Ngồi một mình


   
Mỗi chúng ta, ai cũng có đôi lần ngồi một mình ở đâu đó: trong sân nhà, ngoài bãi biển, bên bờ sông, bờ suối, dưới tàng cây, trên đồi núi hay nơi bìa rừng đề suy tư, lắng nghe, rồi nhớ thương, hoài niệm… Nhưng nếu ngồi như thế thật yên, tĩnh tâm nhìn bầu trời, sẽ thấy mây trắng hơn, trời xanh và rộng hơn mà mình thì nhỏ lại hoặc vô cùng bé xíu mong manh. Rồi bỗng nhiên mình tự hỏi: tại sao mình hiện hữu, sống chết ở nơi này mà không là nơi khác. Cắc cớ, có khi mình lại hỏi vì lẽ gì một nửa của mình không phải là ai kia. Hỏi để thấy dẫu sang hèn hay sướng khổ thì nghiệp phận cũng đã định rồi. Thế là mình cứ vậy mà an nhiên tự tại, mỗi lúc một thấy cuộc đời vô cùng mầu nhiệm, thật đáng yêu, đáng quý.
   Ngồi một mình bên bờ Rạch Vược nhớ ngày đầu mới về quê chồng, mẹ cho ăn giá, những cọng giá tuy có trắng nhưng ốm nhom dài ngoằng, đầu ló ra hai cái mầm tí tẹo xanh xao, thêm cái đuôi lượt thượt, thấy phát tội. Buồn cười hơn, nhân lúc mình cùng người ấy dạo chơi, thấy ở sân nhà người hàng xóm để đầy những lu, khạp, lớn nhỏ . Mình hỏi: - Ở đây làm tương dữ dằn, người ta ăn chay ghê lắm hả anh? - Tương gì… làm giá chứ bộ. Người ấy đáp. - Trời ơi… mình la lên rồi bụm miệng cười khằng khặc không ý tứ; nhưng rồi ngại cái tự ái “chùm khế ngọt” của người ấy nổi dậy, mình bèn vuốt ve bằng một câu êm dịu: - Làm giá ngộ quá ha, họ làm như thế nào vậy anh? Người ấy đáp: - Trước tiên họ lót lá chuối khô thật sạch vô khạp cùng với một lớp đất mỏng, rãi đậu xanh đã lựa kỹ và đã ngâm qua đêm lên đó rồi ủ cũng bằng lá chuối khô, đoạn tưới nước, tưới sương sương nhiều lần trong ngày như thế chừng bốn năm bữa thì dỡ giá. Quan trọng là nước tưới giá không được nhiễm phèn, cũng không ngọt như nước mưa. Nói thì vậy chớ làm giá không đơn giản, chỉ một sơ suất nhỏ trong việc chăm sóc, cả mẻ giá có thể đi tong, ấy là chưa nói đến phần tâm linh của giá. Đã có nhiều người làm giá bị vỡ nợ. Nghe tâm linh của giá, mình lại cười to lên lần nữa. Người ấy giải thích: - Thật mà em, nhà làm giá sợ nhất người phụ nữ có việc riêng, người đi đám ma, người bị bệnh lên trái… đến chỗ họ làm giá. Để tẩy uế, họ phải cắm nhiều hoa nơi đó và tắm gội sạch sẽ trước khi tiếp cận nó. Mình nghĩ làm giá gì mà kỳ cục rồi đâm ra nhớ thật nhiều những cọng giá ở Động Giá “cao cả rộng lớn” nơi quê mình. Bây giờ cách làm giá cũ kĩ đó được cải tiến đến khiếp sợ.
Còn cái sân có nhiều lu, khạp giờ biến thành dãy nhà trưng bày nhiều hình nhân dùng làm giá treo sản phẩm thời trang có mặt mày, tóc tai, áo quần cực kỳ xinh đẹp, ngày ngày kênh kiệu, diêm dúa, đứng ngồi cứng đơ trong tủ kính. Ngồi một mình trong sân chùa ở núi Tô Châu nhìn qua phố chợ, nhớ hồi đó mẹ bảo mình đi chợ mua bầu về ăn để mau có bầu, sang năm sanh cho bà đứa cháu nội. Lúc ấy mình chưa muốn có em bé nhưng sợ mẹ buồn, đành bóp bụng đi chợ thật sớm, tìm mua bầu. Thời đó chợ nhóm từ mờ sáng và tan rất nhanh, khoảng mười, mười một giờ. Hàng rau hành ngồi bán dưới đất ngay lề đường. Mình đi dạo năm lần bảy lượt vẫn không thấy một trái bầu nào để mua. Mình thắc mắc, tự hỏi, bầu bí chứ nào phải thứ gì cao siêu mà ở đây không có bán. Và khi nghe mình báo cáo, mẹ ngạc nhiên hơn cả mình, bà tức tốc đi ra chợ, cầm về một trái gọi-là-bầu… dài cả thước kèm theo lời nói: “Trái gì đây?”. Mình nực cười trong nỗi sợ hãi ,nói: “Dạ, con thấy trái này nhiều lắm ở ngoài chợ. Bộ nó là trái bầu hả mẹ, sao nó không tròn như trái bầu ngoài con, loại “bầu cua cá cọp”. Mình không dám nói loại “bầu rượu túi thơ”, lại càng không dám lấy câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” để lý sự. Tối đó mình đem chuyện bầu kể cho người ấy nghe rồi tuyên bố: “Ăn bầu ở xứ anh để có bầu… dài thượt, không dám đâu” và cù lét anh: “Thầy cô giáo ở đây dùng trái bầu này làm giáo cụ trực quan để dạy “bầu rượu túi thơ” thì hết sẩy, đúng là siêu hình học”. Nhưng ngồi một mình suy ngẫm, bây giờ mình mới hiểu thâm ý nguyện vọng của mẹ, bà muốn mình có bầu dài dài, con đàn cháu đống thế mới là nhà có phước. Và trái bầu thiêng của mẹ ngày nào đã cho mình tám nhóc con hay ăn chóng lớn, tù tì dễ thương như trái bầu trái bí xứ “Thần Tiên”… Hẳn mẹ đã thỏa lòng nơi chín suối. Ngồi một mình trong sân nhà nhìn ra lộ, thấy người ta đặt cống nước, lại nhớ năm nào mẹ dặn: “Con giùm rửa cái cống cho má”. Mình “dạ” rất ngoan. Người chị bạn dâu của mình nghe vậy liền nói: “Dạ, để con và thím Sáu cùng rửa”. Ăn cơm xong, chờ mọi ngườitrong nhà đi nghỉ, mình và chị Năm xách nước rồi đứa quét đứa dội, chùi rửa cái cống cả buổi trưa, thật sạch. Cống thông thoáng, nước chảy, vui cả mắt. Bàn chải, chổi dừa cũng được rửa sạch, đem phơi. Công việc vừa xong, mẹ thức dậy uống nước, hỏi: “Rửa cái cống chưa con?”. Mình nhanh nhẩu đáp: “Dạ, con đã rửa sạch rồi”. Mẹ không nói, trố mắt nhìn, mình khẳng định lại: “Dạ, con với chị Năm quét rửa đến hai ba thùng nước mới sạch”. Mẹ ngừng uống nước, nói: “Nước ở đây quý hơn vàng, rửa có cái cống mà hai ba thùng nước”. Mình và chị Năm ngớ người, nhìn nhau hỏi qua ánh mắt: “Vậy là sao?”. Ý chừng hiểu ý hai con dâu, mẹ nói: “Nó đây nè” liền đưa cái ca nhôm còn sánh nước bà đang uống!!. Không chỉ có thế, mình còn phải đối đầu với những “sự cố” tương tự khác như khi mẹ nói cái tợ thì mình phải hiểu đó là cái bàn. Mình ên là một mình, ăn “la sét” là ăn tráng miệng v.v. Và điều mình không hiểu nổi là do đâu mẹ cũng như hầu hết người ở đây có lối nói đảo ngược như: “làm giùm” thì nói “giùm làm”; “cất giùm” thì nói “giùm cất”… Buổi chiều ngồi một mình nhìn biển cả mênh mông, thấy mặt trời đỏ rực từ từ lặn xuống biển, chợt nhận ra mình là kẻ bỏ xứ về dạy học nơi trời Tây xa xôi này để cho dưới mắt người địa phương thời ấy, mình mãi mãi không phải là người Việt Nam (!) mà là người Trung ọ ẹ.

