Phân biệt lời Phật, lời ma


Thời mạt pháp, ma cường pháp nhược, có khi rồi cũng phải biết thứ gì là lời Như Lai nói, thứ gì là ma nói mà phòng hộ cho bản thân.

Là người đã chứng lý tánh thì vấn đề phân biệt này không có gì khó. Dù kinh luận thấy có nhiều sai khác, trong kinh luận thấy có nhiều chỗ như trái nhau1 thì vẫn biết không có gì ra ngoài lý tánh ấy. Đó là mặt duyên khởi biểu hiện cho lý tánh không của vạn pháp. Nắm được mặt duyên khởi này, sẽ thấy thuận hay không thuận, giữ giới hay không giữ giới v.v… đều là pháp của Phật khi chúng ta sử dụng nó đúng duyên. “Pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”2. Vấn đề là pháp có được sử dụng đúng duyên hay không. Không sử dụng pháp đúng duyên thì Phật pháp cũng thành ma pháp.   

Với người lý tánh chưa nắm được, tức mặt duyên khởi chưa thông, thì cần nương vào những gì Như Lai đã nói và những gì không phải là Như Lai nói để việc tiến tu không lầm lẫn.

Trong kinh Đại bát Niết-bàn tập I, phẩm Tài chánh, Bồ-tát Ca Diếp cũng đã nêu lên việc này:

- Nay con phải làm thế nào để phân biệt được lời nào là của Phật nói, lời nào là của ma nói? Có những chúng sinh chạy theo hạnh ma, cũng có những chúng sinh thuận theo lời Phật dạy. Phải làm thế nào để biết rành hai loại ấy?

Phật đã dạy:

- Này Ca Diếp, sau khi Phật nhập diệt khoảng 700 năm, ma Ba Tuần sẽ ngăn trở và làm hư hoại Chánh pháp. Ví như thợ săn, thân mặc pháp y. Cũng vậy, ma Ba Tuần sẽ giả hình Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Cũng hóa thân thành Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Cũng hóa thân thành Phật. Ma vương mang thân hữu lậu hóa thành thân vô lậu để làm hư hại Chánh pháp...

Xưa, ma Ba Tuần có thể hóa thành Phật giống đến nỗi chính Tổ Ưu-ba-cúc-đa còn phải lầm3, huống là những hình tướng bên ngoài như Tỳ-kheo, La-hán, cư sĩ hay tiến sĩ Phật học v.v… Thứ có thể phân biệt là ở giới luật và trí tuệ. Vì thế Phật dạy cho Phật tử biết thế nào là lời Phật dạy, là lời ma nói để mà phân biệt. Không nên dựa vào hình tướng bên ngoài và cấp vị mà tin những lời phát ra đó là pháp Phật nói, là pháp như thật lý.

thuyet-phap.jpg

Phật dạy gì?

Về sự kiện Phật đản sinh

Nếu nói: “Bồ-tát ở cung trời Đâu Suất, chết rồi sinh vào cung vua Bạch Tịnh tại thành Ca-tì-la-vệ, nhân nơi ái dục của cha mẹ mà có thân. Không bao giờ có người nào sinh trong loài người mà được đại chúng cõi Trời Người tôn kính. Cũng nói, xưa kia tu khổ hạnh bố thí đầu, mắt, tủy, não, vợ, con mà đặng thành Phật…”, là ma nói4.     

Nếu nói: “Đức Như Lai đã thành Phật từ lâu, vì muốn cứu độ chúng sinh nên nay mới thị hiện thành Phật. Vì tùy thuận theo thế gian nên thị hiện có cha mẹ, nhân nơi ái dục mà sinh”, là Phật nói.

Chỗ khác nhau ở đây là, một bên y nơi tướng mà nói, một bên y nơi tánh mà nói. Ma chỉ thấy được tướng Phật chết đây sinh kia, như phàm phu bị “phần đoạn sinh tử” trói buộc mà chuyển lưu. Không thấy được mặt ứng hóa thân của chư Phật, là từ pháp thân thường trụ, do ứng duyên mà hiện tướng ở cõi Sa-bà để độ sinh. Việc ứng hiện này, nhân là căn lành của chúng sinh đã gieo trong quá khứ, duyên là bi nguyện cao cả của chư Phật, nhân duyên đầy đủ thì tướng Phật (với 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp) hiện cõi Sa-bà, đó là quả. Do ứng duyên mà hiện, là pháp nhân duyên, nên thân ấy sinh diệt theo nhân duyên. Đủ duyên thì hiện. Hết duyên thì không. Tuy sinh diệt nhưng không phải là Như Lai sinh diệt, chỉ là ứng hóa thân sinh diệt. Pháp thân Như Lai vẫn thường trụ.    

Bởi chỉ thấy được tướng sinh diệt, nên cho rằng Như Lai do khổ hạnh, do bố thí đầu, mắt, vợ, con v.v… mà thành. Không thấy được đó chỉ là tướng thể hiện Như Lai đã chứng được pháp thân bình đẳng mà ra, tam giới không ngoài tâm, vạn pháp chỉ như huyễn, tất cả đều là huyễn thân, nên có thể xả đến chỗ tận cùng. Đại trí tuệ đã viên mãn thì đại bi mới tròn đầy. 

Pháp thân thường trụ không do tác nhân, chỉ do liễu nhân5 mà thành. Không thể tu hành mà tạo ra pháp thân ấy, nhưng nhờ tu hành mà nhận ra và thể nhập lại pháp thân ấy. Như ngọn đèn không thể tạo ra đồ vật trong phòng tối nhưng có thể giúp ta thấy được đồ vật trong phòng tối. Giới, định, tuệ cũng như vậy, không thể tạo ra pháp thân, nhưng nhờ nó chúng ta nhận ra và thể nhập lại pháp thân ấy. Không thể chỉ có khổ hạnh mà thành Phật. Do bi nguyện, tùy căn cơ của chúng sinh mà Như Lai có pháp, thuận hay nghịch đều vì lợi ích cho chúng sinh. Như Quán Thế Âm có tướng nữ từ bi hiền dịu của mẹ hiền, nhưng cũng có tướng là Tiêu Diện Đại sĩ, lưỡi dài mặt đen của ác quỷ, nhưng đều là hiện thân của Bồ-tát Quán Thế Âm.

Nếu nói: “Không nên tin Như Lai lúc mới sinh đi bảy bước”, là lời của ma.

Nếu nói: “Như Lai khi ra đời, hướng về bốn phương đi bảy bước, đó là phương tiện thị hiện”, là lời của Như Lai nói.  

Với cái nhìn của người đời nay, việc sinh ra bên hông phải và đi bảy bước là việc không thể chấp nhận. Chư vị thiện tri thức có khi vì cái nhìn chưa thấu suốt này mà phương tiện thành không. Không hẳn chư vị đã cho là không.

Pháp thân vô tướng, do ứng cơ mà hiện thành tướng, nên tùy căn cơ chúng sinh mà cảnh sở hiện thấy có khác nhau. Con người sẽ thấy những gì thuộc về nghiệp thức của con người. Trời sẽ thấy những gì thuộc nghiệp thức của Trời. Cùng một cảnh giới mà phàm phu thấy thế giới này qua lăng kính của phàm phu, thánh nhân thấy thế giới này theo lăng kính của thánh nhân. Người thấy nước là nước nhưng ngạ quỷ thấy nước là máu6. Việc hiện tướng Phật cũng như thế. Cõi người không thể thấy con cái ra đời từ hông phải của mẹ, nhưng với chư thiên việc đó là thường. Phàm phu không thể thấy Phật đi bảy bước, nhưng thánh nhân thì không hẳn như vậy. Mọi hiện tướng nói trong kinh luận, không chỉ là cái thấy của người và phàm phu mà có cả chư thiên và thánh nhân. Vì thế, có thứ phàm phu thấy được mà có thứ phàm phu không thấy được. Như hiện nay, khi khoa học phát triển, đã chứng mình cho ta thấy có nhiều thứ ta không thấy được bằng mắt nhưng không có nghĩa là không có.

