Nghệ thuật định tâm


Tâm trí của bạn luôn có sự định tâm
Tâm trí của bạn luôn có sự định tâm

Để rèn luyện cho mình thói quen định tâm, điều kiện trước tiên là ta phải bớt bận rộn.

Phải tự cho mình một cơ hội lớn tìm về chính mình.

Ta không thể ra lệnh cho tâm mình dừng lại, trong khi ta vẫn còn muốn nắm bắt quá nhiều thứ.

Một không gian nhẹ nhàng và tĩnh lặng sẽ giúp ta dễ dàng đem tâm mình trở về, kết thành một mối với thân.

Thân ở đâu thì tâm ở đó. Cũng như khi ta dùng chiếc kính lúp đón nhận những tia nắng song song, chúng sẽ hội tụ thành một điểm.

Sau đó ta lấy nhúm rơm khô để phía dưới kính lúp, chùm ánh sáng hội tụ ấy sẽ đốt cháy nhúm rơm khô.

Sự tập trung cao độ của tâm ý có khả năng đốt cháy phần nào phiền não, làm cho ta trở nên nhẹ nhàng, trầm tĩnh và sáng suốt hơn.

Ta cần cố gắng tập luyện sống chậm, nhưng cũng đừng quá chậm một cách mất tự nhiên.

Mỗi khi mở vòi nước, đóng cánh cửa, mở ti-vi hay đặt tách trà xuống, ta đều quan sát kỹ những đối tượng ấy.

Đặc biệt, phải ghi nhận rõ những gì xảy ra trong tâm ta suốt tiến trình xảy ra.

Hãy cắt mỗi hành động ra thành từng phần nhỏ để thực nghiệm việc định tâm dễ dàng hơn.

Thí dụ, khi bưng tách trà lên, ta chia làm 3 giai đoạn để chú tâm: bưng lên, đưa tới và uống.

Trong khi uống, ta cũng chia làm 3 giai đoạn: vừa uống, đang uống và uống xong.

Bất cứ ở nơi đâu hay làm việc gì ta cũng nên áp dụng bài thực tập chia nhỏ từng hành động để quan sát, trừ những việc có tính chất nguy hiểm hay quá khẩn thiết.

Tập quan sát bước chân mình khi đi trong phòng cũng là cách để rèn khả năng định tâm.

Chỉ cần thả lỏng hai tay theo chiều cơ thể và bắt đầu chú ý vào bước chân đi trong 3 giai đoạn: nhấc chân lên, đưa tới, đặt chân xuống.

Ta cũng có thể chia mỗi động tác như vậy thành 3 lần nhỏ hơn nữa, để sự chú ý của ta càng thêm mạnh mẽ: phần đầu – phần giữa – phần cuối của việc nhấc chân lên, phần đầu – phần giữa – phần cuối của việc đưa chân tới, phần đầu – phần giữa – phần cuối của việc đặt chân xuống.

Nên nhớ ta chỉ dùng tâm để cảm nhận mà không nên nhìn xuống bước chân.

Bài tập này tuy hơi khô khan, nhưng nếu kiên trì chừng nửa giờ ta sẽ gặt hái kết quả rất bất ngờ.

Sự chậm rãi sẽ giúp tâm ta không dễ dàng thay đổi đối tượng, đủ thời gian để nhìn thấu đối tượng và chính ta hơn.

Theo
Vanhoaphatgiaovietnam.net