Ngày Tết và neo đậu nhân cách người Việt


Có người sang trọng hơn thì rầm rộ rủ nhau đi Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc để tỏ ra mình sành điệu, chơi trội. Ba ngày Tết trốn biệt nhà, họ để mặc ông bà bố mẹ già lụi cụi làm Tết với nhau. Hoặc không thì cả nhà đi du lịch hết để lại phía sau bàn thờ tổ tiên sao nguội lạnh và trống vắng! Dù có hoa thơm, quả ngọt hay những hộp bánh, chai rượu ngoại đắt tiền cũng không đem lại sự ấm cúng cho gian thờ to rộng kia. Cách ăn Tết của lớp người trẻ tuổi, dư dả về vật chất tưởng như đặc biệt lại vô tình phản ánh cái gốc văn hóa Tết của họ có cái gì mong manh, suy đồi.

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua”
 
Ngày còn bé, ai cũng háo hức mong chờ, đếm ngược từng ngày đến Tết. Bởi Tết đến sẽ được mua quần áo mới, đồ chơi mới, được đi du xuân hay xin câu đối treo trước cửa nhà… Vui hơn cả khi được nhận những phong bao lì xì màu đỏ tươi, dù chỉ vài xu vài hào nhưng đứa trẻ nào cũng thấy hạnh phúc. 

Những ước mơ và niềm vui bé nhỏ ấy như những hạt mầm được nuôi dưỡng trong mảnh vườn tâm hồn của biết bao đứa trẻ đang lớn dần theo năm tháng. Chúng cứ âm thầm bén rễ, hé lộ những lá chồi xanh rực rỡ dưới ánh nắng vàng cùng muôn loài hoa khoe sắc. Nếu không có những ước mơ giản đơn ấy thì tâm hồn con trẻ sẽ trở nên cằn cỗi và héo úa. 

Ngày Tết là ước mơ của mọi đứa trẻ nhưng lại là nỗi lo của cha mẹ chúng. Cuộc sống xưa kia nghèo khó, lo cái Tết thôi mà nhiều nhà cũng “méo mặt”. Dẫu vậy… trong cái lo âu vẫn khắc khoải niềm vui sum họp, niềm vui của Tết đoàn viên.
                                      Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Quê hương luôn giữ một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người con Việt, nhất là khi tiết trời vào xuân – thời điểm của những rung cảm trong lòng người. Quê hương là nơi in dấu hình ảnh của ông bà, anh chị em ruột thịt, là nơi chôn nhau cắt rốn và là nơi nuôi dưỡng tuổi thơ của con trẻ với những mộng mơ, trong sáng. 

Nhưng buồn thay khi hồn Tết nay không còn… Nghe những tiếng thở dài, than vãn của đám bạn trẻ khi nhắc đến Tết thấy lòng sao quặn thắt. Họ than Tết chán, Tết buồn, chẳng có gì vui. Rồi khoe Tết này đã sắm vé bay đi Sa Pa, Đà Lạt… để tránh Tết! 

Có người sang trọng hơn thì rầm rộ rủ nhau đi Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc để tỏ ra mình sành điệu, chơi trội. Ba ngày Tết trốn biệt nhà, họ để mặc ông bà bố mẹ già lụi cụi làm Tết với nhau. Hoặc không thì cả nhà đi du lịch hết để lại phía sau bàn thờ tổ tiên sao nguội lạnh và trống vắng! Dù có hoa thơm quả ngọt hay những hộp bánh, chai rượu ngoại đắt tiền cũng không đem lại sự ấm cúng cho gian thờ to rộng kia. Cách ăn Tết của lớp người trẻ tuổi, dư dả về vật chất tưởng như đặc biệt lại vô tình phản ánh cái gốc văn hóa Tết của họ có cái gì mong manh, suy đồi.

Cái tình sum họp dường như không còn trong trái tim họ nữa rồi… Với họ, Tết đơn thuần chỉ là lúc đi tìm chỗ chơi hay nơi nghỉ mát thượng hạng. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đời sống vật chất ngày càng được nâng cao nhưng chúng ta cũng dần mất đi cái nghĩa của người con hiếu thảo, dần mất đi cái nguồn cội của dân tộc. Đồng tiền tưởng là chúa tể giải quyết được mọi việc hóa ra đã làm cho họ tha hương ngay trên mảnh đất sinh thành ra mình. 

Ngày Tết trong tâm thức mỗi người dân Việt là ngày Tết của sự sum họp, của không khí đoàn viên ấm áp. Đây là khoảng thời gian để các thành viên trong gia đình gắn kết với nhau, xích lại gần bên nhau sau một năm xa cách. Mọi người hỏi thăm nhau về công việc làm ăn cũng như những dự định cho tương lai. 

Ngày Tết còn là cơ hội để hóa giải những điều không hay đã xảy ra trong nội tộc và trong làng xóm. Ngày Tết gắn bó tình cha con họ hàng, ngày Tết là cả một bài học gia đình. Ngày Tết là những ngày đi nhẹ nói khẽ, không to tiếng nặng lời, chỉ dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, bỏ qua những điều không may mắn.

Người Việt ta coi Tết là ngày tống cựu nghênh xuân, dứt bỏ cái cũ rước đón cái mới. Người Thái trước Tết có lễ gội đầu “Lúng ta làm lí” để gột rửa những điều không may trong năm cũ. Còn người Kinh thì tiễn đưa ông Công ông Táo về trời, quét dọn bàn thờ sạch sẽ, cắm hoa trang hoàng bàn thờ thật trang nghiêm, thành kính rồi hóa chân hương. Tiếp đó, mọi người làm cỗ đêm ba mươi mời ông bà tổ tiên về ăn Tết. Sau ba ngày Tết thì làm lễ hóa vàng để đưa tiễn các cụ. Như vậy, ngày Tết đã đánh thức tình cảm với dòng tộc, đánh thức tình cảm với quê hương làng xóm. Đáng trân quý hơn khi ngày Tết đánh thức đạo làm người, đánh thức lẽ sống nhân nghĩa trong tâm hồn mỗi con người.

Không thế thì sao người Việt tha hương hàng năm về nước vào dịp Tết có đến hàng vạn, dù chi phí rất đắt đỏ nhưng họ vẫn cố không bỏ lỡ ngày đặc biệt này. Bởi với họ, cái gốc dân tộc là thứ tài sản vô giá, không thể đánh mất. Vậy mới nói, Tết Nguyên đán còn là cái may mắn cho đất nước, cái phúc cho dân tộc và cái nghĩa cho gia đình.
 
“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Diệu Âm Minh Tâm