Những điểm tương đồng về nhân cách văn hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
NHỮNG ĐIỂM TƯƠNG ĐỒNG VỀ NHÂN CÁCH VĂN HÓA CỦA
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI PHẬT GIÁO
Hồ Chí Minh là danh nhân văn hóa kiệt xuất của thế giới, là biểu tượng hòa bình hữu nghị của nhân loại, là vị anh hùng kính yêu của dân tộc Việt Nam. Do đó, khi nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều phải bắt đầu từ nhân cách văn hóa của người, ở đó “hàm tàng” lòng yêu nước thương dân nồng nàn da diết; đạo đức,trí tuệ tuyệt vời trong vai trò tổ chức, lãnh đạo, điều hành lèo lái con thuyền dân tộc vượt qua phong ba bão tố để mang lại độc lập tự do, hòa bình thống nhất cho đất nước, cùng với đó là biết bao nhiêu phẩm hạnh đạo đức thể hiện trong nếp sống giản dị, thanh cao, trong sáng của Người.
Nhân dịp giỗ húy kỵ lần thứ 53 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2022), Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học chủ đề “Bác Hồ với Phật giáo” với mục đích tiếp tục làm rõ quan điểm, nhận thúc, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Phật giáo; đồng thời phân tích giá trị, ý nghĩa và khả năng vận dụng các quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách và pháp luật về tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
- Một số điểm tương đồng nổi bật về nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phật giáo
1.1. Sự tương đồng về hạnh nguyện Bồ tát
Khi nói đến nhân cách của một con người, tức là chúng ta nói đến phẩm chất, giá trị đạo đức của con người đó, bởi nhân cách vĩ đại hay tầm thường của con người nó tùy thuộc vào giá trị đạo đức và sự giới hạn đạo đức nơi mỗi con người.
Trước hết, Đức Phật là một con người bằng xương bằng thịt, nhưng Ngài viên mãn về đạo đức, đầy đủ bốn phẩm hạnh từ bi hỷ xả. Ngài là một con người trí tuệ đã giác ngộ lý vô thường, đoạn tuyệt ngũ dục ngay trong chốn hoàng cung, vứt bỏ tất cả uy quyền, danh vọng. Với lòng từ bi vô hạn, Ngài đem sự giác ngộ của bản thân để hóa độ những người chưa giác ngộ, giúp cho con người giải thoát khổ đau luân hồi sanh tử. Chính vì vậy, nhân cách của Đức Phật là biểu hiện về một nhân cách sống có ý nghĩa tuyệt vời nhất trong thế giới loài người. Nhân cách văn hóa đặc thù tâm linh này góp phần chuyển hóa đời sống còn nhiều khổ đau của nhân loại, đây cũng là nền tảng để Tăng ni, Phật tử và toàn xã hội nói chung, cùng nhau chung tay tích cực góp phần xây dựng nên một thế giới an lạc, hòa bình lâu dài và bền vững.
Về điểm tương đồng nổi bật và cơ bản nhất giữa nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân cách văn hóa của Đức Phật được thể hiện ở việc Bác Hồ nặng lòng vì dân vì nước đã không quản gian nguy, dấn thân cứu dân cứu nước. Đó chính là hạnh nguyện của một vị Bồ tát,và điều này rất tương đồng với đại bi tâm cứu khổ chúng sanh của Đức Phật.
Như vậy, Đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã chứng đắc giải thoát giác ngộ và chính Ngài đã chứng minh khả năng đạt được giải thoát hoàn toàn tất cả mọi trói buộc của tâm, giải thoát khỏi khổ đau luân hồi sinh tử. Vai trò của Ngài đối với nhân loại như là đấng đại giác đạo sư chỉ đường cho nhân loại chiến thắng tham sân si để đạt đến cứu cánh Niết bàn. Đức Phật chính là một con người lịch sử, là một bậc thầy vĩ đại, là đấng Chánh Biến Tri, cả Trời và người đều phải tôn kính trí tuệ, đạo đức, nhân cách tối thượng của Ngài.
Tương tự, khi chúng ta nói đến nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đều phải nói đến tấm gương đạo đức mẫu mực của Người được thể hiện sinh động trong suốt cuộc đời tận tụy hy sinh vì dân vì nước. Ở đây, khi nói đến đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều đầu tiên chúng ta phải kể đến tinh thần yêu nước nồng nàn, tha thiết và hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác. Ngay từ thời thanh niên trai trẻ, người thanh niên xứ Nghệ mang tên Nguyễn Tất Thành với tinh thần cứu quốc nhiệt thành, tình thương yêu đồng bào không bờ bến, nhất là với nghị lực rất phi thường đã rời Tổ quốc, khởi đầu hành trình 30 năm đi tìm đường giải phóng dân tộc. Vào thời điểm đó, không ai biết rằng vận mệnh của dân tộc Việt Nam đã gắn liền với quyết định ra đi của một chàng thanh niên yêu nước mà lịch sử đã chứng tỏ đó là sự ra đi sáng suốt rất phi thường. Điều này cũng giống như cách đây 2564 năm, chẳng ai biết sự ra đi khỏi cung vàng, điện ngọc của thái tử Tất Đạt Đa giữa đêm khuya thanh vắng đã gắn liền với vận mệnh của nhân loại trên con đường giác ngộ giải thoát.
Nhìn lại lịch sử, bối cảnh xã hội thời bấy giờ, dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, chúng đã biến nước ta thành nước thuộc địa nửa phong kiến, rồi dùng mọi thủ đoạn khai thác tài nguyên và bóc lột dã man của cải và sức lao động của nhân dân ta để làm giàu cho chính quốc. Trước tình cảnh Tổ quốc lâm nguy, người dân nước Việt bị bóc lột, bị chà đạp, trước thực tế gần như không còn lối thoát cho một dân tộc hiền hòa vốn yêu chuộng hòa bình, thì chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, khi đó mới 21 tuổi, đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Bác lúc bấy giờ luôn nung nấu một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Điều này cũng giống như Đức Phật vì cứu độ chúng sanh mà phải bỏ cung vàng điện ngọc vào nơi rừng thiêng nước độc, chịu cam go khổ cực.
Nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước 110 năm về trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam chúng ta đều khắc ghi sâu trong tim, lòng biết ơn vô hạn đối với những hy sinh lớn lao mà Bác đã trải qua trong suốt 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người. Đó chính là mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam. Điều này nói lên nhân cách văn hóa tuyệt vời và vĩ đại của Bác. Từ hành trình ra đi tìm đường cứu nước đã giúp cho con đường cách mạng của dân tộc đi đến thắng lợi hoàn toàn, tiến đến xây dựng đất nước Việt Nam trở thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Dưới nhãn quan của nhà tu hành theo đạo Phật, tôi xin được tôn Bác là hiện thân của một tâm nguyện Bồ Tát. Vì theo đạo Phật, Bồ Tát là một quả vị thị hiện trên cuộc đời này của đủ mọi hình thức để cứu độ chúng sinh với lời nguyện: “Cho đến khi nào một người chưa được giải thoát thì chưa chịu thành Phật”. Chính lời nguyện này đã làm cho tôi nghĩ tới lời nguyện vĩ đại của Bác. Sinh thời Bác nói: Việt Nam chưa thống nhất, Bác chưa làm tròn trách nhiệm, Bác chưa nhận huân chương Sao Vàng. Để sau này miền Nam được giải phóng, để đồng bào miền Nam trao tặng Bác. Bác luôn tự cho rằng, nước nhà chưa thống nhất thì xem như Bác chưa làm tròn bổn phận. Ngay cả việc Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) đề nghị với Bộ Chính trị tặng Bác huân chương Lê Nin. Bác nói một cách từ tốn: “Bác cảm ơn, nhưng nước Việt Nam chưa thống nhất cho nên Bác chưa dám nhận danh dự cao quý đó”[1]
Thật vậy, nếu Đức Phật luôn thương tưởng chúng sanh như con đỏ, ngài xót xa khi chúng sanh tạo nghiệp chẳng lành, trăn trở khi chúng sanh còn vô minh u tối, thì Bác Hồ cũng luôn canh cánh trong lòng khi đất nước bị ngoại bang xâm chiếm, đồng bào mình bị áp bức lầm than. Đó là nỗi lòng của những tâm hồn đại trượng phu, luôn vì lợi ích số đông, tận lực với tha nhân bằng tấm lòng vị tha vô ngã. Trong suốt hành trình tìm chân lý của Đức Phật, Ngài đã chịu rất nhiều cam go thử thách. Trong suốt 30 năm bôn ba xứ người tìm phương cách cứu nước cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn bị mật thám an ninh theo dõi, nếm đủ mùi tù tội giam cầm. Bác đã chịu rất nhiều gian khổ thiếu thốn, thậm chí mùa đông rét buốt, Người phải lấy gạch hơ nóng rồi sưởi mình cho đỡ lạnh. Nếu chúng ta bỏ qua giới hạn không gian và thời gian, chỉ xét về hạnh nguyện thôi, có thể nói đây là những điểm tương đồng nổi bật trong nhân cách văn hóa của hai nhân vật lịch sử được thế giới tôn vinh trân trọng.
1.2. Sự tương đồng về những lời giáo huấn về đạo đức cho các thế hệ kế thừa
Nói về nhân cách văn hóa của Đức Phật, trong suốt một đời hoằng pháp độ sinh, Ngài đã định hướng cho những ai nương theo giáo pháp của Ngài một cách rất cụ thể trong cách ăn, cách nói, cách suy nghĩ, cách giao tiếp, cách hành động. Đó là cách sống đạo, tức là nếp sống lấy đạo đức và tình thương (từ bi) làm nền tảng, lấy trí tuệ lèo lái cuộc sống đi theo con đường chân thiện mỹ. Đó là một phương cách sống để chuyển hóa ba nghiệp thân - khẩu - ý từ vọng động, bất tịnh, trở nên sáng suốt, thanh tịnh. Ngài đã giúp cho đời sống con người từng bước xa rời tham sân si, từ đó trong mỗi lời nói, mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm, đều vận hành trong quỹ đạo giới - định - huệ, cuối cùng sẽ được giác ngộ giải thoát.
Tương tự, trong suốt một đời hoạt động cách mạng, nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện sâu sắc trong những bài học giáo huấn của Bác cho cán bộ, Đảng viên về đạo đức cách mạng. Đó là những bài học quý giá về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Bác là người nêu gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng để toàn Đảng, toàn dân noi theo. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân. Lịch sử Đảng ghi nhận, trong di sản, Hồ Chí Minh để lại gần 50 bài và tác phẩm bàn về vấn đề đạo đức. Có thể nói rằng, đạo đức là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng. Trong lý luận và thực tiễn đời sống, Bác luôn quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Theo Bác, người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng thì mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang ,vì sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo, người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Người quan niệm đạo đức tạo ra sức mạnh, nhân tố quyết định sự thắng lợi của mọi công việc: “Công việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hay kém”. Bác từng dạy, chuẩn mực của đạo đức cách mạng trước hết phải trung với nước - hiếu với dân, đây là phẩm chất quan trọng nhất, bao trùm nhất và chi phối các phẩm chất khác. Vì trung với nước hiếu với dân, thì suốt đời phải phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc vì chủ nghĩa xã hội, nhờ đó nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Nội dung thứ hai của đạo đức cách mạng đó là phải yêu thương con người. Về điểm này rất tương đồng với tư tưởng từ bi, vị tha của Phật giáo. Bình sinh Bác quan niệm, tình yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất. Người đã dành tình yêu thương cho những người lao động cùng khổ. Bác từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Nội dung thứ ba của đạo đức cách mạng đó là cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Theo Bác, “cần” tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm và phải nhận thức “lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của mỗi công dân chúng ta”. “Kiệm” tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiết kiệm tiền của của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi, không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù. “Liêm” tức là luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân; không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân, phải trong sạch, không tham lam. Theo Bác, một khi không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình, thì chúng ta sẽ quang minh chính đại mà không bao giờ hủ hoá. Và “chính” là không tà, thẳng thắn, đứng đắn, đối với mình thì không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình; đối với người thì không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc.
