Thiền sư không tụng kinh


Vào cuối thời Đường, hoàng đế Trang Tông tổ chức một buổi lễ cúng dường trai Tăng trong nội cung. Khi đó, Trang Tông thấy tất cả tăng chúng đều tụng kinh, duy chỉ có thiền sư Hưu Tĩnh thì ngồi im lặng, bèn hỏi:

Tại sao thiền sư không tụng kinh?

Thiền sư Hưu Tĩnh đáp:

Đạo thái bất truyền thiên tử lệnh

Thời thanh hưu xướng thái bình ca.

 

(Đạo đã  thịnh rồi không phải truyền lệnh thiên tử nữa

Thời đã yên bình thì nghỉ ngơi hát khúc thái bình)

Trang Tông lại thưa: Thiền sư là người ngộ đạo, sao còn muốn các đồ chúng của mình không tụng kinh nữa?

Thiền sư đáp:

Sư tử quật trung vô dị thú.

Tượng vương hành xứ tuyệt hồ tung.

 

(Trong hang sư tử không có con thú nào khác

Nơi voi chúa đi không thể có dấu chân chồn)

Trang tông tiếp tục hỏi:

Trên thực tế trừ ngài ra, còn lại các đồ chúng ai cũng đang tụng kinh cả?

Thiền sư đáp:

Thùy mẫu nguyên vô yên, cầu thực tu lại hà.

 

SUY NGHĨ

  1. Trai tăng cúng dường là một hoạt động văn hóa tâm linh bắt nguồn từ Phật giáo Ấn Độ. Khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, hình thức hoạt động này được tiếp thu và duy trì cho đến ngày nay.

Thông thường trước khi thọ trai, các sư thường tụng một thời kinh ngắn để tập trung năng lực chánh niệm chú nguyện cho các vị gia chủ. Năng lực chánh niệm của thời kinh vì thế có ý nghĩa quan trọng trong buổi lễ trai tăng cúng dường hiện tiền tăng. Vì thế khi thấy thiền sư Hưu Tĩnh không tụng kinh, hoàng đế Trang Tông mới hỏi nguyên do.

Phải chăng vì muốn phá vỡ sự cố chấp của hoàng đế mà thiền mới sư trả lời:

Đạo thái bất truyền thiên tử lệnh

Thời thanh hưu xướng thái bình ca.

Hàm nghĩa rằng người đạt đạo rồi không cần tụng kinh nữa.

Câu nói này tạo nên một phản ứng rất tự nhiên nơi hoàng đế, khiến ông phải hỏi rằng vì sao thiền sư muốn các học trò của mình không tụng kinh. Thiền sư mới khai thị cho Trang Tông là giữa mình và các học trò hoàn toàn không có sự khác nhau về thực tánh.

Nhưng Trang Tông vẫn còn thắc mắc, bởi vì trên thực tế các đồ chúng của thiền sư vẫn đang tụng kinh kia mà!

Đến đây, thiền sư mới bảo: Thùy mẫu nguyên vô yên, cầu thực tu lại hà. Ý bảo rằng, các đồ chúng của mình chưa sáng tỏ tâm, vì thế phải nương vào việc tụng kinh để tu hành.

  1. Con đường tu tập trải qua nhiều giai đoạn. Việc tụng kinh, ngồi thiền là việc bắt buộc đối với các học tăng sơ học. Đối với thiền sư, những người đã đạt đạo thì việc ngồi thiền, tụng kinh… không còn là vấn đề then chốt nữa. Đời sống của họ rất phóng khoáng, họ có thể tùy duyên mà hành xử cốt để giáo hóa mọi người.
  2. Những người chưa đạt đạo phải nương theo các pháp hành mà Thế tôn và các vị tổ khai thị để thúc liễm thân tâm. Đó là phương tiện hướng con người đến bến bờ giải thoát. Dĩ nhiên chúng ta có thể có những phương tiện khác, cách thức khác để hướng đến mục tiêu giải thoát, nhưng không nên biến nó thành cơ sở ngụy biện cho một đời sống buông lung, thiếu lý tưởng.

Hoài Phong