Việc “bình thường” và “không bình thường” này chỉ thể hiện mặt duyên khởi sâu xa mà Phật đã nói. Pháp thân Như Lai thường trụ, chỉ tùy căn cơ của chúng sinh mà thị hiện thân tướng. Đã tùy cơ mà hiện tướng thì không thể có một tướng cố định xuất hiện chỉ phụ thuộc vào cái nhìn của một loại chúng sinh. Đó là lý do vì sao xuất hiện nhiều tướng mà với tâm thức con người, là hư ảo, khó lường, nhưng Như Lai vẫn xác định việc đó có. Vì tất cả đều do ứng duyên mà thành sự. Chỉ do ứng duyên mà thành sự nên Như Lai nói “phương tiện thị hiện”. Nói “phương tiện”, vì do ứng cơ mà thành, không có chất thật. Nói “thị hiện” vì tùy nhân tùy duyên mà hiện tướng.

Nếu nói: “Trời sinh trước, Phật sinh sau, cớ sao chư thiên lại lễ kính Phật?”, là lời nói của ma.

Nếu nói: “Khi Bồ-tát giáng sinh, tất cả vua của chư thiên ở các cõi đều đến lễ lạy”, là lời của Phật.

Tướng Như Lai xuất hiện đó chỉ là hóa thân ứng với nghiệp thức của người và trời mà xuất hiện. Còn pháp thân Như Lai thì vô tướng, thường trụ. Trời hay người v.v… đều từ đó mà ra. Đó là lý do không thể y cứ trên tướng mà phân trước sau, cũng không thể y cái phân trước sau đó để nói đến sự tôn kính.

Lìa bỏ tâm tham dục

Nếu nói: “Lúc làm thái tử, vì lòng tham dục nên Bồ-tát lấy vợ, hưởng thọ khoái lạc nơi chốn thâm cung”, là lời của ma.

Nếu nói: “Từ lâu, Bồ-tát đã bỏ lìa tâm tham dục, vợ con. Cho đến sự vi diệu của Tam thập tam thiên, Bồ-tát cũng coi như đàm giải, huống là sự vui ở cõi người? Bồ-tát cạo bỏ râu tóc, xuất gia hành đạo”, là lời Phật nói.  

Do tham dục, chúng ta không có giải thoát, không thể sống lại được với pháp thân thanh tịnh của mình. Sắc, thanh, hương, vị, xúc đều là sở hiện của tự tâm, do bất giác mà hiện thành. Nhưng chạy theo lục trần thì bỏ mất bản tâm. Hợp trần thì bối giác. Cái hợp trần chạy theo đó là biểu hiện của tham dục. Vì thế, người tu, dù là tu để chứng La-hán hay để sống lại với pháp thân của mình đều phải từ bỏ tâm tham dục. Dù thị hiện có vợ con thì vẫn không có tâm tham dục. Chỉ do lòng bi mẫn mà thị hiện thân tướng như thế để độ sinh. Ma thì y tướng mà nói pháp để dẫn phát tâm tham ái của chúng sinh, muốn họ chìm sâu trong biển mê, không thoát được phiền não và sở tri chướng. Không thể giải thoát cũng không được Bồ-đề. Phật thì y tánh mà nói. Tuy thị hiện tướng tham dục mà không có tham dục, như kinh Duy Ma nói: “Hiện vào khắp các đạo để đoạn dứt nhân duyên”.

Người tu thời mạt pháp cần nắm vững việc này. Có thể vì nhân duyên trong đời chưa đủ cơ duyên để thanh tịnh thân tâm, nhưng đã muốn giải thoát và chứng Bồ-đề vô thượng thì hướng đến cũng phải như chư Như Lai, không có tham dục. Xác định được tinh thần này rồi, thì mọi tu hành hiện đời đều phải có phần hồi hướng cho việc dứt tham dục này. Đủ cơ duyên, trong tham dục mà không tham dục, trong biển sinh tử mà không có trần lao.

Hàng Bồ-tát ứng cơ vào cõi tham dục vì lợi ích cho chúng sinh, trước sau gì đều ở trong tham dục mà dứt hẳn tham dục, không tạo điều kiện cho tham dục phát sinh. Đối với việc lợi tha thì tùy cơ của chúng sinh mà nói pháp. Như người tại gia chưa có tâm tu giải thoát thì không nói đến việc từ bỏ tham dục, nhưng không có nghĩa là ca tụng tham dục, cũng không nói lời hủy hoại giới cấm để tạo điều kiện cho tham dục phát sinh. Tham dục ở đây không chỉ nói ở mặt ái dục mà chỉ cho tất cả các mặt còn lại thuộc sắc, thanh, hương, vị, xúc.

Hiện nay vấn đề âm nhạc được phổ biến rất rộng trong Phật giáo. Không phải chỉ trong một vài buổi lễ mà còn cả trong những buổi tu tập. Có cảnh phụ nữ lớn tuổi và các cô gái mặc áo tràng múa may quay cuồng trước sự chứng kiến của quý thầy như là một pháp tu. Đây là thanh dục. Nói như thế vì thanh đã được tâm tham dục chấp thủ. Còn thanh, bản thân nó vốn như, không thể nói nó là thanh dục hay không thanh dục. Nhưng nếu chúng ta dùng nó như một pháp tu, tức mình đã sử dụng nó không đúng duyên, thì cũng có nghĩa là tham dục đã phát sinh, thanh lúc ấy trở thành thanh dục.

Vì âm nhạc vốn không phải là thanh dục nên có thể dùng nó để hướng người chưa biết đạo vào đạo, giúp các em thiếu nhi (cái tuổi chưa thể không mọi thứ, cũng chưa thể ý thức được gì về việc trừ bỏ tham dục) không thấy trống trải khi đến với đạo, có thể giúp các em thấy đạo vui hơn đời v.v… mà tiến lần lên đạo giải thoát của Như Lai.

Vì âm nhạc làm động tâm và có thể khiến phát khởi tham dục nơi mỗi người, nên với cái duyên là Sa-di thôi, chư Phật đã có giới cấm không được “Tự ý đi xem, nghe, hát, đàn v.v…”. Bài văn “Sám hối sáu căn” của vua Trần Thái Tông đã quở việc này. Trong các bài kinh thuộc hệ A-hàm cũng nói đến việc chư vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni không nên sử dụng âm nhạc. Nên thời Hòa thượng Trúc Lâm còn giảng thuyết, dù khen âm nhạc cũng là một phương tiện dẫn đạo tốt, nhưng không có việc chư Tăng Ni hát hò trong các thiền viện.

Tuy vậy trong việc dẫn đạo hiện nay, nhất là với các em thiếu nhi, có khi phải dùng âm nhạc để dẫn chúng, nên chư Tăng Ni cũng phải dùng đến âm nhạc, một loại nhạc được gọi là nhạc đạo để giúp các em tiến dần vào đạo mà không thấy buồn tẻ. Việc dẫn đạo này đương nhiên phải được dùng đúng duyên, đúng đối tượng.

Với người đến với đạo vì hiểu biết, dù là tuổi trẻ, không cần dùng âm nhạc mới độ được họ thì không dùng âm nhạc để độ họ.

