Thương lắm mẹ ơi


Tôi lớn lên bằng những mùa tuổi thơ chắp vá vỡ vụn, để rồi những mảnh vỡ vụn chắp vá ấy, đâm ngược vào tâm tư tôi thành vết thương lòng sâu hoắm chẳng bao giờ lành được.

Làng tôi nghèo. Cái nghèo như bao cái nghèo khác của những vùng bán sơn địa heo hút, xa thị thành, đường đi lại khó khăn. Tôi không biết vì lý do gì mà mẹ tôi đến đây và suốt đời gắn bó với nó. Tôi chỉ biết là cha tôi tham gia đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chế độ cũ nhưng ông không chịu nổi sự hành hạ bạo tàn của địch nên đã đến vùng khỉ ho, cò gáy này lập kế sinh nhai. Nắng thì đều trời, ở đâu mà không có cách mạng. Cha tôi gặp được họ và họ đưa ông ra chiến khu.

Chiến tranh ngày càng ác liệt, cha tôi hy sinh trận Tết Mậu Thân năm một ngàn chín trăm sáu tám. Mẹ đẻ tôi ra trong những năm tháng làng quê bị chiến tranh tàn phá ấy, miếng cơm làm sao đủ no, tấm áo làm sao đủ mặc nhưng bọn trẻ làng tôi vẫn lớn dù èo uột, gầy còm. Trong ký ức tôi, tôi là đứa bé nhếch nhác, nhỏ thó. Bụng lúc nào cũng thèm cơm, thèm quà, luôn nhìn ai đó bằng ánh mắt van lơn, cầu khẩn. Còn mẹ quanh năm đầu tắt mặt tối, hết làm thuê, cuốc mướn thì lên rừng đào củ, hái măng…

Nhà tranh vách lá, bếp rơm đùn khói trưa chiều, nhưng tôi chưa bao giờ nghe mẹ than thở một câu nào. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu, mẹ cầm tay tôi tập viết, chỉ cho tôi cách phân biệt mặt chữ. Mẹ còn ngâm nga thơ để cho tôi dễ thuộc, dễ nhớ kiểu như: o tròn như quả trứng gà, ô thời đội mũ, ơ già mọc râu… Cho tới bây giờ tôi vẫn cười thầm, ơ già mọc râu, mà râu mọc tận đâu… lỗ tai “ông ấy” mới là lạ. Ấy vậy, mà đã hơn năm mươi năm rồi tôi vẫn nhớ như in những gì mẹ dạy.

Hăm bảy tuổi, tôi lấy chồng và theo chồng lên phố. Cuộc sống của chúng tôi cũng tạm ổn, bởi anh ấy tháo vát và không câu nệ việc gì. Giải phóng về. Đất nước thống nhất. Tôi thành con liệt sĩ. Chính quyền cách mạng non trẻ thời ấy đã tìm đến gia đình tôi, cho tôi theo học lớp nghiệp vụ bán hàng, bán hàng bình thường thôi chớ tôi có bằng cấp gì đâu mà làm này nọ.

Chồng tôi cũng thế, anh có chân bảo vệ cho một cơ quan nọ. Hồi ấy, đâu có lương hướng gì. Tiêu chuẩn cho mỗi cán bộ công nhân viên hơn mươi ký gạo, thứ gạo mà chỉ ngửi thấy nước là bủn rẹt ra rồi, cộng thêm vài ký bo bo, vài lạng thịt và ít mắm muối nhưng chúng tôi vẫn sống được bởi chẳng phải lo toan. Còn mẹ thì rất vất vả với công việc đồng áng, không làm thì đói; tôi thương mẹ nhọc nhằn, đơn chiếc nhưng biết làm sao. Muốn gói ghém chút gì để biếu mẹ mà cũng chẳng có. Rồi, khi có chút gì đó lại thương chồng thức khuya, dậy sớm lại thôi. Phải chăng, cái nghèo, cái túng quẫn đã làm cho lễ nghĩa nhạt đi?

