TÌM HIỂU VỀ PHÁP HỘI TRAI ĐÀN CHẨN TẾ
“Giải oan bạt độ và chẩn tế” là một nghi lễ ảnh hưởng Mật giáo, tên thường trong khoa giáo là Du già Diệm khẩu, dân gian thường gọi là Phóng diệm khẩu, người Việt chúng ta gọi vắn tắt là trai đàn chẩn tế, thuộc Pháp hội Thủy lục – nghi thức cúng cô hồn, do ngài Bất Không Tam Tạng Pháp sư (Kim Cương Trí) đời Đường ở Trung Quốc khởi truyền với các phần chú và ấn làm cơ bản.
Thượng tọa Thích Lệ Trang đang cử hành lễ Chẩn tế
VHPG: Xin Thượng tọa cho độc giả VHPG biết nguồn gốc của lễ “Giải oan bạt độ, chẩn tế”?
TT.Thích Lệ Trang: “Giải oan bạt độ và chẩn tế” là một nghi lễ ảnh hưởng Mật giáo, tên thường trong khoa giáo là Du già Diệm khẩu, dân gian thường gọi là Phóng diệm khẩu, người Việt chúng ta gọi vắn tắt là trai đàn chẩn tế, thuộc Pháp hội Thủy lục – nghi thức cúng cô hồn, do ngài Bất Không Tam Tạng Pháp sư (Kim Cương Trí) đời Đường ở Trung Quốc khởi truyền với các phần chú và ấn làm cơ bản. Từ thời Tống trở về sau, các Pháp sư đã bổ sung thêm phần hiển giáo (giáo lý được diễn đạt bằng lời có thể hiểu được).
Về niên đại pháp hội này du nhập Việt Nam, hiện tôi chưa thấy một tư liệu nào nói chắc chắn. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, tác giả Nguyễn Lang (tức Hòa thượng Thích Nhất Hạnh) đã cho rằng khoa nghi này do ngài Hứa Tông Đạo từ Trung Hoa truyền vào và quảng bá ở Việt Nam đầu thế kỷ XIII. Hiện nay chúng ta còn có một tư liệu do Trúc Lâm Đệ tam tổ Huyền Quang soạn “Pháp sư đạo tràng công văn cách thức thủy lục chư khoa”.
Ở nước ta, thế kỷ III, ngài Khương Tăng Hội có soạn bộ “Nê hoàn phạn bái” (Diễn nghi thức hành trì kinh Niết Bàn bằng lễ nhạc). Và sâu xa hơn, nghi thức này bắt nguồn từ thời Đức Phật, như đã đề cập trong Phật thuyết cứu bạt Diệm Khẩu Đà la ni kinh.
Về tình người mà nói, với cái nhìn của người học Phật, ngoài cuộc sống của con người chúng ta ở dương thế còn có những người bị oan nghiệp trói buộc, những oan hồn bị bỏ rơi, không nơi thừa nhận,vv…, trước tình cảnh đó, người học Phật không thể làm ngơ mà phải hành động để giúp đỡ. Với tâm từ bi, tình người phải được trải đều không phân biệt trong những người thân của mình. Có thể nói nôm na, trai đàn chẩn tế như một cuộc ủy lạo, và đối tượng ủy lạo ở đây là chúng sinh cõi âm, những cô hồn, oan hồn không nơi nương tựa, trong đó có cả người thân của mình vừa chết cũng như nhiều đời.
Có những người khi còn sống có những tư duy, lời nói và việc làm không tốt, khi chết đi, chắc chắn sẽ nhận lấy những kết cục xấu. Người học Phật có quan niệm rằng phải giúp những người đó nhận ra chân lý bằng Phật pháp, lẽ phải để họ tự nhận ra và tự tháo gỡ những trói buộc, vượt thoát các nghiệp xấu. Pháp hội này nhắm đến người đã khuất, nhưng tinh thần và đặc biệt là phần hiển giáo còn có ý nghĩa nhắn gởi đến người còn sống những đạo lý tốt đẹp để sống tốt hơn.
