Tôn tượng Đức Phật sơ sanh tay phải hay tay trái chỉ lên là đúng?
TT.Thích Lệ Trang có thời pháp ngắn trong buổi lễ tắm Phật
tại chùa Huê Nghiêm (Q.2, TP.HCM) - mùa Phật đản PL.2559 - DL.2015
Giải thích về vấn đề này, TT.Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ GHPGVN TP.HCM cho biết: Trong kinh điển, sử Phật giáo xác định Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) sau khi đản sanh đi bảy bước, một tay chỉ đất, một tay chỉ trời, nhưng không nói rõ về chi tiết tay trái hay tay phải.
Việc chúng ta thấy rằng hiện có hai mẫu Thánh tượng Đức Phật sơ sanh ở hai tư thế tay khác nhau có thể lý giải như sau: Văn hóa Ấn Độ luôn xem tay phải là sức mạnh, biểu trưng cho quyền năng, sự công bằng, lẽ phải. Nên khi chế tác tôn tượng đản sanh với tay phải chỉ lên được xuất xứ từ đây. Một số quốc gia như Nepal, Nhật Bản… cũng chịu ảnh hưởng quan niệm này.
Ngược lại, văn hóa Hoa Hạ xem tay trái là biểu hiện cho sức mạnh, quyền lực, sự tôn nghiêm của người trưởng thượng. Vì vậy, tôn tượng có thế tay trái chỉ lên trời có thể xuất phát từ ảnh hưởng của nền văn hóa này. Tại Trung Hoa, Việt Nam... chúng ta thấy có nhiều tôn tượng với tư thế tay trái chỉ lên và tay phải chỉ xuống, cũng trong ảnh hưởng đó.
Cũng theo TT.Thích Lệ Trang, sự tiếp biến văn hóa có ảnh hưởng từ lâu, ngày nay ở một số ngôi đình tại các làng quê vẫn còn thấy hình tượng ông Nhật (tay trái cầm mặt nhật đưa lên) và bà Nguyệt (tay phải cầm mặt nguyệt đưa lên). Hay có thể nhìn thấy trong cấu trúc thờ phượng tại các chùa, tôn tượng Đức Phật Thích Ca tọa vị ở chính giữa, bên trái của Ngài là Thánh tượng Bồ-tát Văn Thù, bên tay phải là Thánh tượng Bồ-tát Phổ Hiền. Điều đó có thể hiểu trong văn hóa của chúng ta xem bên trái là vị trí biểu thị quan trọng hơn bên phải.
Trong xã giao ngày nay, chúng ta có thể nhìn thấy quy định trong vấn đề giao tiếp tại các sự kiện mang tính quốc tế, nhân vật quan trọng bao giờ cũng được sắp xếp ngồi phía bên trái. Điều này có thể lý giải do thổ nhưỡng, cũng như tập quán văn hóa và sự thuận tiện về cơ địa (quay bên trái sẽ thuận hơn).
“Có thể nói, trong quá trình hội nhập và phát triển, việc du nhập các sản phẩm văn hóa là việc tất yếu. Người Phật tử cũng cần có cách nhìn, nghĩ để biết và phân biệt được đâu là văn hóa chính thống, đâu là sự tiếp biến hay pha tạp giữa các nền văn hóa, để hòa nhập mà không bị hòa tan”, Thượng tọa nhấn mạnh.
Quảng Hậu