Làng mẹ chỉ hơn mươi nóc nhà, ruộng ít lại nhỏ lẻ nên chẳng thể xây dựng thành hợp tác xã. Làng nghèo chẳng có trâu bò giúp sức, người ta vần đổi công cho nhau cuốc trỉa cấy trồng, mọi việc đều phải trông cậy vào đôi bàn tay. Gian nan là thế nhưng có ai chịu bỏ làng đâu, bỏ cái nghèo đâu. Bây giờ thì nói sao mà chẳng được chứ hồi đó, ở phố thì càng ngán. Ngán vì không đất đai, không nghề ngỗng. Đó là đối tượng một phải đi kinh tế mới. Tôi nhớ lần đó mẹ bảo:

- Có vài người ngấp nghé mua đất nhà mình nhưng mẹ không bán, mẹ để dành cho con.

- Vất vả lắm mẹ. Để con bàn với chồng con xem nên bán hay chăng?

- Để làm gì?

- Để mẹ về ở với chúng con.

- Không được đâu con, mẹ quen sống ở quê rồi, có bạn, ra phố buồn chết.

- Mẹ… - Tôi ngúng nguẩy, giận hờn.

Mẹ nhìn xa xôi rồi nhỏ nhẹ:

- Con khờ quá, ai lại sui gia ở nhờ nhau bao giờ. Khi nào vợ chồng con có nhà riêng hẵng hay.

Hai mươi năm sau, vợ chồng tôi có nhà riêng. Con cái cũng đã lớn, đã đi khắp bốn phương trời. Chúng bảo: “Ở cái thành phố đìu hiu hút núi như cha mẹ, tương lai chúng con làm sao phát triển. Phải giàu có chứ, nhà nước khuyến khích giàu mà, dân giàu thì nước mới mạnh. Ai như mẹ, ky cóp với mấy đồng bạc hưu”. Tôi nghĩ đến mẹ, mẹ tôi chắc cũng như tôi, cũng muốn con mình được sung sướng dù phải sống xa mình. Thôi, thì mặc kệ chúng, chúng có tài, có tâm thì tự chăm lo.

Bây giờ tôi mới biết là tuổi già chẳng ai thích sống ở thành phố dù nó tiện nghi. Ngoài thời gian hội họp, sinh hoạt cộng đồng thì vợ chồng tôi chẳng biết làm gì. Muốn trồng cây hoa cũng không được, bước ra khỏi cửa là xe cộ. Muốn nuôi con gà con vịt cũng không xong, nhà chật chội, hôi hám. Nên vợ chồng tôi thường về với mẹ nơi làng quê. Ở đó, chúng tôi tha hồ chăn nuôi, trồng tỉa. Mà hay lắm, làm mệt ăn gì cũng ngon, ngủ sao cũng đã giấc. Riết rồi chồng tôi ở lì luôn ở đó, anh bảo:

- Em có thấy nhớ nhà thì về vài hôm, anh lười đi rồi.

- Sao anh không nói là thèm ăn hàng…

- Cũng định nói thế. Nhưng cô chạy xe cẩn thận đấy, tui phải ở đây trông chừng cà-phê, mưa xuống mình mẹ không kham nổi.

- Cũng được, anh có mua gì không?

- Không, nhưng thèm bánh hỏi heo quay. Nhớ mua cái gì đó cho bà già.

Tôi thầm cảm ơn anh, anh đã nghĩ đến mẹ, thương mẹ. Bây giờ mẹ chẳng phải nhọc nhằn như xưa, công việc đồng áng đã có anh, có tôi chu toàn rồi. Gạo, mắm, muối mẹ cũng chẳng phải lo nữa. Buổi sáng, tôi và anh dậy thật sớm chạy thể dục quanh làng, hít thở cái không khí thuộc loại trong lành của trời đất, của hoa lá. Ghé chợ làng mua vài thứ lặt vặt dùng trong ngày.