Việc dùng âm nhạc cũng được giới hạn trong một số Tăng Ni có trách nhiệm với việc này. Không phải là pháp truyền bá rộng rãi trong thiền môn thanh tịnh, giúp phát khởi chủng tử âm nhạc đã huân tập trong bao đời, chỉ nhờ duyên thanh tịnh bên ngoài mà tạm yên.

Âm nhạc được sử dụng đúng duyên thì mang lại lợi ích cho chính đối tượng đó. Không sử dụng nó đúng duyên, nó sẽ trở thành thanh dục, khơi dậy tâm tham dục trong mỗi người, không còn vì lợi ích cho chúng sinh nữa. Nếu sử dụng không đúng duyên, nó còn tạo điều kiện cho hàng chúng sinh căn cơ cạn mỏng không có ý thức ngăn dừng mà còn y đó phát tán chủng tử âm nhạc đã huân quá sâu trong tạng thức. “Thầy cô lớn còn hát được, sao mình không thể hát”. Tư tưởng đó chính là cái nhân giúp chủng tử âm nhạc ngày càng huân sâu, muốn từ bỏ rất cực. Không từ bỏ thì động tâm không thể dừng. Nếu là người xuất gia thì giới tướng, giới thể đều không thể giữ. Việc xuất gia cũng trở thành hạn chế đối với Phật tử mà chủng âm nhạc huân quá sâu.        

Chúng tôi có duyên được chứng kiến một buổi chúc Tết của chư Tăng đối với Ni chúng. Tăng hát một bài để tặng và Ni đáp trả một bài. Việc một năm hát một lần trao tặng nhau bằng âm nhạc, xét theo giới luật thì không như pháp, nhưng chỉ một lần trong năm, không có sự tập dượt huân tập, thì không có gì nghiêm trọng. Có điều sự việc xảy ra khá lý thú.

Sau khi chư Tăng hát tặng rồi, chư Ni không ai biết hát, phải để một Ni, chắc mới xuất gia, hát đỡ một bài. Cô hát một bài của Trịnh Công Sơn, “Hãy yêu nhau đi!”. Không ai là không tái mặt. Chư Tăng có người bỏ ra về. Còn Ni nhỏ thì vẫn vô tư hát. Việc ấy chứng tỏ Tăng Ni không có tâm tham dục trong việc sử dụng âm nhạc. Nhưng nó để lại trong tâm tôi một sự nhắc nhở sâu xa: “Nếu không có cái nhân là việc hát tặng, dù là nhạc đạo, thì sẽ không có cái quả là cô Ni kia phát tán bài hát “Hãy yêu nhau đi!”. Điều đó có nghĩa là, với những người đã cứng cáp thì duyên thế nào cũng không mang lại quả xấu cho họ. Nhưng với những người tâm còn yếu đuối, cần môi trường thanh tịnh của tùng lâm để thanh lọc thân tâm, thì chúng ta phải cẩn thận từ những cái nhân rất nhỏ. Việc giảm bớt căng thẳng trong tu học khác với việc tạo điều kiện để tập khí sinh khởi. Nếu chúng ta sử dụng pháp không đúng duyên, xem thường những cái nhân nhỏ, không loại bỏ hay hạn cuộc nó ngay từ đầu, thì kết quả khó mà lường hết được. Từ đạo biến thành đời chẳng mấy chốc. Từ chỗ thanh tịnh biến thành tham dục chẳng khó khăn. Đó là bài học tôi nhận được từ việc chúc Tết ấy.         


Vấn đề chứa chấp của cải…  

Nếu nói: “Tại nước Xá-vệ, nơi tinh xá Kỳ-hoàn, vì lòng Đại từ thương xót chúng sinh, nên Phật cho Tỳ-kheo nuôi tôi tớ, voi ngựa, gia súc, chứa vàng bạc châu báu, cho buôn bán, gieo trồng…”, là lời của ma nói.

Nếu nói: “Tại nước Xá-vệ, nơi tinh xá Kỳ-hoàn, trước vua Ba-tư-nặc và Bà-la-môn Cổ-chi-đức, Phật cấm Tỳ-kheo không được nuôi chứa tôi tớ, voi ngựa, gia súc, chứa vàng bạc châu báu, cho buôn bán, gieo trồng… Người phạm vào các điều này thời không được ở trong hàng Tỳ-kheo, phải hoàn tục, như đám cỏ trong ruộng lúa cần phải nhổ bỏ”, là lời Phật nói. Người thuận theo đây chính là Bồ-tát.

Đây có mấy điểm cần lưu ý.

Một là địa điểm và thời gian lúc Phật nêu ý kiến này. Đó là vào thời Phật và tại đất nước Xá-vệ. Hai là nội dung tích chứa. Vào thời đó Tăng đoàn được sự hỗ trợ mạnh từ đông đảo quần chúng vua quan và lấy việc khất thực làm chính, nghiệp căn thân cũng nhẹ hơn, nên Phật đã cấm Tỳ-kheo làm các việc đó. Vì nó nuôi lớn lòng tham. 

Hiện nay điều kiện xã hội và con người đã khác thời Đức Phật. Tăng đoàn hội chúng không còn đi khất thực mà tụ hội tu tập và bá tánh cần có chỗ nơi nương tựa. Vào những lúc mà điều kiện xã hội không được hanh thông, Tăng Ni phải tự trồng trọt hay mua bán để có thể tự tiếp tục việc tu hành, nuôi chúng và xây dựng chùa chiền. Vì thế không thể chỉ y nơi hình tướng quán xét sự việc mà phải y vào tinh thần. Việc tích chứa hay trồng trọt đó là do tham dục mà ra hay chỉ tạo điều kiện để Tăng Ni tu học được tốt hơn? Nếu trồng trọt mua bán chỉ là điều kiện để việc tu học của đại chúng được tốt hơn thì trồng trọt mua bán không lỗi. Nếu trồng trọt và mua bán chỉ để của cải tích chứa thêm nhiều, việc tu học bị phế bỏ, tập trung cho việc kiếm tiền, không khác gì người ngoài đời, chỉ mượn danh đệ tử Như Lai mà không hành việc Như Lai, chỉ làm vững mạnh thêm pháp thế tục thì đúng là lỗi. Nên Như Lai cấm trồng trọt, mua bán và bắt hoàn tục. Là để tránh quả xấu trong tương lai cho chính người đó.

Thị hiện vào tất cả cảnh giới mà không có tâm luyến ái

Nếu nói: “Bồ-tát thị hiện vào miếu thờ trời, ở trong pháp ngoại đạo xuất gia tu hành, thị hiện biết tất cả oai nghi lễ tiết, khéo hiểu tất cả văn tự kỹ nghệ, thị hiện làm bậc tôn quý nhất trong các giai cấp xã hội, dầu vậy Bồ-tát chẳng có lòng luyến ái, như hoa sen không nhiễm bùn nhơ. Vì độ chúng sinh nên Bồ-tát phương tiện thị hiện theo thế pháp. Những lời trên đây là của Phật nói, người thuận theo đây là Bồ-tát. Nếu nói trái lại là lời của ma và quyến thuộc của ma”, là lời Phật nói.

Pháp thân bất biến nhưng tùy duyên ứng cơ mà hiện tướng làm lợi ích chúng sinh. Đây là 32 ứng hóa thân của Bồ-tát Quán Thế Âm, 48 lời nguyện của Đức Di Đà, thệ nguyện độ sinh của Bồ-tát Địa Tạng v.v… Đều do bi nguyện mà thành.

Đây là dụng của hàng Bồ-tát pháp thân. Địa càng cao, ứng hóa thân các rộng.     

