đế” (kinh Tạp A-hàm).

Đức Phật cho biết, đối với năm căn, “Nếu tu tập, tu tập nhiều, thì tất cả những cái khổ quá khứ, hiện tại, vị lai đều sẽ dứt sạch”. Cụ thể, “Nếu Tỳ-kheo nào khéo quán sát như thật đối với năm căn này, người ấy đối với ba kết mà đoạn biến tri, tức đoạn trừ một cách toàn diện thân kiến, giới thủ kiến và nghi. Đó gọi là Tu-đà-hoàn, không còn rơi vào pháp đường ác, nhất định sẽ hướng thẳng đến Chánh giác, còn bảy lần qua lại Trời, Người, cuối cùng sẽ cứu cánh biên tế của khổ”. Hơn thế, “Đối với năm căn này, người nào quán sát như thật, không khởi lên các lậu, tâm sẽ chứng đắc ly dục giải thoát. Đó gọi là A-la-hán, các lậu đã hết, việc cần làm đã làm xong, đã lìa các gánh nặng, đã được lợi mình, hết các hữu kết, bằng chánh trí mà tâm khéo giải thoát” (kinh Tạp A-hàm).

Năm căn này, căn Tuệ nhiếp thọ tất cả. “Thí như các thứ cây gỗ của nhà, gác, thì cây đòn nóc là ở trên hết, mọi cây gỗ khác đều nương vào cây đòn nóc mà giữ yên. Như vậy trong năm căn, Tuệ thâu nhiếp tất cả nên Tuệ trên hết. Các công đức này Tuệ đứng hàng đầu, vì Tuệ nhiếp trì tất cả” (kinh Tạp A-hàm).

Tuệ được phát khởi đối với Như Lai lúc bắt đầu phát tâm Bồ-đề; gọi là căn Tuệ.

Năm năng lực kiện toàn thiện lành

Nếu thành tựu được năm căn thì sẽ có được năm thứ sức mạnh, gọi là Ngũ lực. Năm lực này hình thành từ năm căn, phát sinh một thứ sức mạnh thúc đẩy, tăng trưởng, duy trì đời sống tu tập đạt đến giải thoát, chúng có khả năng phá trừ điều ác, thúc đẩy làm việc thiện.

Lực, tiếng Phạn là Balāna, có nghĩa là sức mạnh, năng lực, động lực thúc đẩy. Năm lực là Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực (có khi năm lực được Đức Phật nói là Tín, Tấn, Tàm, Quý và Tuệ lực).

Năm lực được Đức Phật định nghĩa như sau:

- Tín lực là Bốn bất hoại tịnh: Sức mạnh có được từ niềm tin chân chính vào Phật, Pháp, Tăng và Giới.

- Tấn lực là Bốn chánh đoạn: Sức mạnh có được từ sự nỗ lực đoạn trừ các pháp ác bất thiện đã sinh; ngăn ngừa các pháp ác bất thiện chưa sinh, khiến không sinh; các pháp thiện chưa sinh, khiến cho sinh; các pháp thiện đã sinh, khiến cho an trú không mất.

- Niệm lực là Bốn niệm xứ: Sức mạnh có được từ sự thực tập thiền quán Bốn lãnh vực quán niệm.

- Định lực là Bốn thiền: Sức mạnh có được từ sự chứng đắc Bốn tầng thiền.

- Tuệ lực là Bốn Thánh đế: Sức mạnh có được từ sự thấy được Bốn chân lý.

Năm sức mạnh này có khả năng trị liệu rất lớn, giúp người tu tập vượt qua được bệnh tật và thoát khỏi mọi khổ đau ách nạn trong cuộc đời.

Tàm lực là hổ thẹn, xấu hổ đối với pháp ác, bất thiện, các phiền não đã khởi, sẽ phải chịu các quả báo khổ bức bách của sinh, lão, bệnh, tử, ưu bi, khổ não ở trong đời vị lai.

Quý lực là lấy làm thẹn các điều đáng thẹn, tự thẹn về các pháp ác, bất thiện, các phiền não đã khởi, sẽ phải chịu các quả báo khổ bức bách của sinh, lão bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não ở trong đời vị lai.

Đức Phật dạy, nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp thiện mà thay đổi hoặc thối thất, hay không trụ lâu dài, thì các Tỳ-kheo khác nên dùng năm thứ bạch pháp (năm lực) để sách tấn họ, nói:

“Ông không có tín thâm nhập trong các pháp thiện. Nếu y trên tín thì có thể xa lìa được pháp bất thiện, tu các pháp thiện. Ông không tinh tấn, không tàm, không quý; không tuệ thâm nhập pháp thiện. Nếu y trên tuệ, có thể xa lìa các pháp bất thiện, tu các pháp thiện”.

Trường hợp Tỳ-kheo nào, đối với Chánh pháp mà không đổi thay, không thối thất, trụ lâu, thì Tỳ-kheo khác nên dùng năm thứ bạch pháp đến chúc mừng. “Những gì là năm? Có chính tín thâm nhập pháp. Nếu y trên tín, thì xa lìa được pháp bất thiện, tu các pháp thiện. Tinh tấn, có tàm, có quý, có tuệ thâm nhập. Nếu người nào y cứ vào tuệ, thì xa lìa được pháp bất thiện, tu các pháp thiện”.

Đức Phật nói: “Nếu có Tỳ-kheo nào, hoặc không muốn pháp ác bất thiện sinh khởi, duy chỉ có tín nơi pháp thiện. Nếu tín bị thoái giảm, an trú lâu dài nơi bất tín, các pháp bất thiện lại sinh,… cho đến nếu muốn cho các pháp ác bất thiện không còn sinh, duy chỉ có tinh tấn, tàm, quý, tuệ. Nếu tinh tấn, tàm, quý, tuệ lực bị thoái giảm an trú lâu dài với ác tuệ, thì pháp ác bất thiện sẽ sinh ra. Nếu Tỳ-kheo nào y trên tín, thì sẽ xa lìa được pháp bất thiện, tu các pháp thiện. Người nào y cứ vào tinh tấn, tàm, quý, tuệ, thì lìa được pháp ác bất thiện và tu các pháp thiện” (kinh Tạp A-hàm).