Sứ Giả Như Lai Trong Thời Đại Mới


         Ngày nay, nước ta đang trên đà hội nhập và phát triển toàn diện. Mục tiêu chung của sự phát triển là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, qua đó đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Tuy nhiên, theo quy luật khách quan, việc phát triển vật chất phải tương dung với tinh thần thì quá trình phát triển đó mới phù hợp với quy luật và bền vững. Nhưng trong đời sống xã hội hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân đang chạy theo lối sống vật chất, thực dụng, họ lấy vật chất làm thước đo cho sự văn minh, tiến bộ. Những hệ lụy của lối sống thực dụng đó là: sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; sự yếu kém về ý thức cộng đồng; sự mai một về văn hóa, đạo đức trong gia đình, dòng tộc; đề cao bản ngã cá nhân, sống ích kỷ, hẹp hòi...
         Đứng trước sự nhận thức lệch lạc của một bộ phận người dân, thì trách nhiệm của Phật giáo là làm sao để quân bình được đạo lý sống, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam xây dựng nền đạo đức xã hội tốt đẹp, hài hòa, đoàn kết, vị tha, nhân ái, nhân bản.
        Phật giáo Việt Nam có truyền thống vẻ vang, cốt cách sáng ngời và lịch sử lâu đời. Phật giáo gắn bó với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một. Với Phật giáo Việt Nam hiện nay, để xây dựng một Tăng đoàn ngày càng vững mạnh, một Giáo hội ngày càng trang nghiêm, có khả năng chuyển tải giáo lý từ bi - trí tuệ, vô ngã - vị tha đến với quần chúng, nhân dân thiết thực, hiệu quả hơn thì mỗi thành viên của Tăng đoàn phải dung thông những phẩm chất cần và đủ để xứng đáng với danh hiệu là “Sứ Giả Như Lai”. Bởi, sức mạnh của tổ chức luôn phụ thuộc vào phẩm chất của các thành viên; không thể có một Tăng đoàn Phật giáo vững mạnh khi các thành viên không hội đủ những phẩm chất căn bản của một người xuất gia. Thiết nghĩ, phẩm chất của Tăng – Ni đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp hoằng hóa, độ sinh ngày nay.
        Trong bối cảnh xã hội hiện nay, với sự tiện lợi của ngành công nghệ thông tin, người dân có thể tìm hiểu, nghiên cứu và học hỏi Phật pháp qua sách vở, hệ thống internet, website, facebook, Zalo, TikTok, Youtube, v.v… một cách dễ dàng. Với nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư, việc hoằng pháp cũng đa phương tiện và thiện xảo hơn. Nhà hoằng pháp có thể chuyển tải giáo lý của đức Phật từ tỉnh này đến tỉnh khác, quốc gia này sang quốc gia khác một cáchdễ dàng, nhanh chóng; phương tiện di chuyển của sứ giả Như Lai cũng thần thông hơn, như: ô tô, tàu điện, máy bay... và có thể sáng thuyết pháp ở quốc gia này, chiều thuyết pháp ở quốc gia khác... Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì vẫn tồn tại những mặt trái. Văn minh thuận lợi chừng nào thì con người dễ dẫn đến tình trạng dải đãi chừng đó; tình trạng học chưa đi đôi với hành,“lý thuyết suông” khá phổ biến; tình trạng công kích, đả phá, khen thầy của mình, pháp môn của mình, chê bai, công kích, hạ thấp pháp môn của người khác trên không gian mạng diễn ra nhiều; tình trạng vay mượn, lồng ghép giáo lý đạo Phật vào tôn giáo, pháp môn tu khác để trục lợi đang diễn ra phức tạp; tình trạng loạn thông tin, quá tải tài liệu, kinh sách không biết đâu là đúng, là sai... Những điều này đang âm thầm hủy hoại Chánh pháp, gây chia rẽ Tăng đoàn, ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp của đạo Phật và Giáo hội... Để giải quyết thấu đáo vấn đề trên cần có sự vào cuộc của Giáo hội và các ban, bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên với vai trò là sứ giả của Như Lai, đòi hỏi mỗi tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam những người là trụ cột của Chánh Pháp, người đại diện cho Tăng già, thay Phật làm việc Phật “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bản hoài, tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” phải trau rồi giới hạnh tinh nghiêm; thân giáo, khẩu giáo, ý giáo thực hành, thanh tịnh như pháp.