Điểm đặc biệt ở đây là “Thị hiện làm các bậc tôn quý nhất trong các giai cấp xã hội” nhưng không có lòng luyến ái với giai cấp, địa vị mà mình đang có. Kinh Duy Ma nói: “Đến cảnh sắc và vô sắc mà không cho là thù thắng. Hiện làm hạng giàu có mà xem là vô thường, không có tham đắm. Hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sinh mình cũng như cầu đò v.v...”. Phu nhân Thắng Man trong mười Đại thệ nguyện cũng hiện rõ điều này: “Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, không vì mình mà nhận chứa tài vật. Phàm có thọ nhận, đều vì thành thục chúng sinh bần khổ”, hoặc “Thế Tôn! Con từ hôm nay cho đến khi chứng quả Bồ-đề, hành Tứ nhiếp pháp mà chẳng cầu báo đáp, dùng tâm không tham, không lợi, không nhàm đủ, không ngăn ngại mà nhiếp thọ chúng sinh”.

Do không nắm được lý “duy tâm sở hiện” mà Phật Tổ đã nói, nên có người cho rằng lợi ích của Phật pháp chỉ hạn cuộc trong việc tu hành, không mở rộng được như ở các đạo giáo khác. Đó là vì nghiệp thức của chư vị chỉ nhìn thấy được mặt nổi của vấn đề, không thấy được mặt sâu xa của sự việc. Tất cả đều có thể là hiện thân của Bồ-tát và Phật ở khắp tất cả chỗ. Các vua đời Trần thể hiện việc độ sinh mở rộng này một cách rõ ràng nên chúng ta có thể thấy được rõ ràng. Nhưng với những người mà hình thức của họ không mang tính đạo giáo như Hồ Chí Minh v.v… thì chúng ta không thể hình dung, nên không thấy được mặt lợi ích của việc tịnh tâm, thiền định, chứng lại pháp thân thường trụ, để có thể sử dụng mặt ứng hóa thân này rộng khắp.

Tóm lại, bất cứ ai vì lợi ích chúng sinh, giúp chúng sinh thoát khổ thành công, dù chỉ một giai đoạn v.v… đều là hóa thân của Phật và Bồ-tát đối với chúng sinh đó.

Tin kính kinh điển Đại thừa

Nếu nói: “Người cố chấp chín bộ kinh luận mà không chịu tin kinh điển Phương đẳng Đại thừa, cho rằng không phải Phật nói, vì trong kinh luận của họ không có nói đến, phải biết người này có tội, không phải là đệ tử của Phật. Nếu có người tin kinh điển Đại thừa, cho rằng vì độ chúng sinh nên Như Lai nói kinh điển Đại thừa. Người này chính là đệ tử của Phật”, là lời Phật nói.

Các bộ kinh thuộc hệ A-hàm, được chư vị cổ đức xếp vào cái gọi là kinh luận Nhị thừa. Các bộ kinh như Lăng-già, Lăng nghiêm, Hoa nghiêm v.v… là những bộ kinh nói đến Phật tánh, đến pháp giới Hoa nghiêm, được chư vị xếp vào cái gọi là kinh Đại thừa Phương quảng. Với chư vị, tất cả đều là kinh Phật nói; chỉ là tùy thời, tùy căn cơ của chúng sinh mà giả lập, cũng y đó mà ẩn hay hiện.

Người đời sau, có người quả quyết Phật chỉ nói 5 bộ kinh thuộc hệ A-hàm, còn lại không phải Phật nói. Người thì kinh Đại thừa cũng bác mà kinh Nhị thừa cũng chê, dù khoác áo Tăng-già.

Tôi có một nhân duyên khá tốt giúp tăng trưởng niềm kính tin đối với kinh điển Đại thừa.

Do nhân duyên đời quá khứ, tôi gặp được pháp Đại thừa đốn giáo do Hòa thượng Trúc Lâm giảng dạy qua những cuốn sách quay ronéo bán ngoài chợ trời, thông qua ông bạn đời của mình. Củng cố niềm tin nhiều hơn là nhờ vào những cảnh giới chứng. Trong việc tu tập, tuy gặp nhiều chướng duyên từ thân tâm, nhưng sau mỗi lần khổ nhọc, cố gắng, tôi lại được chứng nghiệm những cảnh giới đã nói trong kinh điển. Hiểu rõ những thứ mà trước khi có sự tu tập, tôi không hiểu được. Nên niềm tin đối với kinh điển Đại thừa được củng cố mạnh.

Thêm một tác nhân quan trọng nữa, đó là Sư Hưng. Nhân duyên tôi gặp Sư khá kỳ quặc.

Sư vào trại cải tạo chung với ông bạn đời của tôi. Ngày đó ông bạn tôi vượt biên, Sư thì vào vì phát biểu linh tinh. Hai ngày sau Sư báo với người bạn là Sư sắp ra khỏi trại, muốn gặp tôi. Sư được người cậu bảo lãnh ra thật, rồi thuê xe về thẳng nhà tôi, bắt tôi trả tiền xe và quỳ nhận Sư làm thầy. Tôi không thích nhưng vẫn phải quỳ xuống lạy Sư. Tôi không gặp Sư thường xuyên, vì Sư ở mãi Long Xuyên, Sa Đéc. Tôi không thích phong cách của Sư, vì Sư bắt tôi quăng con gái qua một bên khi nó đang khóc ngất, không một chút động lòng. Nhưng mỗi lần tôi có việc buồn, Sư đều xuất hiện rất đúng lúc. Sư là người đầu tiên nói với tôi “Bỏ tất cả, con sẽ được tất cả”.

Việc thứ hai khiến tôi không thích Sư nữa là Sư đụng đến phần ngã sở của tôi. Sư chê Sư ông Trúc Lâm là “Đi đâu, Phật tử cũng theo đông quá”. Có điều Sư lại khen Thầy: “Chưa bao giờ thấy ai có cái tướng hảo quang minh như Nhật Quang”. Có lẽ do một chút đó mà tôi còn dính tới Sư.

Chính Sư là người đã giải mã chỗ Tiểu thừa - Đại thừa này cho tôi, giải tỏa rõ ràng pháp Thiền đốn giáo mà tôi đang tu tập.            

Sư nói với tôi Sư thuộc hệ phái Tiểu thừa. Tôi cũng thấy Sư sống đời sống khất sĩ thời Phật. Đầu trần, chân đất, ngày ăn một bữa. Ngoài chiếc y quấn trên người, Sư không có gì nữa. Nay ngụ chỗ này, mai ngụ chỗ kia, không hề có tiền trong túi. Ngày đó tôi không biết cái gì là Tiểu thừa, Trung thừa hay Đại thừa. Chỉ do đang tu nửa chừng thì gặp một người bạn, nói đừng tu pháp đó nữa, pháp đó là của mấy ông bên Trung Hoa, không phải của Phật nói. Vì lời nói ấy, tôi mang ra hỏi Sư. Coi Sư có nhận định thế nào về lời nói của cô bạn.

- Thiền Đốn giáo có phải của Phật nói không Sư?

Sư không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:

- Con có nghe tích Phật truyền nửa tòa ngồi cho ngài Ca Diếp?

Tôi gật đầu. Sư trả lời:

- Ca Diếp là Tổ đầu tiên của thiền Đốn giáo. Truyền qua 33 vị.

Một câu trả lời đó đủ xác minh cho tôi thấy “Thiền đốn giáo” là một phần trong pháp Phật đã nói.

Sau này có ít định lực và trí tuệ rồi, tôi nhận ra tính nhất quán từ kinh tạng Tiểu thừa cho đến Nhất thừa. Tuy nhất quán mà vẫn không nhất quán. Không nhất quán mà nhất quán. Cái nhất quán là mặt bất biến của pháp. Cái không nhất quán là mặt tùy duyên của pháp. Trong Nhị thừa ngầm ẩn Đại thừa. Trong Đại thừa ngầm có Nhị thừa.