Ở đây, nếu liên hệ đến lời giáo huấn của Đức Phật trong Kinh Di Giáo về hạnh tri túc lại thấy rất tương đồng với nội dung “cần” và “kiệm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời Bác Hồ từng dạy: “Đem lòng chí công vô tư mà đối với người, với việc”, “khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau; phải lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” - đây chính là tâm hạnh vị tha vô ngã của đạo Phật. Đặc biệt, Bác đã nêu ra những nguyên tắc cơ bản để định hướng sự lãnh đạo của Đảng và việc rèn luyện của mỗi người, đó là nói đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức. Về điều này, Bác thường khuyên bảo cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu “miệng nói tay làm”, phải nêu tấm gương đạo đức cách mạng trước quần chúng; cán bộ, đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Tương đồng với lời dạy của đức Phật: “Như bông hoa tươi đẹp, có sắc lại có hương, cũng vậy lời khéo nói, có làm có kết quả”[2]. Sống theo phương châm: Mình vì mọi người, mọi người vì mình và phải cổ vũ người tốt, việc tốt, các điển hình tiêu biểu. Đó là xây dựng nền đạo đức cách mạng, giáo dục chuẩn mực đạo đức mới, khơi dậy ý thức tự giác, đạo đức lành mạnh ở mọi người. Hướng mọi người vào cuộc đấu tranh cho sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, vì đó là nguồn gốc của mọi thứ tệ nạn, thứ giặc nội xâm phá từ trong ra. Quan trọng hơn cả của nội dung đạo đức cách mạng, đó là cán bộ, Đảng viên và nhân dân cần phải tu dưỡng đạo đức suốt đời. Bác khẳng định đạo đức không phải là thứ có sẵn trong mỗi người, mà đạo đức là do con người tiếp thu được qua giáo dục và tạo thành nhờ bản thân tích cực tu dưỡng bền bỉ rèn luyện trong môi trường sống và trong cuộc đấu tranh cách mạng. Bác đã đưa ra lời khuyên như sau: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển, củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng tinh”.
Thông qua những nội dung đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh răn dạy cán bộ, Đảng viên và nhân dân, liên hệ đến nhân cách văn hóa của Đức Phật - thông qua nền tảng đạo đức tâm linh và hệ thống giáo lý Phật đà; nhất là những bài học giá trị về tứ vô lượng tâm, về lý duyên khởi nhân sinh và luật nhân quả công bằng, về giới luật và con đường Bát Chánh Đạo, mới thấy sự tương đồng sâu sắc giữa tư tưởng đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tuệ giác của Đức Phật. Đặc biệt, về phương diện giáo huấn, nhân cách văn hóa của Đức Phật thể hiện sinh động trong Kinh Di Giáo, đây là thời pháp cuối cùng với chúng đệ tử trước khi ngài nhập Niết bàn. Trong đó, ngài dạy như sau: “Các thầy Tỷ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy,… Phải tự đoan tâm, chánh niệm cầu độ. Không được che dấu lầm lỗi, tỏ ra kỳ dị để mê hoặc quần chúng…”[3].
Qua phần lược trích từ Kinh Di Giáo, chúng tôi cảm nhận tấm lòng đại từ đại bi của Đức Phật dành cho đội ngũ kế thừa sứ mạng hoằng truyền chánh pháp Như Lai. Tuy văn kinh ngắn gọn súc tích nhưng ngài đã nói hết tất cả những điều ngài cần nói để giúp cho hàng hậu học tiến tu và chánh pháp được trường tồn. Tương tự, nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng được thể hiện sâu sắc trong Di Chúc của người: “Trước hết nói về Đảng – Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau… Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[4].
Quả thật có sự trùng hợp rất tinh tế và đều có mục đích ý nghĩa hướng đến sự hoàn thiện của thế hệ kế thừa và sức mạnh bền vững của tổ chức. Nếu như phần đầu Kinh Di Giáo, Đức Phật chú trọng đến Giới và Luật, ngài dạy: “Sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng”; thì Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến sự hòa hợp đoàn kết của cán bộ, Đảng viên, trong Di chúc. Bác dạy “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Tiếp đến, nếu Hồ Chủ tịch chú trọng đến đạo đức cách mạng thông qua việc “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, thì Đức Phật dạy: “Các thầy Tỷ kheo, luôn luôn tự thức tỉnh và tự dò xét, không để lầm lỗi có thể có được, như thế là trong chánh pháp của Như Lai, người ấy có khả năng thực hiện giải thoát” và “không được che dấu lầm lỗi”…
1.3. Nét tương đồng về tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường
Cuộc đời Đức Phật từ lúc Đản sanh cho đến lúc nhập Niết bàn luôn thể hiện một đời sống chan hòa với thiên nhiên cây cỏ. Ngài sinh ra dưới gốc Vô Ưu vào mùa trăng tròn, thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề trong rừng sâu bên dòng sông Ni Liên Thuyền, thuyết bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc Uyển, và từ giã cõi đời cũng tại khu rừng vắng dưới hai cội Sa La đại thọ… Đức Phật nhiều lần tuyên bố, cỏ cây cũng có cuộc sống của riêng nó. Ngài tỏ thái độ của mình bằng cách tôn trọng sự sống của thiên nhiên. Trong các luật chế ra cho các hàng đệ tử xuất gia, Ngài đã nghiêm cấm đệ tử làm tổn hại từ sinh vật nhỏ bé cho đến muôn loài cây cỏ. Với tinh thần yêu thiên nhiên, đức Phật khuyên các thầy Tỳ kheo bảo vệ môi trường. Ngài dạy: “Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”[5]. Để khẳng định điều này, ở bài kinh khác: “Một Tỳ kheo được trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”[6]. Đức Phật cũng khuyên mọi người phải biết trân quý tài nguyên.