Gọi là lặt vặt bởi đồng tiền chi ra không nhiều, nhưng đủ để ba mẹ con ăn uống ba bữa thoải mái. Này nhé, dăm ngàn bún, dăm ngàn rau, mười lăm ngàn một ký cá rô đồng. Thêm trái bầu hay trái bí bự chảng cũng chỉ khoảng năm, bảy ngàn. Ít hành ngò, vài gói gia vị dăm ngàn nữa vị chi tròm trèm bốn chục ngàn là cùng. Bốn chục ngàn chỉ mua được một bát phở ngon ở phố, nghĩa là chỉ mình tôi sống được một buổi sáng. Dăm ngàn bún, ba mẹ con no được bữa sáng với chút rau, chút nước thịt của ngày hôm trước còn lại. Còn cá và bí bầu thì thoải mái no trưa, no chiều. Hôm nào thích ăn thịt thì thêm vài chục ngàn nữa là được. Với đồng lương hưu của tôi thì thoải mái sống ở đây, nhưng ở phố thì khó.

Chúng tôi bây giờ thành nông dân chính hiệu, dậy sớm thức khuya, vất vả chuyên cần. Ruộng của mẹ giờ là những ao nuôi cá tầm, thứ cá đắt tiền nhất ở nước ta hiện nay do vợ chồng tôi đầu tư con giống, công sức. Điện đèn thì xài thoải mái vì dân làng đã biết khai thác điện năng từ nguồn nước suối rừng. Nhà mẹ tôi bây giờ cũng có một tuốc-bin phát điện như thế. Đủ thắp sáng, xem ti-vi, nghe nhạc các kiểu. Mẹ sung sướng lắm khi tuổi già của bà có con cái bên mình.

Ngày ngày, bà nhìn màn ảnh ti-vi làm vui, biết hết mọi chuyện trên trời dưới đất, chuyện năm châu bốn bể. Đôi khi bà khóc sướt mướt vì những tai nạn thương tâm, vì thiên tai bão lũ. Bà kể cho vợ chồng tôi nghe những chuyện ấy vào những bữa ăn. Nào là chuyện, có người mắc phải cái bướu to tới chín chục ký được một bác sĩ Mỹ mổ thành công. Nào là, bệnh lạ ở miền Trung giết chết mười mấy người trong một thời gian ngắn v.v...

Mẹ bây giờ siêng đi chùa, bà bảo: “Khi người ta nghĩ đến cái chết thì người ta sẽ sống có đạo đức hơn”. Hẳn là ai cũng sợ chuyện luân hồi nhân quả, gieo thứ nào thì hưởng thứ đó. Ở ác thì không thể gặp lành. Ý của mẹ cũng là ý của chồng tôi. Anh bảo: “Đời anh chẳng làm gì tội lỗi, không đánh đau một con chó, con mèo. Anh chỉ đứng đó, trước sân cơ quan và khoanh tay lại là bọn gian đã xếp re rồi”. Hẳn là chúng chẳng hề ngán anh nhưng chúng sợ pháp luật, sợ tù tội. Tôi cảm ơn mẹ, ơn anh đã gieo phúc nên giờ con cái tôi đã thành đạt, đã nên người, biết sống có ích cho xã hội.

Đêm ở quê thật thanh bình, sau giờ tin tức, vợ chồng tôi ra lều cá cho cá ăn khuya, xem chúng tung tăng vũ khúc hạnh phúc. Tôi tựa đầu vào ngực anh rạo rực như thuở mười tám đôi mươi, thuở đẹp nhất của đời người. Chẳng hiểu sao, hôm nay rằm nhưng bầu trời lại phủ đầy mây. Chắc cô trăng trinh nữ kia thẹn thùng không dám nhìn cảnh âu yếm của vợ chồng tôi thì phải. Tôi vít cổ anh, hôn thật sâu. Cảm ơn mẹ, cảm ơn anh đã cho tôi cuộc sống hạnh phúc bên cạnh hai người.

 

Truyện ngắn Lý Thị Minh Châu