Ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người
Tôi thấy nhiều người thường tới chùa cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu phát tài, nhưng có một điều có lẽ họ chưa thấu hết, đó chính là ngôi chùa linh thiêng nhất nằm ở đâu.
Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.
Không ai bảo những người đi cầu tiền tài, chức tước là không chính đáng. Nhưng soi xét cho tận gốc rễ của vấn đề thì đó là điều thật đáng lo. Bây giờ, để có được những lợi ích cá nhân người ta có thể làm tất cả những gì có thể kể cả việc “hối lộ Thánh Thần”.
Tôi không phải là người nghĩ ra cụm từ “hối lộ Thánh Thần” xếch mé, láo xược này. Đó là cụm từ do người dân sáng tạo ra từ những quan sát thực tế mà ta có thể gọi đó là sản phẩm của dân gian. Một người bạn vong niên đầu năm khuyên tôi một cách chân thành: “Nếu chú mày muốn có một chút chức tước thì phải đến đền Đức Thánh Trần xin Ngài một câu”.
Cho dù tôi có muốn một cái bỉ chức nào đó thì tôi cũng không bao giờ đến để xin Ngài điều ấy. Vì đến thì cũng phải dâng lễ cho dù lễ to hay lễ nhỏ. Rồi thì phải khấn rằng: “Con có chút lễ mọn dâng lên Ngài xin ngài cho con năm nay được lên chức đội phó”.
Nói như thế là bắt đầu hỗn láo với Ngài rồi. Thế hoá ra Ngài là trưởng ban tổ chức của thế gian ư? Chẳng lẽ Ngài là Thánh lại nhận mấy cái lễ mọn hay cho dù cả tỷ đồng để làm cái điều ấy ư? Tôi thì tôi vẫn nghĩ rằng ở không ít ngôi đền, ngôi chùa lâu nay Thánh Thần không còn trú ngụ hay ghé qua đó nữa. Bởi ở những nơi như thế lâu nay chỉ là cảnh chen lấn, cảnh mua Thần bán Thánh, cảnh lừa nhau để kiếm chác. Các Ngài làm sao chịu nổi những cảnh ấy. Vì thế, các Ngài có đâu mà biết đến những trò “hối lộ Thánh Thần” .
Mẹ tôi hầu như cả đời không đi chùa cúng lễ. Bà nói: “Sống có đức thì ở đâu Thần Phật cũng biết”. Mẹ tôi cũng nói: Nếu Thần Phật chỉ phù hộ độ trì cho những ai đến chùa dâng lễ thì lòng tin của bà vào Thần Phật cũng sẽ chấm dứt. Với bà, Thần Phật mà như thế thì khác gì mấy ông, mấy bà dưới trần này. Bà thấu hiểu câu nói của người xưa: thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa. Đúng là như vậy. Ai đó cứ phải chọn chùa mới thể hiện được lòng từ bi của mình thì người đó chưa thực sự từ bi.
Lòng từ bi chỉ thực sự có ở ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng nhất là ở chính lòng người.
Mẹ tôi cũng từng bảo: “Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế truyền đạo, mỗi ngày Ngài đều giảng Pháp cho các đệ tử, rồi vào thành khất thực hoá duyên, sau đó ai nấy trở về trong rừng đả toạ thực tu. Hoàn toàn không có chùa chiền nào vào thời gian ấy, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn rực rỡ xán lạn khắp thế gian. Con người thời ấy đơn giản, thuần phác, bái Phật là để cầu đạo, tu hành giải thoát, chứ không phải để cầu xin phát tài, nổi danh, sinh con trai… như bây giờ”.
Ngôi đền hay ngôi chùa thiêng nhất chính là ngôi đền, ngôi chùa dựng trong lòng người. Vậy mà chúng ta đã bỏ quên những ngôi đền, ngôi chùa thiêng nhất ấy. Khi lòng không yên thì sống giữa đền, giữa chùa cũng không thấy yên. Khi lòng không từ bi thì quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông… lòng vẫn ác. Khi lòng không hiểu được hạnh phúc thì nằm giữa bạc vàng, châu báu cùng vẫn thấy bất hạnh.
(pntoday)