Thời còn tại thế, nhằm hạn chế việc đi lại của chư Tăng trong mùa mưa, Đức Phật đã yêu cầu Tăng chúng phải cấm túc an cư tịnh tu trong ba tháng để tránh vô tình sát hại những sinh linh nhỏ bé như các loại sâu bọ, côn trùng. Điều này cho thấy tình yêu thiên nhiên và thái độ trách nhiệm đối với môi trường sống của Đức Phật. Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikàya), Đức Phật đã mô tả về trận lụt: “Này các thầy Tỳ Kheo, một thời có mưa nổi lên, khi mưa lớn nổi lên, này các Tỳ Kheo, lụt lớn sanh khởi. Do lụt lớn sanh khởi nên các làng bị cuốn trôi, các thị trấn bị cuốn trôi, các phố thị bị cuốn trôi”…
Tương tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị nguyên thủ quốc gia có một tình yêu đặc biệt đối với thiên nhiên. Gần như suốt cuộc đời hoạt động cách mạng trong nước, Bác đều sinh sống ở miền quê (ngoại trừ khoảng thời gian Bác bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước). Nơi bác ở cũng luôn gần gũi ao cá, sân vườn, cây cảnh. Nhất là cứ mỗi năm xuân về Tết đến, Bác luôn mong mỗi người dân nước Việt đón Tết cổ truyền dân tộc và mừng Xuân bằng việc làm thiết thực “Tết trồng cây”. Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây” cho toàn dân từ tháng 11 năm 1959 với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Nói về phong trào Tết trồng cây, Bác Hồ đã chỉ rõ: “Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Ðiều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân”. Và “chắc chắn điều đó sẽ tạo nên một màu xanh cho đất nước, xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển, góp phần bảo vệ mùa màng, bảo vệ xóm làng, bảo vệ môi trường thiên nhiên hạn chế được những thiệt hại của mưa bão, sạt lở đất và xói mòn. Tết trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Cho đến khi Bác bước sang tuổi “xưa nay hiếm” và lúc cuối đời, cụ thể vào ngày 16/02/1969 (tức ngày mồng Một Tết Kỷ Dậu), Bác đã đến đồi trồng cây mang tên “Ðón Bác Hồ” và trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ðây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng.
1.4. Nét tương đồng về việc xây dựng một xã hội bình đẳng
Bằng tuệ giác, Đức Phật đã tuyên bố một thông điệp ngắn gọn đầy tính nhân bản: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn và dòng máu cùng đỏ”. Nước mắt tượng trưng cho đau khổ, không chỉ thường dân mới chịu đau khổ mà vua chúa cũng không thể tránh khỏi khổ đau. Dòng máu tượng trưng cho hạnh phúc, không chỉ có vua chúa mới có quyền hưởng hạnh phúc, mà dân đen cũng có quyền được hưởng hạnh phúc vì cũng có dòng máu đỏ như nhau.
Về phương diện bình đẳng trong đời sống, Đức Phật đã khiến cho giai cấp quý tộc đương thời phải ngạc nhiên, phẫn nộ khi công khai xác nhận tình trạng bình đẳng của con người. Không chỉ công khai xác nhận bằng lời nói, Ngài còn thâu nhận vào Tăng đoàn tất cả mọi thành phần trong xã hội, miễn là người thành tâm và có ý chí tìm cầu đạo giải thoát. Ngài đối xử bình đẳng đối với tất cả mọi người, dù đó là những người cùng khổ, sự kiện đặc biệt thể hiện trong việc Đức Phật đã chấp thuận người gánh phân Ni Đề (Nidà) được xuất gia và gia nhập Tăng đoàn. Vì Ngài quan niệm, những người nghèo khổ thường mang một mặc cảm tâm lý rất lớn, thường thì họ bị xã hội bỏ rơi và chà đạp. Cũng từ suy nghĩ này mà Đức Phật không ngồi chờ đợi họ đến với ngài, mà Ngài chủ động tìm đến họ. Lịch sử Phật giáo ghi lại rằng, Ni Đề đã thưa với Đức Phật là ông không thể nào xuất gia vì xuất thân từ tập cấp Thủ Đà La hạ tiện. Và dù Ni Đề cố tình tránh mặt Đức Phật với mặc cảm thân phận nhiều đời, nhưng Đức Phật đã quyết tâm tìm mọi cách để nói cho Ni Đề biết anh cũng là một con người, cũng có giá trị như bao người khác và khuyên không có gì để phải xấu hổ và mặc cảm bởi xuất thân và nghề nghiệp của mình. Sau khi thuyết phục, Đức Phật đã cho phép anh chàng gánh phân Ni Đề (Nidà) được xuất gia. Sự kiện này làm những người bảo thủ ở cấp trên phẫn nộ. Vua BaTư Nặc (Pasenadi), một vị vua rất sùng kính Đức Phật cũng đến gặp Ngài để bày tỏ sự bất bình của mình. Vua Ba Tư Nặc đã thưa với đức Phật, nếu làm như vậy sẽ gây nên sự ô nhục cho hàng Sa Môn và thật là khó khăn cho sự cung kính, lễ bái của hàng vua chúa. Đức Phật đã trả lời nhà vua rằng: Phật pháp có khả năng dung chứa hết mọi tầng lớp cũng như đại dương có khả năng chứa đựng được nước từ tất cả các nguồn khác nhau chảy về: “Ví như nước biển chỉ có một vị là vị mặn, cũng vậy, này Pahàrada, Pháp và Luật của Ta chỉ có một vị là vị giải thoát”[7].
Cách đây trên 2500 năm, Đức Phật đã tuyên bố bình đẳng trong bối cảnh xã hội Ấn Độ vốn chia thành nhiều đẳng cấp, Tương Ưng Bộ Kinh ghi: “Có một lần khi đang hầu chuyện với vua nước Kiều Tất La thì quần thần báo tin với nhà vua là chánh hậu vừa hạ sinh một công chúa. Vua nghe tin báo này thì lộ vẻ mặt không vui. Thấy vậy, Đức Phật đã trình bày quan điểm của mình với nhà vua như sau: “Một em bé gái, tâu đại vương, còn quý hơn một đứa con trai. Lúc trưởng thành em có thể là người đức hạnh vẹn toàn, biết kính nể và tôn trọng cha mẹ chồng, một người vợ hiền. Đứa con sau này em sẽ mang vào lòng có thể làm nên đại sự và trị vì một vương quốc vĩ đại. Đúng vậy, đứa con của một người vợ cao thượng sẽ trở thành một người hướng đạo chân chính cho một quốc gia”. Nói về quan điểm nam nữ bình đẳng của Đức Phật, tác giả Schumann đã ghi: “Trong Kinh tạng Pàli, tất cả các câu chuyện kể những cuộc hội kiến giữa đức Phật và phụ nữ đều chứng tỏ ngài xem họ bình đẳng với nam giới. Sự kiện một số nữ nhân ác hạnh, hay tranh cãi và một số nữ nhân có thể lôi cuốn các Tỳ Kheo ra khỏi chánh đạo, vẫn không cản trở ngài công nhận rằng nữ giới có khả năng đạt kiến thức cao và nhiều người nữ còn vượt hẳn nam giới về lòng nhân từ và sự hi sinh tận tụy”.
