Ngôi chùa 20 năm không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện

3338

Từ việc kiên trì vận động phật tử không đốt giấy tiền vàng mã trong chùa, 20 năm qua, chùa Liên Hoa, phường 8, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh đã vận động được nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội. Thông qua việc làm ý nghĩa đó, hàng năm, nhà chùa đã giúp đỡ rất nhiều bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục tới trường. Mời quý vị và các bạn cùng tìm hiểu về ngôi chùa này qua bài viết “Ngôi chùa 20 năm không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện" của Lan Anh – phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam:

Năm 1997, trong một chuyến đi từ thiện giúp đồng bào Huế bị thiên tai lũ lụt, khi nhìn thấy sách vở học tập của các em học sinh ở một vài trường học nơi đây ố vàng hơn cả những tờ vàng mã mà mọi người vẫn đem đến chùa để đốt, Thượng tọa Thích Duy Trấn, trụ trì chùa Liên Hoa – ở đường Thái Phiên, thuộc Phường 8, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh không khỏi suy nghĩ về việc cần phải làm gì đó để giúp học sinh nghèo, để nhiều người có điều kiện cùng nhau tạo phước. Trở về thành phố, lại chứng kiến cảnh nhiều người đốt vàng mã với những tập giấy còn đẹp hơn giấy học trò ở vùng đất mà ông vừa tới, Thượng tọa đã quyết định vận động người dân và các phật tử khi đến lễ chùa không sử dụng vàng mã để dành tiền làm từ thiện. Thế là từ ngày 30/6/1998, Chùa Liên Hoa chính thức ra thông báo: "Các phật tử khi vào chùa cúng vong linh, xin miễn đốt giấy tiền, vàng mã để lấy số tiền chuẩn bị đốt chuyển thành tiền thật, cứu giúp bà con nghèo và học sinh vùng sâu, vùng xa". Cùng với đó, lò hoá vàng tại chùa được dỡ bỏ, việc thắp nhang trong chùa cũng được hạn chế. Thượng tọa Thích Duy Trấn nói:

(Băng: Trong tất cả kinh điển, kinh sách về lời dạy của Đức Phật đều không nói đến vấn đề đốt giấy tiền, vàng mã. Chính đó là điều mà mình khẳng định việc đốt vàng mã là không nên. Số tiền đó mình nên dùng để giúp đỡ những người cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn mà họ muốn đi học, hoặc xây sửa nhà để ở. Mình cố gắng giúp họ thì việc làm đó cũng hồi hướng được cho người quá cố)

Ban đầu, việc vận động phật tử không đốt giấy tiền, vàng mã cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều người thắc mắc tại sao chùa Liên Hoa lại cấm đốt, trong khi ở các ngôi chùa khác, việc đốt vàng mã là chuyện bình thường. Một số người phản ứng chủ trương này của nhà chùa bằng cách xin thỉnh hũ cốt người thân về nhà thờ. Song ngày này qua ngày khác, Thượng tọa Thích Duy Trấn vẫn kiên trì vận động các phật tử vì ông tin rằng đó là việc làm mang lại nhiều điều tốt đẹp cho cuộc đời. Cùng với việc vận động kinh phí, những chuyến đi từ thiện đến những vùng xa để giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn mà do nhà chùa tổ chức đã khiến các phật tử dần dần nhận ra ý nghĩa, niềm hạnh phúc khi được cho đi, được sẻ chia niềm vui với những người kém may mắn trong xã hội. Sau 20 năm thực hiện không đốt vàng mã, đã có hàng ngàn phần quà thấm đẫm nghĩa tình từ ngôi chùa nhỏ đến với những mảnh đời khó khăn, luôn cần sự che chở, giúp đỡ từ cộng đồng. Huỳnh Thị Thuỳ Linh, Khoa Điện tử trường Đại học Nguyễn Tất Thành - một trong 4 sinh viên được nhà chùa nuôi dạy từ nhỏ và tạo điều kiện cho đi học nói:

(Băng: Em thấy nhiều lần, các thầy đi đến các tỉnh miền Tây, miền Trung, cả Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum. Ở đó còn nhiều bà con rất nghèo. Nhờ sự tích góp của nhà chùa, việc vận động không đốt vàng mã và khuyên mọi người lấy phần tiền đó để làm từ thiện, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, em thấy rất là ý nghĩa)

Bà Giả Thị Sửa, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 8, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: giờ đây, ở chùa Liên Hoa không cần để bảng thông báo "không đốt vàng mã" nữa, vì mọi người đều hiểu và thực hiện tốt điều này. Đây còn là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái với rất nhiều chương trình xây nhà tình thương, xây cầu nông thôn, mổ mắt miễn phí cho người nghèo..., thu hút sự tham gia của nhiều mạnh thường quân ở khắp nơi. Bà Giả Thị Sửa, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 8, quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:

(Băng: Sau khi có Chỉ thị 27 của Trung ương thì sư phụ đã thực hiện, bản thân tôi cũng tới chùa để thuyết phục, vận động người dân không đốt vàng mã, cho nên lâu nay người dân cũng hiểu được tác hại của việc làm này nên chương trình đã lắng xuống. Từ đó, người dân trong khu phố xung quanh đây và trong phường thấy được việc làm ý nghĩa của chùa. Với lại qua các đợt làm vệ sinh môi trường văn minh, sạch đẹp thì bản thân tôi cũng như mọi người đều thấy đây là việc làm rất là hay và có nhiều ý nghĩa)

Với vị sư trụ trì chùa Liên Hoa, Thượng tọa Thích Duy Trấn khi đến các chùa để giảng đạo, thuyết pháp cho các phật tử, ông luôn giải thích rõ ràng, cặn kẽ về sự không cần thiết của việc sử dụng, đốt vàng mã, đồ mã tại các đền, chùa, nơi thờ tự…Từ đó tiếp tục vận động, tuyên truyền mọi người quyên góp tiền, giúp đỡ học sinh nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn ở mọi miền đất nước./.

VOV - ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO