Tất cả ở ngay đây


GN - Ajahn Chah (1919-1992) là vị thiền sư người Thái rất được tin kính. Các bài thuyết pháp của ngài thông thoáng, rõ ràng, dứt khoát - sự dứt khoát của vị đã chứng thực được giáo lý của Đức Phật. Ngài là người có nhiều ảnh hưng sâu đm đối với nhiều thiền sư người Mỹ.


Ngài Ajahn Chah

***

Ngôi nhà thực sự của bạn

Ngôi nhà bên ngoài không phải là ngôi nhà thực sự của bạn. Đó chỉ là căn nhà giả tưởng, căn nhà trong thế tục.

Còn căn nhà thực sự của bạn, đó là sự bình an. Đức Phật đã dạy ta xây căn nhà thực sự của mình bằng cách buông bỏ cho đến khi ta đạt được bình an, thanh tịnh.

Ra biển

Sông, suối, ao, hồ đều chảy ra biển. Khi hòa với biển, tất cả đều có màu xanh, đều có cùng vị mặn.

Đối với chúng sanh cũng thế. Không quan trọng họ từ đâu đến - khi họ đã gia nhập dòng chảy của pháp, tất cả đều cùng một pháp.

ớc nguồn

Phật là pháp; Pháp cũng là Phật. Pháp mà Đức Phật đã chứng là điều luôn hiện hữu ở thế gian. Nó chưa bao giờ biến mất. Nó giống như nước nguồn. Bất cứ ai đã đào giếng đủ sâu đều tìm được nguồn nước. Không phải là do người đó chế biến ra nước. Người đó chỉ dồn tất cả sức lực vào việc đào giếng đủ sâu để đến được nước đã có sẵn ở đó.

Cho nên nếu có đủ niềm tin, ta sẽ biết là Đức Phật không ở đâu xa. Ta đang ngồi trước mặt Ngài đây. Khi nào ta biết pháp, ta thấy Phật. Những người chủ tâm thực hành pháp không ngưng nghỉ - dầu họ đi, đứng, nằm ngồi ở đâu - họ đều luôn được nghe pháp của Phật.

Tất cả ở ngay đây

Đức Phật không mang theo trí tuệ giác ngộ của Ngài khi nhập diệt. Ngài để chúng lại cho ta ngay tại đây. Nói một cách đơn giản, giống như các thầy cô giáo ở trường học. Không phải sinh ra, họ đã là thầy cô giáo. Họ phải học các ngành nghề trước khi họ có thể dạy học ở trường và được lãnh lương. Sau một thời gian, họ sẽ ra đi - ra đi khỏi ngành dạy học. Nhưng quý vị có thể nói rằng theo một cách nhìn nào đó, các thầy cô giáo không ra đi, không mất đi. Các tính chất làm nên một người thầy vẫn còn ngay đây. Chúng không đi đâu mất cả.

Voi, bò và trâu nước

Khéo luyện tâm là một hoạt động hữu ích. Quý vị có thể thấy điều này ngay ở các con thú đần độn như voi, bò và trâu nước. Trước khi có thể bắt chúng làm việc, ta phải huấn luyện chúng. Khi chúng đã được huấn luyện kỹ rồi, ta mới có thể sử dụng sức mạnh của chúng vào nhiều việc khác nhau. Ai cũng biết điều đó.

Tâm khéo được huân tập còn ích lợi hơn nhiều. Hãy cứ nhìn gương của Đức Phật và các vị Thánh đệ tử của Ngài. Họ thay đổi vị thế từ chúng sanh phàm phu thành Thánh nhân, được tất cả mọi người kính trọng. Và họ đem lại nhiều lợi ích cho ta hơn ta có thể lường biết. Tất cả đều nhờ họ đã khéo luyện tâm mình.

Tâm khéo huấn luyện giúp ta trong mọi ngành nghề. Nó giúp ta hoàn thành công việc với chánh niệm. Nó giúp ta có suy tính khi làm việc hơn là làm theo bản năng. Nó giúp ta sống  hạnh phúc ở bất cứ hoàn cảnh nào trong đời.