Về tư tưởng bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn thể hiện tình yêu thương đồng bào, đồng chí của mình. Bác không bao giờ phân biệt họ ở miền xuôi hay miền ngược, là trẻ hay già, trai hay gái, không phân biệt một ai, không trừ một ai, hễ là người Việt Nam yêu nước thì đều có chỗ trong tấm lòng nhân ái của Bác. Đặc biệt, tình yêu thương của Bác còn dành cho những người có sai lầm khuyết điểm. Bác căn dặn: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng ta, phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng. Đối với những người có thói hư tật xấu, từ hạng người phản lại Tổ quốc và nhân dân, ta cũng phải giúp họ tiến bộ bằng cách làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời”. Trong di chúc, Bác đã căn dặn cán bộ Đảng viên là phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau; nhắc nhở mỗi cán bộ, Đảng viên luôn luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người.
Đặc biệt, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong thư gửi phụ nữ toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, ngày 08/03/1960, Bác viết: “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v., đều nhằm mục đích ấy”[8]; Tư tưởng đó đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho thực hiện bình đẳng giới ở nước ta trong thời kỳ mới.
Về việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến vấn đề bình đẳng nam nữ thông qua việc kiên quyết phản đối “đa thê” của chế độ cũ. Trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ viết cuối năm 1924 gửi Quốc tế Cộng sản, Bác khẳng định: “Sở dĩ tôi phản đối đa thê vì nó cản trở giải phóng phụ nữ An Nam”[9]. Tiếp đó, trong báo cáo gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, Bác đã đặt vấn đề và mong muốn được thành lập tổ chức riêng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và sự tiến bộ của phụ nữ: “Chúng tôi có thể tổ chức Hội phụ nữ được không, như Hiệp hội giải phóng phụ nữ (cho phụ nữ tiểu tư sản và tiểu thương, những người buôn bán nhỏ trong làng, công nhân trong nhà máy xe lửa)?”[10].Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tính tất yếu phải thực hiện bình đẳng nam nữ là xuất phát từ mục tiêu và tính chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là cuộc cách mạng toàn diện, triệt để nhằm thực hiện mục đích giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng loài người, trong đó có phụ nữ; đồng thời cũng là giải quyết vấn đề lực lượng (động lực) cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Vì vậy, trong bài nói tại Hội nghị cán bộ thảo luận dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình, Bác cho rằng: “Bây giờ toàn dân ta ai cũng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải làm gì? Nhất định phải tăng gia sản xuất cho thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn có nhiều sức lao động thì phải giải phóng sức lao động của phụ nữ. Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[11].
- Những phẩm chất đạo đức của Hồ Chủ tịch trong đời sống sinh hoạt hàng ngày tương đồng với những đức tính, phẩm hạnh tốt đẹp trong Phật giáo
Trước hết chúng tôi nói về tấm gương đạo đức đậm chất từ bi của Bác. Điều này được thể hiện rất rõ trong nhân cách đạo đức của người. Trong đêm đông giá lạnh nghe tiếng rao bánh của một cháu bé ngoài đường, Bác xót xa mở cửa để nhìn theo cho đến lúc cháu bé khuất bóng mới khép cửa lại. Tình yêu thương xuất phát từ trái tim từ bi của Bác cũng được người thể thiện khi đến thăm trại thương binh điều dưỡng ở Hà Nội. Tại đây, Bác tự tay đón và dìu một đồng chí thương binh bị hỏng mắt; đến từng giường anh chị em đau nặng hỏi thăm và động viên; tự tay mình quạt cho các đồng chí thương binh trong mùa nóng nực. Khi tổ chức đề nghị lắp điều hòa cho Bác, Bác đã từ chối, và bảo: Hãy lắp đặt cho các đồng chí thương binh. Trái tim từ bi của Bác còn thể hiện cả đối với kẻ thù. Tháng 10/1951, khi đi thăm trại tù Khất Khê, Bác đã cởi chiếc áo ấm của mình cho viên đại úy tù binh của Pháp vì quá lạnh. Nghĩa cử này đã khiến cho viên đại úy đã rất xúc động. Hàng năm vào dịp lễ tạ ơn của nước Mỹ (Thanksgiving Day), Bác đã chỉ đạo cho các quản giáo trại tổ chức món gà tây truyền thống cho tù binh Mỹ. Một lần khi hay tin lực lượng bộ đội dự tính sẽ đánh Vương Chí Sình ở Hà Giang, Bác đã ngăn cản và đích thân đến và gọi Vương Chí Sình ra làm em kết nghĩa… Có một lần trong trận đánh ác liệt, quân ta quét sạch tiểu đoàn địch, anh em chiến sĩ rất vui mừng phấn khởi coi là đây “một trận đánh đẹp”, thế nhưng Bác bảo: “Ta giết nhiều người như vậy đừng gọi đó là trận đánh đẹp”. Bác luôn dạy chiến sĩ rằng chúng ta đánh quân đội Pháp xâm lược nhưng chúng ta là bạn của nhân dân Pháp. Là tu sĩ Phật giáo, chúng ta thấy rõ đạo đức và tính nhân bản nhân văn của Bác rất gần với yếu tính từ bi của đạo Phật, hay có thể nói khác hơn, Bác là hiện thân của sự sống trong đạo Phật.
