"Tẩu hỏa nhập ma" sau khi tập thiền là có thật và lý giải của các nhà khoa học


Con người đã thực tập thiền định từ hàng nghìn năm nay, nhưng giới khoa học lại chỉ mới chập chững những bước đi đầu tiên nhằm nghiên cứu xem, tại sao một hoạt động tưởng chừng rất đơn giản như vậy lại có thể đem lại những thay đổi thường được mô tả là “kỳ diệu” đến như vậy tới con người, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Lợi ích của việc hành thiền

Thực tế, thiền định không chỉ đơn giản là ngồi im và cố gắng không làm gì hết. Khi thực tập thiền định, người ngồi thiền sẽ tập trung vào một hiện tượng/sự vật cụ thể, nhưng thường mọi người sẽ lựa chọn tập trung vào hơi thở, quan sát trí óc của chính bản thân mình đang thơ thẩn nơi nào, rồi cố gắng đưa trí óc quay trở về với hơi thở.
 Thiền không đơn giản chỉ là ngồi im và hít thở. Ảnh: Getty image

Những hoạt động tưởng như hết sức đơn giản và vô bổ trong thiền định có thể giúp người tập hiểu rõ hơn về tâm trí mình, cải thiện khả năng làm chủ môi trường xung quanh, thay vì để cho môi trường điều khiển cách mình trải nghiệm cuộc sống.

Gần đây, các nhà khoa học thần kinh còn nhận ra rằng, thực tập thiền định giúp điều hòa mạch máu, từ đó cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một trong những tác dụng đáng kinh ngạc của thiền định đó là, thực tập thiền định đem lại cả lợi ích ngắn hạn và dài hạn lên cơ thể và trí não. Một nghiên cứu của Đại học Harvard chỉ ra rằng, cơ thể trở nên thư giãn sau khi thiền giúp làm giảm các mã gen khiến con người dễ bị kích động và phát triển các mã gen làm tăng tuổi thọ của DNA. Tuy nhiên, phản ứng này chỉ kéo dài trong vài phút mà thôi. Một vài lợi ích ngắn hạn khác của thiền định còn có thể kể đến như giảm căng thẳng, giảm huyết áp, tăng sự tập trung, từ đó con người có thể đưa ra những sự lựa chọn sáng suốt hơn.

Đối với các thiền sư chuyên nghiệp, là những người thực tập thiền định liên tục và đều đặn trong thời gian dài, lượng chất xám bên trong não bộ, ở khu vực liên quan đến trí nhớ và xử lý cảm xúc cũng nhiều hơn bình thường. Hành thiền thường xuyên còn giúp cho con người dễ đi vào chánh niệm, tăng khả năng thấu cảm và sức kiên cường.

100 ngày thực tập thiền định
 100 ngày hành thiền liên tiếp sẽ đem lại những thay đổi thế nào. Ảnh: Getty Image

Kyle V. Robinson là luật sư, doanh nhân, đồng thời còn là diễn giả và người ủng hộ lối sống khỏe mạnh. Sau khi nghe quá nhiều lợi ích đến từ việc hành thiền, anh đã thực tập thiền định trong 100 ngày liên tiếp và nhận được những thay đổi tích cực lên cơ thể. Đến giờ, hành thiền là một trong các hoạt không thể thiếu vào mỗi buổi sáng của anh.

Dưới đây là 8 thay đổi rõ ràng và đáng kể nhất mà Robinson nhận thấy sau 100 ngày hành thiền:

1. Trở nên tập trung hơn: Robinson biết cách sống ở hiện tại. Thay vì mải lo lắng về những chuyện chưa xảy ra, anh tập trung làm cho xong việc hiện tại rồi mới làm đến việc tiếp theo. Suy nghĩ của anh cũng rõ ràng hơn.

2. Biết nghĩ trước khi nói: Trước đó giống như bao người, Robinson phản ứng với mọi tình huống bằng cách nói những lời vừa mới nảy ra trong tâm trí. Nhưng nhờ thực tập thiền định, anh đã biết kiềm chế và suy xét xem những lời mình sắp nói có cần thiết và giúp ích được gì hay không. Thậm chí sau khi nói, anh còn tự nhìn nhận lại xem lời nói lúc đó đã là thông minh nhất hay chưa.

3. Trở nên tử tế và biết cảm thông hơn: Robinson đã biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy xét. Anh cũng trở nên kiên nhẫn hơn và ít bị bực mình vì những chuyện nhỏ nhặt.