VHPG: Thưa Thượng tọa, xin Thượng tọa nói rõ thêm về ý nghĩa của tên gọi “Du già niệm khẩu”, “Thủy lục Giải oan cứu bạt trai đàn”…
TT.Thích Lệ Trang: Du già là phiên âm từ Phạn ngữ, có nghĩa là tương ứng. Người hành giả hành trì khoa nghi này phải có sự tương ứng giữa thân, khẩu và ý: miệng tụng chú, tay thể hiện ấn, ý quán tưởng. Diệm Khẩu là tên của một loài quỷ luôn trong tình trạng đói khát như miệng luôn đang rực lửa. Theo kinh điển, với tâm từ bi, hạnh nguyện cứu độ muôn loài đang ở trong hoàn cảnh khổ nạn, Bồ tát Quán Thế Âm đã hiện thân làm quỷ Diệm Khẩu trong lúc ngài A Nan nhập định, để ngài A Nam bạch lại với Đức Phật, mong Đức Phật phương tiện giảng pháp cứu độ cho những loài quỷ và rộng hơn là những người bị oan khiên trói buộc, những cô hồn không nơi nương tựa, bị bỏ rơi…
Hòa thượng Nhất Hạnh đã sử dụng những từ ngữ trong khoa giáo và sắp đặt lại theo chủ đề nhấn mạnh của Hòa thượng. Hòa thượng đã gọi tên pháp hội này là “Thủy lục giải oan bình đẳng cứu bạt trai đàn” và đã có sự giải thích trên trang nhà của Đạo Tràng Mai Thôn. Tên gọi pháp hộiThủy lục có từ thời Lương Võ Đế, với tên gọi đầy đủ là “Pháp giới thánh phàm thủy lục đại trai thắng hội”, do ngài Chí Công biên soạn mà hiện nay người Hoa vẫn hành trì. Thủy lục (dưới nước và trên đất liền) nhưng thực ra là bao gồm cả trên không nữa, nhưng vì theo quan niệm thông thường, cảnh giới ở dưới và trên mặt đất tạo oan nghiệp nặng hơn nên nhấn mạnh trong tên gọi như thế.
VHPG: Xin Thượng tọa nói thêm về khái niệm “cô hồn” trong khoa nghi chẩn tế.
TT. Thích Lệ Trang: Khái niệm “cô hồn” rất rộng, bao gồm nhiều tầng lớp xã hội, từ vua chúa, quan lại, thương nhân, nông dân, trí thức, công nhân, binh lính, cho đến những người bị chết bất thường…, kể cả giới xuất gia tu hành, đạo sĩ nếu không sống với chân lý mà chỉ thể hiện chân lý chỉ ở đầu môi chót lưỡi, sau khi chết cũng sẽ bị nghiệp thức dẫn dắt, luân chuyển vào cảnh giới này. Những đối tượng đó là bình đẳng trong cái nhìn từ bi của đạo Phật. Đó là đối tượng của pháp hội trai đàn chẩn tế, không phân biệt địa phương, thành kiến chính trị, ranh giới quốc gia…
VHPG: Là người đã đi nhiều và quan tâm nhiều tới lĩnh vực nhạc lễ Phật giáo. Thượng tọa có thấy điểm gì khác giữa nghi thức trai đàn chẩn tế ở Trung Hoa và ở nước ta hiện nay?
TT. Thích Lệ Trang: Tôi chưa tiếp xúc được nhiều, nhưng đã chứng kiến các kinh sư ở Trung Hoa đại lục hành trì khoa nghi này, thì tôi thấy có nhiều điểm khác biệt, sự khác biệt rõ nhất là rất phong phú trong âm nhạc, giọng điệu, hình thức trang nghiêm hơn. Khoa nghi chẩn tế ở nước ta đậm đà bản sắc âm nhạc dân tộc và mang đặc điểm ba miền khá rõ. Qua sự chứng kiến pháp hội Thủy lục chẩn tế của quý thầy ở Trung Hoa, tôi thấy khoa nghi chẩn tế của Phật giáo Việt Nam có nét đặc trưng.
VHPG: Còn phần nội dung thì sao, thưa Thượng tọa?
TT. Thích Lệ Trang: Đạo lực, sự trong sáng trong tâm linh của những vị hành giả hành trì pháp hội này chính là nội dung của pháp hội.
VHPG: Lễ trai đàn chẩn tế thường được tổ chức vào dịp nào, thưa Thượng tọa?
TT. Thích Lệ Trang: Thường thì có thể tổ chức vào bất cứ lễ hội nào, vào bất cứ mùa nào trong năm cũng được. Nhưng không khí và tình cảnh quen thuộc với mọi người đó là trong dịp tiết tháng Bảy âm lịch, trùng hợp với hai sự tích đó là câu chuyện về ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ trong Phật giáo và ngày xá tội vong nhân của Đạo giáo.
Vào những dịp như báo hiếu tổ tiên, cha mẹ, thầy tổ…, người ta cũng có thể tổ chức pháp hội này nhằm cầu âm siêu dương thái, trong tinh thần từ bi của đạo Phật, không chỉ hạn hẹp cho người thân mà còn cầu cho tha nhân, các chúng sinh khác.
VHPG: Các lễ trai đàn chẩn tế thường được tổ chức vào buổi chiều, nghĩa là từ sau 12 giờ trưa. Vì sao có điều này, thưa Thượng tọa?
TT. Thích Lệ Trang: Theo quan niệm của Phật giáo, chiều tối là khoảng thời gian thích hợp với người âm. Thời gian của họ nên mình “nói chuyện” với họ sẽ dễ thuận hợp.
VHPG: Thượng tọa là phụ trách nghi lễ trong đại lễ trai đàn chẩn tế sắp tới do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh tổ chức tại chùa Vĩnh Nghiêm, xin Thượng tọa cho biết nghi lễ mà Thượng tọa sẽ thực hiện là theo phong cách nào?
