Nhân mùa lễ hội - Nghĩ về triết lý “Thứ nhất là tu tại gia”
Người Việt Nam ta chủ yếu theo đạo Phật, hay đi lễ chùa chiền và cúng lễ tại gia. Các bậc túc nho ngày xưa khuyên răn người đương thời và hậu thế: Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.
Đấy là lời dạy sâu sắc, hàm súc và vô cùng ý nhị, theo tư tưởng Phật giáo. Xưa nay, thấu hiểu và làm theo được lời giáo huấn đó của ông cha ta có ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục đạo đức, lối sống và nâng tầm văn hóa cho mỗi người và cho cả cộng đồng dân tộc.
“Tu”- tức là sửa mình, là rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách sao cho tốt, cho đẹp, cho hay. Nói cách khác, “tu” là tự điều chỉnh những suy nghĩ và hành vi của mình, để cho mình trở thành người lương thiện, tử tế, tiếp cận và làm theo những điều Chân - Thiện - Mỹ! “Tu” như vậy là chú trọng sửa đổi bản thân về mặt đạo đức, tính tình; cũng có thể hiểu rộng hơn, là tu dưỡng, bồi bổ về ý chí, trí tuệ. Dù là sửa mình về điều gì thì cũng nhằm đạt được những điều tốt đẹp không chỉ cho riêng mình và những người trong gia đình mình, mà còn góp phần làm tốt đẹp cho xã hội. Về điểm này, tư tưởng Phật giáo gặp gỡ tư tưởng Nho giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, nghĩa là: Người quân tử (nói rộng ra, là những người lương thiện, tử tế - ĐNĐ) trước hết phải luôn luôn sửa mình cho tốt đẹp, làm cho gia đình được hạnh phúc, từ đó mới có thể tham gia việc nước, làm cho xã hội được yên vui. Còn thi hào Nguyễn Du (1765 – 1820) thì viết rằng: “Tu là cõi phúc”.
“Thứ nhất là tu tại gia” là “tu” ở chính ngay trong gia đình của mình- đó là điều trước tiên, thường xuyên và cũng là điều đúng đắn nhất. “Tu tại gia” là ngay từ trong mỗi gia đình, mỗi người tự giáo dục mình, tự rèn luyện, tiếp thụ sự dạy dỗ chu đáo, tốt đẹp của ông bà, cha mẹ, để trở nên người có ích cho gia đình và người công dân tốt ngoài xã hội.
Phật giáo chú trọng việc “tu nhân, tích đức” để làm những điều từ bi bác ái. Nho giáo đề cao “ngũ thường” trong việc “tu thân”. “Ngũ thường” bao gồm: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Có đủ “ngũ thường”, mới xứng đáng là người “quân tử”- tức người có học và biết sống cao thượng; nếu không, thì chỉ là kẻ “tiểu nhân” tầm thường, đáng ghét, đáng khinh, đáng giận, đáng căm. Như vậy, cốt lõi của “tu” là sự chỉnh sửa, bồi dưỡng cái Đức, cái Tâm của mỗi người.
Không ít người quan niệm rằng: “Tu tại gia” là xây điện thờ cúng, lập bàn thờ, đặt tượng Phật trong nhà mình; rồi sớm tối, hoặc ngày Tết, ngày mồng một, ngày rằm thì sắm đồ cúng lễ cho thịnh soạn, thắp hương tụng niệm cầu Trời khấn Phật cho bản thân và gia đình mình được bình an phú quý, tấn tài tấn lộc, thăng quan tiến chức, vạn sự như ý. Nếu chỉ hiểu như vậy thì thật là hạn hẹp, không đúng với ý tưởng nhân đạo và nhân văn cao cả của các bậc túc nho thủa trước.
Có nhiều người “tu” theo kiểu ấy; nhưng đáng buồn thay, gia đình họ sống lục đục, kém luân thường đạo lý, ai nấy không chú ý sửa mình theo những điều hay lẽ phải. Hàng ngày, họ thường làm những điều xấu, điều ác với hàng xóm láng giềng, vẫn vơ vét công quỹ, chiếm đoạt đất đai, hoặc hách dịch cửa quyền nơi công sở, hoặc lừa đảo, buôn gian bán lận bóp hầu bóp cổ “đồng bào mình” nơi chợ búa, hoặc lưu manh, côn đồ, trộm cướp, hoặc lười biếng và sống sa đọa, hoặc nịnh hót, chui luồn, nịnh bợ để cầu chức, cầu danh, cầu lợi, cầu tài! Như thế thì không thể gọi là “tu”.
