Người phụ nữ đẹp nhất đời tôi



Mãi cho đến ngày thành vợ thành chồng, tôi mới có dịp nhìn kỹ khuôn mặt tròn đầy đặn, làn da bánh ít và đôi mắt tròn đen sâu thẳm của vợ mình. Đó là kết quả của một đám cưới mai mối bởi người hàng xóm nên tôi chưa một lần ngắm vợ. Cũng phải thôi, ở quê tôi là vậy, trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng đều từ mối lái chứ yêu nhau thì rất hiếm. Nên việc “xa lạ” với vợ là điều tất nhiên.
Sau ngày cưới, ba má cho chúng tôi ra riêng với cái chòi lợp bằng lá dừa nước bên mỏm sông nhỏ trước nhà. Tuy không từng yêu nhau, không hiểu về tâm tính của nhau nhưng chúng tôi lần lượt cho ra đời bốn cô công chúa bé bỏng cách nhau một, hai năm. Với hai công đất mía cằn cỏi, một mình tôi không thể lo nổi cho vợ và bốn đứa con nhỏ. Khi con Út tròn năm tuổi, vợ tôi bàn bạc sắm một chiếc ghe nhỏ để mua bán khoai lang, bắp, thơm, mắm… từ miệt Sóc Trăng, Cần Thơ về bán lẻ ở các chợ nhỏ quanh nhà. Thấy vợ nói có lý, nên tôi mượn ba má số vốn mua ghe và hai vợ chồng gởi con cái cho ông bà nội giữ, rồi xuôi ghe về miệt Tứ giác Long Xuyên mua hàng.

Tranh thủ những ngày lênh đênh sông nước, vợ tôi còn làm mắm, làm khô (do tôi chài và câu được) để đem về quê bán lại. Rồi sau mỗi chuyến hàng, cô ấy lại nách con, tay bưng mẹt khắp các chợ quê để chào hàng, giao hàng cho các tiệm tạp hóa. Dưới cái nắng như thiêu như đốt của ngày hạ, tôi cảm nhận được mùi khét lẹt của tóc vợ khi cô ấy bước vào nhà. Cô ấy dường như giàđi trước tuổi bởi làn da đen, chai sạm và gương mặt lúc nào cũng hằn lên nỗi âu lo. Tuy việc đi buôn có cực khổ nhưng bù lại chúng tôi đủ để nuôi các con ăn học đàng hoàng. Ấy thế sự đời lại tréo ngoe. Số tiền dành dụm của vợ chồng tôi vơi dần vì các con cứ thi nhau… bệnh. Hết con lớn sốt xuất huyết, đứa thứ hai cảm nặng, đến đứa út mổ ruột thừa… Cứ thế cho đến ngày gả chồng cho các con, vợ chồng tôi chưa bao giờ có đồng tiền dư dả để hậu thân… Nghèo khổ, chạy ăn từng ngày, vay mượn khắp nơi nhưng cô ấy vẫn quyết cho các con học đến nơi đến chốn. Để cho con đi học bằng tiền mượn từ bạn bè, người thân, vợ tôi phải khóc lóc, van xin, chịu sự sỉ nhục của họ để khất nợ. Khổ nhục kể sao cho hết. Tôi còn nhớ cái ngày con Tư nhà tôi thi tốt nghiệp cấp II, lệ phí thi chưa đến 30.000 đồng mà vợ chồng tôi kiếm không ra. Tội nghiệp con bé; nó chẳng nói chẳng rằng, chỉ lặng lẽ ngồi khóc âm thầm trong xó bếp. Vợ tôi xót con, leo dừa tìm dừa non để bán; chưa bẻ được trái nào cô ấy đã ngã từ trên cao xuống đất, chân sưng vù phải đi cà thọt đến mấy tháng. Tôi lại phải chai mặt đi vay nợ mấy người bạn vừa để cho con đi thi, vừa lo cho vợ gặp tai nạn. Con người ta thi đậu đại học mổ heo ăn mừng, cả làng hoan hỷ. Còn con gái nhà tôi, chẳng có gì ngoài bữa cơm rau nhưng thật vui khi cả nhà ngồi… khóc ngon lành! Có những lúc vợ tôi tưởng chừng gục ngã, nhất là cuối năm 1999, khi tôi bệnh nặng nằm liệt giường. Cô ấy một tay chăm sóc tôi, vừa làm lụng kiếm tiền nuôi con. Cho đến giờ, di chứng bệnh tật khiến tôi chẳng làm được việc gì nặng nhọc, phải cực thân cô ấy lo cho tôi, rồi gả chồng cho các con chu đáo. Ngẫm nghĩ ngần ấy thời gian qua, tôi thấy mình thật may mắn và có phước. Suốt một đời, vợ tôi chưa bao giờ mặc được cái áo đẹp, chưa bao giờ dùng đến mỹ phẩm, hay tiêu tiền trong các cửa hàng thời trang. Từ chén cơm cho đến miếng thịt ngon, cô ấy đều dành hết cho chồng, cho con…
Tôi nợ cô ấy quá nhiều! Nếu được làm lại cuộc đời bao nhiêu lần đi nữa, thì tôi vẫn cầu xin trời Phật ban cho tôi cái diễm phúc được sống bên cạnh vợ tôi, dù đói nghèo hay bệnh tật. Dẫu chưa có một ngày yêu đương hò hẹn, nhưng đã hơn 30 năm, vợ chồng tôi rất hạnh phúc, chưa bao giờ có chuyện cãi vã hay giận hờn. Dù khó khăn gian khổ, nhưng vợ chồng tôi vẫn sống với nhau đầm ấm đến tuổi lục tuần, con cháu đủ đầy. Tôi thầm cảm ơn bà mai, vì nhờ có sự mối lái năm xưa, tôi mới tìm được người phụ nữ đẹp nhất của đời tôi! „


Nguyễn Hoàng Huy