Nếu hay, không ai đi chỉ trích người khác


Cuộc sống diễn ra mỗi ngày - ta gặp chuyện này chuyện nọ - đó vừa là kết quả mà ta đã gieo nhân trước đó, nhưng đồng thời cũng là duyên hiện tại để ta tiếp tục tạo nhân cho tương lai, lao về phía trước theo hướng nào.

Theo đó, chuyện vui tới với mình là một nhân lành đã trổ, đã thành hình. Quả ấy dù có lành cỡ nào mà mình ngấu nghiến dùng, không biết để dành, không gieo tiếp theo kiểu tái sản xuất thì cũng hết.

Còn chuyện buồn, chắc do nhân bất thiện đã đủ điều kiện biểu hiện. Biết thế để nhớ rằng, muốn cải tạo điều đó phải tránh tạo nhân không tốt và ngay hiện tại phải gieo duyên lành, thực tập dừng lại, nhìn sâu vào sự việc bằng đôi mắt "hiểu và thương" để vững chãi bước qua.


Dù cuộc sống cằn cỗi, mong ai cũng nuôi dưỡng cho tâm hồn nở hoa - Ảnh minh họa

Trên đời này, phàm là chúng sinh thì ai cũng có lỗi, ít hoặc nhiều. Do vậy, ta chẳng có gì hay ho để mà chỉ trích bất kỳ ai. Mà thực ra, nếu hay ho thì không ai chỉ trích người khác làm gì.

Hôm kia đọc một bài báo, nhặt được câu khuyết danh như thế này: "Một con cú già khôn ngoan sống ở cây đa. Nó càng nhìn thấy sự đời thì càng ít nói. Mà nó càng ít nói thì lại lắng nghe nhiều. Tại sao mình lại không như con cú già khôn ngoan kia?".

Hôm qua đọc Facebook và lại nhặt được câu của Franz Schönthan von Pernwaldt, nội dung: "Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác”.

Lắng nghe để hiểu rằng trong ta và người đều còn cái dở, nên đừng có cười cợt hay lên án, bởi đó cũng là một kiểu hành xử bạo lực. Từ "ném đá" xuất phát trên mạng công nhận hay, những con chữ chửi bới mua vui, chì chiết, chửi đổng thô thiển... cũng giống như những viên đá, có khi sự sát thương còn ghê hơn là hung khí thiệt chớ chẳng chơi.

Hông phải tự dưng ông bà mình nói "cười người hôm trước hôm sau người cười" - mà bởi, nếu xét cho cùng tận thì ai cũng có cái đáng cười, ai cũng có điều dễ thương.

Khi ta khen điều dễ thương ở người thì đồng thời ta đang tưới hạt giống dễ thương trong ta, cùng lúc đó là gieo thêm hạt dễ thương vào mảnh đất tâm hồn mình. Ngược lại, khi ta chăm chú cười người thì cũng là khi ta đồng thời làm cho hạt giống không hay ho có sẵn nẩy mầm và cắm vào đất tâm một hạt bất thiện.

Tất nhiên, chọn sống sao thì tùy bạn, bạn sẽ phải nhận lại những gì mình đã gieo, đã tạo. Cuộc sống công bằng là ở chỗ đó chớ không phải ở chỗ nhìn loanh quanh bằng mắt thường của mình!

Lưu Đình Long