Tặng người câu chào: A Di Đà Phật!


Chắp tay chào nhau là biểu hiện cho sự nhất tâm chính niệm. Hai bàn tay áp vào nhau là biểu tượng của một búp sen đang hé nở để tỏa ngát hương thơm dâng hiến cho đời...

Trong đời sống hằng ngày tại chùa, phật tử cũng như quý thầy, khi gặp nhau, ta thường thấy họ chắp tay chào hỏi nhau.  Ngoài ý nghĩa về mặt nghi lễ, chắp tay chào nhau còn mang ý nghĩa nhân văn đạo đức.

 

Chắp tay chào nhau là biểu hiện cho sự nhất tâm chính niệm. Hai bàn tay áp vào nhau là biểu tượng của một búp sen đang hé nở để tỏa ngát hương thơm dâng hiến cho đời. Đặc tính của sen là "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Như vậy, khi phật tử chắp tay chào nhau, ngoài phép tắc xã giao còn thầm nhắc nhở nhau: Hãy sống một đời trong sạch như sen nở ngát hương thơm nơi bùn lầy nước đục. Thật quý hóa thay, một biểu tượng cao đẹp xuất phát từ những tâm hồn cao đẹp.
 Xin chào tặng người một câu niệm Phật "A Di Đà Phật"

Chắp tay cũng nói lên sự đoàn kết hòa hợp nhất tâm cung kính cầu mong cho người đối diện được an lạc. Sự lễ nghi chào hỏi, tùy theo tập tục của mỗi quốc gia và tôn giáo có khác nhau. 

Bên Tây phương, người ta bắt tay nhau, ôm hôn nhau hoặc  trao cho nhau những nụ cười, hay người Nhật, người Hàn Quốc cúi đầu chào nhau.

Trong quân đội, công an phải giơ tay thẳng người để chào, bạn bè  thông thường chỉ cần gật đầu, vẫy tay trao cho nhau những nụ cười.

Đặc biệt  tại những nước Đông Nam á như Lào, Thái Lan, khi gặp nhau người ta chắp tay để trước ngực và cúi đầu chào  nhau. Thực ra, hành động chắp tay không phải chỉ là nghi lễ Phật giáo, mà trước đó, đã có trong truyền thống Ấn Độ trước cả thời đức Phật.

Người Ấn Độ quan niệm tay phải là tay thanh tịnh, dành cho việc tôn kính thần thánh, trong sạch và linh thiêng, trong khi tay trái thì nhiễm ô, tội lỗi. Chắp tay tượng trưng cho sự hợp nhất làm một  giữa thanh tịnh và bất tịnh, Phật giáo đã phát triển truyền thống này của Ấn Độ và gọi chấp tay là “hiệp chưởng”.

Chào nhau là truyền năng lượng yêu thương hoan hỉ cho nhau khi gặp mặt, mọi người đừng quên nhé. Thí dụ nếu ta  gặp một vị cúi đầu chào, nhưng vị kia chỉ ngồi im lãnh nhận mà không chịu chào lại, hoặc vênh váo mặt lên thì rất khó coi, vị ấy quả thật là ngã mạn thật đáng ghét kinh khủng, chẳng ai muốn nói chuyện, gặp ai người ta  cũng khó chịu, thế là mất cơ hội có thêm những người bạn tốt rồi.

 

Đức Phật dạy, chúng sinh là Phật sẽ thành, có nghĩa là tất cả mọi người, ai cũng mang sẵn hạt giống hay chủng tử Phật, vì thế, chắp tay cúi chào người là hành động thể hiện đức khiêm cung, tức là thái độ cung kính khiêm tốn làm cho mọi người yêu thương mình thêm. 
 
Lễ nghi tuy là hình thức bề ngoài, nhưng nó cũng biểu lộ tấm lòng cung kính và phép lịch sự và sự giáo dục của chúng ta nữa đấy. Điều mà chúng ta cũng cần nên nhớ là khi chào nhau chúng ta phải thật tâm cung kính, không nên làm cho có lệ, theo kiểu giả dối bề ngoài. Điều này, không ai bắt buộc ta phải làm. Ta làm, vì ta ý thức được  cái chân thật, cái hay, cái đẹp, Chân Thiện Mỹ  phát xuất từ tâm ta, nên khi chào nhau cần phải cung kính và vui vẻ. Mỗi người nên cố gắng thực tập cho mình có thói quen tốt này. Đồng thời khi chắp tay, ta nên nhớ là chắp tay lên ngang ngực, không được chắp  thấp quá hoặc cao quá.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin nói thêm về cách chào của người phật tử đối với chư tăng, ni. Khi chào Chư tôn đức tăng, ni, chúng ta tuyệt đối  không nên chào một tay. Chào như thế không đúng cách mà phải chắp tay xá chào. Trong trường hợp, nếu tay ta đang bận xách đồ không thể để xuống được, thì ta chỉ nên cúi đầu chào. Nếu trên tay ta đang cầm quyển kinh, thì tuyệt đối không được cầm Kinh xá chào. Ta chỉ nên ôm vào ngực và kính cẩn  cúi đầu chào thôi.