Tư tưởng và nhân cách của đức Phật được thể hiện trong bốn chữ: từ bi hỷ xả. Với lòng từ, Ngài trải lòng yêu thương tới tất cả muôn loài, muôn vật, chỉ muốn đem hạnh phúc đến cho tất cả nhân sinh. Với tâm từ bi, ngài không ngừng công việc hoằng hóa độ sinh, không biết mệt mỏi tận lực hành đạo cho đến ngày nhập Niết bàn. Trong tất cả các bài thuyết pháp, Đức Phật luôn khuyên nhủ hãy trải lòng yêu thương không sát hại chúng sinh từ loài người cho đến loài vật và hãy tạo sự nghiệp và nuôi mạng sống bằng lòng từ bi. Trong tất cả các giới luật Phật chế, giới luật quan trọng đầu tiên là không sát sinh. Tinh thần này được Đức Phật đúc kết như sau: “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật giáo” (Không làm các điều ác/ Hãy làm các hạnh lành/ Giữ tâm ý thanh tịnh/ Là lời dạy chư Phật).
Lại nữa, tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật cũng có sự tương đồng nhất định với tư tưởng chí công vô tư của Hồ Chủ tịch. Trong đạo Phật, Niết bàn là vô ngã, vì là vô ngã nên không có chủ thể, khi không còn phân biệt ta và người, giữa Phật và chúng sanh, lúc đó tất cả đồng một thể. Đạo Phật gọi là bản lai diện mục, cũng gọi là Phật tánh. Chính vì vô ngã (quên mình) nên Đức Phật luôn sống yêu thương đến mọi người, tinh thần vô ngã vị tha là cốt lõi của sự giải thoát giác ngộ trong đạo Phật. Trong tư tưởng và đời sống đạo đức của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhắc đến cụm từ vô ngã vị tha, mà nói chí công vô tư, nghĩa là vì dân vì nước, không vì cá nhân. Bác đã cảnh tỉnh toàn thể Đảng viên chớ phạm vào tệ nạn quan liêu và cá nhân chủ nghĩa. Bác nói trước các nhà báo: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Riêng phần tôi thì một cái nhà nho nhỏ, nơi non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em bé chăn trâu, không dính líu gì đến dòng danh lợi. Tư tưởng này của Bác đã được Tố Hữu thi hóa: “nâng niu tất cả chỉ quên mình”, ở đây “quên mình” cũng đồng nghĩa với “vô ngã” của Phật giáo.
Một đức tính cao quý nữa của Bác, đó là tinh thần tinh tấn, đây là một yếu tố quyết định cho sự học tập trau dồi kinh sử và thành công trong sự nghiệp cách mạng của Bác. Thực tế cho thấy, Bác làm việc không biết mỏi mệt, lao động học tập không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của người, từ lúc bước chân xuống bến Nhà Rồng cho đến lúc từ giã cõi đời. Nhà chí sĩ Phan Bội Châu đã nói: “… Thuở thiếu thời, Hồ Chí Minh sớm bộc lộ lòng say mê hiếu học, tìm tòi đặc biệt đối với môn lịch sử”. Ở Bác đã toát lên tinh thần hiếu học và hạnh tinh tấn một cách triệt để. Hạnh tinh tấn của Bác đã bắt gặp được tinh thần tinh tấn của đạo Phật, như trong Kinh Pháp Cú đã ghi: “Tinh tấn giữa đám người buông lung/ Tỉnh táo giữa đám người mê ngủ/ Kẻ trí như con tuấn mã thẳng tiến/ Bỏ lại sau con ngựa gầy hèn”.[12] Về hạnh tinh tấn, Đức Phật đã dạy, sở dĩ Ta thành Phật là nhờ từ vô lượng kiếp, tinh tấn tu tập, không hề mỏi mệt…
Trong nhận thức và hoạt động, Hồ Chủ tịch luôn nêu cao ngọn cờ đoàn kết với khẩu hiệu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công đại thành công”. Bác chủ trương đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân không phân biệt tầng lớp giai cấp và tôn giáo. Trong kỳ họp Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ nhất đã nói rõ chính sách đối nội trước mắt là đoàn kết toàn dân, chính sách đối ngoại là đoàn kết chặt chẽ với nhân dân các nước và thực hiện 5 nguyên tắc lớn chung sống hòa bình. Đặc biệt, đối với tôn giáo, Bác từng viết: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Jesu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Còn chủ nghĩa Tôn Duật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Jesu, Tôn Duật Tiên, chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mang hạnh phúc cho loài người, mang phúc lợi cho xã hội, nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm một vị học trò nhỏ của các vị ấy” …
Quả thật vậy, tinh thần đoàn kết của Bác bắt gặp tinh thần lục hòa của đạo Phật. Trong sứ mạng hoằng pháp của Tăng già, chính lục hòa là yếu tố quyết định cuộc sống hòa hợp đoàn kết. Đó là sáu yếu tố quan trọng:
- Thân hòa đồng trụ nghĩa là cùng chung sống dưới một mái nhà, cùng chia sẻ cùng yêu thương, hòa hợp với nhau.
- Khẩu hòa vô tranh: Không cãi vã, không đánh đập, phải biết yêu thương nói lời ôn hòa nhã nhặn.
- Ý hòa đồng duyệt: Suy nghĩ, ý kiến cùng hòa hợp… ý tứ hiền hòa vui vẻ trong lúc sống chung.
- Giới hòa đồng tu: Trong đoàn thể sống phải có trật tự, có quy cũ, biết giữ gìn kỷ luật với điều giới quy định cho mỗi thành viên sống chung.
- Kiến hòa đồng giải: Biết trình bày, những ý kiến hiểu biết cho nhau, một tổ chức sống chung cùng vui vẻ chỉ bảo cho nhau cùng thống nhất quan điểm và ý kiến trong tinh thần bình đẳng.