Gốc rễ

Chúng ta giống như một cái cây với rễ, gốc và thân. Mỗi chiếc lá, mỗi cành cây, đều dựa vào rễ để hấp thụ chất dinh dưỡng từ đất, rồi đem lên nuôi thân cây.

Thân ta, cùng với lời nói, hành động, mắt, tai, mũi, lưỡi và cảm thọ, giống như cành, lá và thân. Tâm thì giống như gốc rễ, hấp thụ chất dinh dưỡng và đem chúng lên thân, lá, cành để cây ra hoa, kết trái.

Mất bóp

Giả dụ bạn đi ra khỏi nhà và bị mất bóp. Bóp rớt ra khỏi túi trên đường đi. Nhưng một khi bạn chưa ý thức được điều đó, bạn vẫn thoải mái - thoải mái vì bạn chưa biết điều gì đã xảy ra và bạn thoải mái vì điều gì. Đó là vì sự mất thoải mái sau đó. Khi bạn cuối cùng ý thức rằng mình đã bị mất tiền: đó là lúc bạn thấy hết thoải mái, và điều đó hiện rõ lên khuôn mặt bạn.

Đối với các hành động xấu, tốt của ta cũng thế. Đức Phật dạy chúng ta phải quán sát, biết rõ những điều này. Nếu không, ta sẽ không biết điều gì sai hay đúng, tốt hay xấu.

Bánh xe, dấu xe

Vòng luân hồi giống như chiếc bánh xe. Một con bò đang kéo xe. Nếu bò cứ tiếp tục kéo xe đi tới, không ngừng nghỉ, dấu bánh xe sẽ luôn xóa dấu chân bò. Bánh xe không dài, nhưng tròn. Hoặc bạn có thể nói bánh xe dài, nhưng chiều dài nó tròn. Ta có thể thấy cái tròn, nhưng không thấy cái dài của nó. Khi nào con bò còn kéo xe, không ngừng nghỉ thì bánh xe còn quay không ngừng nghỉ.

Cuối ngày khi con bò ngưng kéo. Bò đã mệt. Đã được tháo ách. Lúc đó thì bò đi đường bò, xe đi lối xe. Bánh xe đã tự ngừng quay. Nếu bạn bỏ xó chúng ở đó một thời gian dài, chúng sẽ tan thành đất, nước, gió và lửa, trở về với đất, cỏ.

Với những chúng sanh đang còn tạo nghiệp cũng thế: Họ còn chưa kết thúc. Những người đang nói lên sự thật chưa kết thúc. Những người với tà kiến cũng chưa kết thúc.

Tảng nưc đá

Nếu bạn để một tảng nước đá ngoài trời nắng, bạn có thể chứng kiến nó tan chảy - thân cũng già rữa như thế - từng chút, từng chút một. Chỉ sau vài phút, vài giờ, tảng nước đá sẽ tan chảy thành nước. Đó được gọi là sự chấm dứt, sự hoại diệt.

Sự hoại diệt của các thứ do duyên hợp đều đã như thế từ bao đời, từ khi thế giới, vũ trụ này thành hình. Khi được sinh ra, chúng ta cũng có cùng chung tính chất. Ta không thể vứt bỏ chúng đi đâu. Khi vừa được sinh ra, chúng ta đã phải chịu bệnh, già và chết. Khi được sinh ra, cùng lúc ta cũng hứng chịu những điều đó.

Hãy quán sát cách thân ta hoại diệt. Tất cả các bộ phận đều hoại diệt. Tóc rụng, móng tay, móng chân hư gãy, da nhăn. Tất cả mọi thứ, bất cứ là gì, đều hoại diệt theo luật tự nhiên của nó.

Ajahn Chah
Diệu Liên Lý Thu Linh
(Trích dịch theo In simple terms -108 similes,
TK.Thanissaro dịch từ tiếng Thái, 2003)