         Xã hội ngày nay đang rất cần các tăng, ni thật tu, thực chứng để làm cột trụ tâm linh cho dân tộc, là chỗ dựa tinh thần cho Nhân dân, lấy lại quân bình cho xã hội, trang nghiêm cho Giáo hội; những bậc hiểu sâu, biết rộng cả về Phật học và thế học; bậc hiểu đời và kinh nghiệm tâm linh sâu sắc; bậc có khả năng giúp mọi người chuyển hóa tâm thức, vượt qua đau khổ trong đời thường để đạt đến nguồn an tịnh vĩnh miên, trường cửu; bậc có thể dẫn đường, chỉ lối, tạo niềm tin tốt đẹp và lạc quan cho con người trong một xã hội phát triển nhanh, mạnh và đầy biến động. Do vậy, sứ giả Như Lai thời đại mới cần phải hội tụ đủ cả phẩm chất Đạo – Đời viên thông. Và khi đó họ sẽ có những phương tiện phù hợp, “tứ khế” để trở Đạo vào Đời và hòa Đời trong Đạo viên dung, thành tựu:
          Tùy duyên hóa độ chúng sinh. Trong quá trình hội nhập và phát triển, Phật giáo và văn hóa bản địa luôn có một sự giao thoa tương tác để tạo nên một bản sắc mới cho chính Phật giáo và nền văn hóa ấy. Đây chính là tài sản vô giá đối với từng dân tộc, quốc gia, xứ sở. Vì thế, tăng, ni cần vận dụng những kiến thức cơ bản về lịch sử và đặc tính văn hóa của từng vùng miền cụ thể để hoằng pháp thích hợp với căn cơ, trình độ và đặc tính văn hóa từng địa phương. Chính đặc tính bản địa này tạo nên một sức sống lâu dài cho sự tồn tại và phát triển của dân tộc và đạo pháp. Đây chính là tinh thần phương tiện thiện xảo; phương tiện để phục vụ mục tiêu hoằng pháp, đưa Đạo vào Đời, bảo tồn tính văn hóa dân tộc trong Đạo. Thiết nghĩ, thời hiện nay, nhân loại đang cần những phẩm chất trên, và cũng là những phẩm chất mà tăng, ni có thể đóng góp và mang lại giá trị cho cuộc đời. Bởi, “Giá trị chân chính không phải là cái con người đang có, mà giá trị đích thực là chính những gì họ đang sống. Những nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài sống.
         Góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với tư cách là thành viên trong khối đại đoàn kết toàn dân, tăng, ni, phật tử luôn gắn bó với dân tộc, thực hiện đúng phương châm tốt đời, đẹp đạo. Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế; kiên định phương châm: Đạo pháp - Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi giai tầng trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo, góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội chủ nghĩa.
       Giữ vững bản sắc tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, đó là “Tùy duyên nhưng bất biến”, “Hòa nhưng không tan”, “Buông nhưng không bỏ”. Ngày nay, đất nước đang trên đà phát triển và hội nhập kinh tế thế giới; đời sống sinh hoạt của tăng, ni, Phật giáo đồ cũng nằm trong xu hướng hội nhập, toàn cầu hóa nên cũng năng động, uyển chuyển trong trên mọi phương diện. Phật giáo luôn phát triển song hành cùng dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, khi kinh tế đất nước tiến lên thì Phật giáo ắt hẳn củng phát triển theo, nhưng sự phát triển về kinh tế, vật chất không thể làm ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của Phật giáo Việt Nam và cốt cách của tăng, ni đó là “Hòa quang đồng trần”, “Tùy duyên nhưng bất biến”. Đức Phật từng dạy “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian pháp”, do đó sự năng động và uyển chuyển ấy là “tùy duyên mà bất biến”, “bất biến mà tùy duyên” điều này đã làm nên đặc trưng riêng có Phật giáo Việt Nam, dù trải qua nhiều biến cố lịch sử nhưng vẫn sắc son, rạng ngời.
       Tóm lại, lịch sử đã chứng minh Phật giáo là tôn giáo có truyền thống yêu nước, hằng vì lợi ích chúng sanh; trong suốt quá trình đồng hành cùng dân tộc, với vai trò hộ quốc an dân, Phật giáo đã có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo được sự hòa hợp đoàn kết, đồng thuận nhất quán trong tăng, ni, phật tử và Nhân dân để cùng nhau chung tay xiển dương các giá trị đạo đức, nhân văn, vì hạnh phúc cho nhân sinh, vì hòa bình cho Tổ quốc và nhân loại. Cho nên, thời đại ngày nay, hòa cùng sự thịnh trị của đất nước, Phật giáo ngày càng phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và sẽ tiếp tục phát huy vai trò, thế mạnh, nguồn lực sẵn có để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, vì một xã hội ấm no, tự do, hạnh phúc, qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới ngày càng vững mạnh.
       Do vậy, những phẩm chất cần và đủ của tăng, ni thời đại mới phải là một hành giả chân tu, thực chứng, có tri thức đạo – đời viên dung, luôn nỗ lực tu tập và trau dồi giới hạnh. Điều quan trọng nhất chính là phẩm chất giác ngộ, vô ngã vị tha. Mỗi lời nói, hành động đều mang chất liệu giải thoát của Đạo thì Giáo hội sẽ ngày một trang nghiêm, xã hội ngày một tươi sáng, đó cũng là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước ngày càng vững mạnh. Tạo dựng cõi niết bàn ngay tại trần gian.

         Tài liệu tham khảo:
  1. Minh Chi (2003), Truyền thống Văn hóa & Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo.
  2. Bài viết của HT. TS Thích Bảo Nghiêm: Tăng ni thời hiện đại: Những phẩm chất đạo - đời dung thông.
  3. Will. Durrant, Câu Chuyện Triết Học.
  4. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2020): Phát huy vai trò tăng, ni Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
        Nguồn: THAM LUẬN CỦA BTS GHPGVN TỈNH VĨNH PHÚC TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU GHPGVN TOÀN QUỐC LẦN IX