Cũng có rất nhiều người, kể từ thường dân đến giới quan chức, ngoài việc chăm chỉ thờ cúng “tại gia” như đã nói ở trên, họ cũng rất ... chịu khó đi cầu khấn, lễ lạt các lễ hội, đền chùa, miếu mạo khắp nơi. Hễ nghe danh lam thắng cảnh nào có tiếng là linh thiêng, họ lập tức tìm đến, không chỉ một lần. Sắm lễ thật to, xuýt xoa lầm rầm khấn vái, tỏ vẻ thành kính lắm, chung quy cũng chỉ cầu phúc, cầu chức, cầu lộc, cầu tài, cầu danh cho bản thân và cho gia đình mình. Nhiều người đi các lễ hội, chùa chiền, miếu mạo mà tranh nhau cướp ấn, cướp đồ thờ cúng, vung vãi tiền lẻ khắp nơi, bát nháo nơi cửa phật, thánh thần, còn thì ... thây kệ thiên hạ (!?). Thế nhưng, trước khi đến lễ, và ngay sau buổi lễ, họ đã và lại thản nhiên làm những điều thất đức, bất nhân, bất nghĩa, bất lương với “đồng bào” (?!) của mình, vô cảm trước những đau khổ của những người xung quanh. Như vậy, sao có thể gọi là “tu”?
Cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu chức, cầu danh, ... thật ra là những lẽ thường tình, đáng cảm thông, trân trọng. Nhưng, cùng với những điều cầu xin lợi lộc cho bản thân và cho gia đình mình, thì chớ làm những điều thất đức, bất nhân với người khác! Đấy là điều tối kỵ của người “chân tu” (tu thật sự, tu chân thành)! Những người có lương tri, thẳng thắn và trung thực không thể chấp nhận những kẻ “khẩu phật, tâm xà”, “miệng nam mô, bụng một bồ dao găm”! Và, trời, phật, thánh thần cũng không thể phù hộ độ trì cho loại người xảo trá, bất lương. Bởi họ đã lừa dối chính mình, lừa dối đồng loại, và hơn thế- họ đã lừa dối cả các đấng linh thiêng nữa! Đạo trời và đạo người có luật quả báo, thường thấy nhỡn tiền!
Sau “tu tại gia”, mới đến “tu chợ”, “tu chùa”. “Tu chợ” là sửa mình cho tốt ngoài xã hội: không thất tín trong sản xuất, buôn bán, kinh doanh; không lừa gạt, điêu toa đối với người tiêu dùng, không làm điều xấu điều ác với người khác. Sau cùng mới là “Tu chùa” , tức là đến chùa chiền miếu mạo mà cầu khấn để sửa mình cho tốt. “Tu chùa” cần thành tâm đối với chư phật, không cần sắm lễ lạt cho to mà giả tạo, đồng thời phải làm sao để những lời cầu khấn trong chốn chùa chiền biến thành những ứng xử, hành vi lương thiện của mình đối với xã hội.
“Thứ nhất là tu tại gia” chứng tỏ ngày xưa ông cha ta đã rất coi trọng ý nghĩa và tác dụng to lớn của giáo dục gia đình cũng như việc tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức bản thân. Sự thực thì có ông bà, cha mẹ lương thiện, mới có con cháu thảo hiền và những công dân tử tế. Đấy là nguyên lý, là quy luật tất yếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Gia đình là hạt nhân của xã hội. Gia đình có tốt, thì xã hội mới tốt”; và “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn,/Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
Cố nhiên, giáo dục gia đình phải gắn liền với giáo dục nhà trường và giáo dục ngoài xã hội. Cả ba môi trường giáo dục đó có tốt, thì mới đào tạo nên những con người tốt; nhưng đầu tiên và cơ bản nhất- vẫn phải là giáo dục gia đình và tự giáo dục bản thân! Bác Hồ nhắc nhở cán bộ- đảng viên phải luôn luôn tự phê bình và phê bình, cũng xuất phát từ nguyên lý ấy. Vậy nên, “Tu tại gia” hằng ngày và chân thành, thiết thực làm việc thiện với mọi người, thì mới được hạnh phúc và mới để được phúc cho con cháu; còn hơn chán vạn lần “tu chợ, tu chùa”, đi hết đền chùa này đến miêú mạo kia mà chỉ làm những chuyện bất lương. Mới hay, cái triết lý “Tu tại gia” là một giá trị lớn, một bản sắc độc đáo của văn hóa dân tộc.
Mấy ai đã hiểu được và làm theo được?
Đào Ngọc Đệ - Giảng viên Đại học Hải Phòng.
Nguồn: http://laodong.com.vn/dien-dan/nhan-mua-le-hoi-nghi-ve-triet-ly-thu-nhat-la-tu-tai-gia-541510.bld