4. Có nhiều năng lượng hơn: Anh ngủ ngon hơn và tỉnh dậy mỗi sáng với một tinh thần phấn chấn. Thậm chí sau một ngày dài làm việc vất vả, đến cuối ngày anh vẫn còn năng lượng để tập thể dục hoặc đi chơi với bạn bè.
                                     Ảnh: Getty Image
Thiền định đã đem lại những lợi ích kỳ diệu, khiến cuộc đời dễ chịu và tươi đẹp hơn. 

5. Ăn uống lành mạnh hơn: Anh biết cách chọn lựa thức ăn và biết phải suy nghĩ xem món ăn này sẽ làm mình cảm thấy thế nào.

6. Ít xem TV hơn: Nhu cầu xem TV của anh giảm hẳn. Anh tập trung làm những việc giúp phát triển bản thân mình như đọc sách, chạy bộ, gặp gỡ bạn bè…

7. Cảm thấy kết nối với thiên nhiên: Đôi khi anh đã biết ngừng mọi việc đang làm lại để tận hưởng ánh nắng mặt trời hay nhìn ngắm cây xanh, để trọn vẹn tận hưởng hiện tại.

8. Trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình: Đây có lẽ là lợi ích tuyệt vời nhất của thiền định. Anh nhận thức được rõ ràng mình là ai và dám là chính mình. Anh cũng chia sẻ nhiều hơn với mọi người và hiểu được điều gì là quan trọng trong đời mình, cũng như sẵn sàng để thực hiện điều mình muốn.

Mặt tối của thiền định mà ít ai dám nói
    Một thứ dù tốt đến đâu cũng phải có những mặt tối. Ảnh: Getty Image
Theo nghiên cứu tâm lý học của các chuyên gia ở Anh và Mỹ, có 60% số người tham gia các Thiền đường để thực hành thiền định đã trải qua ít nhất một vấn đề tâm lý như bị hoảng loạn, trầm cảm, thường xuyên nhầm lẫn, gặp ảo giác, loạn thần, hóa điên. Ngoài ra, cứ 14 trường hợp gặp phải các vấn đề này sẽ có 1 trường hợp nghiêm trọng.

Theo Giáo sư Miguel Farias - người dẫn đầu nhóm nghiên cứu về mối liên quan giữa tâm linh và não bộ thuộc Đại học Coventry (Anh), kỹ thuật thiền định giúp thay đổi nhận thức của người tập, vì vậy việc hành thiền có thể gây ra các tác dụng phụ là điều tất yếu.
   Người tập thiền có thể gặp những suy nghĩ tiêu cực. Ảnh: Getty Image
Các nhà khoa học Anh đã thực hiện một nghiên cứu dựa trên các tù nhân. Tù nhân tại 7 nhà tù sẽ tham gia các lớp hành thiền kéo dài 90 phút mỗi tuần một lần. Sau 10 tuần, những tù nhân sẽ được làm một bài test. Kết quả cho thấy, tâm tính của các tù nhân cải thiện hơn, sự trầm cảm và các vấn đề tâm lý khác đều giảm mạnh. Tuy nhiên, họ vẫn bạo lực như trước đây.

Một nghiên cứu khác của Đại học Brown (Mỹ), sau khi phỏng vấn 100 người bao gồm những người thường xuyên hành thiền và các thiền sư, báo cáo cho thấy, nhiều người nói rằng việc hành thiền thường xuyên khiến họ bị nhạy cảm với ánh sáng, bị mất ngủ, thỉnh thoảng cơ thể lại hoạt động trong vô thức, thường xuyên cảm thấy sợ hãi, căng thẳng, hoảng loạn. Các vấn đề này có thể kéo dài trong vài ngày hoặc cả chục năm tùy người.
                                         Ảnh: Getty Image
Người tập nên chọn đúng trường phái, hiểu được mục đích mình tới với thiền để có kết quả tốt nhất. 

Tuy nhiên nghiên cứu về các tác dụng phụ của thiền định không phải để dọa dẫm mọi người sợ hãi và không dám tập thiền nữa. Những lợi ích của việc hành thiền đã được nói quá nhiều, nhưng gần như có rất ít người nói về mặt tối của hoạt động này. Vì vậy, một cái nhìn công bằng về thiền định là cần thiết.

Thêm nữa, với rất nhiều trường phái thiền định như Thiền tông (Phật giáo Đại thừa), Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Thượng tọa bộ, người thực tập thiền định nên chọn cho mình trường phái và người hướng dẫn phù hợp, cũng như phải hiểu rõ được lý do và mục đích mình đến với thiền.

QN
Nguồn: https://saostar.vn/the-gioi/tau-hoa-nhap-ma-sau-khi-tap-thien-la-co-that-va-ly-giai-cua-cac-nha-khoa-hoc-2495375.html