Như vậy thì có thể nói, khi chúng ta chào hỏi người đối diện, không phân biệt người đó là ai, bằng cách xá với hai tay chắp trước ngực, thì không phải chỉ để tỏ lòng kính trọng người đó, mà chính là chúng ta đang thực hành hạnh Thường Bất Khinh mà đức Phật đã dạy.

Thuở xưa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, đi đâu gặp ai, Ngài cũng bái lạy và nói câu: “Tôi không dám khinh các Ngài, vì các Ngài sẽ là Phật”. Mỗi người ai cũng sẵn có Phật trong người, chỉ  cần chịu khó nhìn lại và cố gắng tu hành dứt trừ hết vô minh phiền não, thì sẽ đạt được Phật quả. Đó là một hạnh nguyện của Bồ tát luôn thức nhắc cho mọi người nhớ lại ông Phật của chính mình. Vì quên Phật của mình, nên chúng ta mãi đi trong luân hồi chịu khổ. Việc làm này của Ngài, là một hạnh nguyện đáng kính và đáng cho chúng ta noi gương theo.

Ngoài sự chào nhau bằng cách chắp tay, ta còn niệm câu A Di Đà Phật nữa. Đây là một sự thức tỉnh và nhắc nhở  lẫn nhau để mỗi người nhớ lại tâm nguyện của mình. Lúc nào cũng không quên vị Giáo chủ mà trong tương lai mình sẽ gặp lại Ngài. Đồng thời, cũng đánh thức tâm thiện của mỗi người, vì mỗi người đều sẵn có tính Phật.

Hiểu rõ ý nghĩa và biết thực hành hạnh Thường Bất Khinh, người con Phật khẳng định niềm tin hướng đến trí tuệ giải thoát; biết thể hiện thái độ khiêm cung của mình, nhờ đó mà dễ dàng tạo được sự hòa hợp; có lòng kính trọng tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, trình độ học thức… vì hiểu rõ thực sự mọi người đều có những giá trị đáng kính trọng, đó chính là giá trị của tuệ giác giải thoát, điều đã được đức Phật nêu rõ khi dạy chúng sanh rằng, Ta là Phật đã thành, còn các người là Phật sẽ thành.

Niệm Nam Mô A Di Đà Phật bởi vì danh hiệu đức Phật A Di Đà có nghĩa là:

a) Nam Mô:  Sự tôn kính, cung kính, kính trọng, kính lễ,

b) A Di Đà Phật:

-          A:  là vô
-          Diđà: là lượng
-          Phật: là bậc giác Ngộ ,

* ADI ĐÀ PHẬT: có nghĩa là ( Kính lễ bậc Giác Ngộ Vô Lượng )

 A Di Đà Phật = có 3 nghĩa:

Vô lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Công Đức. Cho nên trong Phật giáo dùng danh hiệu Phật A Di Đà để chào hỏi và chúc phúc cho người đối diện mình đang tiếp xúc, để thể hiện tính khiêm cung và kính trọng trước Phật tính của mỗi người và cúi đầu là hạ cái bản ngã xuống trước khi nói chuyện và chúc cho nhau trở thành bậc trí tuệ sáng suốt như Phật.

-          Vô lượng quang (trí tuệ vô lượng);
-          Vô lượng thọ (sống lâu vô lượng);
-           Vô lượng công đức (chúc công đức nhiều vô lượng) trong cuộc sống.

 

Hiểu được điều đó, ngay từ bây giờ - nếu chúng ta đã từng chào chau thì cứ tiếp tục phát huy mạnh mẽ, nếu chưa hãy bắt đầu thực hành mỗi khi gặp nhau; hãy chắp tay cúi đầu cung kính và chào nhau bằng câu: A Di Đà Phật.
 
Thiện Tâm