- Lợi hòa đồng huân, nghĩa là phải biết chia sẻ quyền lợi một cách bình đẳng cho nhau để cùng nhau thọ dụng không được chiếm làm của riêng mình…
Có thể nói, tinh thần “lục hòa” chính là cơ sở của đoàn kết và đạo Phật tồn tại và phát triển, cũng như sự tồn tại và phát triển của dân tộc cũng chính từ tinh thần đoàn kết mà ra. Cũng với ý hướng này, Đức Phật đã dạy hàng đệ tử: “Này các Tỳ kheo, ngày nào chư đệ tử còn hội họp, chung sống trong tinh thần đoàn kết, làm việc trong tinh thần đoàn kết, giải tán trong tinh thần đoàn kết, thì nhất định giáo pháp không thể suy đồi mà trái lại còn phồn thịnh hơn trước”[13]. Ngoài ra, trong tinh thần đoàn kết và cái nhìn tuệ giác của mình, Đức Phật còn chú tâm đến sự tồn tại của một quốc gia. Ngài đã nêu ra 7 yếu tố để hình thành một quốc gia cường thịnh[14]:
1.Thường hội họp nhau để giải quyết vấn đề chung của quốc gia.
- Đoàn kết thuận hòa với nhau.
- Thi hành đúng theo pháp luật chế định.
- Tôn kính bậc trưởng thượng.
- Kính nể hàng phụ nữ.
- Bảo tồn các đền thờ trong xứ.
- Sùng bái các bậc tiền nhân.
Và 10 điều cho một vị minh quân thập vương pháp, Đức Phật dạy[15]:
- Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng không vì bản thân.
- Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức.
- Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước.
- Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực.
- Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người.
- Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm.
- Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai.
- Có lòng kiên trì, nhẫn nại;.
- Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu.
- Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới.
Tất cả những điều này dường như đều nằm trong tư tưởng và đạo đức của Hồ Chí Minh. Hai nhân vật lịch sử này đã gặp nhau ở một điểm chung là tất cả vì an lạc, vì hạnh phúc cho con người.
Thật ra, khi nói đến nhân cách và tấm gương đạo đức của Hồ Chủ tịch, chúng ta không thể dùng ngôn từ hay bút mực tả được hết con người vĩ đại này. Theo lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Người ta không thể đánh giá tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh qua những bài viết, những lời nói của người mà phải qua hành hoạt động thực tiễn, qua đạo đức, qua tác phong của Người, hơn nữa, qua cả cuộc sống, lao động, học tập và đấu tranh cả cuộc đời trong sáng bình dị và vĩ đại của người”. Để làm sáng tỏ thêm về tư cách đạo đức Hồ Chi Minh, chúng tôi xin được trích dẫn lời của Thủ tưởng Ấn Độ như sau: “Người không phải chỉ là một người yêu hòa bình mà còn là một nhân vật đặc biệt đáng yêu và hữu nghị, một con người không nghĩ gì đến mình, giản dị và khiêm tốn. Là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người không tự giam mình trong tháp ngà. Về cơ bản, người là một con người của quần chúng, một lãnh tụ có sự kết hợp hiếm có giữa lòng khoan dung tột độ và ý chí kiên quyết. Nhận xét theo bất cứ tiêu chuẩn nào, Người cũng là một nhân vật nổi bật nhất trong thời đại chúng ta”[16].
- Thay lời kết
Hội thảo Khoa học chủ đề: “Bác Hồ với Phật giáo” với mục đích tiếp tục làm rõ quan điểm, nhận thúc, ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Phật giáo, do vậy, chúng ta cần được nghe và thấy những gì cụ thể nhất trong mối quan hệ giữa “Bác Hồ với Phật giáo”, về điểm này chúng tôi xin trích dẫn ba nguồn tư liệu quý giá như sau:
- Một là, trong Đại hội kỳ III của Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, ngày 28/09/1964, Bác Hồ đã viết thư gửi Đại hội với lời nhắn nhủ: “Tôi mong rằng đồng bào Phật giáo hãy thực hiện lời Phật dạy: “Lợi lạc quần sanh, vô ngã vị tha”, tất cả phải vì lợi ích mọi người, không cá nhân chủ nghĩa”. Lời nhắn nhủ này của Bác cũng chính là hành trang trong cả cuộc đời làm cách mạng của mình. Mối liên hệ chặt chẽ này đã được Bác thể hiện qua 8 chữ: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” - tất cả vì mọi người, không cá nhân chủ nghĩa. Đó là hạnh “vô ngã vị tha” của đạo Phật đã được Bác ứng dụng một cách tinh tế và sâu sắc vô cùng.
- Hai là, những dòng hồi ký của tác giả Trần Lam, ghi lại trong tập hồi ký về Bác đã kể: “Vào năm 1928, Bác về Xiêm vận động bà con kiều bào tham gia cách mạng, hàng ngày vẫn cùng bà con đi làm vườn, đêm về ngủ ở các chùa, khi khoác áo cà sa, bưng bình bát đi khất thực, thọ nhận xôi chuối của Phật tử cúng dường. Bà con đây nói, Bác thị hiện dưới lớp áo nhà tu để cứu dân độ thế nhân!”.