Phải nói, chỉ với hệ thống kinh luận của Nhị thừa, không đủ để giải mã những gì mà khoa học và triết học đang bế tắc. Chỉ một vòng mắt xích Thập nhị nhân duyên, nếu không có phần Duy thức học thì không giải mã được tính hợp lý của chuỗi nhân quả đó. Vì thế, chối bỏ kinh điển Đại thừa chỉ khiến Phật pháp trở nên yếu kém trước những bước tiến vượt bực của thời đại. Đúng là có tội với chư Phật.

Thứ mà tôi thích nhất được nói trong các kinh điển Đại thừa, là dù tu pháp Đại thừa chăng nữa thì rốt cuộc “Đại thừa là không chấp vào Đại thừa, cho đó là nhất, là thật, mới là Đại thừa”. Rất bình đẳng, không thiên lệch pháp mình, pháp người. Tất cả đều phải xả bỏ để trở về chỗ vô trụ. Nó không mang tính thiên lệch cố chấp cho pháp mình tu mới là nhất, là của Phật nói. Mọi thứ nếu có chỉ là pháp đối trị. Như có bệnh thì cho thuốc, không bệnh thuốc không dùng. Tu Đại thừa mà phải dùng pháp Tiểu thừa mới trị được bệnh thì dùng pháp Tiểu thừa v.v... Tôi thích tính bình đẳng ấy của Đại thừa. Tất cả pháp đều là Phật pháp, khi chúng ta biết sử dụng pháp đúng duyên.

Đức tướng của Như Lai

Nếu nói: “Như Lai không phải là kết quả của vô lượng công đức, là vô thượng biến đổi, do chứng pháp không nên tuyên nói lý vô ngã, chẳng thuận với thế gian”, là lời của ma. Tin lời này là quyến thuộc của ma.

Nếu nói: “Như Lai là bực Đẳng chánh giác không thể nghĩ bàn, là kết quả của vô lượng công đức, là thường trụ không biến đổi”, là lời Phật nói.

Như Lai là pháp thân thường trụ, không do tạo tác mà thành, nên không do tu hành mà được. Nhưng nếu không tu hành, không có thánh hạnh thì không thể bối trần hợp giác mà ngộ nhập lại tri kiến Như Lai trong mỗi chúng sinh, nên Như Lai tuy là thường trụ mà vẫn là kết quả của vô lượng tướng công đức.

Hành giả tu hành, nếu không có sẵn Phật tánh thì tu hành vô lượng kiếp cũng chẳng thành Phật, như sâu có gốc là bướm thì đủ duyên mới hóa bướm được. Nếu có sẵn Phật tánh mà không chịu khó thanh lọc nhiễm ô có từ thời vô thủy thì Phật tánh dù có, cũng không thể hiển cái dụng nhiệm mầu của nó. Cho nên, tuy biết mình có sẵn Phật tánh, dù ở phàm không giảm, ở thánh không tăng, nhưng không vì thế mà không tu, không hành thánh hạnh. Kinh Niết-bàn tập I, phẩm Tài chánh nói: “Tôi đã thành Phật vì tôi có Phật tánh. Người nói lời này phạm tội Ba-la-di. Vì dầu có Phật tánh, nhưng chưa tu tập các pháp lành, nên chưa được thấy. Vì chưa thấy Phật tánh, nên chẳng thể thành Phật”.     

Giới là của Phật chế

Nếu nói: “Không có bốn trọng tội, mười ba tội Tăng tàn, hai tội bất định v.v… Nếu có Tỳ-kheo phạm các tội trên đây mà đọa địa ngục thì hàng ngoại đạo lẽ ra đều sinh lên cõi trời, vì ngoại đạo không thọ giới, nên không có giới để phạm. Đó là Như Lai muốn khủng bố người nên nói các điều giới ấy. Nói bị đọa vào địa ngục cũng là khủng bố người. Đây là các nhà luật sư vọng nói mà cho là lời Phật chế. Kỳ thật không phải do Phật chế…”, là lời ma nói.

Nếu nói: “Chẳng nên thân cận người phủ nhận nhân quả. Chánh pháp của Phật trong sạch như vậy, sao phạm vào Du-lan-giá hoặc Tăng-tàn hoặc Ba-la-di mà chẳng phải là tội? Thế nên phải tự giữ gìn những giới pháp như vậy. Nếu không giữ gìn thì lấy gì gọi là cấm giới? Trong các kinh Như Lai đã nói, nếu phạm giới thời phải theo luật mà trị. Dù tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nhưng phải do nơi trì giới rồi sau mới được thấy. Do thấy Phật tánh mà được thành Vô thượng chánh giác. Nếu không trì giới sao có thể thấy được Phật tánh?”, là lời Phật nói.

Khi Như Lai sắp nhập Niết-bàn, A Nan thưa sau này chúng sinh sẽ y chỉ ai làm thầy? Như Lai nói lấy giới làm thầy. Thì hiểu giữ giới quan trọng thế nào.

Giới là một trong ba vô lậu học Giới - Định - Tuệ. Không phải khi nào có giới là lập tức có định, nhưng nó là điều kiện tiên quyết có thể làm phát sinh định. Vì thế muốn có định tuệ thì phải giữ giới nghiêm cẩn.

Chúng sinh có sẵn Phật tánh nhưng không thể nhận ra, cũng không dùng được tướng và dụng của nó như chư Phật, vì bị lực của dòng tập nghiệp lôi kéo. Như biển nổi sóng, cứ theo sóng mà quên mất tánh ướt của biển. Muốn dừng được lực ấy, hành giả phải có sức định. Muốn có sức định thì phải giữ giới nghiêm túc. Giữ giới nghĩa là giữ không cho những chủng tử trong tạng thức hiện hành tương tục trong tâm. Do duyên ấy mà dừng được dòng nghiệp lực. Phật tánh có điều kiện hiển bày. 

Hỏi: Vậy sao Tuệ Trung thượng sĩ lại nói “Giữ giới cùng nhẫn nhục/Chiêu tội chẳng chiêu phước?”7

Đáp: Vì Trần Nhân Tông không có giới để phạm. Nếu chấp vào giới thì không thể nhập được chỗ vô trụ. Nên Tuệ Trung thượng sĩ nói giữ giới cùng nhẫn nhục là chiêu tội. Đó là tùy cơ mà có pháp. Nó có tác dụng “nhổ đinh, tháo chốt” cho những ai đang bị kẹt. Một trong những phương pháp khai thị đặc thù của Thiền tông. Cho nên, dạy xong Tuệ Trung thượng sĩ dặn “Không nói cho người không ra gì biết”. “Người không ra gì” là người mà giới và nhẫn vẫn cần để đối trị các tật xấu của thân tâm.

Lý Trung đạo

Nếu nói: “Ngã thường còn. Ngã đoạn diệt”, là lời ma nói.

Nếu nói: “Như Lai không nói ngã thường còn, không nói ngã đoạn diệt. Như Lai có khi nói có ngã, có khi nói không ngã. Đây gọi là Trung đạo”, là lời Phật nói.

Trung đạo là yếu lý được nói trong các bộ kinh Đại thừa. Vì nó là con đường giúp hành giả chứng nhập lại Phật tánh của mình. Hàng Nhị thừa, muốn được trạng thái vô ngã cũng phải phá bỏ phần nhị biên phân biệt thô, nhưng những cặp phân biệt tế như đạo và tục, Niết-bàn và sinh tử vẫn còn. Đó là do chư vị chưa nhận ra được tánh thể bình đẳng của vạn pháp để có thể thấy đạo hay tục, Niết-bàn hay sinh tử chỉ như hai mặt của một bàn tay.