Ngày khai trường nhận lớp (năm 1965), sáng điểm danh 45 trự, chiều chạy đâu mất mươi mười lăm trự chỉ vì cái tội người Trung và hai tiếng “Việt Nam”. Muốn được tồn lưu tồn tại, mình phải học bắt chước giọng nói của họ, càng bớt trọ trẹ càng tốt, nhất là trong giờ chính tả mình đọc cho học sinh viết, như khi mình đọc hai từ “vi vút” đầy truyền cảm thì học trò thắc mắc hỏi:“Cô ơi dờ con de hay dờ cây dù?”. Mình ngớ ngẩn trả lời: “Trong bài đâu có con de hay cây dù nào”. Lần khác mình đọc “qua quýt”, chúng hỏi: “Phải quờ con quạ không cô ?”. Mình đáp: “Có quạ diều gì đâu em?”. Còn khi mình đọc “con sáo”, một số em lại viết “con sạo”. Và đau đớn nhất, khi mình bảo: “Em làm bài được không, để cô vẽ cho”. Bọn chúng trố mắt nói: “Dẽ gì cô, làm bài tập mà”. Ôi thương các em nhỏ học trò, trước hết là thương mình, mình phải tức khắc chịu đánh mất, giấu biệt cái giọng miền Trung ọ ẹ ấy. Và trong cái mất, luôn sẵn chứa nhiều cái được mà bây giờ mình mới nhận ra. Rốt cuộc ngồi một mình ở đâu, nhìn ra đâu cũng thấy nhớ, nhớ từng gốc me già bên cái giếng cổ, từng con quạ đen dạn dĩ, lanh lẹ, chực chờ mình ngồi làm cá ở xó xỉnh nào trong vườn nhà, nó cũng sà xuống tha đầu cá, ruột cá. Rồi là tiếng ễnh ương “ềnh oạp”, tiếng ếch nhái “rét rét” vang lên mỗi tối từ đầm nước vườn nhà ông Ba Lón sau trận mưa đầu mùa làm đinh tai nhức óc cả một xóm. Rồi là Ao Sen, ao Sà Lách, ao Rau Muống. Thơ mộng nhất là con đường hàng dương… Ôi! Tất cả giờ đây đã đi vào kí ức của người Hà Tiên xưa. Trong nỗi nhớ miên man ấy, mình chợt nhận ra: Phát triển đổi mới là nhu cầu thiết yếu của xã hội. Nhưng khi đối diện với “tất cả những đổi thay, cho dù là những đổi thay ta hằng mong ước nhất, cũng có một nỗi buồn âm thầm của nó”. Nếu ai chưa biết mang trong lòng cái “nỗi buồn âm thầm” ấy, hẳn… buồn tẻ lắm nhỉ.


Nguyễn phước thị Liên