TT. Thích Lệ Trang: Trong phạm vi hành trì, tôi được Hòa thượng Nhất Hạnh ở Làng Mai nhờ phụ trách và tôi đã bất đắc dĩ nhận lãnh trách nhiệm này. Trong trai đàn chẩn tế sắp tới, chúng tôi sẽ thực hiện theo nghi thức thuần túy của miền Nam.
Đại trai đàn diễn ra trong 3 ngày. Ngày đầu tiên sẽ làm lễ khai chung bảng, bạch Phật, lễ Chiêu u (đi đến những nghĩa trang, các nơi thường xảy ra tai nạn để mời các vong linh về Pháp hội), và sau đó là lễ Niêm đàn sái tịnh. Buổi tối có lễ Chiêu linh (cúng linh). Tối ngày hôm sau có lễ Phóng đăng. Ngày thứ ba sẽ làm lễ cúng Phật và buổi chiều sẽ đăng đàn chẩn tế. Ngoài các chi tiết chính đó ra thì Lành Mai sẽ có những khóa lễ riêng.
Nội dung lễ giải oan bạt độ có 2 phần: về phần hiển lý, những bài pháp thoại của Hòa thượng Nhất Hạnh, còn về phần hành sự thì thuộc các phần khoa nghi.
VHPG: Trai đàn chẩn tế xuất phát từ Mật giáo, phần hành trì chú phiên âm Phạn ngữ rất nhiều, nhưng những phần hiển giáo (lời thỉnh, tán…) cũng sử dụng âm Hán Việt, và khi hòa với tiếng nhạc cổ, rất khó nghe và khó hiểu. Thực ra, phần lời của phần hiển giáo là rất trau chuốt, súc tích và ý nghĩa thì rất sâu sắc. Trong pháp hội sắp tới, Thượng tọa có sử dụng phần nào bằng Việt ngữ không?
TT. Thích Lệ Trang: Trong pháp hội sắp tới, chúng tôi có sử dụng một phần nghi thức bằng tiếng Việt ngữ nhưng hạn chế trong một số khoa nghi như tiến linh, còn các nghi thức khác thì vẫn sử dụng theo văn bản âm Hán Việt.
Nhân đây chúng tôi cũng nói thêm, tất cả khoa nghi, từ trung khoa cho đến đại khoa, chúng tôi đã dịch ra Việt ngữ rồi. Nhưng chưa thể đưa vào hành trì được vì văn chương trong nguyên khoa rất hoàn chỉnh, phù hợp với nhạc điệu và đã có âm điệu chặt chẽ. Dịch để có thể hành trì được thì không thể vội vàng, nếu vội sẽ dễ “phản” với nguyên nghĩa trong khoa giáo. Dịch để hành trì được thì xem như sáng tạo lại trên cái sườn cũ.
VHPG: Về quy mô, Pháp hội sắp tới tại chùa Vĩnh Nghiêm sẽ được tổ chức như thế nào?
TT. Thích Lệ Trang: Về khoa nghi, chúng tôi sẽ hành trì theo Đại khoa Du già, với khoảng 20 kinh sư. Dự kiến hành trì trong suốt 6 giờ. Nhìn chung, về hình thức, pháp hội được tổ chức quy mô nhất từ năm 1975 đến nay.
Trong những lần trao đổi với quý thầy đại diện Làng Mai, quý thầy cho biết Hòa thượng đã nhắn gởi rằng chúng tôi nên hành trì thật đầy đủ về nghi lễ. Hòa thượng nói đó là một trong những di sản văn hóa của Phật giáo Việt Nam đang có nguy cơ bị mai một nên cần được phục hồi, quảng bá và phát huy.
VHPG: Thưa Thượng tọa, Thượng tọa có thể nói cảm nghĩ của Thượng tọa về pháp hội này?
TT. Thích Lệ Trang: Tôi được thừa kế chư vị Hòa thượng tiền bối về pháp sự này, và khi được Giáo hội và Hòa thượng Nhất Hạnh tin tưởng, tôi nghĩ đây là một dịp tốt, như một tiếng chuông gióng lên, xác định lại tầm quan trọng của nghi lễ truyền thống cổ kính của Phật giáo Việt Nam, là duyên tốt cho chúng tôi làm sống lại những điều mà chư vị tiền bối đã làm, không chỉ nhắm đến lợi ích của người chết mà còn tạo cơ hội cho giới trẻ, những người quan tâm đến âm nhạc truyền thống của Phật giáo miền Nam nói riêng và của văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung được chứng kiến và tìm hiểu những nghi lễ có nguy cơ bị mai một. Theo ý của Hòa thượng Nhất Hạnh muốn tổ chức pháp hội này với tinh thần lễ hội, dựng lại đầy đủ những gì đã có trong quá khứ, nhưng tôi thì không dám nghĩ đến điều đó, mà trong giới hạn hiểu biết của mình, chúng tôi biết đến đâu thực hiện đến đó.
VHPG: Cảm ơn Thượng tọa đã dành cho VHPG buổi trò chuyện này.
Hoàng Độ thực hiện
Theo Văn Hóa Phật Giáo
Pubnews.vn - Đạo và đời văn hóa tâm linh