Quả báo tội phá thai


GN - Hiện các quốc gia và cộng đồng trên thế giới có nhiều quan niệm khác nhau về phá thai. Dù khác biệt nhau nhưng đa phần nhân loại đều nghiêng về quan niệm phá thai là tội lỗi, thậm chí là tội ác.

Phật giáo cũng vậy, không chấp nhận việc ác này bởi thai nhi là một sinh mạng, một con người. Không phải đợi đến khi đủ tháng ngày ra khỏi lòng mẹ mới là người mà ngay khi còn trứng nước, lúc tinh cha-huyết mẹ-thần thức giao hội đã là người.


"Mẹ đừng bỏ con" - Ảnh minh họa

Cốt tủy giới cấm không sát sinh của Phật giáo là không giết người với mọi hình thức. Theo Phật giáo, phá thai là phạm tội sát sinh (trừ một vài trường hợp đặc biệt theo quan điểm y khoa là bất khả kháng có thể gia giảm, xét lại về mức độ tội). Còn lại những người có liên quan đến quyết định và tham gia phá thai đều phạm tội sát sinh. Kể cả một số người không xem hành vi đó là tội ác đi nữa cũng bị nghiệp báo nặng nề tác động, ảnh hưởng không ít đến cuộc sống trong hiện tại và cả vị lai.

“Một thời, Phật ở tại thành Vương xá... cho đến giữa đường thấy một chúng sanh thân to lớn không da, giống như một đống thịt đi giữa hư không... cho đến Phật bảo các Tỳ-kheo:

- Chúng sanh này thời quá khứ, ở tại thành Vương xá này, tự phá thai. Vì tội này nên đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ. Vì dư báo này nên vị ấy phải chịu cái thân như vậy, tiếp tục chịu đau khổ.

- Này các Tỳ-kheo, như những gì Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đã thấy, là như thật không khác. Các ông cần nên ghi nhớ.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.

(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 512)

Các báo cáo thống kê cho biết tỷ lệ phá thai ở xứ ta khá cao so với khu vực và thế giới. Điều đó cho thấy việc bất thiện này đang xảy ra xung quanh ta. Vậy, Phật giáo có thể đóng góp được gì thiết thực cho vấn nạn này? Cầu siêu ư, rất tốt cho vong linh, an ủi phần nào cho tâm lý của những người trong cuộc. Nhưng đó chỉ là phần ngọn, thiên về giải quyết hậu quả.

Giáo dục đạo đức vốn rất cần cho mọi người, nhất là trẻ vị thành niên khi chưa định hình đầy đủ về nhân cách và các chuẩn mực đạo đức. Xem ra Phật giáo mới đạt được một phần khi dạy về năm nhân cách đạo đức của người Phật tử (năm giới). Giáo dục về giới tính, sức khỏe và sinh sản tuy là chức năng của học đường thế tục nhưng Phật giáo vẫn có thể tham gia, ít nhất là trong các cộng đồng Phật tử.

Thiết nghĩ không nên tránh né, hay kiêng kỵ khi nói về vấn đề giới tính hay tính dục hoặc phá thai trong các môi trường tuổi trẻ Phật giáo. Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhờ sự kết hợp giáo dục đạo đức, tâm lý, giới tính, các kiến thức về sức khỏe và sinh sản nói chung nên đã hạn chế tối đa việc mang thai ngoài ý muốn, và nhờ đó tội lỗi cùng những hệ lụy do phá thai được giảm thiểu.

Nếu không vận dụng tuệ giác để tạo ra nhân thiện lành, chờ đến khi quả xấu trổ rồi mới loay hoay giải quyết thì chỉ tạo thêm ác nghiệp. Quả báo “đọa vào địa ngục trải qua trăm ngàn năm, chịu vô lượng khổ” rồi đến khi trả hết nghiệp địa ngục thì làm “một chúng sanh thân to lớn không da, giống như một đống thịt đi giữa hư không” của tội phá thai thật đáng để suy ngẫm cho sự thiếu hiểu biết và các hành vi buông thả, phóng dật.