Tánh của tất cả pháp vốn không, duyên khởi mà thành có tướng. Nhị biên phân biệt chính là phần duyên khởi của lý tánh không ấy. Y đó mà Như Lai lập pháp. Đối trị với tục mà nói đạo. Đối trị với sinh tử mà nói Niết-bàn. Đối trị ngã tướng của phàm phu mà nói vô ngã. Đối trị vô ngã của Nhị thừa mà nói có ngã. Nếu không có sinh tử thì Như Lai không nói Niết-bàn, không có ngã của phàm phu thì Như Lai không nói vô ngã của Nhị thừa, không có vô ngã của Nhị thừa thì Như Lai không nói ngã của Thượng thừa. Nghĩa là, do đối trị với tâm bệnh của chúng sinh mà Như Lai có pháp tương ưng. Pháp ấy tương ưng với từng trạng thái tâm thức của chúng sinh. Do đối trị nên pháp Như Lai nói là pháp tùy duyên, như tùy bệnh mà cho thuốc. Pháp tùy duyên nên tùy duyên mà lập, không mang tính cố định. Đó là lý do nói “Như Lai có khi nói ngã, có khi nói vô ngã…”. Cái có thể cố định là “không”, không có hình tướng, không thuộc về ngã hay vô ngã, Niết-bàn hay sinh tử v.v… nhưng không lìa các thứ đó. Những hình tướng đối nghịch của pháp chỉ là mặt duyên khởi của pháp, biểu hiện cho tánh thể “không” này.

Tánh thể “không” này không phải có, vì nó vô tướng, không phải là đối tượng sở biết của một cái năng biết. Không phải không, vì đủ duyên thì vạn pháp y đó hiện tướng thông qua luật nhân quả. Đây là chỗ khác nhau giữa cái “không” mà Phật giáo đã nói với cái không mà ngoại đạo thấy. Tánh thể “không” này chính là cái nhân Phật tánh có sẵn trong mỗi chúng sinh. Do mê mà chúng ta không nhận được nó.

Lý Trung đạo còn được thể hiện qua các đoạn kinh sau:

“Như Lai không nói phải luôn đứng co một chân mà dạy theo đúng Chánh pháp, tùy ý đi, đứng, nằm, ngồi”. Pháp Như Lai dạy không bị ràng buộc trong một hình tướng cố định nào. Nó mang tính tùy duyên mà bất biến. Cái bất biến ở đây là tinh thần mà Như Lai muốn nói. “Theo đúng Chánh pháp” là bất biến. “Đi, đứng, nằm, ngồi” là tướng tùy duyên.

“Như Lai chẳng bảo phải tuyệt thực hay uống độc dược, hoặc năm thứ nóng đốt thân, trói cột chân tay, giết hại chúng sinh, luyện bàng môn chú thuật, dùng ngà voi châu ngọc làm dép da”. Khi Như Lai dạy một việc mang tính khẳng định thì biết đó là do đối trị. Nói đối trị thì pháp chỉ có giá trị trong duyên. Đây là đối trị pháp tu sai lầm của ngoại đạo, đối trị tâm tham đắm của Phật tử.

“Như Lai nói tứ đại không có thọ mạng, cỏ cây không có thọ mạng…”. Vì lý thật của các pháp vốn vậy. Sắc thân hay sắc chất nếu lìa nghiệp thức thì không có thọ mạng.

Do đối trị bệnh của chúng sinh mà chúng ta thấy có khi Phật nói thế này, có khi Phật nói thế kia, nhưng tất cả không ra ngoài lý đạo, quan trọng là đúng duyên. Nếu chúng ta dùng pháp trái với lý đạo, lại không đúng duyên thì đó là ma nói, không phải Phật nói.

Như trong tất cả kinh điển, từ kinh điển Nguyên thủy cho đến kinh điển Đại thừa, đều nói đến địa ngục. Trong luận Đại trí độ tập I, tiền thân của Văn Thù Sư Lợi từng đọa địa ngục vô lượng kiếp, chỉ vì không hiểu được lý Trung đạo mà một đạo nhân đã nói nên hủy báng nó. Nghĩa là, với nghiệp thức của chúng sinh và cái nhìn của thánh nhân, địa ngục không phải không, khi nó đã có nhân và đủ duyên. Bát-nhã nói “không…”, Lăng-già nói “phi…”, không phải là bác không địa ngục, mà muốn nhấn mạnh đến mặt tánh thể của vạn pháp. Tánh không ấy thể hiện ra tướng duyên khởi như sau:

- Nếu gieo cái nhân địa ngục thì khi đủ duyên, địa ngục hiện tiền. Trong trường hợp này địa ngục là có.

- Nếu không gieo cái nhân địa ngục thì dù đủ duyên bao nhiêu, cũng không xuất hiện cảnh giới địa ngục. Trong trường hợp này, địa ngục là không.

Như vậy địa ngục có hay không là tùy người tạo tác. Nó là pháp nhân duyên, không mang tính cố định để có thể khẳng định địa ngục là có hay là không.  

- Địa ngục, dù trong cái duyên là có thì bản chất nó vẫn không (không tánh). Nó là pháp lệ thuộc vào duyên tạo tác của chúng sinh, không phải là một cõi giới cố định không thể thay đổi. Nếu thành tâm sám hối và tu hành, có thể chuyển chủng nhân bất thiện thành chủng nhân thiện thì cảnh giới địa ngục tan hoại (với loại nghiệp bất định). 

Nếu nói pháp cho đại chúng phổ trà, là những người còn đầy tham dục và sân giận mà khẳng định không có địa ngục, là rơi vào chấp không. Kinh Lăng-già tâm ấn nói: “Thà chấp có bằng núi Tu-di còn hơn chấp không bằng hạt cải”. Chấp không thì vừa không khế lý vừa không khế cơ. Đó là ma nói không phải là lời của Phật và Bồ-tát nói.

Không thân cận, cung kính, cúng dường cho Sa-môn không có đạo hạnh     

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo phạm tội Du-lan-giá, thời không nên thân cận. Những gì gọi là tội Du-lan-giá? Có Tỳ-kheo thấy cọng chỉ trong xâu hoa, không hỏi xin mà lấy, là mắc tội Du-lan-giá. Nếu vì tâm tham mà phá hoại tháp Phật thời phạm tội Du-lan-giá. Phật tử vì muốn tu bổ cúng dường xá-lợi v.v…, mới mang châu báu tiền bạc gởi các Tỳ-kheo. Tỳ-kheo nhận rồi, bèn tự ý thọ dụng, đây là hạng bất tịnh, sinh nhiều đấu tranh. Cư sĩ tốt, không nên gần gũi cúng dường”, là lời Phật nói.

Nếu nói: “Nếu có Tỳ-kheo vì cầu lợi, rồi làm nhiều cách dua nịnh dối trá, tuy giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng nhưng chỉ với mục đích cầu lợi, khiến người đời tưởng mình là bực tốt nhất đã chứng quả thánh, là bậc phước điền lớn. Tỳ-kheo này nhiều ngu si. Nếu có Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni nào làm như vậy thì mắc tội đại vọng ngữ…”, là lời Phật nói.     

Tăng bảo là bậc thay thế Phật Tổ truyền dạy pháp trừ bỏ tham-sân-si cho người đời, là bậc mô phạm của chúng sinh, vì thế mới gọi là Tăng bảo. Đó cũng là lý do để chúng sinh phải thân cận, tôn kính và cúng dường.

