Tâm gian dối hay che dấu tội lỗi của mình


Đã làm người ai cũng có thể phạm phải lỗi lầm, nếu chúng ta can đảm đến trước bàn Phật hay gặp người có đức hạnh thành tâm phát lồ sám hối thì tội lỗi sẽ nhanh chóng được tiêu trừ. Chúng ta là phàm phu do vô minh si ám che lấp nhiều đời, là người đang thực tập hạnh buông xả theo lời Phật dạy, không sao tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc, chúng ta biết có lỗi nên thành tâm sám hối, không dám tái phạm, khiến tội lỗi được tiêu trừ cho đến khi không còn nữa. Sám hối là phương pháp sách tiến mạnh mẽ nhất, đối với người Phật tử chân chính, nhờ vậy ta càng ngày ít vấp phải lỗi lầm hơn.

Sám hối có nghĩa là ăn năn hối cải. Những tội lỗi đã làm, chúng ta biết hổ thẹn, ăn năn không dám tái phạm nữa. Nhờ sám hối chúng ta không phạm tội cũ, không gây lỗi mới, là nhờ biết hổ thẹn và xấu hổ. Khi chúng ta biết hổ thẹn và cầu tiến, nên ta mới sám hối, sau khi sám hối dứt khoát chừa bỏ không lập lại lỗi lầm xưa.

Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm chúng ta có thể đổ thừa cho người khác, ai cũng cho rằng bản thân mình đúng, thật ra người không biết nhận lỗi chính là muốn qua mặt người khác. Chúng ta luôn đổ lỗi cho người khác để họ phải chịu mang tiếng.

Bất kỳ một sai lầm nào cũng có trách nhiệm của chúng ta và không ai khác chính chúng ta biết rõ mình đang lừa dối người, tại sao chúng ta không dám chịu trách nhiệm về những lỗi lầm đó. Đổ lỗi cho người khác là một thói quen xấu làm hại người khác, dẫn đến sự đổ vỡ gây ra oán giận thù hằn.

Vậy chúng ta hãy nên can đảm đừng đổ lỗi cho ai vì mình đã phạm sai lầm mình phải tự chịu. Chúng ta hãy học cách nhận lỗi về phía mình, hãy nhìn nhận lại chính bản thân đã làm sai, ta đừng bao giờ đổ lỗi cho những người xung quanh, đó là hành động của kẻ tiểu nhân người hèn nhát.

Khi chúng ta biết nhìn nhận lỗi về phía mình, chúng ta sẽ nhìn thấy được chính mình đã làm đúng hay làm sai trong thời gian qua. Rất nhiều người có thói quen xấu thà chết đem theo chứ không chịu nhận lỗi dù biết mình sai. Vì họ sĩ diện, vì lòng tự trọng của họ quá cao?

Sám hối để làm mới lại chính mình

Sám hối trong nhà Phật có ý nghĩa tương tợ là cách xin lỗi của người thế gian. Người thế gian lỡ phạm lầm lỗi với ai khiến họ phiền muộn, biết mình có lỗi chúng ta hãy gan dạ đến xin lỗi, nếu người rộng lượng sẽ tha thứ, hoặc cũng giảm bớt buồn phiền, nếu gặp người quá cố chấp. Biết ăn năn lỗi cũ, không gây tạo tội mới, thì tội lỗi sẽ được tiêu trừ theo thời gian.

  Chúng ta khi làm điều gì sai quấy, không chịu phát-lồ sám hối, vì sợ người ta biết rồi xấu hổ, mất danh tiếng và quyền lợi của mình, nên cố tình che giấu không ngờ lại hại thêm mình. Chúng ta nên nhớ rằng ai làm người thì làm sao hoàn toàn không có lỗi lầm, người có lỗi mà biết xin lỗi hoặc phát lồ sám hối là một điều tốt, từ đó về sau mình không dám làm sai trái nữa.

  Cũng như chiếc áo dơ chúng ta giặt, thì áo sẽ mới sạch trở lại, khi chúng ta cố tình che giấu tội lỗi thì tội lỗi ngày càng thêm lớn và trong lòng thường ăn năn ray rức buồn bã không yên lòng. Chính vì thế, khi chúng ta có lỗi lầm không được che giấu mà phải phát-lồ sám hối, và phát nguyện chừa bỏ không tái phạm nữa thì tội ấy dần hồi mới được trong sạch.

Với lòng thành tha thiết, chúng ta đảnh lễ Phật, Bồ-tát, quì gối chí tâm phát lồ sám hối và phát nguyện chừa bỏ, cầu chư Phật, Bồ-tát chứng minh để con có đủ lòng tin vượt qua tội lỗi mà không tái phạm nữa. Lời văn sám hối rất thống thiết sau đây:

             Con lỡ gây ra bao lầm lỗi,

             Khi nói, khi làm, khi tư duy.

             Tham lam, hờn giận và ngu si.

             Nay con cúi đầu xin sám hối.

             Một lòng con cầu Phật chứng tri,

             Bắt đầu hôm nay nguyện làm mới,

             Nguyện sống đêm ngày trong tỉnh giác,

             Nguyện không lặp lại lỗi lầm xưa.

Chính khi sám hối không phải bị ai bắt buộc, với lòng chí thành tha thiết sám hối. Tuy nhiên, khi đã thành tâm sám hối đáng lẽ chúng ta không được tái phạm lỗi ấy nữa, song vì tập khí thói quen nhiều đời quá mạnh nên đã làm cho ta tái phạm trở lại. Chúng ta biết mình đã dở lắm rồi, do đó phải kiên trì, bền chí thành tâm sám hối, đừng nản lòng.

Sám hối với tinh thần cầu tiến biết hổ thẹn, chúng ta mạnh dạn vạch trần những lỗi lầm đã làm, để thiết tha cầu xin sám hối. Nếu người phạm tội một lòng thành khẩn thiết tha sám hối, sau khi sám hối tuyệt đối không tái phạm nữa, người này chắc chắn sẽ là người tốt trong hiện tại và mai sau.

Ðã có tội lỗi mà chúng ta biết ăn năn hối cải, phát nguyện xin chừa bỏ chỉ cần khi lỡ phạm tội lỗi mình phải biết hổ thẹn ăn năn thành tâm sám hối, nguyện không lập lại lỗi lầm xưa. Chúng ta tu mà không gan dạ sám hối, quả là người hèn nhát, luôn che dấu tội lỗi thì không thể nào chuyển hóa hết bệnh tham lam, sân giận và si mê. 

Người biết sám hối, là biết tu, ngược lại có lỗi mà không biết sám hối, dù chúng ta là người xuất gia đi nữa, cũng chưa phải là người biết tu. Sám hối với một tâm chí thành, với một lòng tha thiết, xấu hổ những lỗi đã làm, dứt khoát không tái phạm, người này sẽ từ từ hết tội lỗi.