- Ba là, bằng tấm lòng chân thành của Bác đối với dân tộc và tín đồ đạo Phật, vào năm 1941, Bác Hồ về Bắc Pó. “Ngày tết quần chúng trong làng lên chúc Tết đủ mặt các chị phụ nữ mang hương và quà bánh. Bác tự tay vẽ ảnh Phật treo trên vách cho bà con lễ lạy”[17]. Hành động này đã làm xúc động không biết bao trái tim Tăng ni, Phật tử cả nước. Từ đó, hình ảnh Bác luôn gần gũi với đạo Phật và trở thành nguồn cổ vũ vô biên cho Phật giáo. Cũng cần nói thêm ở đây, sau năm Mậu Thân, Hòa thượng Thích Đôn Hậu, cố vấn Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thoát ly kháng chiến và đến thủ đô Hà Nội. Hòa thượng được Bác tiếp đón và ân cần nhắc nhở từng lời, từng chữ về sự yêu nước về Phật giáo Việt Nam, Bác cũng ca ngợi sự hy sinh vị đạo Pháp và dân tộc của Hòa thượng Thích Quảng Đức…
Những mẫu chuyện này đã giải đáp một cách thích đáng là tại sao những nhà tu và những người theo đạo Phật luôn có thiện cảm đối với nhân vật lịch sử vĩ đại ấy. Bởi vì Bác chính là sự kết tinh của tinh thần đạo đức người Việt Nam. Chư Tăng ni trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam đã thể hiện tinh thần dấn thân, ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh bằng việc tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điển hình như, Thượng tọa Trí Tuyên (Huế), Thượng tọa Bửu Đăng (Sài Gòn) đã tạm gác áo cà sa, cùng đồng bào tham gia kháng chiến và đã hy sinh anh dũng năm 1946. Ở miền Bắc có Hòa thượng Trí Độ, Đức Nhuận, Thế Long theo lời dạy của Bác mà trọn đời đi suốt con đường “phụng sự chúng sinh là cúng dường chư Phật”. Ở miền Trung có Phật tử nổi danh là Bác sĩ Lê Đình Thám đã có những cống hiến thiết thực, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ở miền Nam có Trưởng lão Hòa thượng Đạt Thanh (Tông chủ Phật giáo Nam kỳ) bị bắt đày ra Côn đảo, tổ chức vượt ngục thành công cùng với Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Hòa thượng Minh Nguyệt, Hòa thượng Thiện Hào… Riêng ở Sông Bé, Hòa thượng Từ Tâm thuộc chùa Bình Long (Lái Thiêu) đã tham gia cách mạng và bị đày ra Côn Đảo rồi hy sinh tại đó. Đối với hầu hết Phật tử và giới trí thức theo đạo Phật ở Sài Gòn, Nguyễn Ái Quốc là biểu trưng cho dòng tư tưởng yêu nước xuyên suốt từ năm 1920 cho đến tân thời đại ngày nay… Đặc biệt, nhờ công lao to lớn của Bác đã mang tư tưởng Mác – Lênin vào cách mạng Việt Nam và đã thổi một luồng gió mới giúp cho các học giả Phật giáo như Hòa thượng Khánh Hòa, Từ Văn, Từ Phong, Thiện Chiếu, Đôn Hậu có những khám phá mới về Phật học Việt Nam trong giai đoạn tiền bán thế kỷ 20.
Tuy nhiên khi nói về nhân cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói đến tư tưởng yêu nước và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta không thể không nhắc đến cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, bậc thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, cụ Sắc đã dạy Nguyễn Sinh Cung: Học để hiểu đạo lý làm người. Thi đỗ cũng không nên làm quan. Vì làm quan là áp bức cướp bóc của dân. Có thể chính lời dạy của cụ đã giúp cho Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước :”Muốn biết Pháp phải học tiếng Pháp, muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp”. Và cuối cùng cụ Sắc đã khẳng định cho Bác một con đường qua lời khuyên: “Ra đi cứu nước tức là hiếu với cha rồi, con hãy mạnh dạn lên đường”…
Đối với mỗi người dân nước Việt, Bác Hồ chính là một người cha, một tiếng gọi của hồn thiêng Tổ quốc, như ánh lửa luôn ngời sáng trái tim người Việt Nam. Quả thật là như vậy, lúc còn trong nhà tù Côn Đảo, Hòa thượng Thích Minh Nguyệt (quê Sông Bé) đã nói: “Tôi lặng người như chết điếng đứng trân ra khi được tin Bác mất”, còn cư sĩ Võ Đình Cường cùng với nhiều sinh viên Phật tử trong phòng giam cũng đã công khai làm lễ tưởng niệm Bác. Hòa thượng Pháp Lan tổ chức truy điệu Bác trong lòng Sài Gòn với câu liễn đối được Hòa thượng đặt treo bàn thờ:
“Nam Bắc toàn dân quy thượng Chính.
Á Châu thế giới kính tu Mi”.
(hai từ cuối Chính và Mi làm hàm ý là tên Chí Minh tức Hồ Chí Minh).
Để học tập và làm theo tấm gương đạo đức mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Tăng sĩ, chúng tôi nhận thức cần phải noi theo và phải thực hiện những lời Bác đã dạy, đồng thời ra sức phát huy tinh thần Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên phương châm: “Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ nghĩa Xã hội”. Đó chính là thực hiện mong muốn của Bác là làm cho dân giàu nước mạnh, đạo pháp xương minh.
Kết thúc bài tham luận này, tôi xin trích vài dòng đã được đăng tải trên tờ Bằng Chứng Thiên Chúa Giáo, xuất bản tại Paris vào năm 1969, tác giả Mông Ta Rong đã viết: “Hồ Chí Minh là một hình ảnh của một bậc lãnh tụ tỏ rõ tinh thần trước hết là đầy tớ của nhân dân. Cụ không phải là một nhà chỉ huy mà đúng ra là một con người đi thức tỉnh các tâm hồn”.
HT. Thích Huệ Thông
Phó Tổng Thư ký HĐTS – Chánh Văn Phòng 2
Phó Tổng Thư ký HĐTS – Chánh Văn Phòng 2
Trưởng Ban Trị sự GHPGVN Bình Dương
[1]Trích bài viết của: Vũ Kỳ, Bác Hồ với miền Nam, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
[2]Kinh Pháp cú, Phẩm hoa, câu số 52.
[3]Lược trích Kinh Di Giáo, bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Quang
[4]Lược trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố năm 1969, đề ngày 10-5 gồm 4 trang in khổ 14,5×22 cm. Trong lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn, khi đó là Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đọc lời điếu và công bố Di chúc của Người.
[5] kinh Anguttara Sutra (Tăng chi)
[6] kinh Vinaya-matrka-sastra
[7]Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương Tám Pháp, phẩm Lớn,
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr. 300; tr.705 - 707; tr.301.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, sđd, tr.507.
[10] Sđd, Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, tr.61; tập 3, tr.1; tr.22; tr.630
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.507; tr.300; tr.300; tr.300; tr.705; tr.706; tr.707; tr.301
[12] Pháp Cú - Phẩm Không Buông Lung, câu 29.
[13]Kinh Trường bộ
[14]Kinh Trường A Hàm, bài kinh Du hành
[15]Trường kinh Bổn sanh (Jakata)
[16] P.J. Nê-ru, Thủ tướng Ấn Độ, bài đăng báo “Người yêu nước” Ẩn Độ, 14/09/1969
[17] TT. Thích Từ Hạnh, Miền Nam với Bác Hồ, Ban Khoa học Xã hội Thành ủy biên soạn