Trái tim Bồ-tát Thích Quảng Đức thắp sáng lửa yêu thương



55 năm về trước, vào ngày 11-6-1963, tại một giao lộ đông đúc ở trung tâm Sài Gòn, một vị tu sĩ Phật giáo 67 tuổi đã tự thiêu, ngài là Thích Quảng Đức.

“Thích”, có nghĩa là “được tôn kính nhất”, là “họ” cho biết đấy là một tu sĩ, đệ tử của Phật - danh từ riêng dành cho những bậc thầy tâm linh. Từ ngôi chùa trú xứ của mình, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã vượt qua quãng đường dài đến một ngã tư ở Sài Gòn. Chính tại nơi đây, ngài đã tưới xăng lên người, tĩnh tọa trong tư thế hoa sen, và châm lửa tự thiêu. Đây là hành động cực cùng trong truyền thống Phật giáo, “ôm hết khổ đau vào lòng” để đấu tranh, giải thoát khổ đau cho những người khổ đau khác.

Trong khoảnh khắc đó, các môn đồ của ngài cầu nguyện và dàn hàng rào quanh ngài, không để cảnh sát can thiệp; mặc cho sự tấn công của cảnh sát, hàng rào người vẫn không lùi lại - như lời dạy của vị Thiền sư. Ngày nay, Đài tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức tọa lạc tại góc đường nơi diễn ra sự kiện này - tái hiện hình ảnh ngài, an tọa giữa ngọn lửa bùng cháy.

Năm nào cũng vậy, suốt 18 năm qua, tôi đều tổ chức chuyến đi gồm những nhóm cựu chiến binh, người hành hương đến “thánh tích” này với ý nguyện chữa lành và hòa giải. Chúng tôi đến tham quan đài tưởng niệm, thiền định, cầu nguyện và tự hỏi “sự hy sinh của ngài dạy gì cho chúng tôi”. Trong chuyến thăm đầu tiên cách đây gần hai thập niên - khi đài tưởng niệm chỉ là một tượng tạc phần đá hoa cương Thiền sư đang trong tư thế thiền định, tôi thắp nén hương và đảnh lễ trước bệ thờ. Tĩnh lặng, tôi “nghe thấy” những lời này: “Khi tôi cháy lên, hãy để tôi ngồi yên”.

Khó khăn nhất chính là ngồi trong trạng thái đau đớn, khổ sở mà không đổ nhào về trước, không ngã bật về sau hay bỏ mặc tất cả những thứ xung quanh trong phẫn nộ, chối bỏ hay những hành động lơ đễnh khác. Phật giáo dạy chúng ta không nên biểu đạt bạo lực với bất kỳ chúng sanh nào. Dường như đó chính là thử thách lớn lao nhất để có thể chấp nhận nỗi đau của chính mình so với việc “quăng trả” nỗi đau đó cho thế giới này.

Trong ngày hôm ấy, Hòa thượng Thích Quảng Đức bị bao quanh bởi những cuộc chống trả đầy bạo lực. Khi bị bao quanh bởi sự bát nháo và bạo lực, giữ được cái tâm tĩnh tại thật sự là thử thách. Và ngài đã làm được như thế!

Trong chuyến thăm gần đây nhất của tôi, tháng 11 năm ngoái, tôi tự hỏi mình rằng: Làm thế nào chúng ta có thể “chịu đựng được” bạo lực, sự lạm dụng bạo lực kinh khủng đang có mặt ở các quốc gia và hành tinh của chúng ta thời nay? - Lần này, góc đường tấp nập người xe trở nên thiêng liêng bởi sự hy sinh của ngài, tôi đã nghe thấy như vầy: “Chỉ có tình thương rộng khắp, mới vượt lên trên khổ đau bất tận”.

Khi tự thiêu, Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi, không kêu thét mà thầm tụng kinh Phật. Khi thân ngài bị thiêu cháy và sắp đổ xuống, ngài vươn một cánh tay về phía trước để nâng mình lên và tiếp tục tụng kinh. Trong ngọn lửa phừng cháy, ngài vẫn điềm nhiên, chấp nhận và bất động.

Từ đó, quả tim bất diệt và ngọn lửa yêu thương được thắp lên sau hơn nửa thế kỷ. Phần còn lại của nhục thân ngài được giao trở lại cho giới Phật giáo và điều kỳ diệu mà chúng ta thấy biết cho đến ngày nay là quả tim của ngài trở thành một khối rắn, không thể thiêu rụi.

Ý nghĩa Bồ-tát là để nói đến một vị chân tu đã đạt đến sự giác ngộ, nhưng “từ chối” quả vị Phật để tiếp tục lưu trú trong cõi người cho đến khi tất cả chúng sinh “đồng thành Phật đạo”. Vị Bồ-tát ấy đã ở lại và chịu khổ đau cùng chúng sanh. Người Việt Nam gọi vị thầy tâm linh ấy là Bồ-tát Thích Quảng Đức. Khi ngồi ở góc đường ấy, tôi nghe thấy, như thể thanh âm được vang lên từ chính ngài:

Ta phải yêu thương cuộc đời và thế giới này thật nhiều - hãy mở rộng con tim đến vô tận - để khổ đau cá nhân trở thành không nghĩa lý. Hãy mở rộng con tim, không ngằn mé để con tim có thể bi mẫn với thế giới bao la và với tất thảy những gì trong lòng thế giới ấy - thậm chí với những chúng sanh đã từng làm ta thương tổn, phương hại và lầm lỗi với ta.

Đây là những bài học khó, tôi đã học được từ quãng thời gian lưu trú ở Việt Nam. Chính nơi đây, những người tôi gặp gỡ đã chào hỏi tôi bằng yêu thương bất luận những sợ hãi, kinh hoảng mà chúng tôi đã từng mang đến. Hôm nay, tôi tin tưởng sâu sắc rằng: Để có thể đối mặt và chữa lành những vết thương ngày cũ, chúng ta phải tìm kiếm thứ tình thương ấy…

Edward Tick làm công việc viết sách và là chuyên gia trị liệu tâm thần, chuyên về chữa lành thương tổn do chiến tranh. Ông đã viết 6 quyển sách, trong đó có quyển sách từng đoạt giải thưởng - Chiến tranh và Linh hồn (War and the Soul) cùng hơn 150 bài báo.

Edward được xem là một trong những người tiên phong trong điều trị thương tổn sau chiến tranh và đã phục vụ như chuyên gia trị liệu rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD) và tổn thương tinh thần (MI) của Lầu Năm Góc (Hoa Kỳ). Ông còn là Giám đốc Công ty phi lợi nhuận Soldier’s Heart (Trái tim người lính) chuyên về PTSD và MI.

 


Edward Tick