Nguyên nhân bạo lực học đường- từ góc nhìn của Phật giáo


Trong mấy ngày gần đây, hiện tượng bạo lực học đường lại tiếp tục bùng phát, việc các nữ sinh đánh nhau rồi quay lại, đăng lên các trang mạng như một hồi chuông cảnh tỉnh về sự phát triển của chủ nghĩa vật chất.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện nay đã cuốn con người vào dòng chảy của nó. Môi trường giáo dục cũng vậy, quá chú trọng đầu tư vào tri thức mà chúng ta đang dần bỏ quên đi một yếu tố quan trọng trong mỗi con người đó là đạo đức. Cũng chính vì đó mà các hiện tượng thiếu đạo đức được sanh trưởng, bạo lực học đường cũng được sinh ra từ đó. Bạo lực học đường là một hiện tượng xã hội mà hiện nay đã và đang làm các bậc phụ huynh, những nhà giáo dục và cả toàn xã hội điên đảo, đầy lo lắng và đang có xu hướng gia tăng trong các trường học, hiện tượng này đang bị xã hội lên án và cộng đồng e ngại bởi nó thể hiện sự xuống dóc trầm trọng của đạo đức, nhất là đạo đức học đường. Sự yếu kém về hành vi văn hóa ứng xử giữa con người với con người, đồng thời nó cũng để lại hậu quả không lường, không chỉ cho người trong cuộc mà con cho cả gia đình và xã hội.

  • Bạo lực học đường là gì?

Theo Tiến sĩ  Phạm Văn Khanh, trong bài viết “Bạo lực học đường và giải pháp ngăn chặn[1]” bạo lực học đường là những hành vi xâm hại đến tính mạng tài sản, sức khỏe, tinh thần, uy tín, danh dự của người bị hại trong môi trường học đường.

Các nhà tâm lý học thì cho rằng bạo lực học đường chính sự biểu hiện của bạo lực tâm lý. Còn Thượng tọa Thích Nhật Từ thì cho rằng đó chính là biểu hiện của lòng sân thể hiện qua 3 hình thức: tâm suy nghĩ - ngôn ngữ - hành động[2].

Mọi sự vật hiện tượng trên thế gian này, muốn có được những giải pháp hoàn thiện thì vấn đề đầu tiên đó chính là chúng ta phải biết rõ được bản chất của chúng, tức là chúng ta phải tìm được nguyên nhân gốc rễ của chúng. Bạo lực học đường cũng vậy, dù là giải pháp theo quan điểm của Phật giáo thì chúng ta cũng cần phải có biết được nguyên nhân gốc rễ của nó.

  • Đâu là nguyên nhân của bạo lực học đường?

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn trong một báo cáo của mình có nêu lên các nguyên nhân[3] như sau: Thứ nhất, chính các em nhận ra mình đang bị dồn nén, chính các em có nhiều điều muốn nói nhưng cũng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ. Thứ hai, nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ; chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt để như một yêu cầu tối quan trọng. Việc thiếu mềm mại trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục. Thứ ba, gia đình là một tế  bào của xã hội, là một trường học đầu tiên, thế nhưng nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của đồng tiền nên thiếu sự quan tâm đến con em trong gia đình. Thứ tư, sự tác động mạnh mẽ của mạng xã hội thiếu sự kiểm soát đã dẫn đến ảnh hưởng tâm lý của các em trong thời kỳ mới lớn,

Trong buổi nói chuyện trước đồng bào Công giáo, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã đưa ra những nguyên nhân về bạo lực đứng trên quan điểm của Phật giáo. Thượng tọa chỉ ra các nguyên nhân: Thứ nhất, sự bực tức, bất mãn không hài lòng hoặc bị nói khích, làm cho người ứng xử không làm chủ được bản thân. Thứ hai, tiêu thụ phim ảnh bạo lực. Theo kinh Phật, tiêu thụ phim ảnh bạo thuộc dạng bạo lực thức thực. Nghĩa là chúng ta tiêu thụ bằng tâm thức, khi ta xem một bộ phim là mình đang tiêu thụ bộ phim đó vào trong cơ thể, và nó diễn ra cơ chế hai chiều, ta nghĩ rằng mình đang tiêu thụ bộ phim, đồng thời bộ phim cũng đang tiêu thụ tâm lý chúng ta. Thứ ba là nghiện các trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Ngày nay có khuynh hướng mua vui các trò chơi điện tử tại nhà hoặc trực tiếp từ internet. Nguyên nhân thứ năm vô cùng quan trọng đó chính là tiêu thụ rượu bia và chất gây nghiện. Theo đạo Phật việc uống rượu vi phạm vào điều đạo đức thứ năm, mặc dầu nó không bị luật pháp nào cấm. Biến đổi nhân cách và tệ nạn xã hội được xem là tiềm tàng từ rượu gây ra là rất lớn. Khi bị say xỉn, con người thay đổi nhân cách, cảm xúc và dễ gây sự với người khác.

Trong bản kinh Đại Khổ Uẩn thuộc Trung Bộ Kinh, Ngài đã chỉ rõ nguyên nhân chiến tranh xung đột xảy ra là do lòng tham của con người đối với các dục lạc. Nói cách khác, chính sự kháo khát thỏa mãn các thú vui giác quan hay tham dục là đầu mối của chiến tranh xung đột xảy ra giữ con người với con người, giữa các tầng lớp xã hội hay giữa các quốc gia.

Bản kinh nêu rõ: “Này các tỷ kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, sát-đế-lị tranh đoạt với sát-đế-lị, bà-la-môn tranh đoạt với bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè”[4].

Như vậy theo Đức Phật, lòng ham muốn thỏa mãn các thú vui giác quan là nguyên nhân của mọi tranh chấp, xung đột và chiến tranh khổ đau. Đức Phật còn cho thấy rằng sân và si cũng chính là hai yếu tố đưa đến bạo lực.

Và, bạo lực học đường đứng trên quan điểm của Phật giáo thì có thể đưa ra các nguyên căn bản của nó chính là được phát khởi bởi lòng tham – sân - si. Ba nguồn độc này đã dẫn các em đi vào các con đường sai lạc trong hành vi đạo đức. Khi chúng ta đã nhìn nhận được vấn đề căn bản của hiện tượng bạo lực trong học đường một cách chính xác thì việc hóa giải nó một cách triệt để tất nhiên sẽ có tính khả thi cao. Nếu chúng ta mãi chỉ làm những việc như xử phạt hay cấm đoán học sinh mà không cho các em biết nguyên nhân thì chúng ta mãi chỉ chữa được phần ngọn của vấn đề.

Chú thích:

 

[1] TS Phạm Văn Khanh, bạo lực học đường và giải pháp ngăn chặn, đăng trên w.w.w.tiengiang.edu.vn ngày 09/09/2013.

[2] Thích Nhật Từ, bạo lực học đường: nhân nguyên và giải pháp, giảng tại Trung tâm Mục vụ Thiên Chúa Giáo thuộc Giáo phận TP.Hồ Chí Minh,Mặc Trầm Cung ghi, ngày 11/12/2010

[3] PGS TS Huỳnh Văn Sơn, Bạo lực học đường: Một cái nhìn con người, đăng trên w.w.w.huynhvanson.vn  ngày 17/04/2014.

[4] Kinh Trung bộ, tập I, Thích Minh Châu dịch, nxb Tôn giáo, 2012

 

Lê Tự Minh