Gọi là Tăng bảo, thì không thể chỉ có danh mà không có chất. Nếu chỉ có danh mà không chất thì không phải là “bảo” mà là “dõm”. Vì thế không thể chỉ có danh mà đồng thời phải có chất, mới được gọi là Tăng bảo. Ở đây, Phật dạy phải thân cận, cung kính, cúng dường Tăng bảo. Không phải là Tăng bảo thì không nên thân cận, cúng dường. Không nói “không cung kính”, vì đối với tất cả chúng sinh, Phật tử nên học theo hạnh của Bồ-tát Thường Bất Khinh để giữ tâm mình.        

Trong kinh Tâm địa quán báo tứ ân, Phật phân Tăng bảo thành ba hạng vị:

1) Bồ-tát Tăng, như Văn Thù Sư Lợi và Di Lặc…

2) Thanh văn Tăng, như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên…

3) Phàm phu Tăng, là những vị đã thành tựu biệt giải thoát giới, là chân thiện phàm phu, đầy đủ chánh kiến, hay vì người khác diễn thuyết, khai thị các pháp thánh đạo làm lợi lạc cho chúng hữu tình, gọi là phàm phu Tăng.

Ba hạng trên gọi là Chân thật phúc điền Tăng.

Cũng nói: “Lại có một hạng gọi là Phúc điền Tăng, là đối với xá-lợi Phật và hình tượng Phật cùng các pháp chế giới của Tăng thánh, sinh lòng kính tin sâu đậm, tự mình không có tà kiến, khiến người cũng được như vậy. Hay diễn nói Chánh pháp, tán thán Nhất thừa, tin sâu nhân quả, thường phát thiện nguyện, tùy chỗ phạm lỗi của mình mà sám trừ nghiệp chướng. Phải biết lực tin Tam bảo của người này hơn hẳn các ngoại đạo trăm ngàn vạn lần, cũng hơn bốn loại Chuyển Luân Thánh Vương, huống là các loại chúng sinh khác. Như hoa uất kim, dù héo úa vẫn đẹp hơn loài hoa dại. Tỳ-kheo chánh kiến cũng như vậy, vẫn hơn chúng sinh trăm ngàn vạn ức, dù hủy cấm giới cũng không hoại chánh kiến. Do nhân duyên này mà gọi là Phúc điền Tăng”.

Như vậy tiêu chuẩn thấp nhất mà Tăng bảo cần có để chúng sinh có thể y đó thân cận, cung kính, cúng dường là phải có giới luật, có chánh kiến, thường phát thiện nguyện, tin sâu nhân quả, nếu có lỗi thì phải phát lồ sám hối, không bẻ quẹo kinh luận theo chỗ hiểu biết cũng như phạm giới của mình. Ngoài ra thì không nên thân cận và cúng dường.

Kinh Đại bát Niết-bàn I, phẩm Tứ y cũng dạy rõ: “Này Ca Diếp! Trong chư Tăng, có chân thật Tăng, có giả danh Tăng, có trì giới Tăng, có phá giới Tăng. Trong Đại chúng ấy, phải bình đẳng cúng dường, cung kính, lễ bái. Vì với mắt thịt, hàng cư sĩ không thể phân biệt được vị nào trì giới, vị nào phá giới, ai là chân thật Tăng, ai là giả danh Tăng... Này Ca Diếp! Nếu đã biết rõ đó là Tỳ-kheo phá giới, thời chẳng nên cung kính cúng dường. Nếu trong chư Tăng có người phá giới, chẳng nên vì đắp ca-sa mà cung kính lễ bái”.

Phép tắc hàng Sa-môn 

Nếu nói: “Trong Phật pháp, phép tắc của hàng Sa-môn là phải sinh lòng từ bi lợi ích chúng sinh, cho đến loài trùng kiến cũng phải ban sự vô úy. Xa lìa uống rượu cho đến ngửi mùi. Không được vọng ngữ cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến sự vọng ngữ. Không sinh lòng dục cho đến trong giấc mộng cũng không nghĩ đến lòng dục”, là lời Phật nói.

Đã nói là phép tắc của Sa-môn, nên nếu không có những phép tắc đó đi kèm thì không gọi là Sa-môn, là Tăng bảo của Phật. Phép tắc đó là gì?

- Phải có lòng từ với chúng sinh. Không nên vì việc ăn uống, ngủ nghỉ v.v… của bản thân mà giết hại chúng sinh dù chỉ là những con vật nhỏ như kiến v.v… Không theo phép tắc này thì không phải là Tăng bảo.

- Không uống bia, uống rượu, dùng các chất gây nghiện v.v… Vì các chất đó ngoài việc không lợi ích cho bản thân và chúng sinh, nó còn là tác nhân đưa đến quả xấu trong tương lai. Như uống rượu, sẽ bị quả báo là sinh vào nhà tà kiến, khiến bản thân không thoát được tà kiến. Tà kiến là đầu mối của mọi tệ hại ở thế gian này. Luận Đại trí độ tập I có kể câu chuyện nói về việc này.

- Không sinh lòng dục. Với loại dục thuộc ái thì không sinh lòng dục với người khác giới cũng như người cùng giới. Thành đã là Tăng bảo thì không thể có vợ con. Đang có vợ con thì lúc đó không thể gọi là Tăng bảo.

Đây nói “không sinh lòng dục”, nghĩa là không chạy theo những dục niệm đang dấy khởi trong lòng. Vì một khi đã có nhân duyên với chúng sinh trong quá khứ thì việc sinh khởi dục tâm khó tránh khỏi. Nhưng sinh khởi mà đình chỉ sự sinh khởi ấy khác với việc buông trôi theo nó. Đây nói “không sinh lòng dục” là đình chỉ dục tâm khi nó đủ duyên sinh khởi. Kinh nói: “Tỳ-kheo chiêm bao hành dâm dục có phạm giới chăng? Không phạm giới. Nếu chiêm bao hành dâm, lúc thức dậy phải hổ thẹn ăn năn, nếu móng lòng dâm dục phải kịp trừ bỏ”.

Cũng nói: “Tỳ-kheo đi khất thực, lúc nhận cúng dường, phải có ý tưởng như ăn thịt con đẻ trong thời kỳ đói kém”. Thì biết lòng dục nói đây còn chỉ cho ngũ dục. Là Tăng bảo thì sẽ làm chủ được các loại dục này. Chưa được thì sẽ được. Được rồi thì không sinh khởi.

- Không được vọng ngữ. Những gì nói quá sự thật, gọi là vọng ngữ. Loại vọng ngữ này có hai: Một là do lầm lẫn mà thành vọng ngữ. Hai là do chủ ý lừa gạt mà sinh vọng ngữ. Phạm vi phần này nói về loại thứ hai. Tuy vậy, việc nói quá sự thật này chỉ trở thành lỗi khi nó được thực hiện với mục đích danh lợi. Như kinh nói: “Có Tỳ-kheo vì cầu lợi, vì việc ăn uống… mà có những cách gian trá, khiến người đời tưởng ta là bậc khất sĩ. Tỳ-kheo này nhiều ngu si, tự biết mình chưa chứng bốn quả thánh nhưng luôn nghĩ cách để mọi người nghĩ ta đã chứng thánh. Tỳ-kheo này vì cầu lợi không vì cầu pháp mà nghĩ tưởng phải đi đứng đoan nghiêm, chấp trì y bát, giữ đúng oai nghi, ở riêng nơi yên vắng như La-hán, khiến người đời lầm lẫn…”. Chỉ vì lợi lộc của bản thân mà vọng ngữ nên thành lỗi mà Như Lai nói “Không được vọng ngữ”. Nếu việc vọng ngữ này nhằm mục đích “hướng chúng sinh vào đạo, có thể khiến các Tỳ-kheo và cư sĩ phá giới trở thành người giữ giới, Chánh pháp được kiến lập, pháp vô thượng của Như Lai thành rạng rỡ, khai hiển Phương đẳng Đại thừa, độ thoát vô lượng chúng sinh, khéo hiểu nghĩa khinh trọng trong kinh luật mà Như Lai đã nói v.v…” thì Như Lai không cấm và gọi đó là Bồ-tát. Tuy vậy, những vị được gọi là Bồ-tát đây ắt không cần, cũng không thích dối trá hay vọng ngữ. Mình thế nào hiện y thế ấy. Chỉ là tùy chúng sinh nghĩ tưởng mà thôi.

