Tết ngoài ngõ


Một đời người thì không biết bao nhiêu lần trải qua cái Tết. Mỗi một cái Tết thì lại có những rong ruổi khác nhau, những buồn vui khác nhau, và trong đó có những trùng phùng hay dang dở. Có lẽ trên thế giới  này không có nơi nào như Việt Nam, con người sống trọn vẹn niềm vui trong ngày Tết, quẳng gánh lo ra bên ngoài, giàu nghèo sang hèn không cần biết, Tết đã trở thành ngày linh thiêng đặc biệt.

phong-tuc-ngay-tet6.jpg
Ảnh internet

Sự thay đổi có khác chăng ở chỗ là ngày xưa, nghĩa cũng là Tết đó, hai đứa con gái còn nhỏ thì những ngày cuối năm dắt con đi sắm Tết. Sáng mùng một Tết cả nhà sau khi làm thủ tục chúc Tết, lì xì thì lại đi thăm mộ, đi chùa, đi về nhà ngoại. Đứa con gái đầu lấy chồng, vẫn còn con gái út, sáng mùng một nhà vắng một người, vẫn đi mộ, đi chùa, đi về nhà ngoại - vì theo phong tục Việt thì con gái có chồng, mùng một mùng hai phải về nhà chồng, có về nhà mình cũng mùng ba Tết. Con gái út lấy chồng, sáng mùng một còn hai vợ chồng đi mộ, đi chùa, đi thăm ngoại. Đêm ba mươi lúc trước có cả nhà, đợi xem pháo hoa xong về cúng giao thừa, ăn giao thừa và có khi cứ thế mà thức. Còn giờ đây hai đứa con lại hiện đại hơn, ba mươi Tết mở webcam chúc Tết ba mẹ, sau đó lại bận rộn ở nhà chồng.

Sự thay đổi ấy là năm nay chúc Tết nhà người này, sang năm chúc Tết nhà người khác. Bởi sáng sáng bạn quen cùng ngồi cà-phê chỗ đó, cùng nói chuyện thời sự, thỉnh thoảng cùng gặp nhau cụng ly bia thân tình, cuối năm lại tất niên, vậy mà ngày Tết đến thăm nhau lại là chuyện hoàn toàn khác.

Con đi vắng, vợ mua sắm đồ ăn tượng trưng. Bữa ăn Tết không phải là ăn mà còn là bữa sum họp. Vắng người thì bữa ăn diễn ra mau lẹ, rồi cùng nhau ra phố xem người ta ăn Tết ngoài ngõ. Cái Tết ở ngoài ngõ ấy là chốn riêng tư của người khác, nhưng lại trộn cùng cái Tết của nhân gian, chỉ ngắm nhìn, lắng nghe mà cảm giác như mình cũng đã được tận hưởng.

Ngõ nhà tôi mấy năm nay mọi người lại thích nấu bánh chưng, bánh tét. Những chiếc nồi đủ loại được tận dụng, cứ kê trên những hòn đá nhặt được ở đâu đó đem về, đốt lửa mà nấu. Dường như khi đã miệt mài trong cái hiện đại, mọi người lại thích tận hưởng cái Tết quê mộc mạc, đằm thắm, muốn ngửi được mùi lá, mùi nếp, mùi củi lửa khi nấu chiếc bánh tét ngày Tết hơn là để ăn nó. Cũng như bà cụ hàng xóm chịu khó làm từng chảo mứt dừa, đem ra phơi trong nắng. Mứt dừa bà làm ra kia chắc chắn không phải để bà ăn, mà để bà có cái cảm giác hương thơm lan tỏa khi mùi đường, mùi dừa cùng tỏa ra trên bếp lửa riu riu. Để khi mứt mới còn sệt sệt đường, nhón ăn một miếng mứt còn nóng trong chảo là tận hưởng hương vị ngon.

Tết lại rộn ràng vào những ngày trước Tết. Đó là không khí hối hả và đầy hương vị của một mùa mới. Buổi sáng nắng còn đỏng đảnh trên cây lá hay buổi tối gió biển thổi về phố làm mát dịu lòng người, là ra đường. Để xem hoa cúc, hoa hồng chen đầy trên lối. Hoa như  biết sự có mặt của mình làm ra Tết, cho nên cứ rực rỡ cho con đường chộn rộn, cho lòng người chộn rộn. Đôi khi người chen nhau vô chợ, nhìn hàng hóa đầy ắp, cũng trả giá mà mua, mua rồi bỗng giật mình vì cái việc mua hàng đôi khi chỉ là cái thú. Đôi khi lại phóng xe loanh quanh ở những con đường quê, những con đường yên ả ấy phả hồn Tết sâu đậm bởi những cây nêu bằng tre dựng lên theo phong tục xưa như đã không còn trong phố, để nhìn người lặt lá mai, để gặp người tuốt lá chuối đem ra cho kịp phiên chợ hay chỉ để gặp một bàn tiệc tất niên rôm rả ở góc vườn, mà mồi nhậu đôi khi chỉ là những con cá vừa vớt trong ao.

Những cái Tết đi qua đời tưởng mới đó mà lại Tết. Nhưng áo mới Tết xưa nay thành áo cũ. Năm tháng cuộn trôi những lo toan mệt mỏi áo cơm, những thành công hay thất bại. Nhưng khi xé từng tờ lịch rụng, khi nghe tiếng rao khan hời của người bán chổi để lau nhện giăng nhà cho tất cả mới mẻ đón chào một năm lại đến. Nghe như ngoài ngõ Tết đã tràn về.

Khuê Việt Trường