Một dạng vọng ngữ nữa là, dù đọc tụng giải thuyết Đại thừa, cũng nói tin nhận Đại thừa, nói tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, nói phá kiết sử liền đặng thấy Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, nhưng tâm lại chẳng tin những lời mình nói. Chỉ vì lợi dưỡng mà nói theo văn kinh. Hạng này Phật gọi là người ác. Hạng ác này Phật nói “không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.

Việc không thọ quả báo liền này, kinh Đại-bát Niết-bàn, phẩm Sư tử hống nói có hai hạng:

1- Hạng có nghiệp bất định làm thành quả báo quyết định, quả báo hiện đời làm thành quả báo đời kế, quả báo nhẹ làm thành quả báo nặng, đáng nhẽ thọ báo trong loài người lại thọ báo trong địa ngục.

2- Hạng người với định nghiệp làm thành bất định nghiệp, đáng nhẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng thọ báo địa ngục lại thọ báo nhẹ trong loài người.

Hai hạng đó, hạng thứ nhất chỉ cho người ngu, hạng thứ hai chỉ cho kẻ trí. Kẻ trí biến nghiệp nặng thành nghiệp nhẹ. Người ngu biến nghiệp nhẹ thành nghiệp nặng. Một trong những thứ làm thành nặng và nhẹ đó là người trí sẽ nhận được quả báo tức thì, còn người ngu thì dời quả báo sang các đời sau. Do cái “tức thì” đó mà nhận ra mặt nhân quả ở thế gian rõ ràng, thêm tin sâu nhân quả, rút kinh nghiệm tránh được các lầm lẫn. Vì thế, với hạng người ác, Phật nói “không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”, là phải chờ đủ duyên của nó vào những kiếp sau mới thọ ác quả.       

Một hạng người ác không bị thọ quả báo tức thì nữa là chư vị Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề.

Nhất-xiển-đề có hai loại. Một là kẻ không tin. Không tin Phật pháp, không tin mình có Phật tánh, đoạn tuyệt hết mọi thiện căn. Hai là Bồ-tát đại bi đã viên mãn, nhưng chưa chịu thành Phật, vì còn muốn trải dài sinh tử độ sinh1. Nhất-xiển-đề nói đây thuộc loại thứ nhất. Không tin mình có Phật tánh, phỉ báng kinh điển Đại thừa, đoạn tuyệt dòng giống Phật. Kinh nói: “Có kẻ Nhất-xiển-đề làm dạng A-la-hán, chê bai kinh điển Đại thừa. Người phàm phu thấy đó đều cho thật là A-la-hán, là Đại Bồ-tát. Bọn ác Tỳ-kheo Nhất-xiển-đề này ở nơi A-lan-nhã phá hoại pháp A-lan-nhã, thấy người khác được lợi, sinh lòng ganh ghét, cho kinh điển Đại thừa là lời của Thiên ma Ba Tuần, chẳng phải là lời lành, lời thuận. Họ nói Như Lai là pháp vô thường. Họ hủy diệt Chánh pháp, phá hoại chúng Tăng. Hạng này làm ác nhưng không thọ quả báo liền, như sữa thành lạc”.     

Trên ghi lại những lời Phật thuyết trong kinh Đại bát Niết-bàn, để phân biệt lời Phật nói, lời ma nói. Việc đó cho thấy vào thời mạt pháp, trong Tăng đoàn không phải chỉ thuần là Tăng bảo. Đối với người đã có phước báu từ kiếp trước, hoặc đã sẵn có chút trí tuệ thì không khó để phân biệt thế nào là Tăng bảo và Pháp bảo. Cái khó là đối với người phước thiếu, trí không. Tuy vậy, chúng ta vẫn có thể tránh được đại nạn này, là nương vào lời nguyện.

Lời nguyện có thể giúp tránh được ma pháp

Trong kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Thiên tử Mã Huyết hỏi về bát chánh, kinh số 2, sau khi dạy về việc thọ Bát quan trai, Phật có dạy đại chúng phát nguyện, cũng nói về tầm quan trọng của phát nguyện. Nguyện ấy như vầy: “Nay con do pháp Bát quan trai này, không rơi vào ba đường dữ, không rơi vào bát nạn, không ở biên địa, không rơi vào chỗ hung ác, không theo ác tri thức, thờ phụng cha mẹ, không tu tập tà kiến, sinh vào trung tâm quốc gia nghe pháp lành này. Phân biệt suy nghĩ thành tựu từng pháp. Đem công đức giữ gìn trai pháp này nhiếp thủ điều lành cho tất cả chúng sinh. Đem công đức này bố thí cho người, khiến cho tất cả cùng thành tựu đạo quả Bồ-đề vô thượng. Cũng đem phước báu thệ nguyện này bố thí cho hàng Tam thừa, khiến không thối chuyển nửa chừng”. Câu “không theo ác tri thức” sẽ giúp mình gặp được Tăng bảo. Nếu có gặp ác tri thức, qua đến mình cũng thành Pháp bảo. Vì thế làm bất cứ thiện nghiệp nào cũng nên phát lời nguyện gặp được minh sư, Chánh pháp, chỉ thân cận các bậc thiện tri thức để tránh các nạn trong thời mạt pháp.    

Chân Hiền Tâm

_________________

 (1) Khi thì bảo “phải giữ giới và tu nhẫn nhục” (kinh luận), lúc lại bảo “giữ giới cùng nhẫn nhục, chiêu tội chẳng chiêu phước”. (Lời của Tuệ Trung thượng sĩ dạy Trần Nhân Tông).

(2) Kinh Pháp hoa.

(3) Sử 33 vị Tổ Ấn Hoa - Phẩm Ưu-ba-cúc-đa. “Sau khi qui y Tam bảo xong, Tổ bảo ma: “Xưa ngươi từng thấy Như Lai. Giờ hiện thử ta xem”. Ma nói: “Hiện việc xưa không khó. Chỉ xin Tôn giả trong thấy đừng lễ”. Ma liền vào rừng ẩn mất. Chốc, lại thấy Phật từ mé rừng đi ra, oai nghi nghiêm chỉnh, theo sau là 1.250 vị Tỳ-kheo. Ngài trông thấy bất giác cúi mình đảnh lễ. Ma hoảng kinh biến mất”.   

(4) Tất cả những trích dẫn sau, nếu không có phần ghi chú xuất xứ, đều được trích từ kinh Đại-bát Niết-bàn tập I - phẩm Tài chánh.  

(5) Lăng-già tâm ấn - Thiền sư Hàm Thị trực giải, HT.Thanh Từ dịch và chú. 

(6) Lăng-già tâm ấn - Hàm Thị trực giải, HT.Thanh Từ dịch và chú. 

(7) Tuệ Trung thượng sĩ ngữ lục. HT.Thanh Từ.

(1)  Tự điển Phật học Hán Việt, chủ biên Kim Cương Tử, Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội.